Chủ nhật, ngày 28/04/2024

Sổ tay phóng viên

Đỉn xùn trân văng biển Tây Nam của Tổ quốc


(06/05/2014 10:09:41)

Từng một lần đến với Trường Sa, đầu năm 2014, tôi lại có dịp đến với vùng biển Tây Nam. Hơn một tuần lênh đênh trên sóng nước cùng con tàu HQ 627, lại thêm một lần nữa tôi được cảm nhận, thấu hiểu hơn những hy sinh thầm lặng của biết bao cán bộ, chiến sỹ Hải quân ngày đêm chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Nhà báo Hoàng Thảo Nguyên (phải) phỏng vấn người dân đảo Hải Tặc (Kiên Giang)

Từ Thổ Chu trù phú...

Sau một đêm lênh đênh, chao đảo cùng sóng to, gió lớn trong mùa biển động, chúng tôi đã đến đảo Thổ Chu - hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc (Kiên Giang). Với tổng diện tích gần 14 km2, cách đất liền gần 200km, Thổ Chu có vị trí chiến lược đặc biệt, nằm gần đường hàng hải, hàng không quốc tế. Trong quần đảo Thổ Chu, ngoài đảo Thổ Chu còn có 8 hòn đảo lớn nhỏ khác như: Hòn Từ, Hòn Cao, Hòn Xanh, Hòn Nhạn... nhưng nhân dân xã đảo tập trung sinh sống chủ yếu trên đảo Thổ Chu với hơn 500 hộ và gần 2000 nhân khẩu. Thổ Chu hôm nay đã trở thành nơi đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ nghề cá. Xa đất liền song tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ 98%, đội tàu đánh bắt thủy, hải sản của xã đã lên tới hơn 40 chiếc...

Tết năm nay, Thổ Chu càng vui hơn khi đường liên thôn, hồ chứa nước ngọt, chợ nông sản, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng liệt sĩ và những người dân bị Khơ me đỏ sát hại, đã hoàn thành, tạo dựng cho Thổ Chu một diện mạo mới... Nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với cánh phóng viên là sự kiên cường, anh dũng của những người bám biển đảo. Tại Đại đội pháo cao xạ 24 trên đảo Thổ Chu, chúng tôi đã gặp Trung úy Phan Văn Luân, Trung đội trưởng Trung đội 2 - người con của miền quê Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã 4 năm gắn bó với đảo. Luân cho biết, ăn tết trên đảo cũng có những niềm vui riêng bởi quân và dân trên đảo đều như người một nhà. Tết đảo cũng có bánh chưng, gà lợn, giò chả... chủ yếu do anh em trong đơn vị tự tăng gia sản xuất. Năm nay, Luân càng vui bởi "kéo" được cả vợ con ra đảo, chọn Thổ Chu làm quê hương thứ hai để lập nghiệp.

 

...Đến Hòn Khoai, Hòn Chuối

Rời Thổ Chu, con tàu HQ627 tiếp tục đưa chúng tôi đến với đảo Hòn Khoai, thuộc xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tuy chỉ cách đất liền hơn chục hải lý nhưng Hòn Khoai khá biệt lập, hầu như không có dân sinh sống, chỉ có những vách núi dựng đứng, vì vậy việc lên các đơn vị đóng quân trên đảo (trạm hải đăng, trạm ra đa...) rất khó khăn. Đón chúng tôi ngay khi cập đảo, Trung tá Phạm Xuân Hinh, Chính trị viên Đồn biên phòng Hòn Khoai chia sẻ: "Khách của hải quân cũng như khách của biên phòng, cứ đến đảo đều là khách quý. Chẳng riêng ở Hòn Khoai mà tại hầu hết các đảo trong khu vực, lực lượng bộ đội biên phòng, hải quân, kiểm lâm... đều phối hợp với nhau rất chặt chẽ trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự vùng biên giới trên biển. Tết đến, dù mỗi lực lượng một nhiệm vụ song họ vẫn dành thời gian để giao lưu, chúc tết nhau, vui đón giao thừa như ở trong đất liền...".

Đến Trạm ra đa 595 đảo Hòn Khoai, các thành viên trong đoàn công tác đều ngỡ ngàng khi nghe thấy tiếng cười của một bé gái mới lẫm chẫm biết đi. Càng bất ngờ hơn khi chúng tôi được biết, vì chồng (Thiếu úy Đàm Vĩnh Thắng, cán bộ trạm ra đa 595) mà chị Lê Thị Thủy (quê Thường Xuân, Thanh Hóa) đã đưa con nhỏ ra đảo, làm nhà riêng ở nơi tàu bè hay cập bến để tạo lập một cuộc sống mới. Giữa mênh mang sóng nước, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn nhưng chị Thủy vẫn lạc quan. Được anh em trên đảo giúp đỡ dựng nhà, mở quán bán hàng cho tàu bè qua lại, cuộc sống của gia đình họ đã ổn định. Tới đây, gia đình chị sẽ xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi để có thêm thu nhập, hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều hộ nữa ra đảo lập nghiệp...

Cũng như ở Hòn Khoai, cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng và Trạm ra đa 615 trên đảo Hòn Chuối (thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) luôn đối mặt với sóng to gió lớn và sự thiếu thốn nước ngọt. Ở đây có hơn 30 hộ dân sinh sống, chủ yếu làm nghề nuôi cá lồng, bè trên biển. Trên hòn đảo nhỏ có địa hình hiểm trở này, tình quân dân vô cùng khăng khít. Ngay trên con dốc dựng đứng lên Trạm ra đa 615, có một lớp học tình thương do chính những người lính đảo tạo dựng. Lớp có 21 học sinh, trong đó 17 em lớp 1, hai em lớp 3; lớp 2 và lớp 4 mỗi lớp chỉ có 1 học sinh. Thầy giáo - Thượng úy Trần Bình Phục, cán bộ Đồn biên phòng Hòn Chuối, đã gắn bó với lớp được 4 năm, cho chúng tôi biết: Lớp học này đã được duy trì từ năm 1995 tới giờ. Mỗi lần vào bờ, cán bộ, chiến sĩ trong đồn đều tranh thủ mua sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục cho học sinh. Được cái, các em rất ngoan, chăm học, nhiều học sinh sau khi vào bờ, học lên cao hơn nhưng vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi... Cảm phục thầy trò lớp học đặc biệt này bao nhiêu thì chúng tôi băn khoăn bấy nhiêu về việc nhiều lần bộ đội đã đề nghị giúp đỡ để con em trên đảo được học hành bài bản nhưng Trường tiểu học thị trấn Sông Đốc vẫn "bỏ lửng", không xây dựng một điểm trường ở Hòn Chuối, chí ít cũng cử giáo viên ra hỗ trợ...

Trong chuyến biển này, chúng tôi còn được đến quần đảo Nam Du, đảo Hòn Tre (Kiên Hải, Kiên Giang). Ở đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng nhưng rất đỗi cao cả của những người lính nơi tiền tiêu Tổ quốc. Nói như Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Phó tư lệnh Hải quân Vùng 5, khi đã gia nhập lực lượng hải quân thì tàu và đảo là nhà, biển cả là quê hương. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của đất nước, những người lính còn trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân trên biển trong mọi tình huống, tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các đảo, điểm đảo trong vùng biển được giao quản lý...

 

Kết thúc một hải trình dài, tàu HQ 627 kéo hồi còi tạm biệt, chở theo những tình cảm chứa chan của những người lính đảo về với Đất Mẹ. Tiếng hát "Đảo này đảo của ta, biển này biển của ta..." còn vang vọng mãi như chính tinh thần lạc quan, kiên cường của người lính hải quân. Một chuyến đi thật ý nghĩa, không chỉ riêng đối với người làm báo thông tấn như tôi.

Hoàng Thảo Nguyên
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2014