Thứ bảy, ngày 02/11/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Thông tin cơn bão số 3: Những đêm không ngủ


(04/10/2024 09:24:07)

Do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, từ ngày 6-11/9, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có mưa rất to kèm theo dông, lốc. Lượng mưa lớn nhất đo được từ ngày 8-9/9 tại thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ là 493,8 mm; tại xã Yên Đổ, huyện Phú Lương là 497,4 mm. Mưa to tại thượng lưu sông Cầu (thuộc tỉnh Bắc Kạn) kết hợp với mưa to trên diện rộng ở tỉnh Thái Nguyên làm mực nước sông Cầu dâng cao, gây lũ lụt nghiêm trọng, nhất là tại khu vực TP. Thái Nguyên. Trước tình hình này, Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Thái Nguyên đã mau chóng có phương án đảm bảo an toàn, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các đầu mối thông tin, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị trong ngành và giữa các thành viên trong CQTT.

Nhóm phóng viên Truyền hình Thông tấn phản ánh tình hình ngập lụt tại TP. Thái Nguyên, ngày 10/9

Các báo cáo của tỉnh đều cho thấy, đây là trận ngập lụt lớn nhất trên địa bàn tỉnh kể từ năm 1959 đến nay. Liên tục từ ngày 8-11/9, mực nước sông Cầu ở mức trên báo động 3. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, bão số 3 đã làm 5 người chết, 587 nhà bị hư hỏng, 93 điểm trường bị ảnh hưởng, hơn 8.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị thiệt hại, 5 đập dâng, 8 trạm bơm, hơn 52 km kênh mương hư hỏng, 160 điểm giao thông bị sạt lở, hư hỏng…

Theo sát các bản tin dự báo thời tiết về đường đi của bão số 3, CQTT tại Thái Nguyên đã chủ động bảo đảm an toàn cho trụ sở cơ quan, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cơ quan để có thông tin kịp thời. Khi bão đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên mới chỉ có mưa nhỏ, gió nhẹ...

Sáng 8/9, Thái Nguyên mới thực sự cảm nhận được sự nguy hiểm của cơn bão này. Gió mỗi lúc một lớn, mưa xối xả, nước sông Cầu, sông Công bắt đầu dâng cao. Không chỉ chờ vào báo cáo, thông tin từ Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh, phóng viên CQTT Thái Nguyên trực tiếp đi đến các vùng bị ngập lụt nặng để có thông tin kịp thời.

Thông qua nhóm Zalo, Trưởng CQTT phân công cụ thể từng phóng viên, nhắc nhở anh em đảm bảo an toàn khi tác nghiệp. Nước dâng cao, mưa không dứt, mạng viễn thông bắt đầu chập chờn, điện một số khu vực trong thành phố bị cắt.

Chiều 8/9, tôi di chuyển về hướng các thành phố Phổ Yên và Sông Công. Những bức ảnh về cây đổ, nước ngập, khắc phục sự cố về trạm điện được chúng tôi ghi lại kịp thời. Không kịp đổ ra laptop để xử lý như mọi ngày, chúng tôi chuyển trực tiếp cho Ban biên tập Ảnh qua điện thoại để xử lý…

Phóng viên Trần Quân Trang đảm nhiệm phần quay phim cũng tất bật áo mưa, xe máy để kịp ghi hình, dù trời mưa to, gió lớn. Phóng viên Nguyễn Thị Thu Hằng được phân công nhiệm vụ trực tại CQTT, tổng hợp thông tin, giữ liên lạc với các đầu mối nhưng khi cần vẫn ra hiện trường, tại các điểm ngập úng nặng của TP. Thái Nguyên như: Túc Duyên, Quang Vinh, Trưng Vương để cập nhật tình hình.

Đêm 8/9, cả CQTT không ngủ, phần vì công việc, phần do nước dâng dần, điểm ngập úng chỉ còn cách trụ sở chưa đầy 100m. Tất cả các tuyến đường chính trong thành phố gần như đều tê liệt do nước ngập. Anh em CQTT chuẩn bị cho những tình huống xấu, tranh thủ nạp điện đầy pin điện thoại, laptop; ngoài mạng Vinaphone, còn chuẩn bị thêm cả sim Viettel để đảm bảo thông tin được thông suốt…

Ngày 9/9, không có thời gian nghỉ ngơi, suốt cả ngày phóng viên CQTT Thái Nguyên đã có mặt ở những điểm ngập lụt nặng nhất để có những hình ảnh, thông tin kịp thời gửi về Tổng xã. Nước lúc này đã dâng cao đến đường Hùng Vương - nơi đặt trụ sở của CQTT. Nước từ sông Cầu tràn về, chảy ngược qua hệ thống thoát nước Quảng trường Võ Nguyên Giáp - trung tâm thành phố, sắp “bò” đến cửa trụ sở khiến ai nấy đều lo lắng. Các phóng viên CQTT bình tĩnh, mỗi người mỗi việc, giữ liên lạc thông suốt để đưa tin một cách nhanh nhất về tình hình ngập lụt, công tác khắc phục hậu quả, công tác cứu trợ của các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị thiện nguyện. Kết thúc một ngày dài, lại thêm một đêm không ngủ với phóng viên CQTT Thái Nguyên.
 
Phóng viên Truyền hình Thông tấn Quốc Bảo thực hiện livestream phản ánh công tác cứu hộ tại TP. Thái Nguyên, ngày 10/9

Sáng 10/9, sau khi trao đổi tình hình với Ban giám đốc Trung tâm Truyền hình Thông tấn, một ê kíp của VNews gồm: các phóng viên Văn Thành, Quốc Bảo, quay phim Hà Quỳnh và kỹ thuật viên Quốc Thái được tăng cường lên Thái Nguyên, cùng phối hợp với CQTT đưa tin về tình hình ngập úng, khắc phục hậu quả thiên tai. Chiều cùng ngày, phóng viên Hoàng Trung Hiếu, Ban biên tập Ảnh, cũng kịp thời có mặt tại Thái Nguyên, tăng cường cho công tác thông tin.

Những thông tin liên tiếp về mưa lũ ở Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai… buộc anh em phóng viên từ Hà Nội lên tăng cường cũng chỉ kịp chào nhau qua điện thoại, tác nghiệp thật nhanh ở Thái Nguyên rồi di chuyển đến các địa bàn thiệt hại nặng nề hơn để thực hiện nhiệm vụ.

Giờ đây khi cuộc sống ở Thái Nguyên đã dần trở về bình thường, đường giao thông đã thông suốt, thông tin liên lạc được khắc phục, các hộ dân trong vùng ngập úng đã trở về nhà, ổn định sinh hoạt và đời sống. Thiên tai là điều không ai mong muốn xảy ra, nhưng quan trọng là có phương án đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cơ quan, bình tĩnh giải quyết, lựa chọn những vấn đề ưu tiên thông tin, giữ mối liên hệ chặt chẽ với các đầu mối thông tin, phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị thông tin và giữa thành viên trong CQTT.

Gần một tuần sống, làm việc trong mưa bão, phóng viên CQTT tại Thái Nguyên không ngại khó, không ngại khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao bởi chúng tôi biết rằng đi qua gian khó chính là để trưởng thành hơn./.
 

Hoàng Thảo Nguyên - Trưởng CQTT TTXVN tại Thái Nguyên
Nội san Thông tấn số 9/2024