Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Sổ tay phóng viên

Nhớ Yangon...


(11/02/2014 15:42:06)

Từ ngày 7- 23/12/2013, với nhiệm vụ thông tin về SEA Games 27, hai phóng viên Nguyễn Thanh Hà (Ban biên tập Ảnh) và Nguyễn Hữu Quý (Trưởng phòng đại diện báo Thể thao & Văn hóa tại Đà Nẵng) đã có những trải nghiệm khó quên tại cố đô Yangon của đất nước Myanmar. Dưới đây là câu chuyện của nhóm PV thông tấn trong những ngày tác nghiệp đáng nhớ...

Hai phóng viên Thanh Hà (trái) và Hữu Quý tại Yangon, Myanma

1- Phóng viên TTXVN tác nghiệp SEA Games 27 gồm hai nhóm- một đến Thủ đô Nay Pyi Taw, một đến Yangon. Điều kiện ở Myanmar thì ở đâu cũng có những khó khăn nhất định, nhưng ở Yangon có nhiều rào cản đặc biệt.

Có lẽ, nỗi e ngại lớn nhất đối với hai anh em chúng tôi vẫn là... thiếu đề tài. Lý do, ở Yangon quá ít môn thi đấu: Kempo (một thể loại trong môn đấu kiếm), cử tạ, vật, bắn súng, hockey. Hockey thì Việt Nam không có "cửa". Kempo là môn có thể gọi là "nhạt". Cử tạ thì do Ban tổ chức "chơi khó" nên đội tuyển Việt Nam chỉ còn một hy vọng Huy chương vàng (HCV) là Thạch Kim Tuấn. Làm thế nào cho hay- đó là điều cả tôi và anh Thanh Hà đều băn khoăn.

Nhiệm vụ của hai anh em lần này, ngoài viết tin, cung cấp ảnh, còn phải làm truyền hình. Việc học để làm chủ được với máy quay, dựng hình, truyền hình ảnh về "nhà", chỉ trong thời gian ba ngày trước khi lên đường là chuyện không đơn giản. Anh Thanh Hà lại chỉ mới một lần tác nghiệp ở lĩnh vực thể thao là Para Games Malaysia năm 2009 nên anh cũng rất muốn trải nghiệm ở lĩnh vực thể thao, tưởng thì dễ dàng nhưng không hẳn là thế.

Khó thì khó, nhưng hai anh em động viên nhau quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quyết tâm có cơ sở thực tế hẳn hoi, bởi trong nhiều năm tác nghiệp, anh em tôi từng đảm đương nhiều chiến dịch truyền thông "hóc búa", còn hơn chuyến sang Yangon lần này.

 

2- Tới Yangon vào một buổi hoàng hôn, chúng tôi thực sự ấm lòng trước sự thật thà, chất phác của tài xế taxi và nhiệt tình của các tình nguyện viên. Đường về khách sạn đi qua Chùa Vàng, ngôi chùa rực sáng giữa bầu trời đêm. Cảnh quan của Yangon gợi đến một thời chưa xa của đất nước chúng ta. Dưới lăng kính của một "nghệ sỹ", anh Thanh Hà buột miệng: "Yangon đầy trầm tích. Chúng ta nên khai thác những câu chuyện bên lề chú em ạ. Bởi, người hâm mộ ở nhà khi xem các môn thi đấu qua ti vi, họ sẽ thích thú nếu như được biết thêm những câu chuyện bên lề về Yangon".

Và rồi, với phương châm đó, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng mang theo các đồ nghề trên người, kể cả khi đi ăn, rảnh là "sục sạo" phố phường Yangon. Hai anh em thường tìm hiểu Yangon vào lúc công việc đã xong, chủ yếu là ban đêm.

 

Trẻ em Myanmar thích thú với các phóng viên Việt Nam 

3- Trong một lần "bát" phố, anh em chúng tôi gặp được một "cô dâu Việt" là chị Lê Thị Kim Tín. Giữa trung tâm cố đô Yangon, không thể nói hết được những tình cảm của người con viễn xứ dành cho đồng bào, Tổ quốc. Cả Yangon chỉ có ba cô dâu Việt. Phóng sự Chuyện tình chị Tín, Chia tay Yangon ở nhà chị Thanh đã được mấy đồng nghiệp VTV ở cùng khách sạn xuýt xoa khen là "hàng độc" mà Truyền hình Thông tấn có được.

Rồi, như một cơ duyên, sau đó các PV thông tấn đã gặp thêm một vài người Việt nữa, như Phó trưởng Cơ quan đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar Trần Phước Anh, Đại diện tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đại diện Hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tại Yangon... Những bài phỏng vấn, ghi chép, cả báo giấy và truyền hình, những chùm ảnh liên quan đến sự mở cửa của Myanmar, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là cuộc sống của những người Việt xa xứ, chúng tôi đều cố gắng phản ánh chân thực nhưng vẫn có chút không khí thể thao trong đó.

 

4- Tất nhiên, việc bám sát các môn thi đấu tại Yangon vẫn luôn được chúng tôi nằm lòng. Cứ có kết quả là việc đầu tiên phải cập nhật thông tin dịch vụ, gửi ảnh, sau đó đến online của báo Thể thao & Văn hóa. "Ba trong một", tin bài, ảnh, nhất là tin và phóng sự truyền hình được hai anh em thực hiện đều như "vắt chanh".

 Ba lần phải đổi khách sạn, mạng internet cực chán, có những lúc bên nhà gần đến giờ phát sóng, ngồi đếm từng giây chờ gửi hình về, đến 99% thì bị đứt quãng, thật là não ruột. Hôm nào mạng "tự dưng" hanh thông lại thở hắt ra. Đấy là những khoảnh khắc không thể nào quên.

Sau chuyến đi này, chúng tôi càng thấm thía một điều, đề tài ít hay nhiều vẫn chủ yếu nằm ở năng lực phát hiện mà thôi. Hai anh em vẫn còn lỡ hẹn với nhiều đề tài hay ở Yangon. Tiếc vì vẫn chưa có đủ thời gian để khám phá cố đô đầy trầm tích này. Tình yêu ngành, khát khao tạo được sự khác biệt trong một "rừng" PV báo chí khác cùng tác nghiệp ở SEA Games 27, sự đồng lòng của hai anh em, đặc biệt sự động viên, hỗ trợ hết mình của các đơn vị ở nhà, cũng là động lực thôi thúc chúng tôi phải "chiến đấu" hết mình để không phụ lòng mọi người đã gửi gắm.

Khi tôi viết những dòng này, hình ảnh về cố đô Yangon với người dân hiền hòa, những bóng cây xanh thẫm, những đàn chim chíu chít, những giọt nước mắt hạnh phúc của VĐV khi đoạt HCV, hay thất bại vì bị trọng tài xử ép... lại hiện ra trước mắt, thành một nỗi nhớ dịu êm.

 Æ i Yangon, xin hẹn ngày tái ngộ!

Nguyễn Hữu Quý
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2014