Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Phóng viên đi - Phóng viên viết

Chuýằ‡n tÃĂc nghiỏằ‡p cỏằĐa phóng viÃên miỏằn núi


(08/04/2009 09:45:07)

Sơn La cũng như các tỉnh miền núi khác, cứ đến mùa mưa bão lại xẩy ra dồn dập các trận lũ ống, lũ quét, sạt lở núi có khi hủy hoại, vùi lấp cả một bản, một vùng. Vậy là cánh phóng viên miền núi chúng tôi lại phải bươn chải, vật lộn với thiên tai thảm khốc, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng. Gần đây nhất là đợt làm tin về ảnh hưởng bão số 6, cuối tháng 9/2008. Mỗi đợt làm tin như vậy lại có thêm những câu chuyện nho nhỏ về nghề để chia sẻ cùng đồng nghiệp.

          Lặn lội tác nghiệp trong mưa lũ

          Ngày 24/9/08, tin tức về cơn bão số 6 đổ bộ vào đất liền dồn dập được cấp báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng nhiều người dân ở Sơn La thì vẫn tin rằng, bão Thê-tít đỏng đảnh (con gái của thần biển già Nê-rê trong thần thoại Hy Lạp) chỉ "viếng thăm" các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, cùng lắm là đến chân đập thuỷ điện Hòa Bình thì "nàng Thê-tít" cũng phải dừng lại, tan biến thành áp thấp rồi, "nàng" chẳng còn sức đâu để vượt trùng trùng những dãy núi cao vời vợi hàng ngàn thước như một tấm chắn khổng lổ bao bọc vùng Tây Bắc để lên đến tận Sơn La phá phách.

          Đêm đó khó ngủ. Mưa mỗi lúc nặng hạt, kèm theo sấm chớp liên hồi một cách khác thường. Đang mơ màng, tôi nghe tiếng róc rách như thác suối chảy trong nhà. Ngồi bật dậy, thõng chân xuống giường thì... ôi thôi, nước đã ngập đến quá mắt cá chân. Lần mò công tắc, nhưng mất điện toàn khu vực. Khi soi được đèn pin thì mới thấy nước đang xối xả từ trên sân thượng đổ dọc theo đường cầu thang tràn qua các phòng nhà tôi. Vậy là phải tát nước, kê đồ đạc đến tận sáng hôm sau.

          Ngày 25/9. Sáng sớm, tôi vòng một lượt qua các đường phố chính của thị xã, gần như ngóc ngách nào cũng lầy lội bùn đất, cây cối gẫy đổ ngổn ngang, mặt đường phủ đầy lá rụng. Chụp vài kiểu ảnh, rồi ghé về nhà, tôi "phôn" ngay cho Thường trực Ban Phòng chống bão lũ của tỉnh nhưng được trả lời: - "Sáng sớm, chưa có báo cáo thiệt hại từ cơ sở gửi về".

Lũ suối Nậm La bắt đầu dâng. Toàn bộ lòng chảo thị xã Sơn La không còn phân biệt được đâu là suối, đâu là cánh đồng, đường phố, tất cả đều mênh mông bể nước. Người dân nói chưa bao giờ được chứng kiến thị xã Sơn La với cảnh tượng ngập lụt đến thế. Có lẽ đây là trận cuồng nộ đầu tiên của thuỷ thần để thử thách con người ở thị xã Sơn La trước lúc đổi tên lên thành phố chăng? (Sơn La được công nhận là thành phố loại III trực thuộc tỉnh ngày 26/10/2008).

          Có tin "phong thanh" lũ quét gây sạt lở núi, chết nhiều người ở huyện Mai Sơn, Bắc Yên, Sốp Cộp và ngay ở thị xã cũng có người chết do sập nhà. Hội ý chớp nhoáng với phóng viên PX Nguyễn Thái Hùng, chúng tôi quyết định  nhờ xe ô tô tải gầm cao để đi vào xã Hua La, nơi vừa xẩy ra sập nhà, cách trung tâm thị xã khoảng 15 km. Trên QL6 ngập nước ùn tắc hàng trăm phương tiện cơ giới. Xe chúng tôi cố len lên giữa làn xe ùn tắc thì bị CSGT chặn lại. Tôi nhanh nhẩu nói khó với CSGT là phải đi lấy tin gấp về lũ lụt, cố tình cho anh ta để ý nhìn thấy phía trước và cả phía sau áo khoác đi mưa của tôi có in đậm dòng chữ "THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM". Thừa cơ anh cảnh sát đang ngần ngừ chưa bắt xe dừng hẳn, tôi nháy cho bác tài rú ga vượt khúc suối lũ. Cảnh sát giao thông đành gọi loa với theo: Xe biển số 26H... ga đều lên, đi thẳng, không được phanh, đừng để chết máy!

          Đi đến một quãng dốc rẽ vào đường xã, ô tô lại phải dừng. Lần này không phải CSGT chặn xe mà là chị em công nhân đang đằm mình trong mưa hót đất đá đoạn sạt lở. Tôi lại xuống xe giở bài nói khó, mấy chị cho máy ủi, ủi tạm một đường trước để xe chúng tôi qua. Một chị cho biết "Các anh không chờ được đâu, nếu có qua được đoạn này thì còn đoạn sạt sau nữa, to hơn".

          Chúng tôi quyết định chia ra thành hai mũi tác nghiệp, một người quay lại đoạn ách tắc giao thông vừa nãy để nắm tình hình. Còn tôi vào nhà dân mượn xe máy, nhờ bác tài ô tô làm xe ôm tiếp tục hành trình vào Hua La. Trước lúc lên xe ôm, tôi không quên mua một túi hoa quả, bánh kẹo, nén hương, để đến nơi còn chia buồn với người nhà của nạn nhân lũ. Đường lầy lội vất vả, có đoạn nhờ chị em giao thông cùng khiêng xe giúp, có chỗ phải mượn bè tre để qua đoạn đường ngập. Song mọi cố gắng xe cũng chỉ đến được chân con đường đất dẫn vào bản, rồi lại tiếp tục lội bộ, đánh vật với đoàn đường đất trơn như bị đổ mỡ mới đến được nơi nhà sập. Một đoạn đường hơn 15 cây số, nếu không mưa lũ thì chỉ khoảng 30 phút xe máy là đến nơi, nhưng lần này quá vất vả, mất tới hơn 4 tiếng đồng hồ cả đi và về. Tối mịt về tới PX, mặc đói và rét, chúng tôi khẩn trương làm tin. Cả hai vẫn còn khoác áo mưa trên người, nhưng phía trong thì ướt sũng, nước chảy thành vũng dưới chân bàn máy tính.

          Cơn nổi giận của "Thần núi"

          Sau trận lũ vài ngày, tôi cùng anh Xuân Trường (Ban BT-SX ảnh báo chí) đến huyện Mai Sơn tác nghiệp, nơi bị thiệt hại nặng nhất do bão số 6 tại Sơn La. Được UBND huyện thông báo nhanh: lũ quét làm chết 7 người (toàn tỉnh là 21 người), 65 ngôi nhà bị đá núi vùi lấp, cuốn trôi, phải di chuyển gấp 677 nhà dân đến chỗ an toàn, 17 cầu treo bị lũ cuốn; tuyến QL37 từ ngã ba Cò Nòi (Mai Sơn) đi 2 huyện Phù Yên, Bắc Yên bị lũ cắt đứt; tuyến tỉnh lộ 110 nối thị trấn Hát Lót với cảng Tà Hộc (hồ thủy điện Hòa Bình), sạt lở núi làm vùi lấp mặt đường nhiều đoạn... Chúng tôi quyết định chọn điểm lũ quét Tà Hộc để tác nghiệp.

         Chúng tôi đi chung một xe máy, phòng khi có trục trặc trên đường còn hỗ trợ nhau khiêng xe. Đi được hơn chục cây số quanh co dốc núi thì gặp "chướng ngại vật" đầu tiên là một đoạn đường nhựa khoảng 30 mét bị lũ phá hủy, hất tung toàn bộ xuống vực sâu, thay vào đó là cả chục ngàn mét khối đất đá nhão nhoét sền sệt, sạt từ vách núi ta luy dương đổ xuống. Đang toan tính gửi lại xe tại lán công trường, rồi cùng tốp giáo viên bộ hành vào Tà Hộc thì gặp chị Lê Thị Thái. Chị  nở nụ cười tin cậy nhìn chúng tôi: Các anh là nhà báo à, nếu 3 người hợp sức để đẩy xe chỗ khó thì có thể đi từng đoạn. Từ đây vào đến cảng chỉ còn 8 điểm sạt lớn nữa thôi (?!), nhiều đoạn sạt máy xúc đã hót xong rồi. Mừng quá, vớ được bạn đồng hành thông thuộc địa hình đường sá lúc này, chúng tôi gọi mấy thanh niên dân tộc đang bẻ ngô ở gần đó khiêng xe qua đoạn đường nguy hiểm với giá 100.000 đồng/lượt.

         

PV Điêu Chính Tới 'khăn gói' tác nghiệp tại vùng lũ quét Tà Hộ (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La)
Đi suốt trục tỉnh lộ 110 từ km 17 đến km 30 (nối thị trấn Hát Lót với cảng Tà Hộc) và dọc theo đó là suối Mè ngổn ngang cây cối ngâm trong bùn đất, tất cả đều bốc mùi gỗ ngâm, xác súc vật chết thối. Làng bản, trường học, ruộng nương xác xơ vì lũ quét. Nhiều chỗ gặp bà con dựng lều tạm ven đường để ở. Phóng tầm mắt quan sát xa hơn, hiện lên hàng trăm vệt lở núi, đỏ loe từng mảng lớn cào từ trên đỉnh tuột xuống đến tận chân khe, cung trượt dài hàng trăm mét, chiều rộng từ 300-500m, giống như cảnh tượng trong thần thoại của người Thái: Ải Lậc Ngậc (chàng khổng lồ) dùng roi thần quất vào lưng trâu kéo chiếc bừa vừa dài vừa rộng, bừa qua các ngọn núi chuẩn bị cho mùa gieo hạt.

          Chị Thái kể, hôm 25/9, khi ông trời nổ sấm chớp, mưa đổ sầp sập, bão giật liên hồi, đá núi lăn phát ra âm thanh ghê rợn hơn cả tiếng nổ mìn. Trâu, bò, lợn, dê, ngựa chạy hoảng loạn, thi nhau kêu rống lên, hý vang liên hồi trong trận cuồng phong, nghe thảm thiết. Mấy con mèo của nhà tôi cũng gào lên không dứt, xoắn xuýt quanh chân chủ như báo hiệu điềm xấu, thảm hoạ đang ập xuống. Chị còn bảo, bà con bị thiên tai nặng như thế mà cán bộ xã không báo ngay ra huyện để người ta biết mà vào cứu dân. Tôi phải tìm mọi cách ra tận huyện ngay ngày hôm sau báo tin, dân Tà Hộc bị lũ quét nặng lắm, nếu huyện không cử người đến cứu, sẽ còn nhiều người chết đấy. Lũ gây tê liệt hệ thống thông tin liên lạc, vùi lấp nhiều nhà, nhấn chìm hàng chục tàu thuyền, xuồng máy xuống đáy hồ, đẩy người dân Tà Hộc chỉ trong phút chốc phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

          Thấy chúng tôi bàn sẽ đi bản Heo và bản Pung Luồn, chị Thái liền nhẩm tính: Từ đây đi xuồng đến bản Heo cũng phải mất gần 3 tiếng đồng hồ cả đi lẫn về, khách lạ thì phải mất 400.000 đồng tiền thuê thuyền. Chị khuyên: đừng đi thuyền nhỏ (loại trọng tải 5 tấn) nguy hiểm lắm.

          Cả một chiếc thuyền máy, trọng tải 40 tấn, vốn dĩ hàng ngày để chở sắn, ngô, nhưng giờ chỉ để phục vụ hai phóng viên đến bản Heo tác nghiệp. Lênh đênh trên hồ, trong tiếng nổ rầm rầm của con thuyền lắp máy đẩy 24 mã lực, anh chủ thuyền kể: núi rung lên xô đẩy hàng ngàn khối đất đá cùng lúc xuống bản, dân bản díu kéo nhau chạy xuống thuyền. Nhưng ở trên thuyền cũng chẳng được yên vì hồ nước lúc này do bị "Thần núi" ném đá xuống, sóng cuộn liên hồi táp vào bờ. Nhiều người bỏ lại thuyền, táo tác chạy lên bờ một cách vô vọng, cố níu vào chỗ mặt đất chưa bị sạt lở, mặc cho tai họa xéo qua thân phận nhỏ bé của họ.

          Anh lái thuyền còn cho biết: Ông Mùi Văn Ấu, 57 tuổi (Bí thư Đảng ủy xã về hưu), lập trang trại nuôi dê ở dưới chân núi Phắng Cướn, gần cảng Tà Hộc.Vừa rồi ông bà mới bán đàn dê được gần 30 triệu đồng. Hôm xẩy ra lở núi, trước khi ra khỏi lán lánh nạn, ông chỉ kịp vơ vội lấy cái túi đựng tiền treo bên cột nhà mang theo. Lặn lội đến nhà con trai cả để ngủ qua đêm, tim ông vẫn đập mạnh, chân tay vẫn còn run, nhưng ông Ấu tin rằng, số mình còn may mắn vì đã kịp bán đi đàn dê, nếu để chúng lại đến giờ thì chắc chắn đã bị "Thần núi" hất cả đàn dê xuống hồ. Và ông Ấu cứ ôm cái túi khư khư trong lòng đi ngủ. Đến sáng, khi giở  túi ra xem thì... Ông kêu lên: Phà ơi (trời ơi), nhầm rồi. Cái túi đang ôm là túi đựng chiếc đài, còn túi đựng tiền bán dê bữa nọ vẫn treo trong nhà mà giờ thì ông Hà Bá đã nuốt chửng cái ngôi nhà ấy đi rồi!

          Đến bản Heo trong bầu không khí ảm đạm, anh Mùi Văn Mong - phó bản - uể oải dẫn chúng tôi đến chứng kiến 15 cái nền nhà còn sót lại. Anh  ngao ngán chỉ về phía cái nền còn trơ lại cái thang xây bằng xi măng: phía kia là nền nhà của gia đình tôi, ngôi nhà mới dựng, vợ chồng dọn lên ở chưa được nửa năm thì bị ông "Thần núi" mang đi "tặng" cho ông "Thủy thần" mất rồi. "Thần núi" còn vét nốt hơn 200 tấn ngô bắp của bà con mới bẻ từ nương về để ở kho lán ven hồ,  ném tất cả xuống cho Hà Bá, không chừa lại dấu tích một bắp nào.

Khi chúng tôi trở về trung tâm xã Tà Hộc thì trời đã nhá nhem tối. Quyết định đi thêm 10 cây số nữa để về khu lán tạm của bà con bản Mè ngủ qua đêm. Nhưng thực ra tối đó chúng tôi thức đêm cùng dân bản.

          Bên đống lửa chợp chờn, chị Mè Thị Thạnh giọng buồn buồn nhớ lại chuyện chạy lũ: Vì bản ở ven khe cạn dưới chân núi Hin Đón (núi con cáo). Mọi năm, mùa này chỉ còn mưa lớt phớt, "mưa rơi cho chim ướt lông" (dân ca Khơ Mú), có câu hát như vậy là để nhắc bà con nhớ bẻ ngô từ nương về nhà, để sang xuân lại gieo hạt. Nhưng lần này mưa đổ không ngớt cho đến 4 giờ chiều (25/9) thì xẩy ra thảm họa. Khi thấy lũ bùn trôi về, tôi kịp dắt tay hai đứa con lội qua suối sang bên này quả đồi cùng với nhiều người nữa. Còn chồng tôi thì theo cánh đàn ông trong bản đi khiêng xe máy ra khỏi chỗ nguy cơ sạt lở. Tôi cùng dân bản cứ chạy quanh quả đồi trong mưa, sấm chớp nổ ùng oàng, nhìn ra sườn núi Hin Đón sau bản, đất đá đổ ầm ầm, có tảng đá to bằng nửa cái gian nhà mà thác lũ đẩy đi nhẹ nhàng như đẩy một khúc gỗ. Thấy thế chúng tôi cố hét to bảo mấy người còn ở trong bản bỏ đồ đạc mà chạy đi, núi sập rồi. Chạy đâu cũng thấy đá lăn, cố chạy ra đến đường cái (Tỉnh lộ 110) thì thấy nó biến thành con suối dữ mất rồi. Lũ trâu của bản cứ rống lên thảm thiết, tự dựt đứt dây buộc chạy lên rừng. Bản có 27 con trâu, nay mới tìm thấy 9 con. Chiều tối hôm đó, cả bản chạy được hết ra phía ngoài, cách nơi ở khoảng hơn cây số. Khi hoàn hồn trở lại, mọi người co rúm, cùng nép vào nhau đói và rét run rẩy. Trong đêm tối, ông trưởng bản đốt đuốc, đếm đi đếm lại số người, còn thiếu bà cụ Lường Thị So, 76 tuổi bị liệt 2 chân, mắc lại trong bản. Tốp thanh niên quay vào bản tìm và khiêng cáng cụ So ra, rất may nhà cụ không bị đá lăn vào. Bây giờ cái bản ấy không ở được nữa rồi. Giọng chị Thạnh buồn buồn: Mất bản, có lẽ từ nay người Khơ Mú chúng tôi sẽ còn khổ nữa, nhà báo ạ!

            Giờ đây, mùa lũ quét đã đi qua, nhưng mùa lũ năm sau sẽ còn đến. Nghĩ lại những chuyến đi tác nghiệp vất vả trong mưa bão mà thấy ái ngại. Tôi đang tính làm một cuộc hành trình quay trở lại tất cả những nơi lũ đi qua để tìm hiểu xem cuộc sống của bà con các dân tộc đổi thay thế nào sau lũ dữ.

Điêu Chính Tới
Theo NSTT số 3/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

"Cành đậu đun hạt đậu", một điển tích hay (08/04/2009 09:43:06)

Phóng viên ảnh, nghề tàn phai nhan sắc (08/04/2009 09:38:59)

CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC (19/01/2009 10:51:44)

Một phen hú vía (19/01/2009 10:42:36)

Chuýằ‡n Ä‘ỏằi chuýằ‡n nghỏằ, bỏằ—ng dặ°ng mỳằ‘n kỏằƒ  (19/01/2009 10:40:11)

THẮT CHẶT AN NINH MÁY TÍNH VÀ TỐI ƯU CẤU HÌNH (19/01/2009 10:36:19)

Trực Tết đâu phải chuyện chơi (19/01/2009 10:20:23)

Nhớ những ngày đón Tết ở Washington (19/01/2009 10:11:34)

Mừng - Lo của phóng viên chuyên trách trong những ngày Tết (19/01/2009 09:43:23)

Giải mã phóng sự ảnh trên Báo ảnh Việt Nam (30/12/2008 19:20:37)