Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Thông tin nguồn, định hướng - bài học của năm 2013


(01/04/2014 09:14:41)

Tại Hội nghị cán bộ báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 (tổ chức tại Hà Nội, ngày 14/1), Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Dương (ảnh) đã thay mặt TTXVN, có bài phát biểu quan trọng với chủ đề "Thông tin nguồn, định hướng - bài học của năm 2013". Nội san Thông tấn xin trích giới thiệu cùng bạn đọc

 

Thực trạng thông tin mạng

Ngày nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh hoặc một máy tính bảng, máy tính xách tay kết nối Internet..., mọi cá nhân đều có thể tiếp cận với lượng thông tin khổng lồ về tất cả các lĩnh vực, ở bất cứ đâu và bất kể lúc nào. Trên Internet, tin tức đa phương tiện tích hợp cả báo hình, báo nói và báo viết được cập nhật từng giờ, từng phút. Đáng chú ý là mạng xã hội - một hiện tượng với đặc trưng là tốc độ thông tin vô cùng nhanh, phạm vi tương tác không giới hạn về thời gian và không gian, đang tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, khi ra đời để có được 50 triệu người sử dụng, phát thanh phải mất 38 năm, truyền hình mất 13 năm và Internet mất 4 năm, trong khi đó Facebook chỉ cần 9 tháng đã có 100 triệu người sử dụng. Nếu ví Facebook là một quốc gia thì nó hiện có dân số đứng thứ tư thế giới.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, số người sử dụng Internet ở Việt Nam ngày càng tăng và đến tháng 10/2013 đạt khoảng 36 triệu, trong đó tỷ lệ thanh niên chiếm hơn 1/4. Tính riêng mạng xã hội thì có xấp xỉ 9 triệu người Việt Nam sử dụng, trong đó 72% ở độ tuổi 18-30, và đến nay ở Việt Nam có hơn 130 mạng xã hội được cấp phép cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, thông tin trên Internet là hết sức hỗn tạp. Sẽ là tích cực nếu người đọc biết "gạn đục khơi trong", nhưng sẽ nguy hại nếu người truy nhập cho rằng tất cả thông tin trên mạng là đúng, là "báo chí thực thụ". Với các trang web cá nhân và blog, người tiếp nhận thông tin cũng có thể chia sẻ, bổ sung thông tin. Đây chính là cánh cửa để kẻ xấu lợi dụng, trục lợi, lôi kéo, kích động... Đáng chú ý hơn nữa là không chỉ trang web cá nhân và mạng xã hội, một số trang thông tin điện tử cũng chạy theo thị hiếu đám đông, khai thác và đăng tải quá mức những vấn đề tầm thường, những nội dung tiêu cực, thiếu định hướng và thiếu tính nhân văn... do đó, hoặc cố tình hoặc vô tình làm cho độc giả có cái nhìn méo mó về xã hội, làm lệch lạc các chuẩn mực văn hóa và đạo đức, ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước con người Việt Nam, môi trường đầu tư, thậm chí làm giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đó là chưa nói đến những trang tin điện tử đặt máy chủ ở nước ngoài, lợi dụng vụ việc nào đó để cố tình xuyên tạc về Việt Nam, trong khi các cơ quan thông tin chính thức chưa kịp lên tiếng. Vì thế, có thể khẳng định rằng, rất nhiều thông tin trên mạng là thông tin không được kiểm chứng đầy đủ, thiếu khách quan và không phải lúc nào cũng mang tính xây dựng.  

 

Ban biên tập tin Đối ngoại, một trong những đơn vị thông tin nguồn quan trọng của ngành

Sứ mệnh của báo chí chính thống

Vì lợi ích và sự phát triển tốt đẹp của xã hội, thông tin báo chí phải thực sự là một tấm gương phản chiếu xã hội một cách trung thực, khách quan, tiệm cận các giá trị chân, thiện, mỹ. Đây chính là sứ mệnh cao cả của báo chí chính thống. Báo chí chính thống phải thực hiện tốt việc thông tin một cách khách quan, chuẩn xác, có định hướng cho công chúng giữa một "biển" thông tin nhiều chiều, hỗn tạp và biến đổi liên tục. Để thực hiện tốt sứ mệnh của mình trong cuộc đua cập nhật thông tin cạnh tranh cao như đã nêu, các cơ quan báo chí chính thống, trong đó có TTXVN, đã và đang tiếp tục nỗ lực khẳng định vị trí là dòng thông tin chủ lưu, định hướng cho công chúng khi họ đang hoang mang, mất phương hướng do bị tác động của quá nhiều luồng thông tin khác nhau trên mạng và các loại hình thông tin đa phương tiện.

Để thực hiện hiệu quả hơn nữa sứ mệnh này, báo chí chính thống cũng đang phải tự đổi mới mình để tăng sức cạnh tranh với thông tin trên mạng về sự nhanh nhạy, tính kịp thời. Báo chí chính thống cũng cần khai thác tối đa vị thế đã được xác lập của mình để tiếp cận nhanh nhất các nguồn tin chính thống. Tuy nhiên, về vai trò định hướng công luận, trong một số trường hợp, các cơ quan báo chí chính thống còn phụ thuộc vào cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan cung cấp thông tin.

Trên thực tế, không phải lúc nào các cơ quan thông tin chính thức cũng được các nguồn thông tin chính thức đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin kịp thời. Thậm chí với những vấn đề mà dư luận quan tâm, cơ quan chức năng đôi khi còn né tránh với lý do như "vấn đề hay vụ việc đang trong quá trình xác minh", nhưng thời hạn để "xác minh" lại không được đưa ra một cách cụ thể.

Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị của mình, các cơ quan thông tin chính thức cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn, nhất là cần được chỉ đạo và cần được đáp ứng các yêu cầu về thông tin kịp thời đối với những vấn đề, sự kiện thời sự nóng bỏng mà dư luận đặc biệt quan tâm hoặc có thể tác động lớn đến xã hội, cộng đồng.

Một số bài học trong năm 2013

Năm qua, khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về các vấn đề quan trọng của đất nước, các trang tin điện tử và mạng xã hội đăng tải rất nhanh diễn biến cũng như kết quả của Hội nghị, trong khi các cơ quan thông tin chính thức "im lặng". Và khi Hội nghị kết thúc, các cơ quan báo chí chính thức đưa tin không khác mấy các trang mạng xã hội đã đưa trước đó. Chính chúng ta đã tạo cho các mạng xã hội cơ hội khẳng định và xác lập vị thế. Ở Hội nghị BCH Trung ương sau đó, vấn đề thông tin đã được cải tiến, các nội dung thảo luận đã được công bố gần như hàng ngày. Theo chúng tôi, đối với những vấn đề không nhạy cảm và không phải là bí mật, ta cần tăng cường hàm lượng thông tin trong các thông cáo báo chí và tăng tần suất thông tin đảm bảo thông tin kịp thời, không tạo dư địa cho các báo mạng xuyên tạc, đồn đoán, đưa tin thiếu kiểm chứng hoặc sai sự thật.

Thực tế cho thấy, với mạng xã hội, công chúng không chỉ là người đón nhận mà còn là người phát tán thông tin và tham gia vào quá trình phát triển nội dung thông tin. Vì thế, thông qua mạng xã hội, thông tin được phổ biến theo cấp số nhân, hiệu ứng lan truyền nhanh và phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Do đó, với những sự kiện mà dư luận đặc biệt chú ý, một khi được tung lên mạng sẽ nhanh chóng gây sự chú ý và bàn tán trong xã hội. Đến khi các cơ quan thông tin chính thức nhận được chỉ đạo và nguồn tin để cung cấp cho các đơn vị báo chí trong và ngoài nước thì đã quá muộn, làm ảnh hưởng đến tính thời sự của sự kiện đồng thời làm giảm rõ rệt tính định hướng của dòng tin chủ lưu. Khi đó, có thể nói, thông tin được phép công bố của các cơ quan báo chí không thể thực hiện được vai trò định hướng của mình nữa. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta cần đổi mới, chủ động thông tin cho người dân về những vấn đề quan trọng được đông đảo dư luận quan tâm.

Trong vụ việc ở giáo xứ Nghi Phương (Nghệ An) năm 2103, TTXVN đã thực hiện tốt công tác định hướng thông tin, cung cấp những thông tin nguồn có giá trị.

Ảnh: Phóng viên thông tấn phỏng vấn một người dân Nghi Phương về vụ việc này

Cách đây chưa lâu, chúng ta còn có thêm bài học về việc thông tin không kịp thời liên quan đến một số vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng. Do chưa có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, nhiều cơ quan báo chí chỉ có thể thông tin theo lời kể của các nhân chứng mà thiếu tiếng nói từ cơ quan chức năng. Chính khoảng trống này làm cho dòng tin chủ lưu khi đó đã phần nào bị cản trở bởi các tin tức lan truyền trên mạng. Vấn đề này trên thực tế đã được rút kinh nghiệm, các cơ quan chức năng đã chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin, tình hình trước khi tiến hành vụ việc để báo chí chủ động đưa tin kịp thời và phù hợp. Khi chúng ta đi trước một bước, vụ việc sẽ không bị kẻ xấu lợi dụng để xuyên tạc, tung tin gây kích động trong dân, còn người dân sẽ không hiểu lầm để bị lôi kéo.

Vụ việc mất an ninh trật tự liên quan đến tôn giáo ở xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, trong những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 vừa qua cũng là một bài học đối với những người làm báo. Ngay khi nhận được thông tin từ địa bàn, được sự nhất trí của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự hợp tác của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, TTXVN đã chủ động tổ chức tuyến tin toàn diện về vấn đề này. Loạt phóng sự nhiều kỳ phản ánh chính xác, khách quan tình hình địa phương, ý kiến của người dân, cũng như sự quá khích của một số đối tượng tại địa bàn, đã giúp bạn đọc, bạn xem truyền hình nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và góp phần đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vụ kích động, gây mất an ninh, trật tự tại địa bàn.

Trong bối cảnh cạnh tranh thông tin gay gắt như hiện nay, tôi xin được chia sẻ một số ý kiến:

- Về phía các cơ quan báo chí: Chúng ta cần kiên trì nguyên tắc của báo chí là thông tin nhanh nhưng phải chính xác và khách quan. Chúng ta có thể sử dụng mạng xã hội như một phương tiện thông tin, nhưng chỉ đăng tải thông tin sau khi đã kiểm chứng và xác minh. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực hiện Quyết định 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đây là lợi thế mà mạng xã hội không thể có được vì chỉ các cơ quan báo chí mới có thể trực tiếp tiếp cận nguồn tin chính thức - điều này mang cho công chúng niềm tin vào các cơ quan báo chí chính thống.

- Việc chủ động thông tin, định hướng dư luận thông qua báo chí là nhiệm vụ đặc biệt. Chúng ta cần tiếp tục đổi mới cơ chế chỉ đạo, định hướng và xử lý kịp thời các thông tin nhạy cảm, có tác động lớn đến xã hội. Như đã phân tích, sự chỉ đạo và cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực là hết sức quan trọng và có ý nghĩa trong bối cảnh báo chí chính thống đang phải đấu tranh từng giờ từng phút trên mặt trận thông tin hiện nay.

- Thực tế cho thấy, cái gọi là "thông tin lưu truyền trong xã hội" không phải là thông tin báo chí và chưa thể lấn lướt dòng tin chủ lưu. Nhưng nếu các cơ quan báo chí không làm tốt vai trò của mình, mạng xã hội sẽ dần chiếm lĩnh vị trí của chúng ta vì nhu cầu được thông tin vừa là quyền vừa là một nhu cầu thiết yếu của mỗi con người. Các cơ quan báo chí hãy cùng nhau làm tốt sứ mệnh của mình và hãy để mạng xã hội là cánh tay nối dài, là "đối tác" chia sẻ thông tin của chúng ta đến với nhiều người chứ không phải là "đối thủ" của chúng ta. Làm được điều này cũng đồng nghĩa với việc báo chí chính thống tiếp tục làm chủ diễn đàn, định hướng dư luận và đấu tranh có hiệu quả với các thông tin xuyên tạc, có dụng ý xấu của các thế lực thù địch.

Nguyễn Hoài Dương-Phó Tổng giám đốc TTXVN
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2014