Thứ tư, ngày 17/04/2024

Sổ tay phóng viên

Vượt đại ngàn theo tiếng gọi đất nông lâm trường


(30/05/2014 15:09:59)

Thấm thoát, tôi đã có gần ba năm gắn bó với báo điện tử VietnamPlus. Được tòa soạn giao phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường, một trong những lĩnh vực "nổi tiếng" về khiếu kiện, tôi xác định, đây là "kho đề tài nóng" để khai thác. Cho đến nay, tác phẩm tôi tâm huyết nhất là loạt bài "Bất cập trong quản lý đất nông lâm trường quốc doanh".

PV Võ Mạnh Hùng trên đường đi tác nghiệp
Năm 2003, để nâng cao tinh thần trách nhiệm của mọi tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ, sử dụng hiệu quả đất đai, bảo vệ môi trường, đưa việc quản lý và sử dụng đất đai vào khuôn khổ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 16/6/2003 về tiếp tục sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường quốc doanh trên cả nước. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng tranh chấp, xâm chiếm đất đai vẫn diễn ra gay gắt, đặc biệt là ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu tháng 8/2013, tôi quyết định thực hiện chuyến công tác tại các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên - khu vực có số lượng lớn lâm trường tọa lạc, để tìm hiểu thực tế trong công tác quản lý và sử dụng đất nông lâm trường, lấy tư liệu cho chùm bài tôi ấp ủ đã lâu.

Rời Hà Nội trong cái nắng của một buổi chiều tháng 8, nơi tôi đặt chân tới đầu tiên là xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ở đây, mỗi ngày lãnh đạo địa phương phải dành 70% thời gian cho việc giải quyết mâu thuẫn giữa người dân và công ty lâm nghiệp Đông Bắc. Hôm ấy, sau buổi làm việc với chính quyền địa phương và lãnh đạo công ty, tôi quyết định vào một bản nằm heo hút giữa những quả núi cao để nắm bắt tình hình. Sau nhiều giờ vật lộn với quãng đường dài gần 10 kilômét toàn đá hộc, tôi cũng vào được bản nghèo khi mặt trời đã đứng bóng. Ngay sau khi trò chuyện với ông trưởng bản và người dân, tôi lại tiếp tục cuốc bộ gần một kilômét vào "điểm nóng" tranh chấp đất rừng để ghi lại những hình ảnh về hiện tượng "có thật"- như lời ông chủ tịch xã Tân Thành.

Để có cái nhìn bao quát cả khu vực, tôi tiếp tục đến với các xã nghèo của tỉnh Yên Bái - nơi có công ty lâm nghiệp nhiều lần xin giải thể vì làm ăn thua lỗ, đang phải "ôm" một khoản nợ lên tới hàng tỷ đồng. Tôi nhớ mãi chuyến đi vào một bản thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh này. Hôm ấy trời mưa, đường đi nhão nhoét với nham nhở "ổ trâu, ổ gà". Dù nhận được không ít lời khuyên ngăn, nhưng lòng đã quyết, tôi vác đồ nghề, lên đường và đã tới được trung tâm xã Đại Đồng, huyện Yên Bình sau gần hai tiếng đồng hồ phóng xe máy. Biết tôi có ý định vào các bản "đất cằn, đá bạc", Chủ tịch xã Đại Đồng nhìn tôi ái ngại, nhưng vẫn cử một cán bộ dẫn đường và không quên căn dặn "Trời mưa, đường lầy nên anh đi cẩn thận đấy".

Quả thực, càng vào sâu đường càng khó đi, có đoạn còn chưa thông do mưa gây sạt núi, nên chúng tôi phải dán mắt xuống đường, vững tay lách bánh xe qua những hố nước, vũng lầy. Ấy nhưng, dù vững tay lái tôi cũng phải chịu thua những viên đá to nằm chìm dưới vũng nước. Vì thế, có lúc đang hì hụi về số cho xe băng qua vũng nước rồi leo dốc thì bất chợt bánh trước bị chặn đứng giữa hai viên đá to, cả người và xe lăn kềnh xuống đường... Sau 7 ngày miệt mài khảo sát thực tế theo "tiếng gọi đất nông lâm trường", cuối cùng tôi cũng tìm được những thông tin quý, những hình ảnh nóng về tranh chấp đất rừng.

Sau chuyến đi này, theo gợi ý của một chuyên gia ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tôi tiếp tục đến với Tây Nguyên - nơi mà đất nông lâm trường đang bị nhiều đồng bào dân tộc ở các tỉnh phía Bắc vào lấn chiếm vì "cơn khát" đất sản xuất. Trong hơn một tuần lăn lộn ở các xã vùng sâu vùng xa ở Đắk Nông và Lâm Đồng, tôi đã cuốc bộ hàng chục cây số đường rừng, dầm mưa dãi nắng, vào tận các khu dân cư nằm vắt vẻo giữa những quả núi để cảm nhận "sức nóng" của từng miếng đất trong diện tranh chấp.

Tôi nhớ, sau bảy ngày sống trong rừng, hàng ngày phải leo rừng, ngủ ở nơi không điện, những bữa ăn không thịt cá, cơm gia chủ không đủ lưng nồi mời khách, tôi trở ra trung tâm xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông gặp gỡ chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Vị Chủ tịch xã Quảng Thành bắt tay tôi thật chặt, ánh mắt đầy cảm động "Cảm ơn nhà báo đã quan tâm đến đồng bào".

Trở về Hà Nội sau những chuyến đi thực tế, tìm hiểu thực trạng quản lý, sử dụng đất nông lâm trường ở các địa phương, tôi quyết định mang câu chuyện mình ghi nhận được tới gặp các chuyên gia, nhà quản lý để có những lời giải đáp, bình luận. Và ngay sau đó, tôi đã thực hiện chùm bài "Bất cập trong quản lý đất nông lâm trường quốc doanh" với mong muốn góp một tiếng nói để độc giả sẽ có cái nhìn tổng quan về "bức tranh đất rừng". Tôi cũng hy vọng, sẽ có sự đổi mới trong cách quản lý đất nông lâm trường quốc doanh, để từng mét "đất vàng" được quản lý và sử dụng hiệu quả.

Mạnh Hùng (Giải A thể loại Báo điện tử)
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trong số báo này, Nội san Thông tấn mời độc giả nghe hai tác giả đoạt giải A Giải báo chí TTXVN 2013 kể về "hậu trường" tác nghiệp các tác phẩm vừa được vinh danh: Khát cùng Tây Nguyên (30/05/2014 14:59:13)

Lần đầu làm phim tại nước Mỹ (06/05/2014 10:17:17)

Đỉn xùn trân văng biển Tây Nam của Tổ quốc (06/05/2014 10:09:41)

Đi một ngày đàng... (01/04/2014 10:40:36)

Nhớ Yangon... (11/02/2014 15:42:06)

Cơ hội để tích lũy kinh nghiệm và vốn sống (11/02/2014 10:05:52)

Ký ức đẹp về một chuyến đi (30/12/2013 14:02:00)

Đợt công tác "nhớ đời" (30/12/2013 09:51:26)

Chuyện về “nơi ăn, chốn ở” của phóng viên thường trú (30/12/2013 09:40:05)

Tác nghiệp ở: "điểm nóng" giáo sứ Mỹ Yên (02/12/2013 11:12:18)