Thứ năm, ngày 28/03/2024

Tin tức trong ngành

Truyền thông nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng


(05/12/2021 16:15:40)

Ngày 22/11, Hội nghị cấp cao truyền thông thế giới (WMS) lần thứ tư đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham dự của đại diện nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới. Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) Vũ Việt Trang đã tham dự và có bài phát biểu với chủ đề “Trên tinh thần khoa học và hợp tác: Phản ứng của truyền thông trong các sự kiện khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng”. Nội san Thông tấn xin trích giới thiệu bài phát biểu của Tổng giám đốc Vũ Việt Trang tại hội nghị.

Đại dịch COVID-19 đã khiến chúng ta không thể gặp nhau trực tiếp, nhưng với nỗ lực kết nối của Tân Hoa xã, chúng ta - đại diện của nhiều cơ quan truyền thông lớn trên thế giới có thể gặp nhau qua kênh trực tuyến này. Đây là dịp để chúng ta bàn thảo về một vấn đề mang tính thời sự và cùng quan tâm, đó là phản ứng của truyền thông trong các sự kiện khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.

Sự kiện khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng mà cụ thể trong trường hợp này là đại dịch COVID-19 cho thấy một số khác biệt. Thông thường, các sự kiện mang tính khẩn cấp thường không kéo dài bởi các sự kiện khẩn cấp đều nhận được sự quan tâm và được ưu tiên nguồn lực để giải quyết một cách căn cơ trong một khoảng thời gian có thể dự báo. Nhiều sự kiện khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng từng xuất hiện chỉ tác động tới một hoặc một số khu vực, một hay một số nhóm trong xã hội. Trong khi đó, COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đe dọa cuộc sống của bất kỳ ai và gây ra những tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống xã hội, vượt xa nhiều dự báo khi dịch bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020 - thời điểm WHO công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
 

Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang phát biểu tại điểm cầu Hà Nội

Báo chí, truyền thông chịu tác động nặng nề và dai dẳng của đại dịch khi rất nhiều tòa soạn phải ngừng hoạt động hoặc dừng xuất bản có thời hạn do sức tiêu thụ giảm, giá giấy, công in tăng và cũng để tránh nguy cơ lây nhiễm trong quá trình phát hành. Doanh thu từ các sự kiện giảm mạnh do hầu hết các sự kiện lớn trên thế giới đã bị hoãn hoặc hủy bỏ. Nhiều kế hoạch truyền thông đã xây dựng từ trước phải thay đổi, các thỏa thuận về tài trợ, quảng cáo… bị đình trệ. Nguồn thu thương mại giảm sút trong khi chi phí sản xuất/tổ chức thông tin tăng lên do các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực hiện bổ sung các quy trình phòng dịch hoặc phóng viên được yêu cầu phải hạn chế di chuyển. Nhiều cơ quan truyền thông chưa có đủ hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động tác nghiệp trong môi trường dịch bệnh; không ít phóng viên chưa thích ứng với việc quy trình làm việc từ xa.

Dịch bệnh là mối quan tâm lớn nhất của đa số công chúng với từ khóa “coronavirus” và “COVID-19” được tìm kiếm nhiều trong hai năm qua. Thông tin báo chí được kiểm chứng về dịch bệnh có nhiều trường hợp chậm hơn thông tin giả hoặc thông tin có tính suy diễn được phổ biến trên nhiều kênh mạng xã hội. Không ít phóng viên, người thân của họ bị nhiễm bệnh, tử vong. Điều này tạo ra tác động tâm lý không mong muốn đối với một số phóng viên. Đây cũng là những thực tiễn mà TTXVN đã trải qua trong gần hai năm qua.

Từ khi dịch bùng phát đến nay, TTXVN - hãng thông tấn quốc gia của Việt Nam, nhất quán truyền đi thông điệp của Chính phủ là dành ưu tiên cao nhất cho sức khỏe và tính mạng của người dân, khơi dậy quyết tâm chống dịch của cả cộng đồng cũng như niềm tin và sự hứng khởi để phục hồi đất nước. Để làm được điều này, nhiều phóng viên TTXVN đã có mặt ở tâm dịch, ghi lại những câu chuyện về sự nỗ lực, hy sinh của lực lượng tuyến đầu để giành lại sự sống cho những ca bệnh nặng; các nhà khoa học chạy đua với thời gian để nghiên cứu vaccine phòng bệnh, thuốc chữa bệnh; sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như sự điều hành quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước để Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh.

TTXVN đã triển khai một số giải pháp trong cuộc chiến chống dịch, như: mở chuyên trang, chuyên mục về dịch COVID-19 trên tất cả các kênh truyền thông của TTXVN với thông tin đa dạng bằng các loại hình, cập nhật kịp thời, toàn diện về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt chú trọng đến thông tin mang tính khoa học, chính thống do các tổ chức chuyên ngành và chuyên gia cung cấp, để công chúng hiểu đúng về bản chất của dịch bệnh, nhưng không hoang mang, lo lắng. Chuyên trang này có địa chỉ truy cập https://ncov.vnanet.vn. Sản xuất các sản phẩm thông tin mang tính chỉ dẫn về cách thức phòng, chống dịch dưới dạng đồ họa. Những đồ họa này được chuyển giao miễn phí tới các cơ sở y tế trong nước sử dụng trong hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh. Triển khai dự án “Nói không với tin giả (fake news)” hướng tới đối tượng trẻ tuổi, giúp họ nhận diện, không vô tình trở thành những cánh tay nối dài cho tin giả và tham gia cùng TTXVN trong cuộc chiến chống tin giả. TTXVN thực hiện kiểm chứng, xác minh và đóng dấu “tin giả” đối với những thông tin sai sự thật hòng trục lợi và gây bất ổn xã hội, hoang mang trong công chúng.

Trong năm 2020, để giảm thiểu lây nhiễm cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp, TTXVN đã kịp thời ban hành hướng dẫn tác nghiệp an toàn; xây dựng quy trình sản xuất thông tin theo từng lớp: lớp lõi là khu vực an toàn tác nghiệp (nội bất xuất, ngoại bất nhập, hai tuần thay đổi ca một lần); đến lớp giữa là những người tác nghiệp trực tuyến (hằng ngày chỉ di chuyển từ nơi cư trú tới nơi làm việc) và vòng ngoài là những phóng viên trực tiếp tác nghiệp tại thực địa. TTXVN cũng tạo ra các khu vực đệm để phóng viên tiến hành khử trùng. Sử dụng nguồn lực dự phòng để đảm bảo thu nhập cho người lao động; quan tâm, chia sẻ, động viên, hỗ trợ tài chính đối với những phóng viên, biên tập viên bị mắc COVID-19 hoặc có người nhà bị mắc hoặc tử vong trong đại dịch; phối hợp với các cơ sở y tế để tiêm chủng vaccine cho toàn bộ người làm việc của TTXVN. Tăng cường hợp tác quốc tế để tạo ra năng lượng tích cực cho những người làm báo trong đại dịch. Trong khuôn khổ hợp tác của Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA), TTXVN đã tham gia tích cực vào các dự án truyền thông của OANA như: các phóng viên kể câu chuyện đưa tin về COVID-19 (COVID-19 reporters’ story), triển lãm ảnh quốc tế về đại dịch (International Press Photo Exhibition: At the scenes of the pandemic), xuất bản sách ảnh về COVID-19 (Photo book on COVID-19 pandemic)…

Hiện đã có vaccine phòng và một số thuốc đặc trị COVID-19. Điều này có nghĩa là dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong tương lai, dù thời điểm đó vẫn chưa được dự báo cụ thể. Nhưng có một điều chúng ta biết chắc chắn đó là những tác động của dịch bệnh đến mọi mặt đời sống, trong đó có truyền thông, sẽ còn kéo dài và nặng nề. Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông hiện đang phải tìm lời giải cho bài toán tái cấu trúc, điều chỉnh phương thức tác nghiệp và các kênh phân phối nội dung và dự phòng cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai.

Tại diễn đàn này, tôi rất mong nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các đồng nghiệp, các nhà lãnh đạo báo chí, truyền thông để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, tiếp tục thực hiện sứ mệnh của những nhà cung cấp thông tin chuyên nghiệp trong kỷ nguyên số./.

(Đầu đề do Nội san Thông tấn đặt)
 
                                                                                   
                                                                                                Hội nghị cấp cao truyền thông thế giới (WMS) lần thứ tư


Ngày 22/11, Hội nghị cấp cao truyền thông thế giới (WMS) lần thứ tư đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham dự của hơn 270 đại biểu đại diện cho 240 cơ quan truyền thông của gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tổng giám đốc Vũ Việt Trang đã tham dự và có bài phát biểu được đánh giá cao tại Hội nghị.

Hội nghị bao gồm ba phiên thảo luận, tập trung bàn về “Chiến lược phát triển truyền thông trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19”.

Tại các phiên thảo luận, những người đứng đầu các hãng thông tấn và các cơ quan truyền thông, đại diện các tổ chức quốc tế đã thảo luận chuyên sâu về bốn chủ đề là: Phát triển truyền thông: công nghệ mới, tầm nhìn tốt hơn; Tiếp thị truyền thông: những đối tác mới, những thị trường mới; Trên tinh thần khoa học và hợp tác: phản ứng của truyền thông trong các sự kiện khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng; Truyền thông: cầu nối giữa các nền văn minh.

WMS là một diễn đàn quan trọng, do một nhóm các hãng thông tấn lớn khởi xướng năm 2009, nhằm tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các cơ quan truyền thông trên thế giới.

WMS lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8-10/10/2009 với sự tham dự của đại diện hơn 170 cơ quan truyền thông của hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức từ ngày 5-7/7/2012 tại Moskva (Nga) với sự tham dự của đại diện hơn 200 cơ quan truyền thông của khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hội nghị lần thứ ba được tổ chức từ ngày 20 - 21/3/2016 tại Doha (Qatar) với sự tham dự của hơn 350 đại biểu đại diện hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ./.
 

Vũ Việt Trang - Tổng giám đốc TTXVN
Nội san thông tấn số 11/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

25 năm Trung tâm Thông tin Tư liệu và Đồ họa (16/10/1996-16/10/2021): Không ngừng thay đổi để phát triển (05/12/2021 16:14:37)

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII: Gửi niềm tự hào đến mai sau (05/12/2021 16:13:15)

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VII: Vinh dự và trách nhiệm (05/12/2021 16:11:48)

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Học online thời giãn cách (02/12/2021 17:20:58)

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Nghề báo và sự học của nhà báo (02/12/2021 17:19:25)

Chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (02/12/2021 17:18:29)

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Mười đêm trắng (02/12/2021 17:18:00)

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Học viên F0 (02/12/2021 17:15:19)

Cuộc thi Phóng viên trẻ Pháp ngữ lần thứ 6 - năm 2021 Phụ nữ Pháp ngữ, Phụ nữ kiên cường (02/12/2021 17:14:13)

Khám sức khỏe định kỳ cho công chức, viên chức và người lao động (02/12/2021 17:08:55)