Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Nhớ những ngày đón Tết ở Washington


(19/01/2009 10:11:34)

Náo nức chờ... Tết
     Tết Nguyên đán thường đến vào cuối tháng một, đầu tháng hai Dương lịch. Ở các nước phương Tây, lúc đó mùa nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới vừa qua, nhịp điệu cuộc sống trở lại bình thường và Tết Nguyên đán ít được người dân nước sở tại quan tâm hoặc biết đến. Nhưng điều này có khác đôi chút ở Mỹ, nước có số đông người gốc châu Á, trong đó có người Việt sinh sống. Trong tổng số hơn 3 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có hơn 1,5 triệu người Việt định cư ở Mỹ, tập trung ở một số bang như California (bên bờ Tây), Texas (miền Trung), thủ đô Washington DC, bang Virginia và Maryland (bên bờ Đông). Ở những nơi này Tết vẫn được mọi người náo nức đón chờ. 
     Với cánh phóng viên thường trú ở nước ngoài, nhất là những người mới đi nhiệm kỳ đầu như tôi, Tết có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là dịp chúng tôi được giảm bớt stress từ công việc hàng ngày và nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình được khỏa lấp bởi hương vị Tết thân thương. Không ai bảo ai, mọi người cùng chuẩn bị cho những ngày nghỉ Tết nơi đất khách quê người một cách đầy đủ, chu đáo nhất có thể. Lý do thật dễ hiểu: Chúng tôi muốn cho gia đình, nhất là lũ trẻ, đang ở xa quê hương được hưởng những ngày Tết đầm ấm như khi đang sống cùng gia đình, bè bạn ở Việt Nam. 
     Trước ngày ông Công - ông Táo (23 tháng Chạp), đến khu trung tâm thương mại Eden ở bang Virginia - nơi có hơn 200 cửa hàng phần lớn do người Mỹ gốc Việt làm chủ - sẽ nhận thấy Tết được chờ đón như thế nào. Kẻ mua, người bán đông nghẹt. Hàng hóa đầy ắp các cửa hàng và có đủ các loại: Mứt, kẹo bánh, ô mai đóng hộp, thực phẩm sơ chế hoặc chế biến sẵn, nhất là những món ăn truyền thống trong những ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, giò lụa, giò thủ, chả quế, dưa ghém, cá kho tộ, v.v. Tại nhà hàng Giò chả Ngọc Hưng tôi thấy cả dãy người xếp hàng để đặt mua bánh chưng và giò chả vào những ngày giáp Tết. Ông chủ nhà hàng cho biết trước Tết cả tháng trời đã có người đến đặt hàng. Nhu cầu của người mua thì lớn mà nhà hàng chỉ đáp ứng được số lượng có hạn, cho nên ai đặt hàng muộn có thể sẽ không có bánh.
     Để kiểm chứng lời ông chủ nhà hàng Ngọc Hưng nói có đúng không, thêm vào đó là "máu nghề nghiệp" muốn biết những ngày giáp Tết ở đây ra sao, chiều 30 Tết (theo giờ Mỹ) tôi cùng gia đình anh bạn đồng nghiệp trở lại khu Eden. Chỉ còn vài giờ nữa là đến Giao thừa ở Việt Nam, nhưng ở Washington DC. thì vẫn còn tới hơn 12 tiếng, vì vậy các cửa hàng vẫn đông nghìn nghịt. Chúng tôi hỏi mua đôi bánh chưng và vài cân giò, chả lụa thì được trả lời: Hết hàng rồi cô ơi, mấy hôm nay chúng cháu chỉ trả hàng theo đơn đặt, giờ không có hàng bán đâu cô!
     Vậy là Eden cũng "cháy chợ" bánh chưng, giò chả, và lời khuyên của cô bạn Minh Hương có thâm niên ở Washington đã bốn năm thật chí lý - đó là nên tự gói bánh chưng ngày Tết.
Gói bánh chưng ngày Tết
     Minh Hương bảo tôi: "Muốn có bánh chưng kiểu Hà Nội, chị em mình nên tự gói thôi vì bánh ở đây họ làm tuy là nhân thịt và đỗ nhưng lại cho dừa vào, cứ ngòn ngọt khó ăn lắm. Với lại em muốn lũ trẻ có chút niềm vui ngày Tết như khi đang còn ở Việt Nam!".
Vậy là hai chị em tôi đi chợ mua gạo nếp, đỗ xanh, thịt và lá chuối tươi (thay cho lá dong). Do lá chuối không dai như lá dong, lại khá đắt nên chúng tôi phải lấy giấy thiếc bọc thêm bên ngoài (sau khi luộc bánh chín, sẽ phải bóc bỏ lớp giấy thiếc này đi, lấy lá chuối tươi mới bọc lại cho đẹp mắt). Không có lạt tre buộc bánh, chúng tôi dùng sợi dây dù nhỏ thay thế. Mất khoảng 4 tiếng để gói bánh và thêm 10 tiếng để luộc bánh bằng bếp ga, chị em tôi đã có chục chiếc bánh chưng thật đẹp, ngon và rẻ hơn mua ở chợ là cái chắc. Bánh mua ở chợ khoảng 12-15 đôla/chiếc (nặng 1 kg), còn bánh chúng tôi gói tính ra chỉ mất 2 đôla/1chiếc - tất nhiên chưa kể công sức của chị em tôi bỏ ra; Nhưng cái được lớn hơn là chúng tôi đã mang lại hương vị Tết cho gia đình và niềm vui cho trẻ nhỏ. Do bọn trẻ phải đi học theo lịch Mỹ, chúng tôi thu xếp để gói bánh lúc buổi tối vào dịp nghỉ cuối tuần. Lũ trẻ lau nhau tầm 10-12 tuổi tỏ ra rất thích thú khi được giúp người lớn chuẩn bị gói bánh. Vừa làm, chúng tôi vừa kể lại câu chuyện "Sự tích bánh chưng, bánh dày". Bọn trẻ cũng đòi được gói riêng cho đôi bánh "tí hon" như khi xưa ở nhà bà nội vẫn thường làm cho chúng. Có đứa còn vòi vĩnh muốn bắc bếp và luộc bánh bằng củi như khi còn ở Việt Nam. Điều này thì chúng tôi đành chịu vì chắc bếp nổi lửa chỉ được 5 phút là còi báo cháy sẽ hú lên, xe cứu hỏa sẽ đến tức thì. Và lúc đó ít nhất sẽ là 500 đô la tiền phạt, không kể đến những rắc rối khác chưa lường trước được.
     Không riêng gì chị em tôi tự gói bánh chưng mà phần lớn các chị theo chồng sang công tác ở đây. đều rủ nhau gói bánh chưng cho gia đình và làm quà cho mấy anh bạn đồng nghiệp độc thân. Món quà Tết này luôn luôn được đón nhận một cách nồng nhiệt.
Đi chúc Tết các gia đình, tôi thấy nhiều nhà cũng có cành đào, cành mai và trên bàn thờ gia tiên đều có mâm ngũ quả, hộp mứt Tết và cặp bánh chưng. Quả thì ngon và rẻ, chỉ có hoa tươi là khá đắt. 10 bông cúc vàng giá 12-15 đô la; chục bông hồng nhung giá 10 đô la, còn bó hoa ly kèm theo vài ba bông hồng cũng phải mất 25 đô la. Tuy vậy, hoa xuân vẫn thơm ngát trong mỗi gia đình trong những ngày Tết.
Bữa cơm tất niên
     Khi Giao thừa đến với Hà Nội thì ở Washington mới là trưa 30 Tết. Vì vậy chúng tôi thường nấu cơm tất niên vào trưa 30 - trùng với Giao thừa ở Hà Nội để đến tối đi dự tiệc tất niên và đón Năm mới cùng với tập thể Đại sứ quán (ĐSQ).
     Theo thông lệ, trước Tết một tuần, ĐSQ Việt Nam thường tổ chức bữa tiệc tất niên mời khách ngoại giao gồm đại diện quan chức chính phủ Mỹ, phái đoàn ngoại giao các nước tại Mỹ, các doanh nghiệp, doanh nhân, các gia đình Mỹ nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, đại diện bà con Việt kiều sinh sống ở Washignton và một số tiểu bang liền cận. Còn bữa Tất niên trước Giao thừa thì dành cho các gia đình cán bộ, nhân viên đang làm việc tại ĐSQ và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ, du học sinh, nghiên cứu sinh, bà con Việt Kiều... Bữa Tất niên mang tính gia đình này luôn là dịp để mọi người cùng vui hưởng hương vị Tết cổ truyền: người lớn vui vẻ trò chuyện, trẻ con chạy nhảy nô đùa. Có bánh chưng, nem rán, giò lụa, chả quế, xôi gấc, phở... Có liên hoan văn nghệ "cây nhà lá vườn", có ngâm thơ, đố vui, sổ xố trúng thưởng... Đúng thời khắc Giao thừa, sâm banh nổ vang, những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp, những chiếc phong bì "lì xì" đầu năm mừng thọ các cụ ông, cụ bà và các cháu nhỏ... Trong giây phút chuyển giao đầy ý nghĩa đó, tôi thoáng có ý nghĩ so sánh xem chúng tôi còn thiếu những gì so với khi vui Tết ở Việt Nam? Dường như chúng tôi có đủ cả. Có thiếu chăng chỉ là không có đủ tất cả những người thân ruột thịt trong gia đình và không thể dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm xem pháo hoa.
     Dù ở phương trời nào, Tết luôn được người Việt ta ngóng trông và gìn giữ đầy đủ nét cổ truyền đẹp đẽ vốn có của nó.

Lê Phượng
Theo Nội san Thông tấn, số 1&2/2009.