Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tác nghiệp ở Mát-xcơ-va - sợ gì nhất?


(05/11/2008 09:08:56)

Có lẽ tôi là một trong số ít phóng viên TTXVN được vinh dự thường trú cả trong nước lẫn ở Tây, vì vậy trong đầu hay nảy sinh so sánh. Tác nghiệp ở mỗi nơi có những cái thuận và cái khó riêng. Trong bài viết này tôi xin giới hạn ở mặt "khó" của hạng phóng viên "nhận lương đô, đi làm bằng ô tô".

            Trước hết, nói chuyện ô tô. Trở lại LB Nga lần này, tôi được toàn quyền sử dụng chiếc Volvo S40. Năm 1999, khi tôi sắp hết nhiệm kỳ 1 ở Mátxcơva, đây là "con" xe mới tậu, tinh tươm, láng bóng, đeo biển đỏ (ngoại giao). Năm 2006 nó đã mang dáng vẻ không được bắt mắt lắm, mang biển trắng (thường dân) lại hay hỏng vặt. Mà phụ tùng Volvo ở Nga vừa cực đắt, vừa hiếm. Vài lần nó đã làm tôi điêu đứng giữa đường. Nhưng ý tôi không phải về việc này.

            Mátxcơva là thành phố tắc đường nhất thế giới. Theo dịch vụ "Bản đồ Yandex", năm 2008 mỗi ngày trong thành phố với hơn 10 triệu dân và 3 triệu khách vãng lai có trung bình hơn 800 vụ tắc đường với gần 1.400 xe/vụ và thời gian "chết" 1 giờ 26 phút/vụ. Trung bình mỗi người lái xe một tháng phải hy sinh vô ích từ quỹ thời gian của mình hơn 12 giờ rưỡi vì tắc đường. Phóng viên còn mất nhiều hơn thế.

            Chẳng hạn, đến dự cuộc họp báo vào lúc 10 giờ sáng ở một địa điểm cách phân xã hơn chục cây số, chúng tôi xuất phát trước 9 giờ cho chắc ăn. Phòng xa như thế mà có hôm vẫn đến muộn, còn nếu may mắn "đường không thèm tắc" thì phóng viên phải ngồi "gặm móng tay" chờ hơn nửa giờ. Chỉ một việc đơn giản như chuyển công văn của Ban thư ký biên tập, TTXVN, cho Vụ hợp tác quốc tế của ITAR - TASS, cũng mất đứt cả buổi sáng.

            Tham dự những hoạt động quan trọng, phân xã thường phải bố trí hai hoặc ba phóng viên. Một người chỉ có nhiệm vụ lái xe. Không phải để cho oai, mà là phòng khi tắc đường. Lúc đó "bác tài" ở lại với chiếc xe tội nợ còn những người khác thì vội vàng tìm đến ga tàu điện ngầm gần nhất. Một kỷ niệm tôi không bao giờ quên: Buổi chiều cuối năm 2006, tôi cùng chị Nguyễn Thị Kim Hiền (Đài tiếng nói nước Nga) đến dự buổi nói chuyện của Chingiz Aitmantov, nhà văn Cưrơgưxtan nổi tiếng với những truyện ngắn mà tôi rất mê thuở còn đi học như "Zhamilya", "Người thầy đầu tiên"... Buổi nói chuyện bắt đầu lúc 7 giờ tối ở trung tâm thành phố. Chúng tôi xuất phát từ phân xã lúc 5 giờ chiều, đúng giờ cao điểm. Đường tắc suốt nửa đại lộ Lênin, theo hướng đi vào thành phố. Đến 7 giờ chúng tôi mới đi được nửa hành trình, đành bỏ cuộc. Tháng 6 năm nay nghe tin Aitmatov mất trong một bệnh viện ở Đức, tôi tiếc ngẩn bởi cái nguyên nhân "lãng xẹt" đã khiến mình bỏ qua cơ hội duy nhất được gặp nhà văn yêu thích.

            Lần khác, tôi được phân công chụp ảnh Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đặt vòng hoa tại tượng đài Hồ Chí Minh ở quận Tây - Nam Mátxcơva. Dù đi sớm nhưng do loay hoay mất 20 phút tìm chỗ đậu xe nên tôi vẫn đến sau đoàn Phó Chủ tịch nước có cảnh sát hộ tống và dẹp đường. May mà không bị cơ quan kỷ luật. Để chuộc lỗi, tôi đã cố gắng chụp những tấm ảnh đẹp và viết một bài khá cảm động về chuyến đi của đồng chí Trương Mỹ Hoa tại nước CH Kalmykya (ở phía Nam LB Nga).

            Kỷ lục "rùa bò" của tôi là gần 4 tiếng đồng hồ cho một đoạn đường chưa đến 20 cây số, từ phân xã ở đại lộ Lênin đến ga xe lửa Bêlarút!

            Mới đây nhất tôi đã bị cảnh sát giao thông thành phố cẩu mất xe vì "tội" đỗ không đúng chỗ. Hôm đó tôi đưa hai anh Việt Cường và Văn Chữ mới ở Tổng xã sang theo diện trao đổi phóng viên giữa TTXVN và ITAR - TASS, đi chụp ảnh ở công viên Chiến thắng. Công viên rộng 135 ha nhưng không có lấy một bãi đỗ xe chính thức. Tôi đành dừng bên lề đại lộ Kutuzov, xếp sau một hàng xe dài. Quay ra thì cả dãy xe "bốc hơi" từ lúc nào không rõ. Đận ấy, suốt từ 3 giờ chiều đến 1 giờ rưỡi sáng hôm sau tôi đã phải chạy từ phía này sang phía khác thành phố mấy lượt mới làm đủ thủ tục chuộc xe về.

            Bởi vậy, đối với tôi tắc đường và thiếu chỗ đỗ xe trở thành ác mộng trong suốt nhiệm kỳ ở Mátxcơva. Chúng tôi thường bỏ xe để đi tàu điện ngầm khi tham gia các hoạt động ở khu trung tâm, nhất là khi phải làm tin gấp. Tuy nhiên, đi phương tiện công cộng ở một số tuyến đường lại có khả năng đối mặt với nguy cơ khác - bọn đầu trọc.

            An ninh là nỗi ám ảnh lớn thứ hai, không phải xuất phát từ các nhóm đầu trọc bài ngoại. Nhiệm kỳ trước tôi đã bị sốc khi vào một chi nhánh của Sở Năng lượng thành phố để trả tiền điện thì thấy tổ cảnh sát súng tiểu liên lăm lăm đứng ở cửa. Bây giờ cảnh tượng này không có, chỉ còn các máy kiểm tra vũ khí đặt nhan nhản khắp nơi. Tuy nhiên, đến đưa tin những hoạt động có sự tham dự của các "yếu nhân", đội ngũ phóng viên phải qua các quy trình chống khủng bố rất ngặt nghèo.

            Cuộc đại họp báo thường niên của Tổng thống Vladimir Putin tháng 2/2008 (nay là Thủ tướng Nga) bắt đầu từ 12 giờ trưa nhưng chúng tôi phải có mặt trước 7 giờ rưỡi sáng ở cổng điện Kremli để chờ kiểm tra an ninh. Tháng Hai ở Nga còn là mùa đông, một trong hai tháng lạnh nhất. Năm 2007 lần đầu tham dự, tôi đã bị cóng và suýt phải bỏ cuộc vì xếp hàng lâu ngoài trời. Gần 5 giờ chiều cuộc họp báo kết thúc, hàng nghìn nhà báo phờ phạc vì... đói.

            Tham dự buổi lễ diễu binh hoành tráng nhân dịp Ngày Chiến thắng (9/5) năm nay, bên cạnh sự háo hức thì tôi cùng các đồng nghiệp còn có cảm giác căng thẳng vì trải qua mấy vòng kiểm tra vũ khí và chờ đợi 4 giờ đồng hồ. Mệt mỏi nhưng không ai ca cẩm vì chống khủng bố ở Mátxcơva đã là "một phần của cuộc sống".

            Hoạt động trong điều kiện như vậy thì phải có "máu" phóng viên thế nào đó mới thích "bay nhảy" thay cho ngồi tại chỗ "dịch lia lịa". Làm công việc biên dịch vừa an toàn theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - cho tính mạng và cả về mặt định mức. Nhưng đã là "máu" rồi thì ai còn tính toán thiệt hơn nữa....

Trần Quang Vinh
Phóng viên TTXVN tại Mát-xcơ-va)
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2008