Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Sổ tay phóng viên

Kể chuyện Trường Sa


(05/11/2013 15:01:26)

Người Việt Nam chúng ta, ai cũng ước ao một lần được đặt chân đến Trường Sa, Hoàng Sa - vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cho nên, tôi thấy mình thật may mắn được có mặt trong đoàn công tác của Công đoàn Viên chức Việt Nam ra thăm quân và dân Trường Sa tháng Tư vừa qua.

 

Nhà báo Lê Văn Hiệp cùng cháu Hồ Song Tất Minh, 4 tuổi, công dân đảo Song Tử Tây

Đúng 8 giờ sáng ngày khởi hành, tất cả các thành viên trong đoàn công tác ùa ra hai bên mạn tàu. Ba hồi còi của tàu HQ 561 vang lên cũng là lúc những cánh tay đồng loạt giơ lên vẫy chào. Tàu nhổ neo, từ từ rời quân cảng. Bất chợt, phía mạn tàu, có những tờ vàng mã từ mũi con tàu rơi xuống là là mặt nước. Trước khi tàu nhổ neo rời cảng, bao giờ các thuỷ thủ cũng đặt lễ dâng hương tại mũi tàu, cầu mong các thần linh, các anh hùng, liệt sĩ che chở để chuyến biển thuận buồm xuôi gió...

Mắt tôi ngấn lệ khi dõi nhìn những tờ vàng mã rơi trên mặt biển. Tôi hiểu, để có giây phút này, để con tàu hiện đại được lướt đi giữa biển cả mênh mông trời xanh, nước biếc hôm nay, thì ông cha chúng ta, các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã phải đổ biết bao xương máu để bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Người thứ 180 kiêm 181- đau đáu về cha

Trong đoàn công tác số 4 trên tàu HQ 561 có 80 đại biểu đến từ Công đoàn Viên chức Việt Nam; 100 người đến từ các cơ quan, ban, ngành, các tỉnh, thành phố. Tổng số 180. Nhưng danh sách lại có đến 181 đại biểu? Chuyện khó hiểu đã được Đại tá Nguyễn Đức Nho- Trưởng đoàn công tác, giải đáp: Người thứ 180 và 181 là một. Đó là Thượng úy Trần Thị Thu Hà, công tác tại Phòng Hậu cần, Công an tỉnh Hà Nam.

Dưới bóng cây phong ba trên đảo Song Tử Tây, tôi đã gặp và trò chuyện với Thượng úy Hà. Trả lời câu hỏi của tôi về căn nguyên khiến chị trở thành người thứ 180 kiêm 181 trong đoàn, chị kể: Hai năm trước, chị đã đăng ký, xin Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đi thăm Trường Sa, nhưng không được toại nguyện. Năm nay, chị tiếp tục xin Bộ Tư lệnh Hải quân được đến với Trường Sa. Để cho chắc chắn, biết tin đợt này, đoàn của tỉnh nhà cũng đi thăm Trường Sa, chị một mực xin thủ trưởng đơn vị cho được ghi tên cùng đi. Và ước nguyện của chị đã đạt được... những hai lần. Chị có mặt trong đoàn công tác này với hai tư cách, một là đại biểu của tỉnh Hà Nam, hai là đại biểu của Quân chủng Hải quân. Qua câu chuyện, tôi hiểu được nỗi khát khao cháy bỏng của chị được đến Trường Sa, nơi người cha- liệt sĩ Trần Đức Thông, Trung tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, cùng 63 đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh cách đây 25 năm, ngày 14/3/1988, trong trận hải chiến trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Chị Trần Thị Thu Hà (ngồi giữa) cùng các em nhỏ trên đảo Sinh Tồn

Đúng 7 giờ sáng ngày 10/4, tàu HQ 561 dừng tại khu vực các đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma để làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cách đây 25 năm. Giữa vùng biển thiêng, ba hồi còi của tàu HQ 561 vang lên, tiếp đó là bản nhạc Hồn tử sĩ trầm hùng, vang vọng... Sau diễn văn tưởng niệm của Đại tá Nguyễn Đức Nho là lời khấn cầu của Đại đức Thích Nguyên Thanh (trụ trì Chùa Hang, Thái Nguyên, người của đoàn Nhà xuất bản Thế giới): "...Hôm nay tôi được thiện duyên/ Đến thăm biển đảo Mẹ hiền Việt Nam/ Chí thành đốt nén tâm nhang/ Cầu hồn liệt sĩ lạc bang được về/ Thân anh nào có tiếc gì/ Nguyện làm cột mốc bia ghi chủ quyền...". Lần lượt từng người dâng hương, thả hoa xuống biển. Trong không khí trang nghiêm và đầy cảm xúc của lễ tưởng niệm, bỗng vang lên những lời thổn thức "Cha ơi, con về với cha đây..." của chị Hà. Chị vừa thả hương hoa, vừa hóa bức thư viết đêm qua gửi cho bố "Bố ơi! 25 năm rồi, qua nhiều lần mong mỏi nay con mới được đặt chân ra Trường Sa, nơi bố và các đồng đội đã nằm xuống vĩnh viễn giữa biển xanh mênh mông...". Mọi người không ai cầm được nước mắt.

 

Kỷ niệm chương... ngoài kế hoạch

Trong buổi họp mặt trên đảo Trường Sa Lớn, tất cả 180 đại biểu đều được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa; 30 đại biểu, là Trưởng các đoàn ở tỉnh, ban, ngành, được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Theo kế hoạch, sáng ngày 14/4, tàu sẽ dừng lại thăm nhà giàn DK1/18 và DK1/19 thuộc vùng biển Quế Đường. Nhưng thật tiếc, lúc ấy có áp thấp nhiệt đới, gió giật và sóng to, việc thả xuồng để vào nhà giàn DK1/19 cực kỳ khó khăn, nguy hiểm nên tàu phải neo đậu từ xa, các đại biểu vẫy chào, chuyện trò với cán bộ chiến sĩ nhà giàn thông qua bộ đàm và loa của tàu HQ 561. Rồi các cô gái trên tàu cất tiếng hát, với những giai điệu về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo. Liên khúc các miền quê giữa tàu HQ 561 và nhà giàn DK1/19 đối nhau vang lên giữa trời biển mênh mông, át cả tiếng sóng biển đang xô đẩy dưới mạn tàu...

Đến lúc phải chia tay, Trưởng đoàn công tác quyết định cho tàu nhổ neo. Nhưng các nữ ca sĩ quá tình cảm, quyến luyến, đặc biệt là ca sĩ Lê Ngọc Hậu, đoàn Nhà hát Tuổi trẻ, không cầm được nước mắt, thiết tha xin trưởng đoàn dừng tàu thêm ít phút nữa để tiếp tục hát cùng những người lính trên nhà giàn. Những giai điệu mượt mà lại vang lên "...Không xa đâu Trường Sa ơi!...", "Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa, ôi Trường Sa...".

Xúc động trước tấm lòng của ca sĩ Lê Ngọc Hậu với người lính nhà giàn, sau khi xin ý kiến của Bộ Tư lệnh Hải quân, Đại tá Nguyễn Đức Nho đã công bố quyết định tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc cho chị. Lê Ngọc Hậu trở thành người thứ 31 vinh dự được tặng Kỷ niệm chương trong chuyến đi này.

Còn rất nhiều chuyện tôi muốn kể trong chuyến công tác đến quần đảo Trường Sa. Đó là ngắm hoàng hôn trên biển, câu cá ngừ đại dương, là cảm nhận về "Con chuồn bay nơi nơi / Con giang chiều gọi bạn đường khơi..." trong ca khúc Xa khơi nổi tiếng của Nguyễn Tài Tuệ. Nhưng "trăm nghe không bằng một thấy!", nếu có điều kiện, bạn hãy một lần đến với Trường Sa!

 

Lê Văn Hiệp
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2013