Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Sổ tay phóng viên

Thiêng liêng Hoàng Sa


(01/07/2014 09:59:22)

Sẵn sàng lênh đênh "bám biển" cùng các chiến sỹ khi con trai mới sinh còn chưa đầy tháng, PV Hữu Trung chia sẻ cảm xúc của mình cùng nhiều thông tin chi tiết tới bạn đọc NSTT về cuộc đấu tranh, đầy gian nguy nhưng cũng rất đỗi hào hùng, của các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam, để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Phóng viên Hữu Trung tác nghiệp trên tàu CSB 8003

Từ hải trình đầu tiên tới giải thưởng báo chí

Tháng 4/2013, tôi có chuyến công tác đầu tiên cùng các chiến sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam (CSBVN). Có lênh đênh cùng các anh trọn vẹn một hải hành mới thấy hết gian truân của những người lính biển. Ngoài những sóng gió và khắc nghiệt của môi trường công tác mang tính đặc thù, còn có những câu chuyện về các anh mà chúng tôi chưa thể kể hết, thậm chí có cả những chiến công và sự hy sinh mà chúng tôi chưa được phép kể ra.

Khi khoác lên mình bộ quân phục lính biển, mỗi chiến sĩ CSB đã xác định, sẽ dành đến 90% tuổi quân của mình cho công việc: Mỗi năm, họ chỉ được nghỉ phép hơn một tháng, tính ra thì 12 năm, họ chỉ được ở với gia đình hơn một năm. Thời gian dành cho gia đình thật ít ỏi, nên cơ hội sinh con cũng hiếm hoi. Có một câu chuyện về Trung úy Nguyễn Văn Ba trên tàu CSB 4032 mà sau này kể lại, anh em CSB cứ cười tôi mãi. Đó là ngay khi kết thúc nhiệm vụ trở về đất liền, chỉ huy tàu thông báo: "Cho phép đồng chí Nguyễn Văn Ba được vắng mặt ba ngày vì có vợ ra tuyển quân". Tàu cập cảng, Ba hối hả lên bờ, chào tôi: "Gặp lại anh sau, em đưa vợ đi tuyển quân cái đã". Nghĩ rằng, vợ Ba cùng công tác trong quân đội, rằng đây là một đề tài hay, tôi trình bày với Chỉ huy Vùng (tàu CSB 4032 thuộc Vùng CSB 2) xin phép được làm một phóng sự ngắn về cuộc gặp của họ, mà tôi cho là sẽ rất xúc động. Ông vỗ bàn cười ha hả mà nói: "PV muốn làm thêm đề tài gì chúng tôi cũng giúp, riêng cái này thì tôi chịu". Tôi ngơ ngác, để rồi phải đến 6 tháng sau, Ba gọi điện cho tôi, bảo: "Vợ chồng em tuyển quân xong rồi, bác sĩ siêu âm báo là cháu trai....!", tôi mới biết thuật ngữ "tuyển quân" của CSB là như thế...

Sau hải trình đó, đối với tôi, tàu CSB 4032 đã thân thiết như nhà mình. Tôi và anh em thủy thủ đoàn đều đặn liên lạc, ai xây nhà, ai có người yêu, gia đình ai có người đau ốm, tôi biết cả. Và như vậy, đối với cá nhân tôi, ngay cả sau khi tác phẩm đã hoàn thành và lên sóng thì những nhân vật của tôi vẫn "sống", những câu chuyện vẫn tiếp tục diễn ra và tôi vẫn là một phần trong đó. Đây là điều mà tôi trân trọng và tâm đắc nhất, như một phần thưởng cao quý mà nghề nghiệp trao tặng.

Năm nay là năm đầu tiên tôi gửi tác phẩm tham dự Giải báo chí của TTXVN, và thật may mắn, vinh dự khi ký sự truyền hình "Nhật ký hải trình Cảnh sát Biển Việt Nam" của tôi và PV quay phim Vũ Hoàng Hải được trao giải A. Trong tác phẩm dự thi của chúng tôi (có sự hỗ trợ rất lớn của anh em CSB), lời kết (với hình ảnh biên đội tàu CSBVN hành quân lên phía Bắc, trong ánh bình minh đang rạng dần trên biển), nguyên văn như sau: "Sáng nay, biển bỗng trở nên hiền hòa và êm dịu. Thuyền trưởng gọi loa mời chúng tôi lên đài chỉ huy. Sóng yên, biển lặng, hai con tàu vẫn cần mẫn hành quân trên hải trình. Chỉ có điều... là mặt trời đang nhô lên từ mạn tàu bên phải. Chúng tôi đang tiến lên phía Bắc, chúng tôi đang tiến về phía quần đảo Hoàng Sa... đến vùng biển chủ quyền có một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc".

Lời lẽ giản dị thế thôi nhưng tôi đã phải đọc đi đọc lại nhiều lần, lần nào cũng nghẹn ngào ở hai chữ "Hoàng Sa"....

Tàu Trung Quốc tìm cách ngăn cản tàu Cảnh sát biển Việt Nam

 

Và duyên nghiệp cùng cảnh sát biển

Thế rồi, một năm sau, tôi lại có mặt ở Hoàng Sa. Vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa rồi, khi tôi đang bù đầu với nhóm phóng sự tài liệu kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì nghe tin Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan nước sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tôi hối hả báo cáo cơ quan và liên hệ khắp nơi để mong có tên trong đoàn PV đầu tiên có mặt tại Hoàng Sa. Ngày 7/5, đã có vài PV kể, họ sẽ được đi chuyến đầu tiên, nhưng tên tôi vẫn chưa thấy được xếp vào đâu. Phải đến 10/5 đồng nghiệp Công Định mới thông báo: "Anh chuẩn bị ngay, hai anh em mình có thể lên đường bất kỳ lúc nào". Mừng quá! Tôi đã chuẩn bị xong hết từ mấy hôm trước rồi, thậm chí còn tăng cường tập luyện thể lực. Bởi tôi biết, đi làm nhiệm vụ lần này, ngoài lòng nhiệt tình, khả năng tác nghiệp còn cần có sức khỏe và nhất là khả năng chịu sóng tốt.

5 giờ chiều 12/5 chúng tôi có mặt tại Đà Nẵng và khoảng 14 giờ hôm sau đã ở trên con tàu CSB 8003 giữa vùng biển Hoàng Sa. Vừa ra thực địa, gần như ngay lập tức, chúng tôi đã được cùng các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tham gia đấu tranh với hành vi xâm phạm của Trung Quốc. Không khí rất khẩn trương. Tôi hỏi thăm xem tàu CSB 4032 đang ở đâu, nhưng chẳng ai kịp trả lời. Lúc sau có người vỗ bộp vào vai rồi nhấc bổng tôi lên, cười ha hả: "Lại gặp nhau rồi. Yên tâm đi, 4032 cùng mũi với tàu mình, nó đang đi chi viện cho mũi khác cùng với Kiểm ngư!". Anh là Trung tá Phan Duy Cường, Trợ lý tác chiến Bộ tư lệnh CSB, người cùng với tôi có mặt trên tàu CSB 4032 năm ngoái.

 Anh em tôi chưa kịp mừng vui thì tàu Hải cảnh, Hải giám Trung Quốc đã bủa đến từ các hướng. Trên màn hình ra đa, trước hướng tiến của tàu 8003 dày đặc các loại tàu Trung Quốc trong khi biên đội ta chỉ có năm tàu gồm CSB 2013, 2015, 2016, 4033 và 8003. Máy quay của tôi để chế độ ghi hình liên tục. Nhìn ra xung quanh, các tàu Trung Quốc đã lao vào, xé nát đội hình biên đội tàu của ta. Phía mạn phải, tàu CSB 4033 bị ba tàu Hải giám vây ép phải đổi hướng nhưng vẫn tiếp tục tiến sâu về phía giàn khoan hạ đặt trái phép. Bên mạn phải, tàu CSB 2016 bị bốn tàu đeo bám, hai tàu kẹp hai bên, một tàu chặn sau lái và từ xa, tàu 46102 của Trung Quốc cũng đang lao đến, định ép 2016 buộc phải đổi hướng cắt mũi 8003. Sau này tôi mới biết, chiến thuật này của Trung Quốc được gọi là chiến thuật "chó đàn", dùng cả đàn dồn đuổi và để một con phục kích, bất ngờ hạ gục con mồi. 

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu Cảnh sát biển Việt Nam nhưng tàu của ta đã tránh được

Thuyền trưởng CSB 8003 Nguyễn Văn Hưng yêu cầu 2016 tăng tốc thật nhanh, đè lái trái trước khi bị 46102 uy hiếp, sau đó hút nhóm tàu này về cánh trái, nhường cho 8003 cùng 2013, 2015 vào sâu hơn. Phía sau tàu 8003, hai tàu Hải cảnh lao tới. Tôi nhắm trước các vị trí an toàn (có thể che chắn cho tôi và máy quay phim trong trường hợp bị tàu Trung Quốc đâm va và phun nước) rồi chạy ra boong sau, choãi chân ghi hình. Sau lái trái, mũi tàu Hải cảnh 3411 xé nước lao tới. Sau lái phải, tàu Hải cảnh 2112 lừng lững như một tòa nhà. Khoảng cách liên tục rút ngắn. Tàu 3411 Trung Quốc đã tiến ngang thân với boong sau của CSB 8003, hai tàu chỉ cách nhau chừng hơn 100m. Tàu CSB 8003 bật loa tuyên truyền, tố cáo những hành vi sai trái của Trung Quốc và yêu cầu dời giàn khoan cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tàu 3411 bất ngờ hụ còi liên tục trong khi 2112 tăng tốc, tách ra xa. Tôi lia máy khắp thân tàu 3411, qua các ụ súng đã tháo bạt, qua các họng vòi rồng; nó vẫn liên tục hụ còi, khuôn hình của tôi vẫn bám sát. Bất ngờ trên loa có tiếng thuyền trưởng: "Sang phải 10 độ...". Tôi lật máy sang phải, Hải cảnh 2112 đang vòng lại, nhằm giữa thân tàu CSB 8003 lao tới. Tất cả các ống kính máy quay, máy ảnh đều chĩa sang mạn phải. Khoảng cách còn 500m thì tàu Trung Quốc giảm tốc độ, cách 100m thì dừng lại. Tàu CSB 8003 vẫn giữ nguyên tốc độ và hướng tiếp cận giàn khoan 981. Hải cảnh 3411 đang chạy song song, bất ngờ tăng tốc, bẻ lái cắt hướng 8003. Tàu 8003 bẻ lái giảm tốc độ rồi dừng máy. Tàu Trung Quốc đã kịp trườn lên nửa thân tàu, chắn ngang mũi CSB 8003, khoảng cách còn chưa đầy 30m và tiếp tục rút ngắn do tàu vẫn trôi theo quán tính. Từ tàu Trung Quốc, máy quay phim, máy ảnh cũng đồng loạt chĩa ra với ý đồ ghi lại hình ảnh mà họ định vu cáo là "tàu Việt Nam chủ động đâm va và gây hấn với tàu Trung Quốc". Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng bình tĩnh cho tàu lùi hết tốc độ. Trong khuôn hình, từng quầng bọt nước sôi lên trước mũi tàu 8003 - minh chứng thuyết phục cho thái độ mềm dẻo và kiên trì của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam. Vậy là Trung Quốc đã không có được những hình ảnh mà họ trông đợi, thậm chí cố tình tạo dựng, để minh họa cho những lời bịa đặt trắng trợn rằng: Việt Nam đang cố tình gây hấn và khiêu khích họ trên Biển Đông.

Phải đến hai ngày sau tàu CSB 4032 mới quay trở lại đội hình biên đội, thay thế vị trí của tàu 4033. Sau khi hiệp đồng biên đội tiếp cận tuyên truyền, trở ra, tôi được thuyền trưởng cho nói chuyện với anh em tàu 4032 qua bộ đàm. Dù không được gặp mặt nhưng được hiệp đồng với nhau trong cùng một biên đội, niềm vui trong tôi vỡ òa... Tôi thầm cảm ơn duyên nghiệp đã cho mình cơ hội được sát cánh cùng các anh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 

Nguyễn Hữu Trung – Truyền hình Thông tấn
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vượt đại ngàn theo tiếng gọi đất nông lâm trường (30/05/2014 15:09:59)

Trong số báo này, Nội san Thông tấn mời độc giả nghe hai tác giả đoạt giải A Giải báo chí TTXVN 2013 kể về "hậu trường" tác nghiệp các tác phẩm vừa được vinh danh: Khát cùng Tây Nguyên (30/05/2014 14:59:13)

Lần đầu làm phim tại nước Mỹ (06/05/2014 10:17:17)

Đỉn xùn trân văng biển Tây Nam của Tổ quốc (06/05/2014 10:09:41)

Đi một ngày đàng... (01/04/2014 10:40:36)

Nhớ Yangon... (11/02/2014 15:42:06)

Cơ hội để tích lũy kinh nghiệm và vốn sống (11/02/2014 10:05:52)

Ký ức đẹp về một chuyến đi (30/12/2013 14:02:00)

Đợt công tác "nhớ đời" (30/12/2013 09:51:26)

Chuyện về “nơi ăn, chốn ở” của phóng viên thường trú (30/12/2013 09:40:05)