Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tư duy chuyên mục


(06/12/2007 16:10:07)

Cứ như Người Viết Báo nói lần trước thì rõ ràng "Chuyên mục" có những ưu thế riêng và tạo được hiệu quả riêng khá đặc biệt. Tôi thấy Người Viết Báo "xoay" đề tài cứ ngon ơ, nhoáy một cái là biến thành một bài, thế thì tại sao ta không viết thật nhiều dạng "Chuyên mục" cho tờ báo thêm phong phú ?

          Ở đây có hai vấn đề: Thứ nhất, tôi không muốn so sánh thể loại nào hơn thể loại nào và không coi 'Chuyên mục' là món ngon nhưng nếu cứ cho 'Chuyên mục' là 'món ngon' đi nữa thì một mâm cỗ mà chỉ toàn một món ngon cũng sẽ làm cho thực khách phát ớn. Thứ hai, không phải bất cứ sự kiện nào cũng mang tính báo chí, ngay cả khi đã là thông tin báo chí thì cũng không phải lúc nào cũng có thể viết được dưới dạng chuyên mục, kể cả khi thông tin có 'chất' chuyên mục thì đâu phải ai cũng có thể xử lý nó ra chuyên mục được.

          Tôi hiểu rồi, chính vì thế mới có tình trạng 'Chuyện quản lý' mà đọc như tin. Nhưng làm sao để có thể 'đánh hơi' được đâu là chất liệu có thể viết 'chuyên mục'?

          Như lần trước tôi đã trao đổi, mấu chốt của 'Chuyên mục' là sự mâu thuẫn của sự vật, muốn viết 'Chuyên mục' phải làm sao phát hiện được mâu thuẫn trong sự việc đó. Thông tin trong chuyên mục không phản ánh theo lối thông thường nên nó không phải là một sự kiện đơn thuần mà phải là một sự việc 'có vấn đề', hay nói nôm na là nó 'phải có chuyện'. Nhưng không phải lúc nào ta cũng dễ dàng phát hiện được ngay cái mâu thuẫn trong lòng sự việc. Kinh nghiệm của tôi khi tìm đề tài cho chuyên mục là phải rèn luyện sự mẫn cảm trong nghề nghiệp và khi 'đánh hơi' thấy điều bất bình thường trong một sự việc, vấn đề nào đó là mình 'dừng lại', xoay đi xoay lại, mổ xẻ để tìm ra sự mâu thuẫn. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự linh  cảm cũng hiệu nghiệm; do vậy khi đã xoay chán rồi mà cũng chẳng tìm thấy mâu thuẫn thì bạn nên 'quên nó đi' chứ đừng cố ép cho ra chuyên mục...

          Người Viết Báo vừa nói đến việc 'rèn luyện sự mẫn cảm'. Tôi nghĩ 'sự mẫn cảm' như một thứ năng khiếu bẩm sinh liệu có thể rèn luyện được không?

          Thực ra, khái niệm 'sự mẫn cảm' hay nói chi tiết hơn là sự 'linh cảm' ở đây chỉ mang tính tương đối cho dễ hiểu chứ đúng ra có thể coi đó là một trong những  phẩm chất cần có khi viết chuyên mục. Nếu có phẩm chất này thì thoáng nghe một thông tin, một sự việc nào đó là bạn đã có thể 'ngửi' thấy 'mùi' chuyên mục ngay rồi. Cái yếu tố mang tính bẩm sinh này không phải là không rèn luyện được và không cần rèn luyện đâu. Nếu có năng khiếu mà không rèn luyện thì năng khiếu ấy cũng thui chột; ngược lại nếu ta dụng tâm rèn luyện thường xuyên thì dần dần cũng tạo được kỹ năng cho mình.

          Tôi muốn trao đổi thêm với bạn về một phẩm chất khác của người viết chuyên mục, đó là vấn đề tư duy. Tức là, khi viết chuyên mục, bạn cần phải tư duy khác đi một chút. Nếu đặc trưng của tin là cái mới thì đặc trưng của chuyên mục là sự mâu thuẫn. Như vậy cũng có nghĩa nếu tin thiên về phản ánh sự kiện (hiện tượng) thì chuyên mục lại thường đi sâu vào bản chất. Do đó, người viết phải phát huy lối tư duy trừu tượng, mang tính tổng hợp, khái quát cao.

          Cũng theo cách nói như thế, nếu thông tin trong tin thiên về định tính, tức là càng chi tiết, cụ thể càng tốt thì thông tin trong chuyên mục lại thiên về định lượng. Tất nhiên trong chuyên mục vẫn cần những chi tiết, số liệu cụ thể nhưng khi đó chi tiết, số liệu chỉ là cái cớ để ta trình bày vấn đề, là đối tượng để ta phân tích rồi khái quát lại thành bản chất chứ không phải là mục đích thông tin.

          Nói nôm na, để viết chuyên mục tốt, khi tiếp cận thông tin, bạn phải nhanh chóng xuyên qua lớp vỏ hiện tượng để tìm ra cái không bình thường, cái vô lý... của sự kiện, sự việc để khái quát lên thành vấn đề. Đó chính là bản chất của sự kiện mà bạn muốn nêu, muốn trình bày.

          Có một ví dụ thế này: Tin trong nước ngày 7/1/2007 đăng một 'Chuyện quản lý' mà chỉ nghe tít cũng đã thấy đầy 'mùi' chuyên mục: 'Dịch đẻ ra... vịt'. Phóng viên viết rằng, ở tỉnh B, dịch cúm gia cầm tái phát đã hơn 20 ngày nhưng vẫn không thống kê được tổng đàn gia cầm nuôi trái phép. Trước khi xảy ra dịch thì không một địa phương nào trong tỉnh báo cáo là có tái đàn gia cầm trái phép, nhưng sau khi có dịch thì càng thống kê, đàn vịt càng tăng lên từng ngày theo cấp số nhân. Vậy phải chăng là chính 'dịch' đã 'đẻ' ra... vịt?

          Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện tượng thì mới là đưa tin thông thường. Để chuyển tải thông tin này dưới dạng chuyên mục, phóng viên phải đặt câu hỏi: 'Tại sao lại có hiện tượng ấy' và tìm cho được câu trả lời. Hóa ra trước đó, để phòng chống dịch, tỉnh cấm tái đàn gia cầm nhưng người dân không chấp hành, vẫn cho ấp nở nhưng giấu không kê khai. Chính quyền địa phương hoặc không biết hoặc biết nhưng vẫn làm lơ không báo cáo lên trên. Vì thế số liệu thống kê vịt tái đàn lúc bình thường thì 'không có gì' nhưng đến khi dịch tái phát thì vịt cứ... đẻ ra từng ngày, từ 60.000 con lên 90.000, 120.000 rồi 254.800 con.

          Như vậy nếu viết tin thì chỉ cần nêu sự việc trên rồi dẫn ra các số liệu là đủ hoặc cũng có thể đi sâu thêm bằng cách nêu nguyên nhân của sự việc nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện tượng. Còn nếu viết dưới dạng chuyên mục thì hiện tượng, số liệu trên chỉ là cái cớ chứ không phải là nội dung chính. Từ hiện tượng đó, bạn phải đi sâu tìm cho ra nguyên nhân của sự trái khoáy 'dịch... đẻ ra vịt' này. Ngay trong việc phân tích nguyên nhân, bạn cũng không chỉ dừng lại ở vấn đề do nhân dân giấu dịch, chính quyền địa phương lơ là mà phải đẩy thêm một nấc nữa, đó chính là thái độ chủ quan trong phòng chống dịch của cả người dân và chính quyền cơ sở; và chính điều đó dẫn tới việc dịch dập mãi chẳng được. Đó mới là bản chất của vấn đề.

          Nhưng còn kinh nghiệm của Người Viết Báo...?

          Theo tôi, cái khó nhất trong việc viết chuyên mục là ở khâu phát hiện vấn đề và cách diễn đạt.

          Về vấn đề thứ nhất, đề tài chuyên mục có thể nằm trong các báo cáo, nhưng khi ấy nó thường lẩn dưới những con số, sự kiện khô khan mà phải rất 'thính' mới có thể phát hiện ra. Trong trường hợp này, bạn phải cố gắng phát hiện xem giữa các sự kiện, các con số... ấy có cái gì vô lý,  không bình thường, từ đó tìm cho ra mâu thuẫn. Khi phát hiện được mâu thuẫn thì chính là bạn đã tìm được đề tài cho bài chuyên mục của mình. Tuy nhiên, rất nhiều đề tài viết chuyên mục lại thường được phát hiện trong những câu chuyện ngoài lề. Chẳng hạn một lần đang trên xe ô tô thì tôi nghe anh lái xe cằn nhằn: 'Chú xem kìa, xe máy, xe đạp toàn lao ra giữa đường... Chẳng lẽ ô tô lại phải lách vào trong mà đi'. Thế là tôi nảy ra ý, dân mình toàn thích làm ngược, nếu cứ quy định xe đạp đi ra giữa đường, tiếp đến xe máy, còn ô tô đi vào trong cùng của phía đường bên phải; dân mình sẽ làm ngược lại, thế là trật tự được thiết lập. Từ đó tôi liên hệ đến việc càng kêu gào giảm biên chế thì biên chế càng phình ra, nếu theo cái 'giải pháp ngược' nói trên, ta cứ kêu gọi tăng biên chế thì chắc là biên chế sẽ giảm (!) và tôi lấy cái tít bài viết là 'Ngược...'. Tất nhiên là không ai lại làm theo cái ý tưởng điên rồ đó cả nhưng qua đó tôi muốn lên án thói quen vô tổ chức, mạnh ai nấy đi của dân mình khi tham gia giao thông và cả cái 'thói quen' lời nói không đi đôi với việc làm của nhiều người có trách nhiệm.

            Vấn đề thứ hai là cách diễn đạt. Chuyên mục có một lối tư duy riêng, có cách truyền thông điệp riêng nên cũng phải có cách viết hóm hỉnh, thậm chí là khôi hài, hơi 'ngoa ngoắt' một chút thì mới ra 'chuyên mục'. Bạn cũng cần coi trọng lối viết có hình ảnh để gợi sự liên tưởng, làm cho sự việc có chiều sâu với nhiều tầng nấc ý nghĩa chứ nhiều khi không nên nói thẳng ra. Qua diễn đạt phải làm sao nêu bật được mâu thuẫn, sự vô lý, sự bất bình thường... Tóm lại là phải sử dụng mọi thủ pháp để gây ấn tượng mạnh cho người đọc.

Người Viết báo
Theo Nội san Thông tấn, số 11-2007