Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Chúng tôi đã "lao" vào sự kiện để thông tin


(05/11/2007 16:04:19)

Tổng Giám đốc vừa ký Quyết định khen thưởng thành tích đột xuất cho hai phân xã Vĩnh Long và Cần Thơ trong công tác thông tin sự kiện sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Trong thời gian 4 ngày (26 - 29/9/2007), hai phân xã cùng với lực lượng phóng viên tăng cường của Văn phòng đại diện tại TP.HCM đã đưa được trên 60 tin, bài và hàng trăm bức ảnh phản ánh các vấn đề xung quanh sự kiện. Nội san Thông tấn lược trích "Nhật ký công tác" của chị Phạm Thị Bình - Trưởng Phân xã Vĩnh Long, và Vương Thoại Trung - Trưởng Phân xã Cần Thơ để bạn đọc có dịp tìm hiểu phóng viên TTXVN đã tác nghiệp như thế nào trong đợt thông tin đáng chú ý này.

Vĩnh Long, ngày 26/9/2007 (Phạm Thị Bình).

7 giờ 30 phút có mặt tại phân xã. Như thường lệ, làm "Dự kiến thông tin trong ngày" chuyển cho Phòng Quản lý phân xã trong nước và duyệt xong một tin của phóng viên Kim Phượng, mình mới chạy xe sang UBND tỉnh để dự một cuộc họp. Vừa bước lên bậc thềm của hội trường Ủy ban thì gặp anh Phan Đức Hưởng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy (tỉnh Vĩnh Long) - người chủ trì buổi họp đang xách cặp đi ra. Thấy vẻ mặt bất thường của ảnh mình hỏi với theo. "Anh vừa nhận được tin báo sập cầu Cần Thơ, hàng trăm người bị nạn, sự việc nghiêm trọng lắm". Mình bàng hoàng cả người, vội vã nói: "Anh cho em đi cùng xuống hiện trường với" và không chờ trả lời, mình xách túi bước vội theo lên chiếc xe ô tô đang nổ máy.

Ngồi trên xe, mình điện thoại báo ngay cho anh Vũ Xuân Bân, Trưởng Ban biên tập Tin trong nước. Anh Bân bảo sẽ điện thoại cho Vương Thoại Trung ở phân xã Cần Thơ để cùng phối hợp. Xe chạy khá nhanh nhưng mình có cảm giác quãng đường gần 40km từ thị xã Vĩnh Long xuống đến cầu Cần Thơ phía Mỹ Hòa (huyện Bình Minh) dài tới hàng trăm cây số.

Để thẩm định thông tin ban đầu, mình điện thoại cho Vương Thoại Trung liền nghe anh la phía đầu dây: "Đang ở bệnh viện đây, vụ việc quá trời luôn, người bị nạn nhiều lắm, đang làm ảnh chuyển ra Tổng xã".

Trên xe, anh Đức Hưởng liên tục điện thoại cho lãnh đạo huyện Bình Minh và các ngành Công an, Y tế, Quân sự... yêu cầu đưa lực lượng, phương tiện cấp tốc xuống hiện trường tham gia cứu hộ, cứu nạn. Càng gần đến nơi, tin tức tiếp nhận càng nghiêm trọng, người, xe đổ về phía công trường càng nhiều.

8 giờ 35 phút, xe dừng lại trước cổng bệnh viện huyện Bình Minh, mình theo chân anh Đức Hưởng vào bệnh viện, có 5 người bị thương đã được đưa tới đây. Xe cấp cứu hú còi chạy liên tục. Hỏi thăm bệnh nhân, căn dặn các thầy thuốc phải ưu tiên số một cho việc cứu chữa người bị nạn, anh Hưởng lại vội vã ra xe đi tiếp.

Gần 9 giờ, xe dừng ở bờ sông. May là đi cùng với "sếp" nên được ưu tiên, nhường đường, nhường đò cho đi trước. Nếu xếp hàng, chưa chắc 10 giờ đã qua sông được vì lực lượng cứu hộ và thân nhân những người làm việc ở cầu đứng đông kín.

Lên đò, vừa đi vừa chạy, vào đến nơi, một cảnh tượng kinh hoàng đập vào mắt: Hai nhịp dẫn của cầu đổ sập xuống thành một đống khổng lồ tua tủa là sắt thép, bê tông. Không kể nguy hiểm, hàng trăm người vẫn lao vào nhao nhác tìm người thân, công nhân các nhà thầu nỗ lực cứu hộ, các thầy thuốc tất bật với công tác cứu chữa nạn nhân, Công an, Quân đội lo bảo vệ hiện trường... Mồ hôi, máu và nước mắt.

Gần 10 giờ, anh Phạm Thái Hà, công nhân Công ty TNHH Thăng Long cho biết lúc xảy ra sự cố anh đang làm ở bộ phận cốppha, nhóm của anh có 16 người, anh vừa được cứu thoát, may mắn chỉ bị thương nhẹ. Anh vừa thấy xác 2 người thợ trong nhóm vừa được khênh ra. Gương mặt anh chứa đầy sự thảng thốt. Mình tranh thủ chụp ảnh, tiếp cận những công nhân vừa thoát ra khỏi đống đổ nát. Rất muốn kiếm một người nào đó để có được con số thương vong tương đối chính xác, nhưng đành chịu. Mọi việc lúc này đang rối bời.

10 giờ, chợt thấy ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vừa từ nơi họp với nhà thầu, ban quản lý dự án đi ra. Mình cùng một số nhà báo nhào tới, ông Tòng cho biết, đến giờ này vẫn chưa thống kê được con số chính xác, nhưng ước tính lúc xảy ra sự cố có từ 120 - 140 người đang làm việc, số thương vong ước khoảng 70 người, số bị tử nạn chưa biết bao nhiêu.

Khoảng 10 giờ 30, mình lại điện thoại cho anh Xuân Bân. Anh bảo chị Việt Nga trực, điện trực tiếp cho chị ấy. Giữa muôn vàn âm thanh ồn ào, mình điện thoại cho chị Việt Nga định báo cáo tiếp tình hình và cập nhật thêm số liệu nhưng chị bảo: "Đã có thông tin ban đầu do em và Trung chuyển ra rồi, em cứ làm thành một tin hoàn chỉnh chuyển ra sau cho chị nhé".

11 giờ hơn, anh Đức Hưởng bảo phải ở lại hiện trường nhưng "sẽ cho xe đưa em về làm tin". Sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh với mình lúc này vô cùng quý giá. 40 phút sau về đến phân xã, mình lao vội vào phòng máy.

Đúng là ngoài đó đang chờ, ảnh vừa chuyển ra đã được phát mạng ngay. Máy tốc độ chậm quá, với lại mình là dân "nghiệp dư" nên phải chuyển từng ảnh một. Miệt mài vừa làm vừa ăn bát bún riêu chống đói.

15 giờ chuyển xong tin, ảnh lại tất bật cùng phóng viên Kim Phượng phóng xe đi tiếp xuống hiện trường.

Nhóm PV tăng cường do B2 cử xuống điện thoại hỏi đường, may mà có anh Quốc Thái (báo Tin Tức) đi cùng nên mình chỉ hướng dẫn sơ sơ.

Gần 18 giờ, đang ở hiện trường mình nghe thông tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ đến. Biết là rất khó nhưng phải tìm cách để có thông tin về chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Hàng chục nhà báo với máy quay, máy ghi âm, máy chụp ảnh xô đến nhưng không ai được lọt qua cánh cổng của nhà thầu.

Gần 21 giờ, mình và các anh Quốc Thái, Thanh Phàn nhận định: nếu không cho nhà báo vào tham dự họp, nhất định sau đó Phó Thủ tướng phải có ít phút họp báo công bố những thông tin bước đầu. Tạm phân công mình và Kim Phượng quay về phân xã làm tin, ảnh. Anh Quốc Thái, Thanh Phàn sẽ "bám" lại để chụp ảnh và nắm thông tin nếu có họp báo. Quả đúng vậy, ngay sau buổi làm việc với các nhà thầu và các đơn vị có liên quan, Phó Thủ tướng đã có ít phút họp báo. Khi mình đang chuyển ảnh Phó Thủ tướng đi kiểm tra hiện trường trước khi vào làm việc với nhà thầu thì anh Quốc Thái gọi di động, báo về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng để mình làm tin phát gấp. Mọi việc xong xuôi, đồng hồ đã chỉ hơn 23 giờ. Mình quyết định không về nhà, ăn tạm ổ bánh mỳ và ngủ luôn tại cơ quan.

Kết thúc một ngày làm việc đáng ghi nhớ trong cuộc đời làm báo của mình.

 

Vĩnh Long, ngày 27/9/2007

7 giờ sáng, mình lại bám xe đến hiện trường. Trên đường đi nhận được điện của anh Thanh Phàn: "Em tới gấp, can thiệp giúp, bảo vệ không cho anh vào". Các anh Nhật Nam, Tứ Hải cũng liên tục chỉ đạo phải bằng mọi cách đưa được anh Thanh Phàn - PV ảnh của B2 vào để chuẩn bị chụp ảnh Chủ tịch nước đến hiện trường.

Gần 8 giờ, chạy vào đến hiện trường, vượt qua được cổng bảo vệ thứ nhất mình đã toát mồ hôi. Nhưng khó khăn nhất là cổng bảo vệ vòng 2. Các PV tăng cường của B2 xuống đang chờ. May quá, nhác thấy anh Út Đen, Phó Giám đốc Công an tỉnh, mình nhào đến: Anh phải "cứu" em, lát nữa Chủ tịch nước đến, TTXVN đã giao cho em phải làm tin, chụp ảnh mà giờ bảo vệ không cho em vào. Thấy quá đông PV các báo, đài, anh kéo tay mình ra một chỗ, hạ giọng: "chỉ giải quyết cho em 2 người thôi, vào phía bờ sông, không đi lối này". Mừng hơn bắt được vàng. Nhưng lại thêm khó khăn khác: Không có mũ bảo hộ, không được vào đâu. Lại phải đi tìm. Làm gì có mũ ở đây mà tìm, chỉ có cách là "cướp" thôi. Quan sát xung quanh, thấy một số anh ở bộ phận kiểm tra hiện trường đang chờ vào làm việc, mình vừa hỏi mượn vừa "cướp" trên đầu họ, miệng hứa 5 phút sau em trả.

Nhờ vậy, tôi và anh Thanh Phàn đều có được một số ảnh chụp cận cảnh các lực lượng công an, quân dân y túc trực đón cấp cứu các nạn nhân, công tác cứu hộ, cứu nạn tại chỗ.

Mãi hơn 11 giờ, Chủ tịch nước mới đến. Mình và anh Thanh Phàn vội băng qua khu vực cứu hộ, bất kể nước, bùn lầy lội (trời vừa mưa xong) để đón chụp được ảnh từ phía trước. Sau mấy phút quan sát hiện trường Chủ tịch nước vào phòng họp. Vẫn như hôm qua, tất cả PV đều phải đứng ngoài hàng rào.

Do buổi sáng, mình đưa được Quang Minh Nhật, PV báo Thanh niên vào hiện trường. Bây giờ, sau một hồi chen lấn, anh Nhật được người quen ở trong nhà thầu ra đón vào qua cổng sau, anh kéo mình vào luôn. Nhưng vẫn chỉ là đứng cho mát thôi, không ai được vào phòng họp. Vừa lúc phía trong có người chạy ra gọi lớn "VTV đâu". Mình tranh thủ kéo tay, đề nghị cho TTXVN vào. Lát sau, anh ta lại chạy ra la to "TTXVN đâu". Thế là "lọt" được vào trong phòng họp.

Buổi làm việc kết thúc, mình chọn ngay một góc khuất để đọc nhanh qua điện thoại các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước cho Báo Tin tức kịp ra buổi chiều. Các anh Thanh Phàn, Quốc Thái, Thoại Trung vội tìm phương tiện vượt sông về Cần Thơ. Tới phân xã, lập tức ngồi gõ tin thêm về vụ sập cầu, chuyển ảnh về Ban ảnh. Lại ăn tạm bánh mỳ. Bàn với Kim Phượng viết bài phản ánh về sự phối hợp quân - dân y trong cứu chữa người bị nạn và công tác cứu trợ cho các gia đình nạn nhân.

17 giờ, Văn phòng UBND báo tin Chủ tịch nước sẽ có buổi làm việc với tỉnh. Vội bàn giao việc cho Phượng để chạy sang đó. Trong lúc chờ đợi, mình tranh thủ liên hệ nội dung làm việc, lịch trình của Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam ngày mai sẽ từ Vĩnh Long sang Cần Thơ thăm các nạn nhân, để báo lại cho đồng nghiệp ở phân xã Cần Thơ đi làm tin, chụp ảnh.

23 giờ 30 phút, công việc mới tạm ổn. Về đến nhà, cứ tưởng mệt thế sẽ ngủ được ngay, ai ngờ nỗi đau thương ám ảnh khiến mình trăn trở mãi.

 

 

Cần Thơ Ngày 26/9/2007(Vương Thoại Trung)

Sau nhiều ngày mưa dầm sáng nay trời Cần Thơ nắng đẹp.

7 giờ 30 phút, tôi sang Thành ủy dự họp triển khai nghị quyết Trung ương 5 khóa X.

8 giờ 05 phút, đang ngồi trong phòng họp, nhận được một cú điện thoại của cộng tác viên báo tin nhịp dẫn cầu Cần Thơ sập, có nhiều người chết và bị thương. Vội vàng thu dọn tài liệu, tôi chạy ngay về Phân xã vớ vội chiếc máy ảnh và gọi phóng viên Thế Đạt lấy xe máy ra hiện trường.

Khi ngang qua Bệnh viện đa khoa TW Cần Thơ, rất nhiều xe cứu thương hụ còi inh ỏi phóng vào cổng viện. Tôi lao tới chụp ảnh và tranh thủ hỏi chuyện các anh công  nhân tham gia cứu hộ để nắm thông tin ban đầu.

8 giờ 30, tôi điện thoại báo tin cho anh Lý Văn Tích - Giám đốc Văn phòng đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh. Anh Tích chỉ đạo bám hiện trường để đưa tin, ảnh sớm nhất. Hơn 9 giờ, anh Vũ Xuân Bân điện vào hỏi "có chuyện sập cầu dẫn cầu Cần Thơ không", tôi nói đang có mặt ở hiện trường để chụp ảnh và nắm thông tin.

Tôi nghĩ nếu từ hiện trường trở về phân xã để đánh máy và chuyển tin ra phải mất ít nhất 30 phút, nên tôi đề nghị sẽ đọc trực tiếp, anh Bân chịu khó ghi lại. Với cách làm đó, tin đầu tiên của TTXVN đã phát lúc 9 giờ 25 phút (sau này tôi mới biết tin đã đạt số lượng người truy cập là 77 lần).

Kiểm tra máy ảnh thì máy đã đầy 15 kiểu, không thể chụp tiếp được. Tôi vội quay về phân xã để đổ ảnh vào máy vi tính. Loay hoay mất hơn 1 giờ mới chuyển xong các bức ảnh ra Tổng xã.

11 giờ trưa, nhận được điện thoại của anh Lý Văn Tích yêu cầu phải sang chỗ cầu sập ngay, rời máy tính, tôi lập tức chạy ra bến đò Ninh Kiều, thuê một đò cao tốc để vượt sông Hậu. Lao từ bến đò lên, tôi chạy băng qua sình lầy tiếp cận hiện trường. Một cảnh tượng thật sự kinh hoàng. Tôi giơ máy chụp mọi góc độ rồi vội vã quay về đò. Cả đi và về tới phân xã mất đúng 45 phút. Anh Lê Duy Truyền, TBT báo Tin Tức gọi vô nói tòa soạn đang chờ ảnh.

Liên tục trong hơn 1 giờ vừa truyền tin, truyền ảnh, tôi vừa phải nhận, trả lời khoảng hai chục cuộc điện thoại từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Toát mồ hôi sau khi truyền xong toàn bộ ảnh và tin cho các đơn vị thông tin ngoài Tổng xã thì tôi nhận được "lệnh" từ Trung tâm nghe nhìn Thông tấn rằng muốn có một cuộc phỏng vấn trực tiếp tại hiện trường, trong thời lượng khoảng 30 phút. Tôi đã nhanh chóng cung cấp nội dung và phối hợp làm tin âm thanh thời sự thông tấn ngày 26/9.

Đến 18 giờ, tôi mới sực nhớ là từ sáng đến giờ vẫn chưa bỏ gì vào bụng. Đang tranh thủ ăn cơm thì nhận được điện thoại của chị Phạm Thị Bình kể rằng trên đường từ hiện trường về, vừa ghé quán ăn. Chúng tôi trao đổi tình hình thông tin và động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

18 giờ 30 phút, tôi gọi điện cho chị Việt Nga, cung cấp thêm một số chi tiết về hiện tượng trụ cầu bị ngã ngọn, có thể là nguyên nhân dẫn đến làm xô lệch dàn giáo, gây nên sự đổ sập. Anh Nguyễn Tiến Lễ - Phó giám đốc B2, Phó tổng biên tập báo Việt Nam News cũng điện thoại cho tôi để nắm tổng hợp tình hình, phục vụ cho việc ra báo vào sáng ngày mai.

20 giờ, tôi nhận được điện thoại của Ban thư ký biên tập thông báo ngày 27/9 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến hiện trường cầu sập.

21 giờ, tôi cùng đoàn phóng viên do B2 cử xuống tranh thủ hội ý và phân công công việc cho ngày mai.

0 giờ ngày 27/9, tôi mới ngả lưng, mệt bã người nhưng đầu óc vẫn nghĩ tới những việc sẽ phải làm khi trời sáng.

 

 

 

Hiện trường vụ tai nạn sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. (Ảnh: Vương Thoại Trung).

Ngày
27/9, ông Osamu Hirabayashi, Trưởng Phân xã KYODO NEWS từ Hà Nội bay vào, đã ghé Phân xã Cần Thơ chuyển lời cảm ơn của Hãng vì sự kịp thời của các bức ảnh do TTXVN phát về vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Ông cho biết sau khi KYODO phát lại các bức ảnh đó đã được tất cả các báo ở Nhật Bản ra vào buổi chiều và tối ngày 26/9 đăng lại.

Ngày 27/9, Trưởng Phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội Hoàng Hải Mẫn, cũng điện đến Ban Thư ký xin bức ảnh của TTXVN chụp hiện trường sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ để phát về Tổng xã Bắc Kinh và được đáp ứng.

Theo Nội san Thông tấn, số 10/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Một phân xã toàn nữ (05/11/2007 16:02:04)

Mở phân xã trên nước Mỹ (05/11/2007 15:47:02)

Xử lý vi phạm quy định về cung cấp thông tin trên báo chí (09/10/2007 09:25:50)

Một số Công nghệ ứng dụng cho hệ phần mềm hỗ trợ sản xuất thông tin * (09/10/2007 09:21:30)

"TrẢẶm dÃằu" ẢỔáỪỚ ẢỔáỨậu TrẳồáỪỲng xÃặ (09/10/2007 09:15:16)

Phóng viên miền núi chuyện nay mới kể (09/10/2007 09:10:12)

Cô gái Oâxtrâylia hát chèo và phóng viên ảnh Trọng Chính (09/10/2007 09:07:16)

Sử dụng ảnh trong tranh cổ động và bìa xuất bản phẩm (05/09/2007 09:46:03)

Sử dụng nguồn thông tin ẩn danh (05/09/2007 09:41:59)

Chi tiết - Tế bào của bài báo (05/09/2007 09:39:19)