Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Chuýằ‡n tÃĂc nghiỏằ‡p cỏằĐa phóng viÃên phÃÂn xÃÊ vÃạng cao


(01/08/2007 10:03:55)

Là phóng viên TTXVN thường trú tại một tỉnh nghèo và lạc hậu nhất cả nước như Lai Châu, đôi lúc chúng tôi khá tủi thân khi ai đó không biết gì về chức năng và nhiệm vụ của đơn vị mình. Thế nhưng, khi có người hay đọc báo, nghe đài thắc mắc: "Phóng viên của Thông tấn xã làm cách nào mà đưa tin nhanh như vậy?" thì trống lòng chúng tôi cứ... "rộn hết cả ràng" lên!. Vậy là sau những cố gắng nỗ lực của mình, phóng viên thường trú như chúng tôi cũng đã để lại một vài dấu ấn trong lòng người đọc.

Sau ngày tỉnh Lai Châu chia tách và thành lập (1/1/2004), các cơ quan, đơn vị của tỉnh có quyết định thành lập và nhanh chóng ổn định đi vào làm việc, thì Phân xã Lai Châu còn chưa có tên, chỉ mình tôi hoạt động với tư cách phóng viên thường trú. Lúc đó, chúng tôi không có văn phòng làm việc, không trang thiết bị, tối thiểu như một chiếc máy vi tính, thậm chí không có cả chỗ ngủ cố định, nên mọi người thường gọi đùa là... "dân tộc Lá vàng". Ngày lang thang đi thu thập thông tin, tối về tiện đâu thì ngủ nhờ đó, nhiều đêm phải trải chiếu xuống nền nhà dân trong cái giá lạnh của vùng rừng núi. Phương tiện làm việc duy nhất của tôi khi đó chỉ là một chiếc máy điện thoại di động. Mỗi khi cần đưa tin về các sự kiện xảy ra trên địa bàn, tôi vào ngồi nhờ trong một quán nước, viết tin, bài rồi đọc qua điện thoại về Ban biên tập rất vất vả. Gần nửa năm sau ngày xách ba lô lên tỉnh mới, tôi mới mượn được một căn phòng của UBND tỉnh (bởi ngay cả nhiều ban ngành của tỉnh khi đó cũng thiếu chỗ làm việc), rồi được cơ quan trang bị một chiếc máy tính xách tay. Ngày đầu tiên bước vào căn phòng trống trơn, tôi ngồi bệt xuống đất, kê máy tính lên đùi làm tin mà mừng trào nước mắt vì từ nay mình đã có "một chốn đi về".

Sau ngày có quyết định thành lập Phân xã (18/5/2006),  được Ban lãnh đạo cơ quan quan tâm đầu tư cho các phương tiện kỹ thuật và văn phòng, rồi cá nhân cũng tự thân vận động, bỏ tiền riêng ra mua thêm máy móc phục vụ tác nghiệp như máy ảnh kỹ thuật số, máy ghi âm... Đến nay, Phân xã Lai Châu  có thể tự hào với giới báo chí địa phương là một đơn vị có trang bị kỹ thuật "mạnh", với hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến đủ sức đảm đương nhiệm vụ của một cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên khó khăn thì vẫn chồng chất, bởi nơi đơn vị thường trú là một địa phương rất nghèo.

Vất vả nhất là phóng viên điều động từ Thủ đô lên thường trú tại địa phương như Nguyễn Mạnh Hà, chưa kịp làm quen với địa bàn đã phải bổ ngay xuống cơ sở. Chiếc xe máy "cà khổ" chỉ quen đi trên đường bằng đã phải trèo đèo lội suối nên dở chứng giữa đường mà chẳng có nơi sửa. Để đưa tin kịp thời về Tổng xã, "phóng viên" đành bán vội xe cho bà con trong bản, rồi vừa chạy bộ, vừa đi nhờ các loại phương tiện có thể, để kịp về phân xã làm tin.

Tại hiện trường một vụ phá rừng của lâm tặc ở xã Nậm Loỏng (thị xã Lai Châu). (Ảnh: CTV).

Riêng tôi, cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là vào năm 2002, khi tôi mới tò te bước chân vào nghề, được Trưởng Phân xã Lai Châu (cũ) khi đó là anh Nguyễn Văn Hào giao nhiệm vụ đưa tin về hoạt động vận động bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI. Khi đoàn từ huyện Mường Tè quay về thì tôi nhận được lệnh phải có tin và ảnh về hoạt động bầu cử sớm tại các xã đặc biệt khó khăn của địa phương. Tôi chọn ngay xã Pa ủ, vì đây là địa bàn khó khăn nhất, chưa có đường ô tô đến trung tâm, 100% số hộ đều là người dân tộc La Hủ (còn gọi là người Lá Vàng). Hơn nữa, tôi có thể đi cùng một ứng cử viên cũng là người ở xã này.

Quãng đường 40 km đầu tiên, chúng tôi được ngồi trên chiếc xe vốn là xe cứu thương cũ của Liên Xô ngày xưa, nay dùng để chở khách. Hơn 20 km sau đó, tôi cùng hai người bạn đồng hành là anh Thàn Hu Sa, ứng cử viên đại biểu Quốc hội và một cán bộ xã ra huyện công tác trở về, bắt đầu hành trình... cuốc bộ. Suốt quãng đường đó, chúng tôi phải leo ngược dốc qua những đồi cỏ gianh trong cái nắng thiêu đốt, khát đến hoa cả mắt. Được nửa đường, mắt tôi sáng lên khi nhìn thấy một bụi chuối rừng mọc dưới khe cạn. Thấy hai người bạn đồng hành đang mải móng để về nhà, tôi không dám nài họ đợi, mà chỉ dặn hai người cứ đi trước, đến chỗ nào rẽ thì cắm một cành cây làm dấu để tôi khỏi lạc. Tụt xuống khe tiếp cận "mục tiêu", tôi dùng con dao díp, hì hục khoét một hốc nhỏ trên gốc chuối, chờ nước từ thân cây tiết ra để chiết lấy một ngụm nhỏ, rồi lại thất thểu lên đường. Mãi đến 2 giờ chiều, tôi mới tới trung tâm xã thì... Trời ơi! Cái gọi là trung tâm đó chỉ gồm hai ngôi nhà gỗ là UBND xã và trường học là có vẻ chắc chắn. Còn lại chỉ là một bản nhỏ với những căn lều mái tranh chạm đất, tường vách lở loét nhìn thấu bên trong, mọc trên một sườn núi dốc, những lối mòn ngập bùn đất và phân gia súc chạy quanh.

Tối hôm đó, tôi ngủ ngon nhờ được ăn một bữa no, ngủ trên giường chắc của Đồn biên phòng. Ngày hôm sau, tôi lang thang xuống bản trung tâm tìm cái gì bỏ bụng trước khi đến bản Thăm Pa của anh Hu Sa. Tìm mãi mà không thấy một hàng quán nào, người lớn trong bản đều đi đâu cả. Nhìn thấy mấy đứa trẻ đang vùi củ mài trong đống lửa gần đó, tôi lại gần và ra hiệu xin. Chúng có vẻ rất hiếu khách, đưa cho tôi củ to nhất. Vậy là có sức để cõng đống đồ nghề vượt qua mấy quả núi nữa đến bản Thăm Pa.

9 giờ sáng, tổ bầu cử ở bản Thăm Pa vẫn còn bình chân như vại, sốt ruột, nhà báo phải hò hét, hô hào họ dọn dẹp lớp học làm bằng tre nứa đã sập nửa mái, tổ chức bầu cử trong đó để còn... chụp ảnh. Xong việc, tôi hối hả trở về để kịp đưa tin. Quãng đường khi đi mất hơn nửa ngày, nay chạy về chưa đầy 4 tiếng. Quả thật, tôi cũng muốn... túc tắc đi cho đỡ mệt, song trời bỗng đổ mưa như trút nước, đường toàn xuống dốc, lại trơn như đổ mỡ nên không thể hãm... phanh chân lại. Hơn nữa, hễ chỉ dừng lại vài giây là lũ vắt đang bò đen mặt đất xông lại, khiến tôi hồn vía lên mây mà thục mạng chạy tiếp. Đến con suối đầu tiên, tôi nhảy ào xuống,  lột vội tất cả những gì dính trên người rồi ra sức vuốt, máu khô cùng vắt cứ rơi ra từng mảng, khiến quần áo dính bết lại. Ra đến nơi có đường ô tô thì đen đủi thay, nước lũ dâng cao làm đường tắc, đành nài nỉ một người dân địa phương chạy xe ôm bán chuyên nghiệp đưa ra trung tâm huyện với giá 300 ngàn đồng/40 km. Vậy mà anh chàng lái xe cứ than thở mãi vì trót nhận lời, bởi ra đến huyện thì chiếc xe Minsk cũ rích đó rã ra từng mảnh sau khi phải khênh qua mấy con suối và hàng chục cú ngã trên con đường đất trơn lầy lội. Cám cảnh thay, muốn bồi dưỡng thêm cho anh ta mấy đồng, song sờ đến ví chỉ còn hơn 200 ngàn, tôi xông bừa vào một cửa hàng tạp hoá, đưa chiếc máy ảnh du lịch của mình ra "cắm", nài nỉ họ cho vay 100 ngàn để  đủ trả tiền xe ôm. Về phòng nghỉ do huyện Mường Tè bố trí, tôi hì hục viết tin rồi ra Bưu điện huyện nhờ Fax về Tổng xã thì đã 7 giờ tối, cô nhân viên trực về ăn cơm. Vậy là lại phải hỏi thăm đến tận nhà, "hộ tống" cô nàng ra giúp, kẻo trời mưa to, giữa đường cô đổi ý thì... thiu hết cả tin. Trở về Phân xã (khi đó ở thành  phố Điện Biên), tôi hối hả "gõ" bài phóng sự "Bao giờ hết nghèo Pa ủ ơi?" chỉ trong vòng một tiếng, vì thực ra nội dung bài viết đã nằm gọn trong đầu khi  tôi cắm đầu chạy bộ từ Pa ủ ra huyện rồi.

Lai Châu giờ đã khác nhiều, có thể đi đến 90% trung tâm số xã bằng xe máy trong mùa khô. Hạnh phúc hơn là Phân xã đã có trụ sở và đầy đủ phương tiện làm việc (dù vẫn còn phải đi ở nhờ), và tôi đã có thêm một đồng nghiệp trẻ, để nhiều lúc khỏi lẩm bẩm nói chuyện một mình. Song những chuyến đi công tác cơ sở phải lang thang giữa rừng, đói mờ mắt, mơ nhìn thấy một ánh đèn le lói trong đêm, hay vừa chạy bộ hàng cây số, vừa vuốt nước mưa trên mặt để kịp đến nơi có phương tiện liên lạc chuyển tin về Tổng xã vẫn y nguyên. Tôi mà nói sai, ngày mai tôi... nói tiếp.

Chu Quốc Hùng
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2007