Thứ sáu, ngày 26/07/2024

Sổ tay phóng viên

Nhớ "Cao Bằng boong hây"! *


(30/12/2008 19:10:32)

Vậy là tôi đã chia tay "non nước Cao Bằng", xa vùng đất biên ải đã gắn bó 4 năm với bao kỷ niệm vui buồn.

Nhớ những ngày đầu "ngược ngàn" với bao bỡ ngỡ, từ phong tục, tập quán và cả những chuyến đi cơ sở xa tới gần 200 km, phải ngồi trên xe mất cả ngày trời... Tuy đã có gần 4 năm thường trú tại phân xã miền núi Thái Nguyên nhưng khi được phân công lên Cao Bằng, trực tiếp tác nghiệp ở đây, tôi mới thấy hết những khó khăn, vất vả ở một tỉnh vùng cao địa đầu Tổ quốc. Chuyến công tác dài ngày đầu tiên - bắt đầu nhiệm kỳ thường trú ở Cao Bằng - đó là vượt đèo, vượt núi lên cao nguyên đá Lục Khu, vùng đất gồm 11 xã đặc biệt khó khăn ở huyện Hà Quảng. Từ phân xã đến huyện rồi ngược lên điểm "khát" nhất tại hai xã Hồng Sỹ và Sỹ Hai đã quá trưa. Tuy mới vào đầu mùa khô (khoảng tháng 10 âm lịch) nhưng tất cả các bể nước khu vực trung tâm xã đã cạn kiệt. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh cô giáo phải nhường nước cho học sinh, những người phụ nữ, trẻ em dân tộc Mông phải đi xa tới hơn 7km để gùi nước... mà không khỏi bùi ngùi. Hai ngày thâm nhập thực tế, cùng cán bộ xã đi tới từng mỏ nước, các bể chứa để lấy tư liệu, chụp ảnh nên bài viết "Lục Khu mùa khát" đã được tôi hoàn thành rất nhanh... Và còn biết bao chuyến đi đáng nhớ khác, từ các huyện miền Tây, nơi thượng nguồn sông Gâm, bão lũ bất ngờ, mới vừa trong xanh hiền hòa chỉ vài tiếng sau đã gầm gào như con thú hoang hung dữ đến những huyện miền Đông lạnh cắt da, cắt thịt. Đường lên các bản cheo leo đá tai mèo... Mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm, là mỗi lần làm dày thêm vốn sống của mình.

Nhớ Cao Bằng - nhớ những lần tác nghiệp mà khi đã qua chợt giật mình vì không chỉ có sự hiểm nguy mà còn rất dễ gặp những "tai nạn nghề nghiệp". Đó là những ngày đầu đông 2007, khi được biết tình trạng khai thác vàng trái phép ở huyện Thạch An đang diễn biến rất phức tạp, cùng với một đồng nghiệp địa phương, mặc cho trời mưa rét, chúng tôi lao vào "điểm nóng". Trên tuyến đường dọc sông Hiến qua các xã: Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng, đâu đâu cũng thấy đào bới nham nhở. Đau xót hơn, những đám ruộng ven sông bị lật tung để tìm vàng. Trụ sở UBND xã vắng hoe, cán bộ văn phòng, địa chính "ngại" tiếp nhà báo vì chưa có "chỉ đạo" nên tránh mặt. Để có tư liệu cho bài viết, chúng tôi chỉ còn cách giả làm người mua vàng xuống tận các "moong" (hố) vàng để khai thác thông tin trực tiếp... Đến cuối chiều những thông tin cơ bản đã có đủ nhưng lại phát hiện thêm một vấn đề mới: Những đàn bò nhập lậu từ Trung Quốc cũng được các chủ hàng thuê người dắt qua con đường này để sang Bắc Kạn rồi xuống các tỉnh miền xuôi. Tìm đến tận nhà riêng của lãnh đạo xã để hỏi thêm tình hình, chụp nhanh vài tấm ảnh cảnh đang lùa bò lên xe rồi chúng tôi tìm đường phóng nhanh ra thị xã Cao Bằng. Đường đá quanh co, xe nhảy chồm chồm, một bên là ta luy, một bên là vực nhưng vẫn phải "tẹt ga" vì phía sau một số đối tượng buôn lậu bò cũng đang cố đuổi theo... Cũng may, gần nửa đêm, chúng tôi về đến nơi an toàn. Ngay sau đó, bài viết về nạn đào đãi vàng trái phép ở Thạch An và tin cảnh báo về tình trạng buôn lậu bò Trung Quốc nơi đây sau khi TTXVN phát mạng đã được nhiều báo khai thác sử dụng. Riêng bài "Đua nhau khai thác vàng trên đất nông nghiệp" trên báo Tin Tức còn được Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu tâm, đề nghị tỉnh Cao Bằng kiểm tra và báo cáo Văn phòng Chính phủ. Ngay lập tức, huyện Thạch An phải tổ chức một chiến dịch truy quét các đối tượng đào đãi vàng trái phép khá quy mô. Từ sự việc báo chí phản ánh, 9 cán bộ lãnh đạo và công an của 3 xã Quang Trọng, Minh Khai, Canh Tân đã bị kỷ luật...

Một lần tác nghiệp khá mạo hiểm khác chính là "sự kiện" Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đem tiền phong bì làm từ thiện. Sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ biên tập, tôi đã gác lại kỳ nghỉ 30/4 và 1/5/2008 để cố gắng làm tin một cách khách quan, đầy đủ nhất. Lúc đó, thông tin đã "vỡ" ra, lan rộng, tạo thành nhiều luồng dư luận khác nhau khiến ông Chủ tịch tỉnh gần như không tiếp xúc với báo giới. Bằng uy tín của cơ quan và trổ hết khả năng thuyết phục, cuối cùng, Chủ tịch tỉnh cũng đồng ý trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, vị chủ tịch này (vốn xuất thân từ quân đội) yêu cầu phóng viên không được ghi âm mà chỉ trao đổi bình thường. Bằng sự chân thành và một số "mẹo" nhỏ trong khai thác thông tin, sau nửa giờ, ông Chủ tịch đã trò chuyện khá cởi mở trả lời thiện chí các câu hỏi của phóng viên. Ngay tối hôm đó và ngày hôm sau, hầu hết các báo mạng đều sử dụng lại bài phỏng vấn này của TTXVN. Riêng tôi thì thấp thỏm, bởi nếu như phía UBND tỉnh phản ứng về bài viết này, nhất là những chi tiết khá "nhạy cảm" thì phóng viên cũng chịu vì không có băng ghi âm. Tuy nhiên, sau đó mọi việc vẫn ổn thoả, bài phỏng vấn đăng trên báo Tin Tức, Thể thao&Văn hoá và một số báo khác, được người dân thị xã Cao Bằng phô-tô để đọc.

Gác lại những chuyện nghề nghiệp, ấn tượng nhất trong thời gian ở Cao Bằng có lẽ là tình cảm chân chất, mộc mạc của người dân địa phương cũng như bạn bè, đồng nghiệp. Không ít lần trên đường đi công tác chúng tôi bị hỏng xe phải vào nhà dân nhờ sửa nhưng chưa bao giờ bị "chặt, chém" như ở nơi khác. Thậm chí cả chủ và khách còn phải uống với nhau bữa rượu chào hỏi, làm quen mới tiếp tục lên đường. Có lên Cao Bằng, sống hoà nhập với người dân bản địa mới thấy câu "Mời rượu cả chum, mời quả cả cây..." khi khách đến nhà thật xác đáng. Đối với phóng viên nam còn đỡ chứ phóng viên nữ cùng đi cơ sở thì "cửa ải" khó khăn nhất chính là.. rượu. Rượu mời từ UBND xã, đến thôn bản và khi chia tay lại càng phải có... rượu. Rượu ngô vùng cao không quá nặng mà cứ thơm thơm, nhạt nhạt rất dễ uống, nhưng khi về đến nhà mới ngấm và... say. Càng được quý càng được (bị) mời nhiều và thật khó từ chối. Nhớ những lần lễ, Tết thanh minh, rằm tháng bảy... mỗi khi đi công tác cơ sở, trở về là chúng tôi rủng rỉnh bánh dậm, bánh lá ngải, bánh trứng kiến của bà con, anh em bạn bè tặng thứ quà quê thật giản dị nhưng chứa đầy tình cảm, ấm lòng những người xa quê như chúng tôi...

Giờ đây khi đã ở một địa bàn mới, lại tiếp tục những công việc mới khi nhớ đến Cao Bằng, trong tôi lại vang lên câu hát chia tay quen thuộc của người Nùng: "Jiam sai lồ sài Jiàm" (khoan, khoan đừng vội về). Với riêng tôi, Cao Bằng là quãng thời gian thật ý nghĩa - vùng đất đã giúp tôi trưởng thành và gắn bó hơn với nghiệp thông tấn!

 

* 'Cao Bằng boong hây': Cao Bằng của ta

Hoàng Thảo Nguyên
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một số kiểu kết thúc cơ bản trong phóng sự (30/12/2008 19:07:09)

Tiêu chuẩn thi nâng ngạch chuyên viên chính (03/12/2008 14:51:28)

Xu hướng gia tăng họp ảo (03/12/2008 14:49:20)

Chuýằ‡n cặĂ quan nhỏằ¯ng ngày õ€œnặ°ỏằ›c nỏằ•iõ€ (03/12/2008 14:47:34)

Chúng tôi "thử sức" ở Olympic Bắc Kinh (03/12/2008 13:12:19)

Tham khảo 9 cách viết mào đầu hấp dẫn (03/12/2008 13:09:53)

Tăng dung lượng lưu trữ và giải trí với các thiết bị ngoại vi (05/11/2008 09:12:03)

Tác nghiệp ở Mát-xcơ-va - sợ gì nhất? (05/11/2008 09:08:56)

Cảm nhận về một tác phẩm đoạt giải A (04/11/2008 10:04:25)

Quyền và nghĩa vụ xung quanh vấn đề cung cấp thông tin (04/11/2008 09:15:03)