Thứ năm, ngày 25/04/2024

Sổ tay phóng viên

Trong số báo này, Nội san Thông tấn mời độc giả nghe hai tác giả đoạt giải A Giải báo chí TTXVN 2013 kể về "hậu trường" tác nghiệp các tác phẩm vừa được vinh danh: Khát cùng Tây Nguyên


(30/05/2014 14:59:13)

Cầm bản đề cương chuyên đề "Tây Nguyên khát" trong tay, tôi băn khoăn hỏi phóng viên viết Nguyễn Vũ Thành Đạt: "Đi ‘khát’ một tháng sao anh?". Anh Đạt cười bảo: "Họ khát 20 năm rồi em, mình đi một tháng nhằm nhò gì". Thế là chúng tôi lên đường...

 

' Cánh rừng' nhưng không một màu xanh

Từ TP. Hồ Chí Minh, chuyến xe đò đưa chúng tôi (cùng một chiếc xe Wave Thái trong cốp xe), theo quốc lộ 14 lên Tây Nguyên. Kế hoạch của chúng tôi là lên đến thành phố Kon Tum, hai anh em sẽ rong ruổi trên "con ngựa sắt" ấy cho chủ động.

Tháng Ba, TP. Hồ Chí Minh và Tây Nguyên cùng vào mùa nắng nóng. Nhưng "Tháng Ba Tây Nguyên" còn thêm một "đặc trưng" dai dẳng suốt bao nhiêu năm qua. Đó là "khát khô". Những quả đồi khô cằn khổng lồ cứ nối tiếp nhau, như trong một hoang mạc rộng lớn, ôm trọn những con đường chúng tôi đi trên vùng Bắc Tây Nguyên. Những mảng đất trồng trọt khô khốc. Cái thứ đất bazan phì nhiêu là thế mà bây giờ bạc đi vì thiếu nước, khô cằn cứ trải dài ra, hết lớp này đến lớp khác. Những cây thuốc lá héo quắt queo. Những con bò lang thang trên đồng cỏ khô cháy, cố gắng tìm kiếm những ngọn cỏ còn sót lại cho cái bụng teo tóp...

Chúng tôi lần lượt đi qua Hà Mòn, Đoàn Kết, Sa Thầy, Plei Kần (Kon Tum); Kông Chro, Phú Thiện... Nóng! Nóng đến mức tưởng như bao nhiêu nước trong người bị vắt kiệt. Qua các lớp áo chống nắng, mồ hôi đã bệt lại; nước mang theo nhanh chóng được uống hết, chúng tôi phải mua nước uống liên tục.

Một trong những điểm đến quan trọng trong chuyến công tác là "rốn" hạn - chảo lửa Krông Pa (Gia Lai). Chúng tôi lên đường trong lúc trời mưa gió nên nghĩ là đất hạn Krông Pa đã được tưới tắm chút ít, e là sẽ khó phản ánh được thực trạng "khát" nơi đây. Tuy vậy, gần đến Krông Pa, trời bỗng tạnh đột ngột, khô hạn hiện ra ngay trước đầu xe chúng tôi- bùn đất đã bốc hơi trở thành bụi trắng xóa. Trong suốt quá trình tác nghiệp một tuần ở đây, chúng tôi đã biết thế nào là "nơi có nhiệt độ trung bình năm cao nhất vùng Tây Nguyên". Thú thật là có những buổi trưa chúng tôi không tài nào ăn nổi một chén cơm vì nuốt không trôi. Nắng nóng làm cho người mệt lử, da bỏng rát. Có những lúc, tôi cùng đồng nghiệp phải đi bộ hơn chục cây số dưới trời nắng nóng, vừa đi vừa chụp ảnh, phỏng vấn. Riêng tôi là phóng viên ảnh, phải mang theo ba lô máy móc gần 15kg, nhiều lúc mệt, tưởng không chịu nổi.

PV Nguyễn Bá Luân

Nhưng, bù cho nỗi vất vả, tôi chụp được rất nhiều ảnh: Cảnh những người mẹ, người chị với cơ man các loại vật dụng có khả năng giữ nước, nào là bình chứa, xô, thùng, cho đến quả bầu khô..., tập trung ở các mạch nước ngầm hiếm hoi còn sót lại để lấy nước sinh hoạt. Cảnh những trai làng vạm vỡ đang cùng nhau hì hục đào những cái giếng sâu đến hàng chục mét mà vẫn chưa thấy nước; đồi trọc bị "sa mạc hóa" thành đất cát với cái nắng khủng khiếp thiêu đốt từng ngày; bác nông dân cặm cụi với các luống dưa trải nilon để hạn chế đất bốc hơi nước... Tất cả những hình ảnh đó đã thôi thúc tôi bấm máy, là những tư liệu quý giá, đa dạng cho phóng sự ảnh Tây Nguyên Khát. Công việc thuận lợi mà tâm trạng thì lúc nào cũng buồn, vì trước ống kính là cả một vùng Tây Nguyên đang khổ sở vì "khát".

 

Tây Nguyên là vùng đất phong phú các đề tài về đất nước, con người nên trong kế hoạch chuyến công tác, chúng tôi định thực hiện thêm mấy chủ đề nữa. Tuy nhiên, khi nhóm hoàn thành được 2/3 công việc, do sức "nóng" của việc Tây Nguyên thiếu nước, vấn đề biến đổi khí hậu đang được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, tòa soạn Báo ảnh Việt Nam yêu cầu phải hoàn thành nhanh chuyên đề, làm sao cho kịp in số báo tháng 5. Thế là, tạm gác lại các đề tài lẻ, chúng tôi tập trung thực hiện "Tây Nguyên Khát", hoàn thành đúng tiến độ gởi bài, ảnh ra tòa soạn.
Một tháng vất vả cho công việc và cũng đầy ắp kỷ niệm cho hai anh em chúng tôi, để sau cùng là nụ cười dành cho nhau vì đã hoàn thành công việc rồi nhảy xe đò trở về thành phố. Xa Tây Nguyên nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cái nóng Tây Nguyên...

Gần một tháng tác nghiệp tại vùng đất khô hạn, tôi nhớ nhất cảm giác xót xa tận đáy lòng khi đứng trước đập chứa nước Ia Mlah đầy ăm ắp nước, mà hệ thống đường dẫn nước chưa hoàn thành khiến cả vùng hạ lưu trông ngóng. Ấn tượng mạnh mẽ thứ hai là nụ cười của hai người nông dân khi tưới nước cho vườn hoa của mình. Đối với họ, hạnh phúc giản đơn là có đủ nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô hạn.

Nguyễn Bá Luân (Giải A thể loại Ảnh báo chí)
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2014