Thứ hai, ngày 29/04/2024

Sổ tay phóng viên

Cơ hội để tích lũy kinh nghiệm và vốn sống


(11/02/2014 10:05:52)

Thấm thoắt, tôi đã có một năm là phóng viên thường trú, sống và tác nghiệp trên mảnh đất biên cương Hà Giang. Vùng đất "ngửa mặt lên là núi, cúi mặt xuống là vực sâu và nhìn đâu đâu cũng thấy đá" đã trở thành nơi khởi nguồn cho những đam mê đầu tiên trong đời làm báo của tôi.

 

Phóng viên Đỗ Bình trên đường vào bản

Tôi rời Thủ đô lên Hà Giang với tâm trạng đầy phấn khích, bởi trước khi lên đường, có "tiền bối" từng thường trú lâu năm tại các tỉnh miền núi rỉ tai: "Em may mắn đấy, Hà Giang là mảnh đất chứa đựng nhiều chất liệu để làm nên nghệ thuật...".

Không lâu sau khi tiếp nhận địa bàn, tôi có chuyến đi thực tế tại 4 huyện vùng cao của Hà Giang. Lần đầu tiên đến với Cao nguyên đá Đồng Văn - Công viên địa chất toàn cầu duy nhất ở Việt Nam được UNESCO công nhận - tôi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, những dãy núi hùng vĩ trùng điệp, những cung đường uốn lượn ôm quanh lưng núi, nhìn xa như một dải lụa mềm mại; rồi những ánh mắt trẻ thơ trong sáng, những con người mộc mạc quanh năm sống cùng với đá nhưng chứa chan tình cảmâẠẩ

 

Đi càng khó, viết càng dễ

Đó là câu nói của một nhà báo thông thạo những cung đường Tây Bắc mà tôi cực kỳ tâm đắc. Hà Giang thực sự là một "kho báu" chứa đựng nhiều đề tài báo chí hấp dẫn. Tôi may mắn hơn các bạn đồng nghiệp cùng lứa vì được tác nghiệp ở "Hà Giang mến yêu". Tuy nhiên, muốn vào được "kho báu" ấy để lấy ra những thứ quý giá là điều không hề đơn giản, cần phải có lòng dũng cảm và sự đam mê. Đây lại là tỉnh nghèo vào loại nhất cả nước, địa bàn rộng, giao thông khó khăn. Vì vậy, với tôi, việc di chuyển cả ngày trời trên đường đèo núi nguy hiểm để khai thác đề tài là chuyện "thường ngày ở huyện".

Tôi nhớ mãi chuyến đi công tác vào một bản thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Xã này có nhiều tiềm năng kinh tế, nhưng điều kiện sống cực kỳ khó khăn, nhiều nơi chưa có điện, đường từ trung tâm vào xã chưa được làm, người dân chủ yếu rải đá để lấy lối đi. Dù nhận được không ít lời phản đối của bạn bè, đồng nghiệp tại địa phương, nhưng lòng đã quyết, tôi chuẩn bị đồ nghề và lên đường. Sau nhiều giờ vật lộn với quãng đường lổn nhộn toàn đá hộc, tôi cũng vào được trung tâm xã. Biết tôi có ý định vào một số bản chưa có điện, Bí thư Đảng ủy xã nhìn tôi ái ngại, nhưng vẫn điều một cán bộ dẫn đường và không quên dặn dò "Đường xấu lắm đấy, anh em đi hết sức cẩn thận".

Càng vào sâu đường càng hẹp và dốc, nước mưa khiến cho đá và bùn quyện vào nhau trơn trượt. Những viên đá to nhỏ tạo nên một "bậc thang đá" hỗn độn bám vào vách núi, cheo leo bên bờ vực thẳmâẠẩ Chúng tôi phải dán mắt vào đường đi, không một phút lơ là. Một lần, đang hì hụi về số cho xe leo dốc thì bất chợt bánh trước trườn phải viên đá to, trật bánhâẠẩ xe tụt lại phía sau. Tôi cố gắng bóp chặt tay phanh, hai chân chống xuống đường và lấy hết sức bình sinh để giữ cho xe đứng im nhưng không tác dụng. Cả xe và người từ từ trôi về phíaâẠẩ miệng vực. Tôi lạnh toát người, cố rướn cổ gọi to nhưng anh cán bộ dẫn đường đã đi trước một đoạn xa. Lúc này, bánh sau của xe chỉ còn cách miệng vực chừng 50cm. May thay, trong khoảnh khắc "ngàn cân treo sợi tóc" tôi vẫn đủ minh mẫn để ngả chiếc xe nằm xuống cho khỏi trôi. Đang loay hoay tìm điện thoại để gọi thì người dẫn đường quay lại, chiếc xe được kéo lên, anh em lại tiếp tục hành trình.

Hai ngày hai đêm sống trong bản làng không điện, không sóng điện thoại, tôi trở ra xã gặp lại đồng chí Bí thư sau khi đã thu thập đầy đủ những thông tin cần thiết. Anh bắt tay tôi thật chặt, ánh mắt đầy cảm động "Cảm ơn nhà báo đã quan tâm đến đồng bào". Lòng tôi chợt ấm lên dù ngoài trời vẫn đang mưa rét.

 

Tác nghiệp tại Tuần lễ di sản văn hóa các dân tộc Hà Giang

Tự hào thương hiệu "Phóng viên Thông tấn"

Công việc của phóng viên thường trú vốn dĩ vất vả nhưng để có thể tác nghiệp hiệu quả ở địa bàn miền núi, anh em chúng tôi lại phải gánh thêm nhiều nguy hiểm và gian nan. Chuyện phóng viên phải vượt hàng trăm cây số, trèo đèo, lội suối để có được một tin bài hay, kịp thời không phải là hiếm gặp trên vùng cao. Chưa kể, phóng viên thường trú của TTXVN còn phải có khả năng đảm nhận cùng một lúc ba loại hình báo chí (viết - chụp - quay).

Do thường xuyên đi tác nghiệp một mình nên trước những sự kiện chính trị quan trọng hay thiên tai bất thường là lúc tôi phải làm việc với cường độ cao nhất để đảm bảo thông tin "nhanh, đúng, trúng, hay". Để làm được điều đó, tôi đã cố gắng rèn luyện năng lực tập trung cao độ khi làm việc. Việc bảo vệ an toàn khối lượng tài sản đắt tiền của cơ quan cũng là một vấn đề, nhất là khi tác nghiệp ngoài trời. Nhiều lần vừa quay camera, vừa thu thập thông tin mà vẫn phải để ý "giữ của", đeo khư khư túi đựng laptop, máy ảnh, micro, pinâẠẩ bên người, vì không biết cất ở đâu.

Còn nhớ gần ba tháng sau khi bài phản ánh về sự khó khăn trong đi lại của người dân bản nghèo được đăng báo, tôi nhận được thông tin lãnh đạo huyện đó đã phê duyệt dự án làm đường giao thông cho xãâẠẩ Một cảm giác hạnh phúc thật khó tả trào dâng trong tâm hồn. Được cống hiến- đó chính là động lực to lớn nhất để tôi tiếp tục nhiều chuyến "độc hành" gian nan như thế.

Không ít các vị lãnh đạo và đồng nghiệp tại địa phương đã tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi vừa quay phim, đặt câu hỏi phỏng vấn vừa chụp ảnh và viết. Có lần tôi tham dự một lễ hội tại địa phương, khi buổi khai mạc vừa kết thúc cũng là lúc tin và ảnh đã gửi xong về Tổng xã. Một anh bạn đồng nghiệp nhìn thấy hình ảnh và thông tin về buổi khai mạc đã được phát trên trang dịch vụ của TTXVN, chỉ biết tròn xoe mắt và nói "Quá nhanh! Phóng viên Thông tấn có khác!". Lời nói rất khách quan ấy đủ cho tôi quên đi mọi mệt mỏi và cảm thấy thật tự hào khi được mang danh "Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam".

           Mới một năm nhưng tôi đã bắt đầu thấm và hiểu được thế nào là phóng viên thường trú ở các tỉnh miền núi. Tôi nhận ra giá trị của việc đi thường trú. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội rất tốt để trải nghiệm, để tích lũy vốn sống. Cảm nhận được rõ ràng điều đó, tôi càng thấy tự hào khi mình đang đứng trong hàng ngũ phóng viên mang thương hiệu của hãng Thông tấn quốc gia và lại nhớ đến lời dặn dò của Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi trước khi 10 nam PV chúng tôi lên đường tỏa đi các tỉnh miền núi:"Nếu chỉ quanh quẩn tác nghiệp tại các đô thị, nhất là thủ đô, với điều kiện làm việc tốt thì không thể phát triển toàn diện. Hoạt động của phóng viên thường trú là cơ hội để mỗi cá nhân thể hiện bản lĩnh của mình, là cơ hội để tích lũy vốn sống và kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm làm báo".

Đỗ Bình
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2014