Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Vượt đại dương " tầm sư học đạo"


(11/02/2014 15:35:37)

Những ngày cuối năm 2013, một đoàn cán bộ thông tấn đã có chuyến bay "vượt đại dương" sang Canada để tham dự một khóa tập huấn trong khuôn khổ Đề án 165. Những gì được nghe, được thấy, được chạm vào... đã khiến mọi thành viên trong đoàn có thêm nguồn năng lượng để vượt qua cái lạnh tái tê của những ngày thời tiết khắc nghiệt nhất, âm 20 độ C.

Thăm trường quay của Trường Đại học Ryerson

Qua ô cửa sổ nhỏ xíu của máy bay, Toronto dưới muôn vàn ánh điện thật rực rỡ và ngăn nắp. Nói vậy, bởi từng khu vực trong thành phố được phân chia đều đặn và vuông vắn như một bàn cờ. Tuy là một thành phố nằm ở phía Đông Nam Canada nhưng Toronto còn "to" hơn cả thủ đô Ottawa cả về diện tích, dân số và phát triển kinh tế xã hội. Sự háo hức được tìm hiểu về "một vùng đất mới" khiến chúng tôi quên đi sự mệt mỏi vì giờ bay quá dài và độ "chênh" khá lớn về múi giờ.

1- "Có được chuyến đi tập huấn này không hề đơn giản, vậy nên tất cả chúng ta phải làm sao để những giờ phút ở đây thật sự có ích", Trưởng đoàn công tác, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Hoài Dương quán triệt rõ ràng ngay từ khi mọi người vừa đặt chân tới đất Toronto. Với tinh thần đó, những ngày tiếp theo, cho dù thời tiết lạnh "thấu xương"; cho dù đang giữa ban ngày mà cơn buồn ngủ cứ ào ào kéo đến, nhưng các buổi học liên miên đều không một ai vắng mặt. Thật lòng phải cảm ơn Đề án 165 và các bạn phía đối tác đã quá chu đáo trong việc thiết kế chương trình, vì chỉ là một lớp học nhỏ dành riêng cho TTXVN mà có rất nhiều giáo sư tham gia giảng dạy. Các giáo sư đều có phong cách làm việc nghiêm túc và chuẩn mực. Vậy nên, rất nhiều buổi, chúng tôi học "thông tầm" từ 10 giờ trưa cho tới 14 giờ chiều để hết chương trình. Trời lạnh, nên bụng càng réo mạnh, song do "không khí học tập" hào hứng nên chẳng mấy ai nỡ phàn nàn. Vui hơn khi về phía học viên chúng tôi, do ai cũng đã trải qua quá trình công tác, nên khi các giáo sư khuyến khích trao đổi, thảo luận các vấn đề như: chính sách, pháp luật; đổi mới quản lý công & chính phủ điện tử; phát hiện, đào tạo cán bộ lãnh đạo; công tác quản lý nhân lực; công tác tuyển dụng cán bộ, giữ chân người có năng lực... thì câu hỏi được tới tấp đưa ra, khiến khoảng cách giữa "thầy Tây" và "trò Việt" dường như bị xóa nhòa.

 Cô Tina, một giáo sinh của trường Đại học York, có gương mặt và vóc dáng chuẩn như người mẫu, được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi khóa tập huấn cũng nhiều lần phải thốt lên: Lớp của các bạn Việt Nam sôi nổi lắm. Chúng tôi rất thích cách trao đổi bài nhiệt tình như thế.

 

Trên giảng đường trường Đại học York

2- Lại phải "khen" những người thiết kế chương trình một lần nữa vì đã tính toán quá chỉnh chu khi chỉ trong hai tuần lễ đã cho chúng tôi vừa được nghe giảng trên giảng đường ba trường đại học lớn York, Ryerson và Guelph - Humber; vừa được đến thăm thú, ngó nghiêng tòa soạn báo lớn nhất Toronto Star; thăm và trao đổi, bàn bạc nhiều chuyện với hãng thông tấn Canadian Press và tòa báo điện tử Canada.com.

Thú thực, vì có "xuất xứ" là phóng viên nên cá nhân tôi dành sự quan tâm nhiều nhất cho việc "nghe và nhìn" xem xứ người họ làm báo ra sao. Canada là quốc gia có nền báo chí phát triển. Các cơ quan báo chí của họ hầu hết đều hoạt động theo mô hình báo chí tư nhân, không chịu sự quản lý về mặt nhân sự và tài chính của nhà nước, vì vậy, mỗi tòa báo có cách đi, hướng phát triển riêng. Nhưng có một thực tế là dù ở khu vực nào trên thế giới, quốc gia phát triển như Canada cũng không tránh khỏi những hệ lụy của tình hình suy thoái kinh tế lan rộng khắp toàn cầu. Để đối phó với với cơn lốc suy thoái, hầu hết các cơ quan báo chí của Canada thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy nhân sự theo hướng tinh gọn, khuyến khích phóng viên làm việc và tác nghiệp đa năng. Để tiết kiệm kinh phí nhưng vẫn giữ được bạn đọc, nhiều tờ báo chủ trương rút bớt lượng phát hành báo giấy, chuyển sang phát triển mô hình truyền thông đa phương tiện, báo mạng và tập trung đi sâu vào những mảng đề tài có thế mạnh. Báo Toronto Star, tờ báo lớn hàng đầu của Canada, trước đây có số lượng phát hành lên đến hơn 1 triệu bản/ngày nhưng nay cũng đã hạn chế bớt báo giấy để phát triển báo điện tử và tập trung đi sâu vào mảng phóng sự điều tra. Hãng thông tấn Canadian Press với số PV, BTV, nhân viên khoảng 300 người cũng thực hiện chủ trương trang bị phương tiện tác nghiệp hiện đại, gọn nhẹ để khuyến khích PV tác nghiệp đa năng trong nhiều môi trường khác nhau. Đối với những đề tài hay, hấp dẫn, các cơ quan báo chí Canada sẵn sàng chi một nguồn kinh phí lớn để cho phóng viên thực hiện, nhằm tạo sự khác biệt trong bối cảnh nền báo chí có sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

 

Trước trụ sở Cơ quan thường trú TTXVN tại Canada

3- Chúng tôi nhớ mãi "màn chào hỏi" đầy ấn tượng khi ông Tổng giám đốc Hãng thông tấn Canadian Press bấm nút điều khiển, trình chiếu cho xem một clip ngắn. Một cô gái tóc vàng, cao ráo, lanh lợi hiện ra. Họ muốn giới thiệu "người mẫu" của hãng ư? Nhưng không, đó là một nữ phóng viên. Lỉnh kỉnh đeo quanh người cô là túi khoác, là máy quay, máy ảnh. Cô thoăn thoắt lúc xuất hiện ở một sự kiện này, lúc lại đang thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp, khi thì đang lia máy quay cho một tin thời sự... Rồi cô nhanh chóng trở về văn phòng, lúi húi "đổ" ảnh, "đổ" hình vào máy tính, cặm cụi dựng phim. Ông Tổng giám đốc bảo rằng đó là những việc phải làm của một phóng viên hãng. Ồ, thì ra hình ảnh "phóng viên đa năng" ở đâu cũng vậy. Không ít phóng viên thông tấn cũng đang ngày đêm miệt mài làm việc đa năng "n trong 1" như thế này. Có điều ta quả thực còn quá "chân quê" trong việc làm truyền thông và quảng bá hình ảnh nên quên đi sự tôn vinh chính chúng ta.

Một chuyện khác. Khi tới thăm báo điện tử Canada.com, Tổng biên tập vừa bắt tay Trưởng đoàn Nguyễn Hoài Dương xong đã lập tức dẫn mọi người tới một quán cafe báo chí đang ở giai đoạn hoàn thiện. Theo như lời giới thiệu thì đây sẽ là "văn phòng" làm việc hấp dẫn nhất cho phóng viên của báo. Các cuộc gặp gỡ, phỏng vấn, đàm đạo... sẽ được tổ chức ngay trong không gian yên ả và lãng mạn này. Thật là một nơi tác nghiệp lý tưởng. Mà "nhà số 5 Lý Thường Kiệt" của chúng ta còn hoành tráng hơn nhiều, đủ điều kiện để bố trí một "cafe báo chí" với wifi phủ sóng. Các nhà báo thông tấn có thể ngả máy tính ra bất cứ lúc nào! Lại có thêm vài bài học thú vị bên cạnh những bài học quý báu về chính phủ điện tử, quản lý hành chính công; công tác quản lý nhân lực; tuyển dụng cán bộ; phát hiện và đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo; làm thế nào để giữ chân người có năng lực vv...vv.

Trong thời gian ở Toronto, đoàn đã tới thăm Cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN tại Ottawa. Nghe Trưởng CQTT Dương Thị Thanh Hoa trao đổi về những thuận lợi và khó khăn của anh chị em đơn vị. Tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Canada, Đại sứ Tô Anh Dũng đã đánh giá cao vai trò của CQTT TTXVN trong công tác thông tin tuyên truyền, góp phần tích cực vào thành công chung của công tác ngoại giao. Phó TGĐ Nguyễn Hoài Dương cảm ơn và mong muốn Đại sứ tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện cho CQTT TTXVN trong mọi hoạt động, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin đối ngoại của hãng thông tấn quốc gia.

Về tới Hà Nội, mặc dù đang giữa những ngày rét đậm, rét hại nhưng với những người vừa được "thưởng thức" âm 200C thì chẳng là "cái đinh" gì. Hơn nữa ai nấy vẫn đang ấm lòng bởi những điều vừa thu lượm được từ một khóa tập huấn hữu ích. Tin rằng, những cái "hay" sẽ được mọi người sớm vận dụng sáng tạo vào chính công việc mà mình đang đảm trách.

 

Bà Ngô Thị Kim Oanh

Công sức của Ban Tổ chức Cán bộ trong việc tham gia tổ chức và chuẩn bị cho chuyến công tác đã được bù đắp từ kết quả thực tế của chuyến đi. Là những người trực tiếp làm công tác tổ chức - cán bộ, chúng tôi học được rất nhiều điều bổ ích và thiết thực. Tôi nghĩ có những việc có thể vận dụng được ngay trong hoạt động của TTXVN như: Công tác quản lý nguồn nhân lực; đánh giá cán bộ, tuyển dụng và giữ chân cán bộ; quản lý và sử dụng người có năng lực... là những vấn đề cốt yếu trong chiến lược phát triển Ngành. Trước mắt, để công tác tuyển dụng cán bộ dự kiến sẽ thực hiện trong quý I năm nay được thực chất, tránh lãng phí, từng đơn vị nên có sự mô tả chi tiết về vị trí cần tuyển dụng để từ đó chọn các ứng viên phù hợp.

(Phó Trưởng ban Tổ chức Cán bộ)

 

Bà Nguyễn Thị Tâm

Canada là quốc gia có nền báo chí mở, phóng viên có thể can thiệp sâu vào nhiều vấn đề phức tạp lại đòi hỏi tốc độ thông tin nhanh, chính xác nên cũng dễ xảy ra sai sót, phạm luật. Để khắc phục vấn đề này, ngoài ban biên tập chịu trách nhiệm duyệt nội dung bài vở, nhiều tờ báo đã tổ chức thêm bộ phận tư vấn pháp luật gồm các luật sư để hỗ trợ cho ban biên tập trong vấn đề xác định tính hợp pháp của các tin, bài, nội dung thông tin trước khi đăng tải, nhờ đó mà tin bài khi đăng không những đảm bảo được tính chính xác mà còn đúng luật. Đây là một vấn đề khá mới mẻ mà chúng ta có thể nghiên cứu học tập, ứng dụng, nhất là trong môi trường báo chí phát triển nhanh, mạnh và chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro cao như hiện nay.

(Phó Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu phát triển)

Ông Đặng Thanh Hòa

Đối với những đề tài nóng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, các cơ quan báo chí Canada sẵn sàng chi một nguồn kinh phí lớn để cho phóng viên theo đuổi thực hiện. Vì vậy, các báo thường có tin bài hay, hấp dẫn, góp phần giữ chân bạn đọc, nhất là trong bối cảnh nền báo chí có sự cạnh tranh khốc liệt. Thiết nghĩ, các đơn vị biên tập và tòa soạn của TTXVN cũng có thể vận dụng kinh nghiệm này. Báo ảnh Việt Nam luôn khuyến khích phóng viên nghiên cứu phát hiện những đề tài lớn, sau đó ban biên tập sẽ hội ý, bàn bạc rồi hướng dẫn phóng viên cách thức triển khai ý tưởng và tổ chức thực hiện. Chính vì vậy mỗi số Báo ảnh luôn có những "bài đinh", điển hình là các phóng sự chuyên đề hấp dẫn, thu hút bạn đọc. Tuy nhiên, đôi lúc do có sự khó khăn về nguồn kinh phí, nên phóng viên khó có thể theo đuổi thực hiện đề tài một cách sâu rộng như mong muốn, nhất là những đề tài lớn mang tính dài hơi.

(Phó Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam)

Đức Linh
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Đem Tết đến với những người canh giữ đảo xa (11/02/2014 11:39:06)

Hai doanh nghiệp ngành in: Bươn trải vượt khó, làm ăn khấm khá (11/02/2014 09:48:24)

Cảm xúc đầu xuân (11/02/2014 09:30:22)

Bố cục ảnh (30/12/2013 14:53:09)

Nga xóa tên RIA Novosti, cải tổ hệ thống truyền thông (30/12/2013 14:41:36)

Những bức ảnh của Việt Nam đoạt giải quốc tế năm 2013 (30/12/2013 10:39:53)

Chi hội Nhà báo Ban biên tập tin Trong nước: "Tự soi, tự sửa" (30/12/2013 10:24:43)

"LiáỪẮu thuáỪỔc báỪỚ" cho nháỪống ngẳồáỪŨi làm bÃắo ẢỔiáỪẬn táỪễ thÃƠng táỨần (30/12/2013 10:19:34)

Mẹo nhỏ, tác dụng không nhỏ (30/12/2013 10:01:39)

Một vài lưu ý khi gửi ảnh về Ban biên tập Ảnh (03/12/2013 10:38:44)