Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Mẹo nhỏ, tác dụng không nhỏ


(30/12/2013 10:01:39)

Hiện nay, các sản phẩm thông tin của TTXVN rất đa dạng, bao gồm: Tin văn bản, tin ảnh, báo in, báo điện tử và truyền hình, do đó, phóng viên TTXVN, nhất là đội ngũ phóng viên thường trú ở nước ngoài càng cần phải "đa di năng" mới đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của cơ quan.

 

PV Hữu Thắng tác nghiệp tại một cuộc hội thảo diễn ra ở Tokyo

Một phóng viên (PV) thường trú nước ngoài của TTXVN bắt buộc phải biết ba phần việc quan trọng của nghề báo: viết tin, chụp ảnh và quay video. Đây là thử thách mà cánh PV các cơ quan thường trú (CQTT) khác mới nghe qua đã "lắc đầu ngán ngẩm".

 

Nhật Bản là đất nước có nền báo chí phát triển nhưng lại có môi trường tác nghiệp khác với Việt Nam nên PV phải có nhiều kỹ năng. Ví dụ, đưa tin về một hội nghị diễn ra ở Tokyo, nếu như ở Việt Nam, PV có thể di chuyển tuỳ thích trong hội trường để tìm những góc quay đẹp thì ở Nhật Bản, mọi hành động dù nhỏ cũng phải xin phép ban tổ chức và khó chịu nhất là luôn bị hạn chế về thời gian cũng như vị trí để đặt máy quay hoặc chụp hình.

 

Khó khăn còn nhiều hơn khi có đoàn cán bộ cấp cao nước ta sang thăm và làm việc ở nước bạn. Để lấy hình ảnh về cuộc gặp hoặc buổi tiếp song phương giữa các lãnh đạo, PV chỉ có hơn 3 phút để quay video và chụp hình. Lãnh đạo càng cao cấp thì thời gian và điều kiện cho PV tác nghiệp càng ngặt nghèo. Ngoài ra, lãnh đạo ta thường có lịch trình làm việc dày đặc ở nhiều nơi. Do đó, PV sẽ phải liên tục di chuyển tới nhiều địa điểm khác nhau trong ngày, đồng thời CQTT phải kịp thời điều phối nhân sự khi có những thay đổi trong lịch làm việc của lãnh đạo. Đây là một bài toán khó cần có lời giải tức thì. Trong những lúc như vậy, PV thường trú phải cân nhắc đến các khả năng, phương tiện và thời gian di chuyển giữa các địa điểm, vận dụng toàn bộ vốn hiểu biết, vốn sống, những kỹ năng tổng hợp, kinh nghiệm tác nghiệp, khả năng ngoại ngữ, công nghệ dò đường bằng GPS... để đảm bảo công việc diễn ra trơn tru, không bỏ sót bất cứ sự kiện, hình ảnh hay thông tin nào đáng giá. 

Quãng thời gian công tác tại CQTT địa phương với những khó khăn như vậy đã mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm, không to tát nhưng hết sức quý báu, không thể học được ở bất kỳ trường đào tạo báo chí nào. Đó là những kinh nghiệm về xử lý tình huống trong điều kiện tác nghiệp thực tế tại địa bàn hay những kỹ năng mang tính hỗ trợ cho PV. 

Những kỷ niệm trong thời gian làm PV địa bàn thì nhiều nhưng điều làm tôi nhớ nhất là những lúc chỉ có một mình với chiếc ba lô đựng máy quay cỡ bự và phụ kiện trên lưng, chân máy vác trên vai trong khi chiếc máy ảnh Canon Mark II thì đeo lủng lẳng trên cổ. "Đa mang" ngót nghét chục ký thiết bị tác nghiệp trên người, tôi rong ruổi để phản ánh đời sống kinh tế, chính trị và xã hội đầy sôi động của nước Nhật. Sau mỗi cuộc đi xa như vậy, người đau ê ẩm, đầu óc quay cuồng vì ít ngủ. Thế nhưng, thật lạ là khi mở những tấm ảnh đã chụp, những thước phim đã quay và những cuộc phỏng vấn thành công, mọi mệt nhọc nhanh chóng tan biến.

Đơn cử như khi đưa tin về một cuộc gặp song phương giữa hai lãnh đạo hai quốc gia, phải sử dụng cùng lúc máy quay và máy ảnh trong khi thời gian được phép tác nghiệp chỉ chưa đầy 5 phút. PV sẽ phải xử lý tình huống này ra sao? Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, trong lúc chờ được dẫn vào phòng họp, PV cần đặt sẵn các chế độ cho cả máy quay và máy ảnh. Đừng quên mang theo một tờ giấy trắng để kịp lấy cân bằng trắng cho máy quay ngay khi được hướng dẫn vào địa điểm sắp diễn ra cuộc gặp. Nên ưu tiên sử dụng máy quay trước để kịp thời lấy được hình ảnh động của cuộc gặp theo những nguyên tắc đã được chỉ dạy, đó là TRUNG - CẬN - TOÀN, với 5-6 giây tĩnh (không zoom và không lia) cho một shot hình. Tiếp đó phải lập tức hạ máy quay và cầm máy ảnh, đặt sẵn chế độ, chụp liên tục 5- 6 cái TOÀN và TRUNG cảnh, để sau này có thể tìm ra một bức vừa ý nhất gửi về nhà. Nếu thời gian vẫn còn thì nhanh chóng lấy sổ tay ra tốc ký một vài ý chính vừa nghe được trong cuộc trao đổi giữa hai bên. Thông thường thì những nét lớn hay được các bên đề cập đến ngay phần đầu cuộc gặp. Tuy nhiên, để cho chắc ăn, bạn nên xin số điện thoại của người trong đoàn tháp tùng (có thể là thư ký trưởng đoàn) để lấy những nội dung cơ bản trong khoảng thời gian từ phút thứ 6 trở đi bởi từ thời điểm đó, bạn đã phải ngừng tác nghiệp, rời khỏi địa điểm theo yêu cầu của cơ quan chủ quản. 

Đối với những sự kiện kéo dài nhiều giờ trong ngày đòi hỏi ta phải ghi nhiều hình ảnh, ví dụ như các Festival, các cuộc thi,... bạn nên mang theo máy tính xách tay nạp đầy điện và một ổ ghi ngoài cỡ 500Gb-1Tb để lưu dữ liệu, phòng trường hợp máy quay và máy ảnh bị đầy ổ nhớ.

Một vấn đề nữa mà không ít PV phải đau đầu, đó là làm sao có thể chuyển một dữ liệu có dung lượng lên tới 10-20Gb về máy chủ của cơ quan một cách nhanh nhất. Ngay cả với tốc độ đường truyền Internet cao như ở Nhật Bản, việc chuyển dữ liệu này vẫn ngốn một khoảng thời gian dài trong khi bạn phải tranh thủ làm những công việc khác thay vì ngồi dán mắt vào màn hình và lo dữ liệu bị sập bất cứ khi nào. Trong trường hợp này, cách duy nhất mà PV có thể làm là thu nhỏ dung lượng của dữ liệu tới mức tối đa. Điều này chúng ta đã được đào tạo tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn trước khi lên đường. Đối với sản phẩm ảnh, PV thực hiện theo đúng yêu cầu của các "chuyên gia" ở Ban Ảnh, đó là sử dụng photoshop cắt cúp, cân chỉnh sáng tối, nhập fileinfo và lưu dữ liệu ảnh xuống còn khoảng 500kB sau khi hoàn tất các thao tác hiệu chỉnh. Đối với video, PV bắt buộc phải dựng hình bằng phần mềm Avid theo yêu cầu của truyền hình. Theo kinh nghiệm của tôi, tổng thời lượng hình dựng được vào khoảng 2-3 phút là đạt yêu cầu cho việc truyền dữ liệu nhanh. Khi đó, dữ liệu sẽ giảm một cách đáng kể từ mức 10-15Gb xuống còn 100- 300MB và PV chỉ mất khoảng 5-10 phút chuyển dữ liệu thay vì ngồi chờ vài tiếng đồng hồ. 

Trên đây là một vài điều quan trọng. Còn nhiều mẹo nhỏ khác mà tôi tự mày mò hoặc học hỏi được từ "các vị tiền bối" trong cơ quan và các đồng nghiệp khác trong giới. Phải thừa nhận rằng, những điều đúc rút được trong công việc thực tế, tuy có vẻ vụn vặt nhưng lại đóng vai trò khá lớn, quyết định độ nhanh chậm của một bản tin và nâng cao khả năng cạnh tranh của TTXVN bên cạnh các "thương hiệu" khác trong giới truyền thông Việt Nam. Một lời khuyên chân thành cho các PV có ý định đi công tác tại địa bàn nước ngoài là hãy cố gắng thu lượm tất cả những kiến thức mà mình có được khi còn ngồi ở tổng xã, đặc biệt là "chớ nên coi thường những gì bạn đã học được ở Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ" vì đó sẽ là đòn bẩy quan trọng quyết định thành bại của bạn khi tác nghiệp ở nước ngoài. 

Một đồng nghiệp từng nói với tôi rằng: "Cái nghề PV vất vả và gian nan. Ngủ bờ ngủ bụi - bữa no bữa đói. Lúc người ta ngồi máy lạnh văn phòng thì mình lại rong ruổi ngoài đường. Chỗ nào mưa càng to, bão càng lớn thì càng xông tới. Chỗ nào hiểm nguy người ta chạy đi thì mình cứ dấn thân vào. Vậy mà không hiểu sao vẫn cứ tình nguyện sống chết với cái nghề này!". Có lẽ cách lý giải duy nhất cho điều này là tình yêu đối với nghề báo mà chúng ta đang theo đuổi. Mỗi một bài báo, một bản tin hay một bức ảnh được đăng tải, tôi luôn cảm thấy vui và phấn chấn. Tôi tin rằng các đồng nghiệp ở TTXVN cũng có chung cảm giác như vậy. 

Hữu Thắng - Cơ quan thường trú TTXVN tại Tokyo, Nhật Bản
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một vài lưu ý khi gửi ảnh về Ban biên tập Ảnh (03/12/2013 10:38:44)

Thông báo: Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2013 (đợt 1) và hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2013 (03/12/2013 10:29:44)

Những kẻ nghe lén ở News of the World bị xét xử (03/12/2013 10:24:14)

Tăng cường hiệu quả của hệ thống cơ quan thường trú ngoài nước (03/12/2013 09:56:47)

Những trải nghiệm không thể nào quên! (02/12/2013 11:18:35)

“Bội thu” triển lãm ảnh  (02/12/2013 11:05:40)

VietnamPlus: Đào tạo là lẽ sống (02/12/2013 10:58:15)

Học ở quanh ta (02/12/2013 10:51:25)

Tương lai của phóng sự chiến tranh... (05/11/2013 15:19:06)

Truýằn thông xÃÊ hỏằ™i và cÃĂch ỏằâng xỏằư cỏằĐa nhà bÃĂo trỏºằ (05/11/2013 15:14:08)