Thứ sáu, ngày 05/07/2024

Sổ tay phóng viên

Lăn vào thực tế, gian khổ nhưng vui


(01/06/2009 09:24:56)

Một ngày giữa hè năm 2007, phân xã Hà Giang nhận được tin về nạn chặt phá rừng đầu nguồn tại địa bàn hai thôn Khau Linh và Thẳm Cạu, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình. Tôi nhanh chóng chuẩn bị phương tiện tác nghiệp và nhảy lên xe máy lao vào điểm nóng.

         Sau vài phút làm việc nhanh với UBND xã Vĩ Thượng, tôi quyết định vào rừng. Linh cảm nghề nghiệp báo cho tôi biết rằng trong vụ việc này, nếu không đến tận nơi để kiểm chứng thông tin thì bằng chứng phá rừng của lâm tặc sẽ bị xoá đi trong một, hai ngày tới. 11 giờ trưa nắng như đổ lửa nhưng tôi vẫn quyết tâm đi. Nắng càng ngày càng gay gắt, đi hết hai quả đồi  trọc mà không có bóng mát nào để nghỉ chân. Mồ hôi vã ra như tắm, mi mắt cay xè, môi mặn chát. Vượt qua mấy quả đồi, tôi vào đến khu rừng đầu nguồn Khau Linh, Thẳm Cạu. Trước mắt tôi, nhiều cây to bị chặt hạ, thân đổ ngổn ngang bên vách đá, đường kéo gỗ ngoằn nghèo như rắn lượn. Đây chính là bằng chứng sinh động về một vụ phá rừng vừa xảy ra. Sau khi ghi lại cảnh tượng này, tôi quay trở lại trụ sở làm việc của UBND xã.

       Cái đói, cái khát lúc sáng trốn đi đâu, nay chúng chợt ào về. Khát khô cổ. Đói cồn cào ruột. Mắt hoa, chân mỏi. Quãng đường xuống núi sao mà xa và khó đi thế. Gối trùng xuống, chân nhấc từng bước, cuối cùng tôi cũng về đến thôn Hạ Sơn. Vào nhà dân đầu thôn xin lại chiếc xe máy tôi đã gửi để đi bộ vào rừng. Đang loay hoay mở khóa xe thì vợ chồng chủ nhà gọi vào uống nước. Chờ một lúc, bà chủ bê lên một chiếc đĩa đựng đầy những bắp ngô luộc đang bốc hơi nghi ngút mời tôi. Nhìn tôi ăn ngô một cách ngon lành, ông chủ nhà nói: Người dân thôn Hạ Sơn rất bức xúc về tình trạng rừng đầu nguồn bị phá nhưng chưa có cách nào giải quyết được. Biết tôi là phóng viên đi tìm hiểu tình hình, vì nhiều lý do họ không thể cùng đi nên rất mong nhà báo phản ánh sự thật để các cấp, các ngành có biện pháp ngăn chặn. Người dân miền núi nơi đây đã khổ, vất vả lắm rồi, nếu rừng đầu nguồn bị phá thì đời sống sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

           Sau chuyến đi thực tế đó, tôi viết bài "Rừng đầu nguồn ở Vĩ Thượng bị tàn phá, trách nhiệm thuộc về ai". Bài viết phản ánh chân thực về tình trạng phá rừng cũng như những tắc trách của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Sự việc được các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện vào cuộc, xác minh làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng trên. Sau bài báo đó, tình trạng phá rừng ở xã Vĩ Thượng đã từng bước được ngăn chặn, đem lại cuộc sống bình yên cho những bản làng dưới chân núi Khau Linh, Thẳm Cạu. Còn tôi, cho đến bây giờ vẫn không sao quên được nụ cười hiền hậu, một bắp ngô luộc mà đôi khi trong cuộc sống hàng ngày tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng lại là nguồn động viên lớn để tôi hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lăn vào thực tế cuộc sống để tác nghiệp, tuy vất vả nhưng bù lại, nhà báo cũng cảm nhận được không ít niềm vui.

Lê Việt Dũng
Theo NSTT số 5/2009