Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Sổ tay phóng viên

Chuýằ‡n kỏằƒ mỏằ™t phÃÂn xÃÊ


(07/08/2013 15:12:44)

Có mặt ở Phân xã Quảng Ngãi dịp giữa tháng 6, tôi đã được chứng kiến nhịp điệu làm việc cũng như sự gắn kết của hai "thầy trò" Nguyễn Đăng Lâm và Đinh Hương. Xin được kể những điều "mắt thấy tai nghe".

Bản lĩnh nhà báo thông tấn

Chiều thứ Năm, 13/ 6, cả Trưởng phân xã Nguyễn Đăng Lâm và phóng viên Đinh Hương đều đi họp báo ở Sở Giáo dục đào tạo Quảng Ngãi. Chủ đề: Những vấn đề liên quan đến việc xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường các trường học trên địa bàn Quảng Ngãi (chữ nghĩa là vậy, ai cũng hiểu đây là cuộc họp về vụ "nhà vệ sinh 600 triệu" đang làm xôn xao dư luận thời điểm đó). Trước khi đi, Trưởng xã đã dặn Đinh Hương, phân xã sẽ làm cả tin văn bản lẫn tin hình về sự kiện này. Hai thầy trò nai nịt "vũ khí" đầy mình: máy ảnh, máy quay, sổ bút... rồi lên đường.

Trời Quảng Ngãi hôm ấy oi nóng, nhưng không thể "nóng" bằng không khí cuộc họp. Căn phòng chừng ba chục mét vuông kín đặc phóng viên, Ban tổ chức phải đưa thêm ghế gấp vào mới đủ chỗ ngồi.

15 giờ, cuộc họp báo bắt đầu. Trưởng xã Đăng Lâm đọc tài liệu, ghi chép, "xã viên" Đinh Hương miệt mài tác nghiệp với chiếc máy quay nhỏ.

 Sau giải trình của vị lãnh đạo ngành Giáo dục Quảng Ngãi (theo đó, chi phí cho công trình nhà vệ sinh thực ra là hơn 230 triệu, sử dụng nguồn vốn ODA), cánh nhà báo phát biểu rào rào. PV Tuổi trẻ (tờ báo "nổ phát súng đầu tiên" trong vụ này), bất chấp độ vênh lớn giữa con số 600 triệu báo nêu và hơn 200 triệu như báo cáo của cơ quan chức năng, vẫn tiếp tục "nố phát súng đầu tiên" trong cuộc họp báo. Bình thản nói rằng "thông tin 600 triệu là từ đoàn khảo sát, Tuổi trẻ chỉ nêu lại", anh PV này tiếp tục chất vấn lãnh đạo Sở Giáo dục đào tạo Quảng Ngãi về một số chi tiết trong báo cáo. Sau đó, PV các báo Nông thôn ngày nay, Tin nhanh VN, Người lao động, Dân trí... đều xoáy vào những điều mà họ cho là bất hợp lý trong việc đầu tư xây dựng công trình vệ sinh trường học.

Giữa lúc cuộc họp báo đang "nóng rẫy", ý kiến của nhà báo Đăng Lâm đã làm không khí trong phòng "đằm" hẳn xuống. Ông hỏi một điều làm nhiều PV giật mình đọc lại tài liệu họp báo: Lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Ngãi từng nói "Hầu hết các trường không huy động được số tiền lớn...", nhưng theo báo cáo, các trường vẫn đóng góp được số tiền bằng 25% tổng vốn cho công trình. Vậy thực chất câu chuyện là thế nào? Và từ câu hỏi này của nhà báo thông tấn, một sự thật về khoản "vốn đối ứng" trong công trình nhận vốn ODA của các trường học đã được hé lộ, phần nào lý giải cho con số cao vót của tổng tiền đầu tư.

Trưởng phân xã Quảng Ngãi của TTXVN cũng nói về một vấn đề tế nhị và cực kỳ quan trọng: Tầm quan trọng của viện trợ ODA đối với nước ta và sự lợi/ hại khi thông tin về việc sử dụng nguồn tiền này. Ông rạch ròi: Các báo đưa tin "nhà vệ sinh 600 triệu" gây sốc cho bạn đọc. Con số thực tế hơn 230 triệu, tất nhiên vẫn cao, nhưng khác xa với 600 triệu. Thông tin không chính xác này có thể làm cho các quốc gia viện trợ ODA cho Việt Nam có thể "nghĩ lại".

Cuộc họp báo kết thúc lúc 16 giờ 30. Nhiều người phải công nhận "bản lĩnh nhà báo thông tấn".

Thầy trò "cùng tiến"

"Em biết là mình may mắn vì được công tác trong môi trường lý tưởng như phân xã Quảng Ngãi". Đinh Hương- cô gái cởi mở và dễ thương, học viên khóa nghiệp vụ K25, đã tâm tình như vậy.

Hương còn nhớ, ngày đầu "chân ướt chân ráo" về Quảng Ngãi, mình đã được Trưởng phân xã dìu dắt vào nghề như thế nào: Lúc em chưa được học lớp nghiệp vụ của ngành, bác dạy cách chụp ảnh, bổ túc cho em kỹ năng làm tin. Bây giờ em khá hơn rồi nhưng bác vẫn quan tâm chỉ bảo. Em làm xong tin, bài, cứ gửi cho bác là bất kể giờ nào bác cũng biên tập, chỉnh sửa cho để gửi ra Tổng xã.... Cô PV trẻ ríu rít chia sẻ: "Sếp" ít nói nhưng tâm lý lắm ạ! Không chỉ chuyện công tác, bác còn bảo ban em một số điều trong cuộc sống. Và những khi hai bác cháu đi công tác, bác quan tâm đến em như con cháu trong nhà.

Tập thể Phân xã Quảng Ngãi là sự kết hợp thú vị các thế hệ nhà báo thông tấn. Trưởng phân xã- Nhà báo Nguyễn Đăng Lâm đã có thâm niên 41 năm làm việc trong ngành. Từ một điện báo viên bôn ba trên các nẻo đường chiến trường miền Trung trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã học hỏi, trưởng thành trong công tác phóng viên, hiện tác nghiệp cả ba loại hình: Tin văn bản, tin ảnh, tin truyền hình. Ông đoạt Giải A Giải báo chí quốc gia năm 2010 với chùm bài "Lý Sơn- Bảo tàng sống động về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa". Trong khi đó, PV Đinh Hương (sinh năm 1986), tuổi đời còn thua xa tuổi nghề của Trưởng xã, mới gia nhập "nhà thông tấn" tháng 4 năm 2011. Mặc dù khoảng cách tuổi đời, tuổi nghề rất lớn, nhưng với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao và sự tận tình dìu dắt của "thầy", sự cầu tiến của "trò", hai nhà báo phối hợp rất ăn ý, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin về địa bàn. Mối quan hệ vừa là Trưởng xã- "xã viên" vừa là "thầy- trò" lại cũng là "bác- cháu" ở Phân xã Quảng Ngãi thật ấm áp.

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2013