Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Hoan hô một chủ trương tuyệt vời!


(05/09/2007 09:12:17)

Với chủ trương mỗi tháng chọn một chủ đề để tập trung thông tin, tháng này, tháng mở đầu, Lãnh đạo cơ quan đã quyết định chọn chủ đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của nông dân. Nội san Thông tấn có buổi trò chuyện với chị Đỗ Thị Hoàng Yến, Trưởng phòng Chính trị - Kinh tế báo Tin Tức, ngay sau khi chị vừa có chuyến công tác tại một điểm nóng về giải phóng mặt bằng.

            Chào chị, chị vừa đi công tác về? Chắc lại có một điểm nóng về giải phóng mặt bằng?

            Nóng, rất nóng nhưng đang bắt đầu nguội dần rồi. Tôi mới về từ xã Phụng Công huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, một xã có tới hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng Khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang.

            Tình hình sao rồi hả chị?

            Trước đây, Phụng Công được biết đến như một "điển hình" về khiếu kiện kéo dài, đông người, đến mức thanh tra Chính phủ phải vào cuộc. Trong lần thanh tra đối thoại với dân, có ý kiến còn đòi hủy dự án. Nhưng giờ thì khác rồi, ở Phụng Công có tới hơn 70% hộ đăng ký nhận tiền đền bù. Mọi nút thắt đang dần được tháo gỡ. Kết quả là mọi người đều thắng lớn.

            Nghĩa là sao ạ?

            Này nhé, chủ đầu tư thắng lớn vì họ đã được lòng dân, mà cái này thì quý lắm, khỏi cần nói ai cũng biết. Không chỉ quý lúc giải phóng mặt bằng (GPMB) đâu mà còn luôn cần thiết trong quá trình xây dựng, tồn tại và phát triển của dự án. Cùng với việc tăng tiền đền bù từ gần 20 triệu lên 36 triệu/sào, người dân còn được hưởng dự án "Đất dịch vụ liền kề", nghĩa là bà con bị thu hồi đất sẽ được phát lại ít nhất là 40 m2 đất kề bên khu đô thị để làm ki ốt bán hàng.

Người dân xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) lĩnh tiền đền bù GPMB. (Ảnh: Hoàng Yến).

            Thế còn...

            Còn dân chứ gì. Bạn không tin thì đến mà xem, người dân đi lĩnh tiền đền bù đông vui như đi trẩy hội. Họ thắng lớn vì họ đã vượt lên chính mình, nhận thức được lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội. Tôi vừa gặp lại một anh mà cách đây ít lâu anh ta cùng với hàng chục nông dân kéo nhau ra Hà Nội kiện cáo dai dẳng dài ngày. Thế mà giờ anh ta rất vui vẻ đi lĩnh tiền. Tôi hỏi: "Sao hồi trước hăng thế kia mà?". "Ừ, bây giờ hiểu ra rồi", anh ta vừa nói vừa vỗ vỗ vào cái túi đeo bên hông: "có tiền đền bù lại có đất xây cửa hàng bên cạnh khu đô thị, nhất còn gì".

            Hơn nữa, chính cái dự án "Đất dịch vụ liền kề" đã giúp biến người nông dân thành thị dân. Bạn thử nghĩa mà xem, kể cả không có dự án này thì chắc chắn cũng có tới vài chục phần trăm nông dân bỏ ruộng đi làm dịch vụ để phục vụ cho khu đô thị to tướng bên cạnh nhà. Tỉnh Hưng Y đã nhanh nhạy đón đầu bằng việc "tặng" mỗi hộ một ki ốt bán hàng. Mà "tặng" công bằng lắm, ai mất nhiều đất thì được ki ốt to hơn (một sào được 10m2, mỗi khẩu được thêm 4m2), gia đình liệt sĩ còn được thêm 20m2 nữa.

            Thế là đôi bên cùng có lợi phải không? 

            Không chỉ đôi bên mà bên "trung gian" là cánh nhà báo chúng ta cũng thắng lớn vì chúng ta có điển hình. Mà điển hình, với báo chí, thì bạn biết đấy, quý hơn vàng. Trước đây, chúng ta có điển hình về khiếu kiện đông người và kéo dài. Nay, chúng ta có điển hình về làm tốt công tác GPMB, đặc biệt chủ đầu tư đã có một số chính sách hợp lòng dân, được coi là sáng tạo, kiểu mẫu cho các dự án khác học tập... Tóm lại, chúng tôi có cả núi thông tin để khai thác còn tòa soạn thì có vô khối việc để làm.

            Theo chị, để thông tin tốt về vấn đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của nông dân, báo chí cần ưu tiên vấn đề gì?

            Trước hết cần đề cập đến tính hiệu quả của dự án thu hồi đất. Liệu dự án đã qua thẩm định, đã được các cơ quan chức năng phê duyệt chưa? Có hợp lý không (vì có những dự án đã được phê duyệt nhưng không hợp lý, không có tính khả thi)? Năng lực của nhà đầu tư đến đâu để dự án có thể mang lại lợi ích cho người dân bản địa, đặc biệt những người bị thu hồi đất?

            Một điều nữa cũng rất cần quan tâm đó là chính sách đền bù đã cụ thể và đúng luật chưa? Nói chung, nguyên tắc của chúng tôi là phải giữ sự hài hòa, hợp lý giữa lợi ích của nông dân và nhà đầu tư.

            Một số người cho rằng yêu cầu đầu tiên để thành công khi thông tin về chủ đề này là phải thật khách quan. Chị nghĩ sao?

            Hoàn toàn đúng. Chúng tôi kỵ nhất là đưa tin thiên vị hay vì mục đích riêng mà chỉ thông tin cho một phía, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của phía bên kia. Việc làm này chỉ đổ thêm dầu vào lửa, làm rối tình hình, không thế còn vi phạm nguyên tắc đạo đức của nghề báo về sự khách quan, trung thực.

            Bạn cũng biết đấy, việc thu hồi đất của nông dân là một vấn đề rất nhạy cảm vì đất đai là công cụ lao động của họ.

            Khi đưa tin về chủ đề này, chị gặp khó khăn gì nhất?

            Có lẽ việc tiếp xúc với các đầu mối thông tin để tìm hiểu, tiếp cận nguồn thông tin chính xác là khó khăn mà hầu như phóng viên nào cũng gặp phải. Khi bước vào thực tế, bạn sẽ hiểu, hoặc là bạn sẽ gặp trường hợp hầu hết các đối tượng đều không sẵn lòng cung cấp thông tin cho bạn. Hoặc là bạn sẽ rơi vào tình trạng rối loạn bởi có quá nhiều thông tin mà toàn là thông tin thiên lệch còn thông tin đúng đắn, chính xác lại rất ít. Và nhiệm vụ của bạn là phải mò mẫm trong bể thông tin ấy để chọn ra một vài thông tin chuẩn nhất.

            Tuy nhiên, khó khăn lớn hơn cả là nhà báo phải đấu tranh với chính bản thân mình, vượt qua sự nông nổi, kìm hãm sự "hăng tiết vịt" muốn làm cho ra nhẽ, làm mất đi sự khách quan khi giải quyết vấn đề. Một điều nữa, tôi luôn tự dặn mình và các bạn trẻ, phải tránh xa mọi sự cám dỗ. Mình phải là người công tâm nhất trong số những người công tâm, khách quan nhất trong số những người khách quan. Có như vậy, thông tin của mình mới tạo được lòng tin trong công chúng.

            Có trường hợp nhà báo khi đi làm tin về chủ đề này đã gặp sự cố, dẫn đến việc xảy ra xô sát với dân địa phương. Thế mà chị lại có thừa sự thân thiện của người dân. Chị có bí quyết gì không?

            Bạn hẳn còn nhớ, các cụ dạy: Lời chào cao hơn mâm cỗ. Đối tượng của mình đa phần là nông dân nên mình càng phải nhớ những bài học các cụ dạy. Gặp gỡ các đối tượng, mình chào hỏi, cười nói không với tư cách của một nhà báo đi tìm thông tin, càng không phải của một cán bộ từ trên xuống mà như một người con của làng, của xã. Lúc nào cũng phải giữ trong mình sự xởi lởi, thân thiện, gần gũi.

            Khi tâm trạng căng thẳng, hai bên đang lên đến đỉnh điểm mâu thuẫn, mọi việc đang nóng như chảo rang thì nhiệm vụ của nhà báo tốt nhất là phải biết lắng nghe. Người nông dân khi cảm thấy bị động chạm quyền lợi, đặc biệt là quyền lợi đất đai, họ thường rất nhạy cảm. Cảm giác của họ lúc đấy như bị dồn vào đường cùng nên rất dễ có những hành động bột phát. Nhà báo cần tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, cho họ thấy mình có thể là chỗ dựa tin cậy, là nơi để họ gửi gắm tâm tư. Biết lắng nghe cũng có thể coi là một tố chất dẫn tới thành công khi đi làm tin về chủ đề này.

            Riêng với các nhà đầu tư, trong số nhiều nội dung phải đưa tin, cần chú ý hơn cả tới những chính sách hỗ trợ người nông dân mất đất. Mỗi dự án có một đặc thù. Ngay trong một dự án cũng phát sinh đủ loại khó khăn. Đặc biệt giá đất GPMB luôn làm các chủ đầu tư đau đầu vì đất mỗi nơi một khác: Đất vùng sâu, vùng xa khác; đất giáp ranh Hà Nội khác; đất cằn khác mà đất "bờ xôi, ruộng mật" khác... Vì thế rất cần ủng hộ những chính sách hợp lòng dân. Báo chí phải là cầu nối để nhà đầu tư và nông dân xích lại gần nhau.

            Vấn đề GPMB khu đô thị Văn Giang là một ví dụ điển hình về thành công của báo chí. Có thể khẳng địnhh báo chí là một tác nhân giúp giải quyết ổn thỏa tình trạng khiếu kiện đông người và kéo dài tại Văn Giang.

            Thưa chị, với chủ trương mỗi tháng chọn một chủ đề để thông tin sâu, tháng này, tháng mở đầu, Ban lãnh đạo cơ quan đã quyết định chọn chủ đề giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của nông dân. Chị nghĩ sao?

            Rất tuyệt vời. Tuyệt vời cho cả ý tưởng thông tin sâu về một chủ đề và tuyệt vời cho cả chính chủ đề "mở hàng" này.

            Vấn đề khi được phân tích, bình luận sâu ở nhiều góc độ sẽ đem đến cho người đọc cái nhìn tổng quan nhất. Đây là hướng đi đúng của báo chí chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, tiếp cận với một luồng thông tin được tổ chức chặt chẽ, đa chiều và rộng rãi, độc giả sẽ bị tác động mạnh mẽ giống như đang cuốn theo một cơn lốc. Họ sẽ càng thích thú hơn khi biết tháng tới mình lại được tiếp cận với một chủ đề khác mới hơn, nóng hơn.

            Chúng ta có các ban biên tập, tòa soạn báo và phóng viên thường trú ở 64 tỉnh, thành phố đây là điều kiện tốt để thực hiện thông tin sâu và rộng về một chủ đề.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó có phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Việc nhiều vùng đất nông thôn được đầu tư, quy hoạch để trở thành những khu công nghiệp, khu đô thị sẽ trở nên phổ biến. Kéo theo nó, vô vàn những khó khăn, mâu thuẫn sẽ còn phát sinh, gây lúng túng trong dân và đau đầu cho các cấp quản lý. Vì thế, chủ đề thông tin mà cơ quan chọn trong tháng này, theo tôi không chỉ đang được quan tâm nhiều trong hiện tại mà chắc chắn sẽ còn "nóng" trong tương lai.

Hiền Anh (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chuýằ‡n công sỏằŸ (05/09/2007 09:10:44)

Hành trang cho nhiệm kỳ thường trú ở nước ngoài (05/09/2007 09:08:02)

Khởi đầu cho bước đột phá... (05/09/2007 08:55:22)

Ảnh tốt 6 tháng 2007 Giải A cho ảnh tin "Trẻ sơ sinh tăng vọt trong năm Đinh Hợi" (01/08/2007 10:25:08)

Bộ Công nghiệp tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Công nghiệp Việt Nam" cho 27 Nhà báo TTXVN (01/08/2007 10:17:25)

Chúng tôi đã thi công chức như thế! (01/08/2007 10:01:59)

Phóng viên phân xã... "vỗ túi ra tin"! (01/08/2007 09:59:16)

Hồng Công - một địa bàn đặc biệt (01/08/2007 09:57:47)

QuýãƯt tẳđm tẳểm hặồõỪƠng ẵỔi mõỪƠi (01/08/2007 09:56:34)

"HÃặy yÃếu ngháỪẮ gáỨốn bÃỠ váỪỈi nghiáỪẬp" (17/07/2007 10:13:45)