Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Hãy để cho sự vật lên tiếng


(13/07/2007 15:52:26)

Bạn đừng chỉ nói kết quả mà hãy nói về những hành động để có kết quả đó

Lần trước Người Viết Báo nói rằng, viết theo lối 'tả' sẽ làm cho bài báo sinh động, hấp dẫn và khuyên nên 'tả' nhiều và hạn chế 'kể'; vì viết theo lối kể thường làm cho bài báo khô khan. Tôi thừa nhận cái lợi của việc viết theo lối 'tả'. Tuy nhiên tôi vẫn băn khoăn một điều rằng, những câu chuyện cổ tích, rồi ngay cả tác phẩm nổi tiếng 'Nghìn lẻ một đêm' cũng đều là 'kể chuyện' cả tại sao lại vẫn rất hấp dẫn?

- Điều bạn nói là đúng và bạn rất tinh ý đấy. Đúng là chúng ta vẫn nói là 'Kể chuyện cổ tích' chứ có ai nói là 'tả chuyện' đâu. Kể cả ngày nay, thỉnh thoảng có nơi cũng vẫn tổ chức thi 'kể chuyện' và nhiều câu chuyện được kể ra cũng hết sức sinh động hấp dẫn, ở đây có ít nhất ba vấn đề.

Thứ nhất, ngay trong các 'câu chuyện kể' đó, các tác giả, dù là dân gian hay các tác giả, không phải chỉ 'kể' một cách đơn thuần mà xen trong lời kể thường cũng đều có 'tả' cả đấy. Chẳng hạn trong truyện 'Nàng Bạch Tuyết', tác giả chẳng tả cô công chúa 'da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như khung cửa gỗ mun' đấy thôi. Rồi trong câu chuyện, các đoạn đối thoại hầu hết cũng là tả lại chứ không phải là kể lại một cách gián tiếp. Đặc biệt trong 'Nghìn lẻ một đêm', tác giả đã sử dụng thủ pháp 'tả' trong khi kể rất nhiều. Tôi thừa nhận, cách 'tả' trong các câu chuyện cổ tích thường mang tính ước lệ cao nhưng dù sao đó cũng vẫn là 'tả' và chính nhờ lối 'tả' đó đã góp phần làm cho mạch câu chuyện không khô khan, nhàm chán.

Thứ hai, ta cần phân biệt báo chí và tác phẩm văn học, trong đó có truyện cổ tích. Trong những câu chuyện cổ tích hầu hết đều có cốt truyện; người đọc chỉ quan tâm đến diễn biến của câu chuyện xoay quanh số phận của các nhân vật và quan hệ giữa các nhân vật với nhau. Và chính những hoàn cảnh éo le, những mối quan hệ chằng chịt, những diễn biến tâm lý phức tạp tạo nên những bước ngoặt và kết quả bất ngờ làm nên sự hấp dẫn của câu chuyện. Tuy nhiên, chúng ta đang bàn đến tác phẩm báo chí. Mà đặc trưng của báo chí là phản ánh những sự kiện, vấn đề thời sự, tức là những gì đang diễn ra. Do đó, việc tái hiện lại sự kiện để bạn đọc được chứng kiến như nó đang diễn ra là hết sức cần thiết. Mà muốn làm được điều đó, 'tả' là thủ pháp hữu hiệu, nếu không muốn nói là hữu hiệu nhất.

Thứ ba, tôi cũng cần nói thêm rằng, khái niệm 'tả' và 'kể' mà chúng ta trao đổi trong lần trước cũng như từ nay về sau thực ra chỉ là một quy ước trong phạm vi các cuộc trao đổi giữa chúng ta nhằm đơn giản hóa vấn đề mà thôi. Chứ thực ra, giữa rả và kể không có sự phân định rạch ròi và như trên đã nói, nhiều khi trong kể cũng có cả tả rồi. Mặt khác, có những trường hợp, có những lối kể chuyện có duyên cũng tạo nên sự sinh động, hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao.

Thực ra, cái lối 'kể' mà chúng ta đang nêu ra để phê phán là lối viết hết sức chung chung, thường chỉ liệt kê số liệu, kể lể thành tích. Do đó sự kiện, sự việc mờ nhạt, không tạo được ấn tượng.

Chẳng hạn, một phóng viên viết về sự ô nhiễm ở một vùng ven biển nhưng chỉ nói chung chung về thành phần, số lượng chất thải thải ra biển rồi cảnh báo về sự ô nhiễm.

Chất thải tống ra môi trường vô tội vạ gây ô nhiễm thì ai chẳng biết, nhưng cụ thể ở đây nó ô nhiễm như thế nào, ví dụ như phóng viên cảm nhận bằng các giác quan (nhìn thấy, ngửi thấy) như thế nào, rồi hậu quả của nó ra sao để tả lại, tái hiện lại, làm cho người đọc như được chứng kiến cùng phóng viên, cảm nhận được sự ô nhiễm ấy như bằng chính các giác quan của mình... thì nhà báo lại không làm mà toàn nói một cách chung chung thì làm sao mà sinh động, hấp dẫn, làm sao có thể gây bức xúc cho dư luận được.

Lại nữa, một phóng viên đưa tin về sự đổi mới ở một vùng quê đã viết như thế này:

- 'Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tự túc được lương thực, thu nhập bình quân theo đầu người đạt gần 5 triệu đồng/năm, toàn xã hội không còn hộ đói, chỉ còn 135 hộ nghèo, điện, đường, trường học, trạm xá, trụ sở xã đều khang trang, tạo nên một sắc diện mới trên vùng đất.

Kim Long có mạng lưới đường giao thông hoàn thiện nhất trong tỉnh, với những con đường trải nhựa thẳng tắp, hệ thống cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi, khu vui chơi, trường học khá hoàn thiện'.

Như vậy, đọc đoạn tin trên, bạn đọc hiểu rằng cơ sở hạ tần của Kim Long 'khá hoàn thiện' tạo nên sự 'khang trang', 'sắc diện mới' nhưng không biết được cái sự 'hoàn thiện', 'khang trang' ấy nó như thế nào. Vì vậy, tác giả nói sao thì bạn đọc biết thế chứ hoàn toàn không cảm nhận được sự 'hoàn thiện', 'khang trang' và 'sắc diện mới' ấy mặt ngang mũi dọc nó ra sao. Do đó, cái sự 'hoàn thiện', 'khang trang', 'sắc diện mới' ấy là do tác giả áp đặt chứ không phải là để cho sự vật tự bộc lộ, tự chứng minh, do vậy, nó không thuyết phục bạn đọc.

- Nhưng, như thế thì 'tả' và 'kể' khác nhau ở những điểm gì?

- Quan trao đổi lần trước và các ví dụ trên đây, chúng ta có thể tạm rút ra sự khác nhau giữa 'kể' và 'tả' như thế này:

Thứ nhất: 'Kể' thường là tóm tắt các sự kiện, tóm lược lại sự việc bằng những khái quát, nhận định của tác giả còn 'tả' là tái hiện lại sự vật như nó đang xảy ra. Nói một cách ví von thì 'kể' giống như bạn tóm tắt cho người khác biết nội dung của một bộ phim còn 'tả' chính là bạn đang cho bạn đọc xem chính bộ phim ấy với đầy đủ các tình tiết và diễn biến của câu chuyện.

Từ đó dẫn đến điểm khác nhau thứ hai là 'kể' thường là đi thẳng vào bản chất của sự vật còn 'tả' thường là phản ánh hiện tượng và thông qua những hiện tượng đó mà bản chất của sự vật tự bộc lộ ra; cũng có thể sau khi miêu tả các hiện tượng rồi tác giả rút ra bản chất hoặc để cho bạn đọc tự rút ra bản chất của sự vật. Chính vì điểm khác nhau này mà 'kể' thường khô khan, đơn điệu, mang tính khái quát, áp đặt chủ quan còn 'tả' thường sinh động, hấp dẫn hơn và khách quan nên nó có tính thuyết phục hơn.

Cũng chính vì thế, điểm khác như thứ ba là 'kể' thường đưa ra kết quả còn 'tả' là diễn tả lại hành động dẫn đến kết quả đó.

Vì vậy, để dễ nhận biết, điểm khác nhau thứ tư là 'kể' thường trả lời câu hỏi 'Cái gì?' còn 'tả' thường trả lời câu hỏi 'Như thế nào?'.

Về hình thức, điểm khác nhua thứ năm là 'kể' thường dùng ngôi thứ ba, tức là không thấy sự hiện diện của tác giả cũng như nhân vật hay nói một cách chính xác, sự hiện diện ấy ở ngôi thứ ba, 'cái tôi' không xuất hiện; còn 'tả' là tác giả thường đứng ở ngôi thứ nhất và cũng để cho các nhân vật xuất hiện ở ngôi thứ nhất (tức là để học bộc lộ 'cái tôi' của mình). Do đó, các câu nói trong 'kể' thường là câu gián tiếp, tác giả nói thay tất cả các nhân vật còn trong 'tả' thường là câu trực tiếp diễn đạt dưới hình thức đối thoại hoặc để cho nhân vật tự nói, phóng viên chỉ là người dẫn dắt câu chuyện. Chính vì vậy, như lần trước tôi đã nói, điều này sẽ làm cho sự kiện, sự việc trở nên sống động như nó đang diễn ra, bạn đọc được trực tiếp tiếp xúc với sự kiện, với nhân vật nên tăng tính thời sự, tính khách quan và từ đó tăng tính thuyết phục của tin bài.

- Bây giờ thì tôi hiểu vì sao bài viét của tôi thường bị chê là nhạt, là khô khan, thiếu tính thuyết phục rồi. Đúng là tôi thường viết theo lối kể, toàn là nói kết quả, toàn là nhận định, đánh giá của mình mà ít khi dẫn dắt làm sao để có kết quả đó. Tôi cũng thường nói thay nhân vật nên các nhân vật hầu như không còn cá tính của mình nữa mà tất cả đều mang ngôn ngữ của tôi, lối tư duy của tôi nên tất cả các nhân vật đều trở thành cái bóng của phóng viên có đúng không?

- Đúng là như vậy! Không những thế mà các tin bài viết về cùng một lĩnh vực sẽ cứ hao hao giống nhau, bạn đọc có cảm tưởng chỉ cần thay thời gian, địa điểm, tên cơ quan hay đất nước vào là có một cái tin khác. Bởi vì, bản chất các sự kiện thường là giống nhau, kết quả thường cũng mang tính chất giống nhau (ví dụ cùng là sự phát triển chẳng hạn). Cái khác nhau (cũng là cái mà bạn đọc muốn biết) là cách làm cụ thể của từng nơi như thế nào kia thì nhà báo lại không nói thành thử tin bài trở nên mờ nhạt và bạn đọc chưa đọc đã biết tác giả nói gì rồi, như vậy còn gì là hứng thú và hấp dẫn. Tôi thường nói đùa với các phóng viên trẻ rằng, nếu như vậy thì khi muốn nói về tình trạng ô nhiệm của một nơi nào đó chỉ cần một câu thông báo ngắn gọn 'Khu vực X đang ô nhiễm nghiêm trọng' là đủ. Và như thế thì người ta chằng cần đến báo chí làm gì nữa.

- Nói như Người Viết Báo thì như vậy có nghĩa là phải để cho sự kiện, sự vật tự bộc lộ và tác động trực tiếp đến bạn, qua đó mà thuyết phục bạn đọc. Muốn vậy thì phải diễn tả sự kiện, sự việc một cách tự nhiên? Nhưng nếu như vậy thì vai trò của nhà báo ở đâu?

- Thực ra thì trong cách tả, phóng viên để cho sự kiện, để cho nhân vật tự lên tiếng, tự nói về mình nhưng không phải là phóng viên không còn vai trò gì mà chỉ là phóng viên tự giấu mình đi để cho bạn đọc được trực tiếp tiếp xúc với sự việc, nhân vật mà thôi chứ bạn thử nghĩ xem, tác giả tả gì, tiếp xúc với nhân vật nào, dẫn câu nói nào là hoàn toàn theo ý đồ của tác giả chứ.

- Tôi hiểu rồi, tả chỉ là sự tái hiện mà đã là tái hiện thì đều mang dấu ấn của người tái hiện lại sự kiện đó. Tuy nhiên, có một điều Người Viết Báo hứa lần trước nhưng đến giờ vẫn chưa thấy trả lời, đó là làm thế nào để miêu tả cho tốt?

- Khi so sánh sự khác nhau giữa 'kể' và 'tả' là chúng ta đã gián tiếp nói đến việc làm thế nào để 'tả' cho tốt rồi đấy. Ví dụ như bạn hãy trả lời câu hỏi 'như thế nào?' chứ không phải trả lời câu hỏi 'là cái gì?', bạn đừng chỉ nói đến kết quả mà hãy nói làm cách nào để đạt được kết quả đó... đấy thôi. Tất nhiên, còn một yếu tố, có thể nói là mang tính quyết định cho sự thành công trong miêu tả, đó là việc sử dụng chi tiết, chúng ta sẽ trao đổi kỹ vấn đề này trong lần sau nhé.

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2007