Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tôi có tò mò không?


(09/10/2007 08:56:17)

Thỉnh thoảng tôi nghe thấy anh chị em cơ quan ta hay hỏi nhau một câu vui vui: "Chẳng rõ các đơn vị trong ngôi nhà Thông tấn hoạt động ra sao nhỉ?".

            Hóa ra nhiều người có cùng mối quan tâm với tôi. Là người từng tham gia công tác viết và biên tập tin đối ngoại, vì nhiệm vụ được giao, hàng ngày tôi đọc rất nhiều tin của TTXVN (cả báo chí ngoài ngành) để khai thác cho thông tin đơn vị mình phục vụ. Tôi rất tò mò muốn biết các loại tin đó được làm ra sao, đời sống của 'nó' từ lúc ở dạng nguyên liệu đến khi ra khỏi 'nhà máy' thế nào. Nếu không thể hiểu rõ được cách làm báo ở ngoài ngành thì hãy thử tìm hiểu cách làm thông tin, làm báo trong ngành ta xem sao, tôi tự nhủ.

            Tôi đã được học các lớp dạy viết tin. Tôi tự học. Tôi học mót, học lỏm qua đồng nghiệp nhiều điều lắm. Hàng ngày có việc liên hệ công tác tôi vẫn được đồng nghiệp giúp đỡ nhiệt tình. Nhưng tôi rất muốn được các đồng chí lãnh đạo cơ quan, cấp ban, cấp phòng bật đèn xanh, tạo điều kiện cho các phóng viên- biên tập viên sang tham quan, quan sát, tỉ dụ như một số buổi giao ban, không khí làm việc, cách xử lý tin của các Ban BTT Trong nước, Kinh tế, Đối ngoại, Thế giới, các tòa soạn Khoa học Kỹ thuật, báo Tin Tức, Việt Nam News, Báo ảnh, Thể thao&Văn hóa v.v...). Nếu tổ chức những đợt tham quan 'chính thức hữu nghị' đó thì cả hai phía - phía được tham quan và phía tham quan - sẽ thoải mái hơn, có trách nhiệm hơn. Việc học hỏi sẽ hệ thống hơn. Cũng là một cái tin kinh tế chẳng hạn, Ban Biên tập tin Kinh tế họ 'xào xáo' như thế nào để ra được tin đó? Quan niệm, cách xử lý tin? Tôi muốn 'hiểu người' nhằm mục đích hiểu mình hơn. Hiểu cách làm thông tin của các đơn vị trong ngành, để khai thác các nguồn thông tin tốt hơn phục vụ nhu cầu của đơn vị mình. Được biết, chúng ta thường xuyên đón thực tập  sinh các nơi đến, tại sao ta không liên hệ, đón tiếp các nhóm nhỏ phóng viên, biên tập viên nội bộ phù hợp với khả năng, qui mô từng đơn vị trong ngành?

            Đối với các bản tin và báo viết, tôi còn muốn tham quan công tác in ấn nữa. Không biết các bạn nghĩ sao? Còn tôi, biết được 'đường đi lối về' của cái tin chính mình làm ra, từ lúc thai nghén trong đầu, viết, biên tập, lên khuôn, ra khỏi nhà in lên xe đến với độc giả, tôi 'sướng' lắm các bạn ạ. Tôi có cảm giác theo dõi được đứa con tinh thần của mình trưởng thành. 

            Thực ra ai cũng biết trong thời đại công nghiệp, tính chuyên môn ngày càng được nâng cao trong tất cả các ngành nghề xã hội nói chung và cả trong ngành truyền thông nói riêng. Hơn nữa, TTXVN là một thực thể liên tục phát triển nên không phải ai cũng biết hết mọi điều được.

            Theo cách hiểu của tôi, TTXVN là một thực thể hữu cơ trong đó các bộ phận cấu thành, tuy chức năng và nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều có mối liên quan mật thiết với nhau. Tựa như cơ thể con người. Hoạt động của bộ phận này phải có sự trợ giúp phối hợp của bộ phận kia. Như hai chân muốn bước đi thì hay tay cũng phải vung vẩy nhịp nhàng theo. Vì vậy, các loại thông tin của TTXVN, dù dạng gì đi nữa, tất có quan hệ hữu cơ, bổ sung cho nhau thì mới thật sự đạt hiệu quả.

            Chính vì vậy, những người sản xuất, chế tạo thông tin, cung cấp thông tin ở các đơn vị khác nhau trong TTXVN nên hiểu tính chất, đặc thù của từng loại tin, của từng loại ấn phẩm báo chí trong ngành. Bởi một phóng viên hay biên tập viên không hiểu thông tin trong nước sẽ khó làm tốt được thông tin đối ngoại và ngược lại. Điều này đã được thực tiễn chứng minh.

Tôi còn thích một cách hình dung này: trong nghề chúng ta hay dùng cụm từ 'bếp núc tòa soạn'. Trong bếp có đầu bếp, có thợ nấu bếp. Mỗi thợ nấu một món ăn. Các món ăn đạt tiêu chuẩn phải ngon, bảo đảm dinh dưỡng,  được bày biện hài hòa, bắt mắt. Nếu ví các loại hình thông tin của TTXVN như các món ăn trên cùng một bàn tiệc hay một mâm cỗ thì yêu cầu đầu tiên cũng phải ngon mắt, ngon miệng. Là một phóng viên một-chú-thợ-bếp-tò-mò, tôi muốn biết trong 'cái bếp' TTXVN rộng lớn này, cũng như trong từng bếp nhỏ - bếp nhỏ của các Ban biên tập, tòa soạn - mọi người nấu nướng món ăn ra sao để tham khảo kinh nghiệm bởi trăm nghe không bằng một thấy các bạn ạ. Suy nghĩ này của tôi liệu có quá tò mò không?

Minh Cầm
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2007