Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Sổ tay phóng viên

Chuýằ‡nõ€ƯBà xÃÊ


(05/11/2013 10:59:01)

Trong số Nội san tháng 10 này, mừng Ngày của phái đẹp nước nhà (20/10) tòa soạn xin giới thiệu hai câu chuyện của các nữ "đại diện" TTXVN. Tâm tình của các chị cũng là "tiếng lòng" của phụ nữ thông tấn

Tác nghiệp bên nhà hát Con Sò (Sydney, Australia)

"Chào Bà xã!". Lần đầu tiên nghe lời chào ấy, tôi đã ngớ ra một lúc. Cứ ngỡ anh đại diện thương vụ nhận nhầm người. Thấy tôi "nghẹn lời", anh cười phá: "Nữ Trưởng xã thì chẳng gọi tắt là bà xã được sao em?".

Tôi biết, biệt danh "Bà xã" mà anh chị em các cơ quan đại diện tại địa bàn đặt cho tôi chỉ bao hàm ý nghĩa công việc; nhưng thực tế, những nữ trưởng xã luôn phải nỗ lực để nhân đôi ý nghĩa đó. Hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác là đương nhiên, cánh "bà xã" chúng tôi còn một trách nhiệm lớn nữa là vun đắp hạnh phúc gia đình, chăm lo cho những người thân yêu của mình. Làm được vậy, niềm vui mới có thể coi là trọn vẹn.

 

Đi một ngày đàng...

Có đi thường trú tôi mới thấy câu châm ngôn "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn" sao mà chính xác. Trước đây tôi vẫn nghĩ, nam giới đi làm phóng viên thường trú thì thích hợp hơn là nữ giới. Tuy nhiên, sau một thời gian trải nghiệm tại địa bàn, tôi nhận thấy, nhìn chung, cơ hội trưởng thành cho cả hai phái là ngang nhau. Mọi khó khăn nảy sinh từ sự khác biệt về giới tính đều có thể giải quyết nếu phóng viên có tinh thần học hỏi và sự yêu nghề.

Phỏng vấn các bạn trẻ trong đêm giao thừa chào đón năm mới 2013 tại Sydney

Tôi vẫn nhớ như in cảm giác bồi hồi và vinh dự khi được lãnh đạo cơ quan tin tưởng trao nhiệm vụ làm Trưởng Cơ quan Thường trú (CQTT) TTXVN tại Australia. Trở thành nữ trưởng xã đầu tiên ở Australia (điều mà sang đến địa bàn tôi mới thấy nó được "để ý" đến vậy) có nghĩa là, dù thuộc "phái yếu", tôi phải giữ vững và phát huy những thành tích của đơn vị mà các bậc đàn anh đã đạt được trước đây. Là phụ nữ, lại đang có con nhỏ, nhưng điều đó không cho phép tôi trông đợi sự ưu tiên từ lãnh đạo cơ quan hay các đồng nghiệp. Với tôi, nỗ lực là bệ phóng cho sự thành công, mà thành công ở đây là "thành người", và tinh thần trách nhiệm thì không phân biệt nam hay nữ.

Tôi xin tự nhận là mình có một may mắn. May mắn đó là yêu nghề. Các bậc tiền bối đã đúc kết "Nghề báo- nghề nghiệt ngã", vậy mà cái nghề này cứ ăn vào máu thịt tôi, thôi thúc tôi "hành nghề" phóng viên, được khám phá, tìm hiểu, được "phiêu" trên những trang giấy với mọi cung bậc cảm xúc. Thế nên tôi đã lên đường nhận nhiệm vụ trong tâm thế phấn chấn (ở góc độ nghề nghiệp). Ở môi trường mới, tôi được thỏa sức quan sát, phát hiện vấn đề, chủ động liên hệ và cùng các đồng nghiệp tác nghiệp; "được" chứ không phải là "phải". Đổi mới cách đưa tin, nâng cao chất lượng thông tin và phát huy triệt để công tác phóng viên, những định hướng đó của ngành được tập thể CQTT TTXVN tại Australia nhiệt tình hưởng ứng. Hiệu quả thông tin và vai trò của chúng tôi đã được các cơ quan đại diện Việt Nam tại Australia, bà con Việt kiều cũng như bạn bè quốc tế ghi nhận.

Ngoài công tác chuyên môn, CQTT tại Australia rất chú trọng vai trò là cơ quan đại diện của TTX. Quan hệ tốt và cân bằng với các cơ quan đại diện khác trên cùng địa bàn là cần thiết, nói thẳng ra là rất có lợi. Với cá nhân tôi, nữ giới có lợi thế trong vấn đề này và CQTT tại Australia rất vui khi được anh chị em các cơ quan đại diện khác ghi nhận là trung tâm kết nối các cơ quan đại diện, trung tâm kết nối Việt kiều. Tự hào làm sao khi nghe các anh chị Việt kiều yêu nước tâm sự về cách họ trả lời sự lôi kéo của các lực lượng phản động sau khi TTX đưa tin, bài về họ. Hân hoan biết bao khi nghe có người thông báo: "Em ơi, anh chị đang làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam đấy". Và khi những người bạn quốc tế gọi điện, gửi thư đến hỏi về một vấn đề liên quan tới Việt Nam, bảo rằng Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán cho địa chỉ liên hệ để nhận phát ngôn chính thức từ đại diện TTX về vấn đề đó, tôi thấy vui vì được tin tưởng. Rõ ràng, phóng viên thường trú không thể thiếu bản lĩnh.

 

Về nơi tổ ấm

Cơ hội trưởng thành trong công tác thì nam nữ bình đẳng, nhưng ở khía cạnh gia đình thì vai trò của nam và nữ lại có sự khác biệt rõ rệt. Tôi may mắn có ông xã và hai con trai đi cùng trong nhiệm kỳ công tác. Ai cũng thấy, nơi đất khách quê người, gia đình vẫn được sum họp là điều tuyệt vời nhất. Tuy nhiên, tôi nghĩ, xét về ‘tâm lý nam nhi" thì việc các phu quân đi cùng "bà xã" trong nhiệm kỳ thường trú phần nào cho thấy sự hy sinh của họ. Vì vậy, ngoài giờ làm việc, trở về tổ ấm, tôi vẫn là người nội trợ, trụ cột trong gia đình vẫn là "ông xã". Xin "bật mí": Tạo điều kiện cho chồng có thời gian chơi thể thao, giải trí, giao lưu với anh chị em các cơ quan đại diện khác, gần gũi, trò chuyện với Việt kiều... là bí quyết của tôi nhằm tạo ra một môi trường sống gần gũi, vui vẻ và không bị hụt hẫng, có lợi cho ông xã và cho cả gia đình. Có lẽ sự yêu thương, cảm thông, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau là những yếu tố cơ bản nhất để tạo nên một gia đình hạnh phúc, nhất là khi phải sống xa quê hương.

Khéo léo điều tiết mối quan hệ giữa "ông xã" và các thành viên khác trong CQTT cũng là điều rất quan trọng. Mỗi người một cá tính, nhưng về cơ bản phải tôn trọng nhau, cùng có ý thức tạo lập một tập thể đoàn kết. Tôi thấy, cách đơn giản nhất là nhân rộng mô hình gia đình nhỏ để CQTT trở thành một gia đình lớn, nhưng vẫn trong chừng mực công sở.

Một người bạn lớn tuổi của tôi từng nói, điều quan trọng nhất mà mỗi người cần làm được là sự cân bằng. Và tôi rất tâm đắc với quan niệm đó, dẫu biết rằng sự cân bằng cũng chỉ là tương đối. Mới đây, hàng chục nghìn người dân Australia đã đổ ra đường để tưởng nhớ một nữ phóng viên đài ABC bị hãm hiếp đến chết một năm về trước. Cũng mới đây, một đồng nghiệp của tôi, một "bà xã" ở địa bàn khác, phải tiễn biệt người chồng thân yêu sang thế giới bên kia. Nhớ lại những lúc ngồi trên xe vượt đường trường đi công tác, cảm xúc dâng trào, tôi chợt nghĩ: "Cuộc đời là những chuyến xe, là thân cò lặn lội...". Là "bà xã" tự hào đấy, song cũng vất vả đấy!

 

Đỗ Vân (Trưởng đại diện CQTT tại Sydney (Australia))
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2013