Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Chúng tôi "thử sức" ở Olympic Bắc Kinh


(03/12/2008 13:12:19)

Máy ảnh khoác vai, tài khoản điện thoại di động đầy tiền, máy tính nối mạng sẵn trong túi, máy quay phim bật sẵn và một tấm bản đồ Bắc Kinh lăm lăm trên tay, đó là những hành trang của mọi thành viên trong nhóm phóng viên TTXVN tác nghiệp 26 ngày tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Tôi và Tuấn Đạt (báo Thể thao&Văn hóa) là hai phóng viên được tăng cường từ Hà Nội sang, có mặt tại Bắc Kinh ba ngày trước lễ khai mạc. Đón chúng tôi và đoàn VĐV Việt Nam dự Olympic 2008 tại sân bay là Trưởng phân xã TTXVN tại Bắc Kinh Nguyễn Xuân Chính và phóng viên thường trú Lê Vĩnh Hà. Ngay lập tức, nhóm chúng tôi bắt tay vào việc. Trưởng phân xã Chính nhanh chóng tiếp cận Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, lúc đó đang lúng túng bên đống vali và bộn bề hành lý của các VĐV, để phỏng vấn nóng. Vĩnh Hà không bỏ lỡ cơ hội quay phim chi tiết các hoạt động của đoàn thể thao Việt Nam trong giờ đầu đặt chân đến Trung Quốc. Tuấn Đạt nhanh chóng phát hiện ra ban huấn luyện của đội tuyển vật (sang Bắc Kinh trước) và bám riết để "moi" thông tin. Còn tôi, với chiếc máy ảnh, cũng không chậm trễ ghi lại những hình ảnh sôi động ấy.

Vậy là ngay giờ phút đầu tiên đến Bắc Kinh, chúng tôi đã lập tức nhập cuộc đưa tin về Olympic. Tuy nhiên, không phải mọi việc đều thuận tiện. Trên đường từ sân bay về Trung tâm Báo chí Quốc tế Bắc Kinh (BIMC), Trưởng phân xã đã thông báo cho chúng tôi một tin buồn: Không ai trong số 6 phóng viên TTXVN (gồm 3 phóng viên phân xã; 2 từ Hà Nội sang và 1 từ Hồng Công tới) đưa tin về Olympic có được chiếc thẻ tác nghiệp chính thức của Đại hội. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) chỉ cấp cho Việt Nam 5 thẻ, và Ủy ban Olympic quốc gia, với lập luận "được toàn quyền quyết định", đã phân phát 5 thẻ này cho các báo của ngành, gồm báo Thể thao Việt Nam, báo Thể thao TP.Hồ Chí Minh, Điện ảnh Thể thao. Hai chiếc còn lại thuộc về hai quan chức của đoàn thể thao Việt Nam. Còn chúng tôi, bằng sự cố gắng tối đa của phân xã Bắc Kinh, chỉ có được những tấm thẻ vào làm việc tại BIMC mà thôi. Điều này đồng nghĩa với việc được có mặt tại các điểm thi đấu của Olympic chỉ như một giấc mơ. Còn việc mua vé để có mặt tại sân vận động hay nhà thi đấu, khó như đi du lịch vũ trụ. Thứ nhất bởi không phải ai cũng có thể mua được vé khi mà 98% số vé của mọi cuộc thi đấu đã được bán hết nửa tháng trước đó. Thứ hai là, giá vé chợ đen cao đến mức chóng mặt. Chẳng hạn, vé vào sân Tổ Chim xem khai mạc có giá niêm yết là 5.000 tệ (khoảng 12,5 triệu đồng), nhưng được bán ngoài chợ đen với mức giá gần gấp 10 lần như thế!

Tối hôm đó, chúng tôi đã có cuộc họp triển khai công tác và nhất trí phương thức tác nghiệp của nhóm PV TTXVN trong đợt thông tin đặc biệt này là vượt khó, đa dạng, sáng tạo, thích hợp hoàn cảnh và tự vượt sức mình.

Phóng viên Tùng Lâm (trái) và Tuấn Đạt sử dụng xe đạp điện - một trong những phương tiện giao thông cơ động và hữu ích trong đợt thông tin Olympic Bắc Kinh 2008.

Tuấn Đạt, với kinh nghiệm "vài năm làm thể thao, có quan hệ tương đối", đã đi tiên phong trong việc "thích hợp hoàn cảnh". Điện thoại di động liên tục nóng, kết nối với các thành viên đoàn thể thao Việt Nam đang biệt lập trong Làng Vận động viên và cả với Hà Nội, lấy được những thông tin nóng hổi. Máy tính xách tay kết nối Internet, trừ lúc di động, đã giúp anh có được rất nhiều chủ đề thông tin để lựa chọn. Tuấn Đạt luôn bám sát các "động tĩnh" liên quan đến Olympic và có mặt tại các điểm nóng bên lề ở Bắc Kinh. Thường thức đến 2-3 giờ sáng trong nhiều đêm liền, công sức lao động của anh được thể hiện trong những tin, bài mang bút danh Phạm Tấn kín đặc trên 2 trang báo Thể thao&Văn Hóa mỗi ngày.

Vĩnh Hà "bị" Trung tâm Nghe nhìn TTXVN phát hiện ra khả năng quay phim, nên trong đợt thông tin đặc biệt này, anh nhận được đơn đặt hàng từ Hà Nội: Mỗi ngày làm một phóng sự ngắn về Olympic. 26 phóng sự trong vòng 26 ngày tưởng như là một con số không tưởng, nhưng Vĩnh Hà đã làm được hơn như thế: 31 phóng sự. Anh đã thể hiện được muôn mặt đời thường bên lề Olympic, từ không khí chuẩn bị đến sự nhiệt thành của các tình nguyện viên; từ công việc cần mẫn của những người quét rác, đến các điểm sinh hoạt ngoài trời sôi động suốt quá trình diễn ra Olympic Bắc Kinh... Mỗi ngày, anh ra đường từ 10 giờ sáng, trở về lúc 6 giờ chiều. Cơm tối xong, lại cặm cụi ngồi biên tập, gửi phim về Hà Nội, nhiều khi đến hơn 1 giờ sáng.

Không kém cạnh các đồng nghiệp, Bùi Xuân Tuấn, phóng viên được tăng cường từ Hồng Công qua, đã thể hiện được tinh thần cần mẫn trong quá trình tác nghiệp của mình. Anh túc trực 12 tiếng mỗi ngày tại BIMC, "tóm" ngay những thông tin nóng của Đại hội, nhanh chóng tổng hợp, biên tập, gửi về Tổng xã. Bùi Xuân Tuấn cũng đã có được rất nhiều những bài phỏng vấn, nhận định tình hình chung trong các cuộc đua tranh huy chương của các cường quốc thể thao trên thế giới tại Olympic lần này. Các môn thi đấu ở Olympic Bắc Kinh mới diễn ra có vài ngày, Bùi Xuân Tuấn đã có ngay bài nhận định: Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về số huy chương vàng, đứng đầu bảng tổng sắp, nhưng còn lâu mới được coi là một cường quốc thể thao.  Anh làm được điều tưởng như rất khó khăn ấy bởi rất chịu khó tiếp xúc chuyện trò, tìm hiểu qua các phóng viên quốc tế khác cùng làm việc tại BIMC.

Còn đối với Bùi Văn Phóng, phóng viên phân xã Bắc Kinh, đợt thông tin đặc biệt về Olympic thật sự là quãng thời gian anh quyết tâm "vượt khó" hoàn thành nhiệm vụ. Nói là "vượt khó" bởi từ trước tới nay, Bùi Văn Phóng chưa có nhiều thời gian làm tin thể thao. Chỉ sau một vài lần ngỡ ngàng, Phóng đã nhanh chóng làm quen, tiếp nhận và "sử dụng thành thạo" những từ chuyên môn của thể thao trong vô số những tin, bài mà anh gửi về mỗi ngày. Trong chuyên môn, anh là người rất cầu thị, luôn hỏi về những gì chưa biết trong lĩnh vực này, để cuối cùng, có được những tác phẩm báo chí nhanh chóng, hấp dẫn và chính xác.

Còn tôi, một phóng viên ảnh, cũng đã gặp không ít khó khăn trong quá trình tác nghiệp tại Bắc Kinh. Đặc thù của nghề ảnh là phải tiếp cận được hiện trường, mới có được hình ảnh về sự kiện. Tưởng chừng như công việc của tôi sẽ trở nên vô nghĩa bởi không thể có thẻ tác nghiệp chính thức, nhưng nhờ sự động viên của đồng nghiệp và sự cố gắng của bản thân, tôi đã không chỉ gửi về Tổng xã những bức ảnh mang hơi thở của Olympic Bắc Kinh, cho dù phần lớn chỉ là những chuyện bên lề, mà còn có thêm những tin bài đa dạng về nhiều mặt đời sống thành phố Bắc Kinh trong những ngày Thế vận hội diễn ra sôi động tại đây để gửi về đăng trên báo Tin Tức.

Cả nhóm phóng viên đã phối hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển, hiệu quả cao, chất lượng tốt. Chúng tôi chỉ có thể có được thành công như vậy với sự chỉ đạo sát sao, và chân tình của Trưởng phân xã Nguyễn Xuân Chính. Anh phân công công việc cho từng người theo sở trường. Sức làm việc của Trưởng xã làm đám thanh niên chúng tôi nể phục. Ngủ vài tiếng mỗi ngày, không bỏ qua bất cứ cuộc tranh tài nào của Olympic được phát trên ti vi, theo sát các nguồn thông tin để kịp thời định hướng đưa tin... Bên anh, những người trẻ tuổi như chúng tôi thấy mình còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Ở đây, tôi không thể không kể đến sự chăm sóc ân cần, thầm lặng của chị Oanh, phu nhân Trưởng phân xã. Chị chăm chút chúng tôi từ cốc sữa buổi sáng sớm đến bát cháo lúc đêm khuya. Vốn là phóng viên TTXVN nay đã nghỉ hưu nên chị rất hiểu, thông cảm và chia sẻ với công việc của cả nhóm phóng viên tăng cường.

Tạm biệt Olympic, tôi mang về Hà Nội những kỷ niệm khó quên: Những đêm cuốc bộ gần  lúc 12 giờ đêm từ sân Tổ Chim hay Làng Vận động viên bởi không dễ có được một chiếc taxi lúc đó. Những ngày đói mệt vì cả nhóm ham việc từ sáng sớm đến chiều muộn, quên cả ăn trưa. Niềm vui bất tận khi có được những thông tin phát hiện và những tác phẩm hay; nỗi buồn vô hạn khi chứng kiến những "ngôi sao thể thao" Việt Nam đã vội hợm mình ngay sau chiến thắng... là những cung bậc tình cảm mà chúng tôi, những phóng viên làm Olympic, đã trải qua trong những ngày có mặt tại Bắc Kinh sôi động.

Lãnh đạo cơ quan TTXVN đã có một thử nghiệm quan trọng khi quyết định cử một nhóm phóng viên ra nước ngoài đưa tin về một sự kiện lớn, như Olympic Bắc Kinh 2008. Chúng ta có thể nghĩ đến việc sẽ có nhóm phóng viên TTX "đa năng" như thế xuất hiện tại những nơi đang là điểm nóng trong khu vực và trên thế giới. Đó sẽ là lúc để TTXVN khẳng định vị thế của mình và cũng là dịp để những phóng viên được lựa chọn thể hiện bản thân. Với tôi, lại mong có được lần thử sức.

Tùng Lâm
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2008