Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Sổ tay phóng viên

Xúc động Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa


(07/08/2013 15:38:25)

Tháng Tư vừa qua, chúng tôi may mắn được tham gia và đưa tin về sự kiện văn hóa tri ân những bậc tiền nhân là dân binh Hải đội Hoàng Sa đi cắm mốc chủ quyền từ thế kỷ XVIII- Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đã tác nghiệp trong nhiều lễ hội nhưng chưa lần nào chúng tôi xúc động đến thế.

           

Phóng viên Công Đạt (đứng trên thuyền, bên trái) chọn được vị trí đắc địa ghi hình thời khắc quan trọng nhất của lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

                                                                       

           Kinh nghiệm từ "người nhà" ở Quảng Ngãi
Khi nhận nhiệm vụ đi Lý Sơn (Quảng Ngãi) để làm phóng sự về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đây là địa bàn tôi đã từng tác nghiệp vào cuối năm 2012. Mừng nữa là Công Đạt - đồng nghiệp của tôi - đang háo hức với chuyến đi tuyên truyền về biển đảo. Nhưng đằng sau đó là nỗi lo, bởi tôi đã hình dung ra, năm nay Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức quy mô, nâng tầm lên thành Lễ hội cấp quốc gia, sẽ có rất nhiều đoàn khách "đổ bộ" lên đảo Lý Sơn, chúng tôi dễ gặp khó khăn về việc ăn ngủ, đi lại, tác nghiệp. Vậy là tôi gọi điện thoại ngay cho chú Đăng Lâm, Trưởng phân xã Quảng Ngãi.

Tác giả Thông Thiện

Quả là không ngoa khi anh em báo chí tỉnh Quảng Ngãi gọi chú Đăng Lâm là "soái" của họ. Chú đã có hơn 40 năm công tác ở TTXVN, tác nghiệp chủ yếu ở Quảng Ngãi nên "kinh nghiệm đầy mình", lại là người dễ gần, hay chuyện. Khi trao đổi về công việc, chú đã cảnh báo: Dự kiến có hơn 2.000 khách sẽ ra Lý Sơn vào dịp đó nên phải chuẩn bị trước chuyện đi lại, ăn ở. Và chú đã giúp chúng tôi đăng ký tác nghiệp với tỉnh, đặt trước lịch phỏng vấn. Chú còn chuẩn bị cho chúng tôi một danh sách các số điện thoại của các đơn vị, tổ chức, cá nhân để liên hệ khi gặp khó khăn.
 

Làm mô hình thuyền câu và hình nhân thế mạng cho Lễ khao lề thế lính

 "Tháng Tư này đi biển thời tiết rất thuận lợi, nhưng tốt nhất là khi đến đảo Lý Sơn, anh em nên hỏi kinh nghiệm ngư dân. Bởi họ mới là "máy" dự báo thời tiết, chính xác còn hơn báo đài. Còn chuyện ăn ở, tuy đã liên hệ trước với khách sạn nhưng nếu khi đến không còn phòng thì vào nhà dân mà ở. Nhà báo mà, dân sẽ giúp đỡ nhiệt tình", chú Đăng Lâm dặn dò và không quên điện thoại đặt vé tàu cao tốc ra Lý Sơn cho chúng tôi. Chú còn "bật mí" về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa: Linh hồn của lễ hội độc đáo này là lễ thả thuyền câu thế mạng binh phu Hoàng Sa. Lễ diễn ra rất trang nghiêm và đông người chứng kiến nên chuyện chụp ảnh sẽ rất khó, phải tính toán trước.
 
 
 
 
 

Lễ nêu công trạng các dân binh Hoàng Sa đã có công thực thi nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ XVII

Ngư dân Lý Sơn chuẩn bị đội thuyền để đua trong ngày hội

Với rất nhiều thông tin quý được người nhà chia sẻ, chúng tôi quyết định  ra huyện đảo Lý Sơn trước ba ngày để chụp ảnh việc chuẩn bị cho dịp lễ. Cảng Sa Kỳ gần ngày Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đông nghịt người. Nhờ sự giúp đỡ của chú Đăng Lâm, chúng tôi đã nhanh chóng có vé tàu trước sự ngơ ngác của các đồng nghiệp ở Hà Nội vào.

Lễ Chánh tế Hải đội Hoàng Sa

Đông đảo du khách đến đảo Lý Sơn vào dịp lễ để tham quan và tri ân với những bậc tiền nhân đã có công đi mở biển

Tri ân tiền nhân

Tôi từng được tham gia đưa tin, chụp ảnh về rất nhiều lễ hội, nhưng Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất.

Tìm hiểu về Hải đội Hoàng Sa và chứng kiến toàn bộ Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa mới thấy câu chuyện lịch sử này có thể gọi là bản anh hùng ca của người miền biển. Từ xa xưa, các bậc tiền nhân đã vâng mệnh triều đình đi cắm mốc và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Nhiều người ra đi không trở về. Vì vậy, các tộc họ ở Lý Sơn, hàng năm vào tháng Hai, tháng Ba âm lịch lại tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Khao lề là lễ tế sống người đi lính với mục đính tôn vinh, ngưỡng vọng và tri ân họ. Nghe các cụ ở Lý Sơn kể chuyện, chúng tôi cứ hình dung, năm xưa cũng ở nơi này, trong tiếng ốc u vang vang như thúc giục, những dân binh của Hải đội Hoàng Sa anh dũng lên đường làm nhiệm vụ; cảnh tượng vừa oai hùng lại vừa bi tráng. Tôi đã cực kỳ xúc động khi nghe các bô lão ở Lý Sơn vinh danh và đọc công trạng của những dân binh Hoàng Sa đã hy sinh khi thực thi nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền Tổ quốc trên đảo xa.

Có một khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện phóng sự này là vấn đề giao tiếp. Người xứ Quảng nói giọng rất nặng và nhanh, dùng nhiều thổ ngữ địa phương nên rất khó nghe. Khi bắt đầu tiến hành một cuộc trò chuyện hay phỏng vấn, tôi luôn phải nhờ người đối thoại nói chậm và nói đi nói lại để hiểu cho chính xác.

Tôi không thể quên lời tâm sự của ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ thứ 5 của Chánh suốt đội trưởng Hải đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật: "Vua Minh Mạng đã từng chỉ dụ: "Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu", có nghĩa là: Đối với cương vực lãnh hải nước ta thì có xứ Hoàng Sa cực kỳ quan trọng. Còn người dân Lý Sơn có câu ca dao: "Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng Hai khao lề thế lính Hoàng Sa". Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa như là báu vật đối với người dân Lý Sơn chúng tôi".

Rất đông PV đến thông tin về lễ hội thiêng liêng này 

Khi ngồi viết những dòng này, tôi lại hình dung ra hình ảnh những dân binh Hoàng Sa hừng hực khí thế dong thuyền lên đường đi giữ biển. Và tôi vui vì đã được góp một phần nhỏ bé vào công cuộc giữ gìn lãnh hải của đất nước. Phóng sự của tôi về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đăng trên Báo ảnh Việt Nam chính là nguồn thông tin "người thực việc thực", giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Thông Thiện
Ảnh trong bài: Thông Thiện & Công Đạt
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2013