Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Sổ tay phóng viên

Ai Cập, những ngày "lửa bỏng"


(07/08/2013 15:18:29)

Cả nước Ai Cập vừa trải qua những ngày hè nóng bỏng và đầy biến động với làn sóng biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ có quy mô lớn nhất (kể từ thời đại các Pharaon) dẫn tới việc ông Mohamed Morsi - vị Tổng thống dân bầu đầu tiên trong lịch sử nước này - bị quân đội ra lệnh phế truất sau đúng vỏn vẹn 369 ngày cầm quyền nhiều sóng gió.

Dư luận hẳn không thể quên sự kiện "Mùa Xuân Arab" với làn sóng biểu tình rầm rộ kéo dài 18 ngày làm sụp đổ chính quyền của cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Nay, một lần nữa Ai Cập khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Đất nước huyền bí của các kim tự tháp, sông Nile... đã cho thấy khả năng gây bất ngờ của mình. Chỉ sau 4 ngày biểu tình trên khắp cả nước (trong đó riêng cuộc biểu tình ngày 30/6 đã thu hút tới 33 triệu người tham gia), ông Morsi và tổ chức "Anh em Hồi giáo" cầm quyền đã buộc phải ra đi trong uất hận, cay cú. "Tính hợp pháp dân chủ" đã bị "ý nguyện của nhân dân" đè bẹp, song cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt tại Ai Cập sẽ không kết thúc đơn giản như vậy. Nhiều bất ngờ lớn vẫn đang ở phía trước với các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống, dự kiến sẽ được tổ chức trong vòng 6 tháng tới. 

Phóng viên Hữu Chiến tác nghiệp tại quảng trường Tahrir, giữa vòng vây người biểu tình ngày 30/6

Trong suốt một năm qua, kể từ khi đặt chân lên mảnh đất Trung Đông đầy nắng, cát và bạo lực này, hai PV của PX Ai Cập (Hữu Chiến và Hoàng Chiến) đã được trải qua những thời khắc lịch sử trên, với nhiều cung bậc cảm xúc, từ lo lắng, hoang mang, sợ hãi đến hăng hái, tự tin và vui mừng khi tin văn bản, tin hình của PX được đăng tải phát sóng và nhận được những lời chia sẻ, động viên kịp thời của lãnh đạo cơ quan và anh em đồng nghiệp. Trước cuộc biểu tình ngày 30/6, nhiều nước thông báo rút nhân viên ngoại giao khỏi Ai Cập. Báo chí địa phương liên tục đưa tin cập nhật về làn sóng di tản của các kiều dân phương Tây và người Cơ đốc giáo địa phương. Các chuyến bay rời Cairo không còn một chỗ trống. Một vài hiện tượng rất hiếm thấy cũng diễn ra tại thủ đô Cairo. Đó là cảnh tắc đường cục bộ hết sức nghiêm trọng kéo dài từ sáng đến tận quá nửa đêm khi dân tình xếp hàng rồng rắn trước các cây xăng và đua nhau vét sạch thực phẩm tại các siêu thị và chợ. Tuy nhiên, sát giờ "G", đường phố lại vắng tanh vắng ngắt, báo hiệu một trận cuồng phong sắp ập xuống. Nhiều cửa hàng, văn phòng ở trung tâm Cairo thông báo nghỉ nhiều ngày đề phòng bạo động, cướp bóc. Tại khu dân cư nơi đóng trụ sở của phân xã, an ninh được tăng cường dày đặc. Cổng vào đóng kín cả hai cánh (trước đây, có bất ổn lắm cũng chỉ đóng một cánh), bên ngoài được gia cố bằng nhiều thùng phuy, phòng những kẻ quá khích dùng xe lao thẳng vào bên trong. Một số cửa hàng ăn trong khu vực cũng cho dựng hàng rào dây thép gai ngay sát đường và dùng bạt che kín bên trong.

Biển người Ai Cập biểu tình những ngày cuối tháng 6

Chiều ngày 30/6, quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairo và khu vực xung quanh Phủ tổng thống chật kín người biểu tình đối lập. Đã nhiều lần tác nghiệp tại các địa điểm như thế này song đây là lần đầu tiên chúng tôi có cảm giác sợ hãi (lạnh toát sống lưng) bởi đang đứng giữa hàng triệu người đằng đằng sát khí, gào thét đòi lật đổ tổng thống. Âm thanh náo loạn với tiếng còi xe, tiếng loa phóng cực đại, tiếng kèn vuvuzela, tiếng pháo nổ đì đùng và tiếng hô khẩu hiệu rung chuyển trời đất. Nhìn quanh không hề thấy bóng một PV nào tác nghiệp như mọi khi (những lần trước, chúng tôi thường chọn chỗ sát ngay các đồng nghiệp để tác nghiệp, phòng rủi ro). Càng lo lắng thêm khi chỉ cách đó một ngày, một công dân  Mỹ (ban đầu có thông tin người này là nhà báo) bị đâm chết khi dùng điện thoại quay cảnh biểu tình tại thành phố Alexandria. Vừa đặt chân máy quay xuống, chúng tôi bị hàng chục người vây quanh, không cho tác nghiệp. Phải đến khi trình đủ giấy tờ và được một vài người biểu tình tốt bụng giúp đỡ, chúng tôi mới bắt đầu được công việc của mình. Tuy nhiên, đám đông tiếp tục vây kín người dẫn hiện trường, hô khẩu hiệu và vẫy cờ che kín ống kính máy quay. Khi vừa nhắc đến cựu Tổng thống Hosni Mubarak, người biểu tình giật ngay micro và xả một tràng "tiếng Ả" với nét mặt vô cùng giận dữ. Lúc nhắc đến tên ông Morsi, đám đông đứng quanh lại hò hét hết sức tức giận. Lúc đó, chúng tôi chỉ sợ họ không kiềm chế bản thân, xông vào đập vỡ máy quay và hành hung mình. Thấy không thể tiếp tục tác nghiệp được trong điều kiện như vậy, chúng tôi đành phải thu chân máy, vừa chuẩn bị rời đi chỗ khác thì mấy thiếu niên choai choai mặt mày bặm trợn xông vào đe dọa. Cuối cùng thì hai anh em cũng thoát khỏi đám đông đeo bám và tìm được một chỗ ít người qua lại. Tuy nhiên, khi vừa đặt máy xuống thì sự hăm dọa lại tái diễn. Phải cố lắm PV mới nói được ba câu ngắt quãng, song cũng đành  chấp nhận.

Mấy ngày tiếp đó, bầu không khí tại Cairo căng như dây đàn khi quân đội ra tối hậu thư, nhưng Tổng thống và phe Hồi giáo kiên quyết cự tuyệt. Trong khi đó, phe đối lập tiếp tục gây sức ép với các cuộc biểu tình lớn. Chiều ngày 3/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập triệu tập họp khẩn nhằm đánh giá tình hình và bàn biện pháp đối phó. Các phương án sơ tán cũng được đề cập đến, phòng tình hình diễn biến xấu. Tuy nhiên, nhìn quanh thì mọi nẻo đường sơ tán đều không an toàn trong bối cảnh các nước láng giềng của Ai Cập và cả khu vực đều đang bất ổn. Đúng 21 giờ 10 phút ngày hôm đó, sau tuyên bố của người đứng đầu lực lượng quân đội về việc phế truất ông Morsi và đình chỉ Hiến pháp, pháo nổ vang trời. Phải mất mấy phút chúng tôi mới hoàn hồn được sau khi xác định chính xác đó là tiếng pháo đốt để ăn mừng (chứ không phải là tiếng súng của phe Hồi giáo ủng hộ ông Morsi). Chúng tôi lao vội về phía trung tâm Cairo, song phải mất nhiều giờ mới thoát khỏi cảnh tắc đường để lọt được vào Quảng trường Tahrir. Khó có lời nào miêu tả được bầu không khí bùng nổ tại Tahrir thời điểm đó, khi hàng chục nghìn người cùng nhau nhảy múa dưới ánh sáng pháo hoa rực trời. Cả Cairo có thêm một đêm không ngủ còn chúng tôi cũng có thêm mấy đêm thức trắng để viết các tin bài phân tích, bình luận và xử lý các tin hình quay từ chiều cho kịp giờ phát sóng của Vnews.

Tiếp đó là những ngày đi tác nghiệp liên tục tại nơi diễn ra các cuộc biểu tình của hai phe đối địch. Gần một chút thì ở Quảng trường Tahrir, còn xa thì tận gần khu vực sân bay, cách trụ sở phân xã khoảng 50 km. Do trụ sở phân xã ở quá xa trong khi Cairo thường xuyên bị tắc đường, kẹt xe nên mỗi lần đi tác nghiệp như vậy mất trung bình 5 tiếng đồng hồ. Chưa kể mất thêm khoảng 2 tiếng nữa để vừa dựng hình, vừa viết bản thuyết minh và canh chừng mạng lúc gửi tin về nhà. Những ngày gần đây, tần suất diễn ra các cuộc biểu tình lớn của phe Hồi giáo đã dày đặc hơn (2-3 ngày một cuộc, so với khoảng cách một tuần trước đây) và nguy cơ nổ ra các cuộc đụng độ bạo lực nghiêm trọng cũng ngày một cao. Dự báo tình hình Ai Cập sẽ còn diễn biến rất phức tạp và bất ổn an ninh còn kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nữa. Cộng với đó, tình hình cả khu vực cũng không mấy khả quan với hàng loạt điểm nóng thường trực như Syria, Lebanon, Sudan, Iraq, Iran...

Dù đã quen với cảnh "ngụp lặn" trong đám đông hàng trăm nghìn người biểu tình, xông lên tận khu vực sân khấu hay leo lên các điểm cao hàng chục mét với nhiều hiểm nguy rình rập. Song anh em PV phân xã Cairo không nén nổi cảm giác lo lắng trước mỗi lần đi tác nghiệp. Tuy nhiên, động lực đã, đang và sẽ giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, trở ngại (cả chủ quan lẫn khách quan) không có gì khác ngoài lòng say nghề, mong muốn trải nghiệm và tinh thần trách nhiệm của người PV thường trú đại diện cho hãng thông tấn quốc gia.

Hữu Chiến -Trưởng Phân xã Cairo
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2013