Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Nga xóa tên RIA Novosti, cải tổ hệ thống truyền thông


(30/12/2013 14:41:36)

Việc Nga bất ngờ giải tán hãng thông tấn RIA Novosti và đài Voice of Russia được xem là động thái của điện Kremlin nhằm cải tổ lại hệ thống truyền thông.

 

Dmitry Kiselyov, người được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Rossia Segodnya

Ngày 9/12, Tổng thống Nga Putin ra lệnh giải thể hãng thông tấn RIA Novosti và đài Voice of Russia (đài Tiếng nói Nước Nga). Hai cơ quan này được sáp nhập với nhau để thành lập một hãng thông tấn mới với tên gọi Rossia Segodnya (Russia Today, tức Nước Nga ngày nay). Hãng thông tấn này chịu sự quản lý của nhà nước và sẽ tách biệt với đài truyền hình Russia Today (RT).

Ngoại trừ thông tin về Tổng giám đốc, Dmitry Kiselyov - một người dẫn chương trình truyền hình và đồng thời cũng là một người trung thành với Putin, nổi tiếng với quan điểm phản đối tình dục đồng giới, còn chi tiết về quy mô và cơ cấu của hãng thông tấn này vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng người ta đã biết là hãng thông tấn mới sẽ quản lý toàn bộ tài sản của Voice of Russia và RIA Novosti, trong đó có cả tài sản ở nước ngoài mà RIA Novosti đang sử dụng. Rossia Segodnya sẽ có trụ sở chính ở Đại lộ Zubovsky 4 ở thủ đô Moskva.

Nhiệm vụ cốt lõi của Rossia Segodnya sẽ là "đăng tải thông tin về chính sách của nước Nga, cuộc sống của người dân Liên bang Nga" cho khách hàng là người nước ngoài, như sắc lệnh Tổng thống quy định. Việc sắp xếp lại một loạt cơ quan truyền thông nhà nước như đài Tiếng nói Nước Nga, hãng thông tấn RIA Novosti và một số cơ quan báo chí nhà nước khác là nhằm mục đích tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động và tiết kiệm chi phí.

"Việc sát nhập trên có hai mục đích chính. Mục đích đầu tiên là đảm bảo việc sử dụng hợp lý hơn nguồn ngân sách được phân bổ về các cơ quan thông tin. Đây là việc làm nhằm cắt giảm chi tiêu thay vì tăng nó lên", ông Sergei Ivanov, Chánh văn phòng điện Kremlin, cho biết. Ông nói thêm, ngân sách cho lĩnh vực báo chí sẽ bị cắt giảm vào năm tới.

Vẫn theo ông Ivanov, mục đích thứ hai là tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của các hãng tin nhà nước. "Nga theo đuổi một chính sách độc lập và kiên quyết bảo vệ những lợi ích quốc gia. Không dễ gì để giải thích với cả thế giới, nhưng chúng tôi có thể và phải làm điều này. Chúng tôi phải nói ra sự thật, đưa sự thật đến với càng nhiều người càng tốt bằng ngôn ngữ hiện đại và những công nghệ tốt nhất hiện có để làm điều đó", Chánh văn phòng điện Kremlin cho biết.

"Bước đi này là minh chứng mới nhất cho hàng loạt những thay đổi diễn ra trong giới truyền thông Nga", đại diện RIA Novosti cho biết. Hiện chưa rõ bao nhiêu nhân viên còn được tiếp tục làm việc ở hãng. Một thư điện tử gửi tới các nhân viên của RIA Novosti thông báo "ủy ban tinh giản" đang làm việc, và kêu gọi họ bình tĩnh. Trong khi đó, báo chí phương Tây cho rằng, động thái này là dấu hiệu Tổng thống Putin có thể xiết chặt quản lý truyền thông trong thời gian sắp tới.

Ông Alexander Gabuev, Phó tổng biên tập tờ tuần báo chính trị Kommersant-Vlast có trụ sở đặt tại Moskva, nhận định: Việc Nga kiểm soát truyền thông đã gia tăng trong những năm gần đây. Tháng trước, công ty truyền thông thuộc tập đoàn năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Gazprom đã mua lại Profmedia, thâu tóm thêm một số lượng lớn các đài truyền hình, đài phát thanh và các công ty phân phối phim ảnh. 

Được thành lập năm 1941 dưới cái tên Cục Thông tin Liên Xô, RIA Novosti là một trong ba hãng thông tấn lớn của Nga, cùng với hãng thông tấn Itar-Tass thuộc sở hữu nhà nước và Interfax thuộc sở hữu tư nhân. Trước khi giải tán, RIA Novosti có phóng viên ở 45 nước trên khắp thế giới, đưa tin bằng 14 thứ tiếng

Khánh Chi tổng hợp
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2013