Thứ năm, ngày 25/07/2024

Sổ tay phóng viên

Lần đầu tôi đến đảo xa


(08/04/2009 09:46:25)

Sau ba năm chờ đợi, Tết rồi tôi được thoả ước nguyện ra đảo tác nghiệp. Trong đoàn 12 phóng viên đủ mặt "anh tài" ba miền Bắc - Trung - Nam, tôi là người nhỏ nhất về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Hành trình 15 ngày tuy không dài nhưng đi giữa biển trời mênh mông đã giúp tôi - một nữ phóng viên chưa nếm mùi "sóng to, gió lớn" trưởng thành lên rất nhiều.

          Sóng to thì mặc sóng to

          Chuyến tàu HQ 633 với hành trình 800 hải lý theo lộ trình: Phú Quý - Côn Đảo - Hòn Tre, đưa đoàn phóng viên trong đó có ba nữ gồm tôi, phóng viên TTXVN; chị Mỹ Hạnh, báo Sài Gòn Giải phóng ở TP Hồ Chí Minh và Lê Biết, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên. Tôi ít tuổi nhất đoàn nên các anh chị cưng như em út trong nhà, hành lý nặng đã có các anh mang hộ, lúc nóng đầu, say sóng đã có các chị chăm sóc.

          "Biển một bên và xô một bên", câu hát đã đi vào tâm thức của anh em trong đoàn. Lần đầu tiên trong đời tôi được "nếm" món say sóng. Nó thật lạ lùng và khủng khiếp. Người say không ăn được, mặt xanh lướt như tàu lá, nằm bẹp trên giường, muốn hé mắt ra xem sáng hay tối nghe chừng cũng khó. Nhưng các chị trông liễu yếu đào tơ như thế lại thành ra khoẻ, chịu sóng tốt hơn nam giới. Từ Vịnh Cam Ranh, tàu đưa chúng tôi ra đảo Phú Quý, rồi Côn Đảo, sau đó về Vũng Tàu, ra Hòn Tre và vòng lại Cam Ranh. Chặng đường sau gian nan, sóng to gió lớn hơn chặng trước. Anh em được dịp nhào lộn cùng sóng biển. Có lúc sóng cao tới hai mét, dồn dập, dữ dội lăn xả vào mạn tàu. Còn gió thì mạnh tới cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 7. Có những lúc sóng nhồi con tàu, chúc mũi xuống sâu, nhấc bổng đuôi lên mặt nước, chân vịt quay tít trong không trung...

          Khoảng 30 tiếng kể từ khi lên tàu, chúng tôi dừng chân tại trạm ra đa 575 trên đảo Phú Quý (còn gọi là Cù lao Thu thuộc tỉnh Bình Thuận). Như có một sức mạnh kỳ lạ, các phóng viên vừa mới nằm bẹp là thế, khi tàu cập bến, ai cũng sẵn sàng đồ nghề và tư thế tác nghiệp. Trạm quan sát mục tiêu nằm trên đỉnh núi cao hơn 100m so với mực nước biển, gió lồng lộng từ bốn phía như muốn cuốn bay người. Hai phóng viên truyền hình vác chiếc máy quay nặng như cối đá, leo phăm phăm khiến ai cũng hối hả rảo bước. Tôi thì vừa leo vừa thở hổn hển, lưng ướt đầm mồ hôi, bước từng bước chậm chạp cuối đoàn. Lên đến nơi, ai cũng nhanh chóng bắt tay vào phỏng vấn, chụp hình, quay phim... Tôi cũng vội vã tác nghiệp, đưa ra những câu hỏi tìm hiểu về tình đồng chí, đồng đội, tình cảm gia đình của người lính; hoạt động đón xuân của các anh tại trạm tiền tiêu...

          Sau đó, tàu lại xuôi sóng từ Phú Quý ra Côn Đảo. Đó là chặng đường "tơ lụa" duy nhất trong cuộc hành trình. Các "cây" văn nghệ như anh Lê Hiền, Đức Tuyên và cán bộ chiến sĩ trên tàu HQ 633 được dịp trổ tài đàn hát. Những bài ca về người lính, về biển khơi, về tình yêu lứa đôi qua tiếng hát át tiếng gió biển và tiếng ghi ta bay bổng lãng mạn. Thời giờ rảnh rỗi, các anh lại ngồi quây quần kể chuyện, truyền cho nhau kinh nghiệm tác nghiệp. Là phóng viên trẻ, tôi cứ "ô", "a" đi hết từ vỡ lẽ này đến vỡ lẽ khác. Những bài học thực tiễn quý giá mà chẳng giáo trình nào dạy mình trong trường đại học. Được các đàn anh, đàn chị cho biết, các anh lính thường ngại những "vũ khí" của cánh phóng viên như máy ghi âm, chụp ảnh khi đang phỏng vấn, tôi vận dụng ngay, hầu như không sử dụng đến chúng. Ảnh thì xin "chuyên gia" đi cùng, chỉ huy động bút và sổ tay để tạo cảm giác tự nhiên khi trò chuyện. Hoá ra các anh bộ đội không khó tiếp cận như tôi đã hình dung trước chuyến đi. Gặp  phóng viên, các anh đều hồ hởi, xoắn xuýt như gặp người thân. Sau mỗi cuộc trò chuyện, tôi đều phác họa ngay ý tưởng bài viết vào trong sổ tay, khoanh tròn những chi tiết thú vị, quan trọng không được bỏ sót. Suốt cuộc hành trình qua các đảo, dù chúng tôi phải quay cuồng, đánh vật với sóng to, gió lớn, nhưng cuốn sổ tay chi chít chữ, những vòng tròn lớn bé xoắn xuýt  như đảo chìm, đảo nổi lại là nguồn tư liệu quý giá để sau đó tôi viết liền ba bài về đảo và những người lính, về hành trình khó khăn nhưng bổ ích của chúng tôi.

          Chuyện kể suốt hành trình

          "Ăn xong rồi ngủ, ngủ dậy lại ăn, ăn rồi tiếp tục ngủ cho tới khi thấy đảo", điệp khúc này chúng tôi thuộc nằm lòng trên tàu HQ 633. Và cũng qua điệp khúc này, chúng tôi càng thêm khâm phục những chiến sỹ hải quân ngày đêm lênh đênh trên biển, đưa những chuyến tàu ấm áp tình quân dân đến đảo xa. Ngày đủ bốn bữa (ba bữa cơm, một bữa cháo khuya) đều đặn, đúng giờ, các anh nuôi trên tàu chuẩn bị chu tất. Đũa bát sạch bong, cơm ngon canh ngọt nóng hổi, bữa nào cũng đầy đủ rau xanh, thức ăn đậm đà, tươi ngon. Căn bếp nhỏ, phòng ăn lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp. Ba chị em chúng tôi không ăn được nhiều, có hôm bốn bữa thì bỏ đến hai. Thế là các anh nuôi lại dỗ dành "Cố ăn đi, không thì ốm mất", rồi nấu mỳ, pha sữa nóng hổi bê vào tận phòng ân cần mời mọc.

          Cảm giác hãi hùng nhất của tôi chính là mỗi lần phải "tăng bo" từ tàu to xuống thuyền vào cảng. Thế là một khoá học cấp tốc diễn ra để những người lính hải quân truyền kinh nghiệm cho cánh phóng viên xuống xuồng nhỏ an toàn, không thương tích.

          Đi mãi, vui mãi rồi cũng hết hành trình. Tàu cập cảng, chúng tôi hội ngộ với tàu Trường Sa 20, vừa đưa 9 đồng nghiệp báo chí trở về sau hành trình dài 33 ngày, vượt 1.500 hải lý sóng gió để đến với chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

          Đêm cuối ở vùng 4 hải quân là một đêm khó ngủ với những phóng viên ở lại đợi chuyến xe sáng hôm sau trở về nhà. Mất điện, bóng tối bao phủ tòa nhà vốn đã vắng người. Bảy anh em, có mình tôi là nữ, tập trung ở một phòng, uống chén rượu cuối cùng dưới ánh sáng mờ mờ của chiếc điện thoại di động. Đêm Cam Ranh mưa bay lất phất, gió thổi hun hút qua những rặng phi lao, lạnh đến tê người. Biển đêm vẫn ào ạt xô bờ và không ai trong chúng tôi chợp mắt. Các anh thì thầm chuyện chuyến đi, nhớ tới những người bạn cùng chung hành trình, chia sẻ với nhau những vinh quang và nhọc nhằn của nghề báo. Không xa phòng chúng tôi, phía khu nhà cán bộ, chiến sĩ, những người lính ở lại trực Tết cũng không ngủ. Một đống lửa to được đốt lên làm ấm lòng những người ở lại. Trằn trọc mãi tôi cũng thiếp đi trong ánh lửa bập bùng, nhảy nhót phản chiếu trên ô cửa nhỏ. Tự hứa với lòng mình, đây là chuyến đi thử sức. Một ngày gần nhất tôi sẽ đến Trường Sa.

Hà Thanh Giang
Theo NSTT số 3/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chuýằ‡n tÃĂc nghiỏằ‡p cỏằĐa phóng viÃên miỏằn núi (08/04/2009 09:45:07)

"Cành đậu đun hạt đậu", một điển tích hay (08/04/2009 09:43:06)

Phóng viên ảnh, nghề tàn phai nhan sắc (08/04/2009 09:38:59)

CÁC CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC (19/01/2009 10:51:44)

Một phen hú vía (19/01/2009 10:42:36)

Chuýằ‡n Ä‘ỏằi chuýằ‡n nghỏằ, bỏằ—ng dặ°ng mỳằ‘n kỏằƒ  (19/01/2009 10:40:11)

THẮT CHẶT AN NINH MÁY TÍNH VÀ TỐI ƯU CẤU HÌNH (19/01/2009 10:36:19)

Trực Tết đâu phải chuyện chơi (19/01/2009 10:20:23)

Nhớ những ngày đón Tết ở Washington (19/01/2009 10:11:34)

Mừng - Lo của phóng viên chuyên trách trong những ngày Tết (19/01/2009 09:43:23)