Thứ năm, ngày 02/05/2024

Sổ tay phóng viên

Chuyện về “nơi ăn, chốn ở” của phóng viên thường trú


(30/12/2013 09:40:05)

Trong các bài viết tham gia chuyên mục "Tôi là phóng viên TTXVN thường trú tại...", đa phần các tác giả mới bàn đến chuyện thông tin làm nên thương hiệu thông tấn, góp phần khẳng định vị thế các Cơ quan thường trú TTXVN tại các địa phương. Đây là điều hiển nhiên không thể bàn cãi. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, tác giả xin đề cập đến một khía cạnh khác, nhỏ mà không nhỏ trong việc góp phần tạo dựng vị thế của hãng thông tấn quốc gia. Đó là chuyện "nơi ăn, chốn ở" của phóng viên thường trú.

 

Trưởng CQTT Lâm Đồng Hoàng Liên Sơn (bìa phải) đang kiểm tra tin hình của hai PV trước khi phát về Tổng xã

 

Những điều "mắt thấy, tai nghe"

Trong chuyến công tác qua các tỉnh khu vực phía Nam vừa qua, chúng tôi có ghé thăm một số Cơ quan thường trú (CQTT) địa phương. Những gì được nhìn thấy, nghe thấy ở các nơi khiến chúng tôi lúc thì vui mừng lúc lại thấy nao lòng. Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định "kể" ra đây những gì mình đã thấy, để mọi người cùng suy ngẫm.

 

Câu chuyện thứ nhất: Chúng tôi đến CQTT Lâm Đồng vào một buổi sáng đẹp trời. Sương giăng mờ ảo, vấn vít trên hàng thông trước cửa cơ quan. Ba chàng trai trẻ đón chúng tôi. Họ là ba phóng viên thường trú. Nhiều tuổi nhất (34 tuổi) là trưởng đại diện. Trụ sở CQTT cũng cùng một mẫu thiết kế thống nhất của ngành nhưng ở đây, trong khung cảnh sớm mai trên cao nguyên, nó mang một vẻ lộng lẫy lạ thường! Thì ra, đôi chậu gỗ trước hiên rực rỡ cúc vàng, hai hàng hoa bướm rung rinh trong nắng sớm, một cây hồng trĩu trịt quả trong khuôn viên... đã cộng hưởng, tạo nên vẻ đẹp đẽ, thơ mộng cho ngôi nhà. Bước vào bên trong, tất cả đều ngăn nắp, tinh tươm. Thấy tôi trầm trồ, mọi người mới "bật mí" rằng từ chậu hoa gỗ đến bộ bàn ghế gỗ đơn sơ dùng để ngồi uống trà dưới tán hồng, tất thảy đều là sản phẩm của phóng viên Trần Tuấn. Trưởng CQTT Hoàng Liên Sơn chỉ cho chúng tôi xem bảng nội quy sinh hoạt của đơn vị. Thấy tôi băn khoăn với quy định "không được mặc quần cộc khi đã đến giờ làm việc", Sơn lý giải ngay: "Chúng em đều ở tại cơ quan, nên phải có quy định này cho nghiêm". Thăm thú, ngó nghiêng khắp trong nhà ra ngoài sân, tha hồ hít thở không khí trong lành, tôi nói vui, được ở một nơi đẹp và sạch, lại lãng mạn như thế này nên... chẳng muốn về.

 

 

Cơ quan thường trú TTXVN tại Lâm Đồng

Câu chuyện thứ hai: Rời Lâm Đồng, chúng tôi chuyển hướng tới Đắc Nông. Mặc dù đã hẹn trước, nhưng Trưởng CQTT đang có chuyến đi công tác cơ sở. Đúng rồi, việc công phải đặt lên hàng đầu. Đón chúng tôi là "xã viên" Kgửi H. Đây có lẽ là phóng viên có cái tên ấn tượng nhất ngành. Khi được K gửi H dẫn đến văn phòng làm việc. Chúng tôi không dám tin vào mắt mình vì những gì đã thấy. Khó có thể tả được. Chỉ có thể nói rằng một cảnh sinh hoạt hết sức tạm bợ và bừa bãi..Tất cả ngổn ngang như "một bãi chiến trường", gây cảm giác chủ nhân căn phòng chẳng bao giờ thèm đoái hoài đến chúng. Nhếch nhác thế này thì khách đến liên hệ công tác sẽ ngồi đâu đây? Câu hỏi thầm trong đầu, nhưng chịu không giải nổi. Đành rằng mọi chuyện còn khó khăn. CQTT đang ở căn phòng tạm do tỉnh bố trí trong thời gian địa phương mới chia tách. Nhưng "ở tạm" song vẫn phải "làm thật" nên đâu cho phép mình cẩu thả đến nhường này. Tỉnh sẽ nghĩ sao khi nhìn thấy cảnh ăn, ở, sinh hoạt của "phóng viên trung ương" thường trú tại địa phương! 

 

Câu chuyện thứ ba: Khi chúng tôi tới CQTT Đồng Nai thì gặp cảnh "vườn không nhà trống". Cửa mở, nhưng ngồi bên máy tính thì lại là một bạn tự xưng là phóng viên đài truyền hình địa phương. CQTT có ba phóng viên, hỏi thì được biết tất cả đều đang đi cơ sở. Bàn ghế ngổn ngang. Bụi phủ một lớp dày. Có dễ rất lâu rồi không có người lau. Trên bàn, la liệt là báo, là cốc chén bám cặn bã chè. Phòng vệ sinh mới nhìn thôi đã khiếp đảm. Mạng nhện giăng khắp nơi. Đây không "ra dáng" một văn phòng cơ quan, cho dù được treo biển rất to và nằm bên một con đường tương đối sầm uất giữa trung tâm thành phố Biên Hòa. Câu hỏi to tướng lại hiện hữu trong tôi: Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, lãnh đạo tỉnh đến chúc mừng thì ngồi đâu nhỉ? Lại chịu, không thể lý giải nổi!

 

"Nâng tầm vị thế" phải bắt đầu từ những chuyện đời thường

 Những gì "mắt thấy, tai nghe" khiến chúng tôi day dứt mãi. Nhớ có lần trong câu chuyện, đồng chí Chánh Văn phòng cơ quan Nguyễn Thế Quỳnh giãi bày: Mình đi công tác đến một số CQTT ở khắp ba miền Bắc-Trung- Nam rồi, có nhiều điều để nói lắm. Nhưng chung nhất vẫn là cảm giác một số nơi thiếu bàn tay chăm lo đến những gì gọi là "của chung". Cơ quan mình cần phải có chế tài để "quản" chuyện này. Sau chuyến đi thực tế cơ sở vừa qua, ngẫm lại, tôi mới hiểu những ẩn ý của câu nói đó.

Phải chăng tâm lý bấy lâu nay "miễn sao anh chị em làm tốt công tác thông tin" còn những chuyện "nơi ăn, chốn ở" chỉ là chuyện hậu trường, nên xuê xoa nhắc nhở vài câu là xong; phải chăng cho dù cách quản lý cơ quan "tồi tệ" nhưng người phụ trách vẫn được các danh hiệu thi đua cuối năm, thậm chí vẫn đạt "Chiến sỹ thi đua"; phải chăng cho dù thế nào thì "phụ cấp công tác quản lý" vẫn được lĩnh đủ... đã dẫn đến những cảnh "văn phòng tạm bợ" như trên. Thử hỏi "bộ mặt" đã không đẹp, lại còn không tươm tất thì sẽ ra sao trong giao tiếp xã hội. Cũng như người đối diện với ta, nếu nhếch nhác, luộm thuộm như một anh hề, rửa mặt chưa kỹ, liệu ta có vui vẻ khi tiếp đón, trò chuyện, giao lưu. Tốt nên khen, kém nên phạt, đó là lẽ đương nhiên. Không phải do khó mà cho phép mình ăn mặc rách rưới, mặt mũi lem nhem. Trong khi ta không hề thật sự khó. Nhà cao cửa rộng mà phong cách sống "tạm bợ" thì sẽ là thảm cảnh, bởi lúc đó lại càng bừa bộn, ngổn ngang hơn.

Thiết nghĩ, những câu chuyện trên chỉ là một khía cạnh nhỏ trong rất nhiều công việc của "phóng viên thường trú", nhưng ý nghĩa lại không hề nhỏ. Kỷ cương của một cơ quan văn minh, chuyên nghiệp được thiết lập từ những chuyện "hậu trường" đó. Làm thông tin tốt, nhưng cũng phải biết giữ gìn hình ảnh của mình và cơ quan mình là điều nên làm lắm thay. Bởi vậy, cần lắm vai trò là người quản lý thực sự của trưởng CQTT.

Nhóm PV NSTT
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2013