Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Giải B báo chí Quốc gia lần thứ nhất

Cô gái Oâxtrâylia hát chèo và phóng viên ảnh Trọng Chính


(09/10/2007 09:07:16)

Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Eleanor, mà là câu chuyện của Trọng Chính và các đồng nghiệp của anh ở Báo Ảnh Việt Nam. Tất cả làm nên thiên phóng sự ảnh đẹp như một chuyện cổ tích của thời đại giao lưu văn hóa toàn cầu. NSTT đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Trọng Chính, người đoạt giải B thể loại Ảnh báo chí Giải báo chí Quốc gia lần thứ nhất 2006 (không có giải A).

            Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một tác phẩm là yếu tố mới, là sự phát hiện. Ngay cái tít "Cô gái Oâxtrâylia  hát chèo" đã nói lên được điều đó. Anh tìm thấy nhân vật Eleanor Claphan như thế nào?

            Thực ra tôi và anh Vương Mơ, đồng nghiệp của tôi ở Báo Ảnh Việt Nam, không phải là những người đầu tiên có công "phát hiện" ra Eleanor Claphan. Tháng 7/2006, chúng tôi đọc trên báo Lao Động phóng sự nhan đề "Lấy văn hóa Việt làm của hồi môn", viết về một cô gái Ôxtrâylia dành số tiền bà nội cho làm của hồi môn để sang Việt Nam học nghệ thuật sân khấu cổ truyền. Người nước ngoài tìm hiểu Việt Nam xưa nay không hiếm, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay, nhưng có thể nói Eleanor Claphan gần như là một trường hợp đặc biệt. Thử tưởng tượng một thanh niên thế hệ 8X - thế hệ của thế giới số - mà chúng ta quen nhìn thấy họ say sưa bấm điện thoại di động đủ màu hoặc máy nghe nhạc iPod luôn cắm tai, coi thế giới như không tồn tại, nói năng bằng thứ ngôn ngữ ngắn gọn đến kỳ cục. Thế mà có một cô gái 8X lặn lội đến từ đất nước Kanguru, bỏ tiền túi ra để tầm sư học... chèo, học tuồng và học dân ca... Việt Nam.

            Vì Eleanor Claphan đã xuất hiện trong phóng sự của các đồng nghiệp nên chúng tôi phải tìm một lối riêng tiếp cận nhân vật. Eleanor nói tiếng Việt chậm nhưng phát âm rất chuẩn. Cô đã học ba-lê và opêra ở Ôxtrâylia nên nhanh chóng nắm bắt cách đi, cách thở lấy hơi, các thủ pháp diễn xuất đầy tính ước lệ, rất khó ngay cả với các nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Cô học bất cứ lúc nào, và tự học qua băng, đĩa. Tình yêu và lòng say mê của Eleanor đã làm cho NSUT chèo Thanh Tuyết, NSND tuồng Mẫn Thu và nghệ sĩ Kim Kê không quản ngại tuổi tác, sẵn lòng truyền nghề cho cô học trò chăm chỉ này.

            Anh đã chia sẻ thành công với Eleanor chưa?

Eleanor và các em bé làng Thổ Hà trong dịp về làng biểu diễn. (Ảnh: Trọng Chính).

           Phóng sự "Cô gái Ôxtrâylia hát chèo" đăng trên Báo Ẩnh Việt Nam số đặc biệt 11/2006. Tháng 11 Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 14 họp tại Hà Nội. Eleanor trở thành một "hiện tượng" trong buổi biểu diễn chào mừng Hội nghị. Thủ tướng Ôxtrâylia, John Howard,  đã chúc mừng cô. Eleanor rất cảm động, nói với chúng tôi đó là một kỷ niệm không quên vì lần đầu tiên cô được gặp trực tiếp Thủ tướng nước mình tại Hà Nội. Sau tuồng và chèo, cô còn có ý định học quan họ, ca trù, đàn bầu và vào miền Nam học cải lương. Eleanor đã giúp chúng tôi học tiếng Anh và chúng tôi giúp cô ấy tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Sau khi biết tin được giải thưởng Giải Báo chí quốc gia về phóng sự "Cô gái Ôxtrâylia hát chèo", tôi đã gọi điện báo tin vui cho Eleanor. Cô ấy hiện giờ đang nghỉ ở Ôxtrâylia.

            Có nhiều yếu tố làm nên thành công của phóng sự "Cô gái Ôxtrâylia hát chèo": tình yêu, lòng say mê nghệ thuật của Eleanor; tinh thần quảng bá nghệ thuật cổ truyền dân tộc của các nghệ sĩ Mẫn Thu, Kim Kê và Thanh Tuyết; sự mến khách cỉua dân làng Thổ Hà... Và không thể không kể đến vẻ đẹp của Eleanor. Nhan sắc của cô ấy đã góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Một nàng tiên trong thần thoại Hy Lạp bỗng chốc hóa thân thành một thiếu nữ Việt Nam thời phong kiến. Một Thị Mầu-Eleanor xống áo mớ ba mớ bảy, yếm lụa hoa hiên, nhón chân thật nhẹ, vẫy quạt điêu luyện, mắt lúng liếng chao đảo sân đình. Một Súy Vân - Eleanor vòng hoa đồng nội rực rỡ trên mái tóc vàng óng bồng bềnh, cười ngây dại.

            Giới trẻ Việt Nam ngày nay  thích hip hop, rap, rành bảng xếp hạng MTV hàng tuần. Vậy mà có những người như  Eleanor lội ngược dòng vào những giá trị cổ truyền rất khó thẩm thấu của Việt Nam. Anh nghĩ sao về hiện tượng giao thoa văn hóa đặc biệt này?

Nghệ sĩ tuồng Kim Kê vẽ mặt nạ và giúp Elenor tìm hiểu nghệ thuật hoá trang khắc hoạ tính cách nhân vật trong môn nghệ thuật này.

             Chuyên mục "Việt Nam trong lòng bè bạn" trên Báo ảnh Việt Nam đã đăng khá nhiều chân dung người nước ngoài yêu mến và có những đóng góp nhất định cho Việt Nam. Tôi có duyên với nhiều nhân vật trong mảng đề tài này, như Raoul Imback, nguyên phó Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam; Boris Lojking, đạo diễn phim "Những linh hồn phiêu bạt"; ông Khalid Mumood, Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng giáo dục và đào tạo Apolo Việt Nam; bà Tamiko Hattori, phu nhân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; nhà sinh vật học người Đức Bettina Martin...

             Tuy còn nhiều thanh niên Việt Nam chưa hiểu nghệ thuật truyền thống nhưng tôi có thể khẳng định sân khấu cổ truyền có sức hút mãnh liệt. Không phải vô cớ mà UNESCO xếp Việt Nam là một trong 56 quốc gia trên thế giới có nền văn hóa mang bản sắc riêng biệt. Việc nắm bắt tinh hoa của một môn nghệ thuật hay của bất cứ khoa học nào của nhân loại luôn đòi hỏi sự khổ công. Con đường đó chỉ dành cho những nguời có quyết tâm rất cao, cho dù là người Việt Nam hay bất cứ ai trên thế giới này.

Không chỉ dừng lại ở việc học tập nghệ thuật dân gian Việt Nam, Eleonor cho biết cô muốn lập một công ty biểu diễn, hoặc một nhà hát ở Việt Nam hoặc ở Ôxtrâylia. Cô muốn  làm một cầu nối tăng cường giao lưu văn hoá Ôxtrâylia-Việt Nam.

            Nhiều nguời cho rằng ảnh báo chí thông tấn khô khan, ít tính nghệ thuật. Đây có phả là một mâu thuẫn khó khắc phục không?

            Chắc chị nhớ bức ảnh đoạt giải Pulitzer 2007 của Oded Balilty của hãng AP. Bức ảnh chụp cảnh giằng co quyết liệt giữa một người phụ nữ Do Thái với lực lượng an ninh Ixraen, tháng 2/2006? Bức ảnh phản ánh chân thực cuộc bạo loạn và sự phẫn nộ  của người dân Bờ Tây bị cưỡng bức di tản về phía Đông Palestin. Bức ảnh có sức khái quát tất cả những âm thanh hỗn độn của chiến tranh và sức chịu đựng của con người. Tôi cho rằng một bức ảnh báo chí có tiếng vang bao giờ cũng phải là một bức ảnh đẹp, đẹp về mọi khía cạnh. Ở đó, các yếu tố ánh sáng, bố cục, các tình tiết ngẫu nhiên kết hợp với nhau, bổ sung cho nhau làm nổi bật tính thời sự, tính nhân văn và làm cho tác phẩm có sức lay động xã hội mạnh mẽ. Nhiếp ảnh, bản thân nó đã là nghệ thuật. Và trước hết tôi là một nhà báo, một phóng viên ảnh. Cái đẹp và chức năng thông tin luôn đi cùng nhau.

            Điều đó không có gì mâu thuẫn cả.

            Anh nhận giải B Giải báo chí Quốc gia đầu tiên, không có giải A. Một vinh dự và cả trách nhiệm lớn. Anh nghĩ sao trước thách thức lớn lao này khi anh mới tròn 30 tuổi?

Phóng viên ảnh Trọng Chính (bên phải) cùng đồng nghiệp tại khu bãi triều của sông Hồng (Giao Thuỵ, Nam Định).

            Tôi đã tham gia Giải Báo chí toàn quốc các năm 2004 và 2005. Ngoài ra tôi cũng tham gia nhiều giải Báo chí TTXVN và gặt hái được một số giải thưởng. Giải Báo chí Quốc gia, kể từ năm nay có qui mô lớn hơn Giải báo chí toàn quốc trở về trước. Giải báo chí Quốc gia đầu tiên không có giải A cho thể loại Ảnh Báo chí và giải B thuộc về tôi. Đó là một vinh dự lớn. Đối với tôi, mỗi giải thưởng là một hạnh phúc riêng. Đó là thành qủa cuả sự lao động miệt mài, nghiêm túc. Giải B lần này như một lời nhắc nhở, động viên tôi vững tiến. Tôi có thói quen luôn tích lũy những gì đã trải qua nhưng cũng tự xác định tránh đi vào lối mòn. Tôi mong muốn tiếp tục khám phá cuộc sống qua ảnh báo chí. Tôi thường dành một phần ba quỹ thời gian để đi hiện trường. Chỉ có được đi, được bấm máy thì tôi mới thực sự là tôi. Chính vì thế mà tôi rất quí những phút giây quây quần hạnh phúc với gia đình nhỏ của mình.

            Chưa bao giờ thị trường báo chí nước ta mở rộng và sôi động cạnh tranh như bây giờ. Phóng viên ảnh kỳ cựu Tim Pages trong lần thứ 40 trở lại Việt Nam, tháng 8/2007, đã có những đánh giá trên báo Lao Động về ảnh báo chí: "Tôi thấy ở Việt Nam có rất nhiều tay máy giỏi, có rất nhiều bức ảnh hay. Nhưng vấn đề là các bạn có một thị trường nhiếp ảnh khổng lồ". Tôi cho rằng phải cố gắng hết mình để bảo vệ thương hiệu của phóng viên ảnh TTXVN. Năm nay Ban biên tập đã lên kế hoạch quảng bá thương hiệu Báo ảnh Việt Nam - TTXVN, với nhiều đề mục khác nhau. Trước khi vào làm việc ở Báo ảnh Việt Nam cách đây 6 năm, tôi đã làm việc như một phóng viên ảnh với một vài tờ báo. Nhưng chính các cô chú, anh chị lớp trước ở Báo Ảnh Việt Nam đã truyền dạy, chia sẻ với tôi cách tư duy bằng hình ảnh, cách tổ chức thực hiện một phóng sự ảnh - được coi là "đặc sản" trên tờ báo của  chúng tôi. Ban biên tập Báo ảnh Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ chúng tôi học tập và sáng tạo hết mình trong công việc. Ngoài ra, Internet là một công cụ tuyệt vời để tôi tự trau dồi chuyên môn. Theo tôi, muốn trỏe thành một phóng viên ảnh tốt, cần phải được đào tạo bài bản và có một môi trường làm việc tốt. Tôi rất biết ơn TTXVN nói chung và Báo ảnh Việt Nam nói riêng đã cho tôi có được bước trưởng thành ban đầu trong nghề như hôm nay.

 

 

CÁC GIẢI THƯỞNG CỦA PHÓNG VIÊN NGUYỄN TRỌNG CHÍNH

- 01 giải B Giải Báo chí quốc gia 2006. Không có giải A  thể loại Ảnh báo chí;

- 01 giải B (không có giải A thể loại Ảnh báo chí) Giải Báo chí toàn quốc 2005;

- 01 giải C (thể loại Ảnh Báo chí) 2004;

- 02 giải B và 02 giải C Giải Báo chí TTXVN các năm 2003, 2004, 2005 và 2006;

- 02 giải A, 02 giải B và 01 giải C Giải Báo chí Trẻ TTXVN các năm 2003, 2004, 2006;

- Giải B Giải Báo chí TTXVN năm 2007.

Minh Trang (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sử dụng ảnh trong tranh cổ động và bìa xuất bản phẩm (05/09/2007 09:46:03)

Sử dụng nguồn thông tin ẩn danh (05/09/2007 09:41:59)

Chi tiết - Tế bào của bài báo (05/09/2007 09:39:19)

Trên quê hương nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến (05/09/2007 09:14:31)

"TÃƠi táỪổ hào là dÃằn ThÃƠng táỨần" (05/09/2007 09:06:31)

Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao (01/08/2007 10:06:37)

Lời khuyên về phát triển mối quan hệ với các nguồn cung cấp thông tin (01/08/2007 10:05:13)

Chuýằ‡n tÃĂc nghiỏằ‡p cỏằĐa phóng viÃên phÃÂn xÃÊ vÃạng cao (01/08/2007 10:03:55)

ChuýãƯn ẵỔi thõỪổc tõãƯ ẵỔõãưy ẳơ nghẵẹa (01/08/2007 10:03:02)

"BáỪỔ tÃƠi là ngẳồáỪŨi ráỨầt táỨễn tÃằm váỪỈi ngháỪẮ" (01/08/2007 09:54:22)