Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Sự nhanh trí và dũng cảm làm nên thành công


(07/06/2007 09:06:19)

Công việc chính của Đoàn Tùng là dựng ma-két báo và làm phóng viên ảnh cho báo Việt Nam News. Nhưng thật bất ngờ, anh vừa đoạt giải B Giải báo chí Trẻ TTXVN 2007 với bài "Chọi gà mùa cúm, một trò chơi nguy hiểm" mà anh viết trong một hoàn cảnh gay go trên đất Căm-pu-chia.

            - Đang làm ma-két báo sao anh lại "nhảy" đi viết? Anh viết bài "Chọi gà mùa cúm, một trò chơi nguy hiểm" trong hoàn cảnh nào vậy?

            Ở báo Việt Nam News, công việc chủ yếu của tôi là dựng ma-két cho tờ báo tuần Chủ nhật và tạp chí Outlook, kế đến là công tác phóng viên ảnh. Tháng Năm năm ngoái, tôi được Ban lãnh đạo tòa soạn cử tham gia một khóa nâng cao nghiệp vụ nhiếp ảnh do Inter Press Service (IPS), một tổ chức báo chí quốc tế tài trợ, dành cho các phóng viên ảnh của 6 nước lưu vực sông Mêkông: Thái Lan, Lào, Căm-pu-chia, Miến Điện, Trung Quốc và Việt Nam. Tôi nhận làm đề tài buôn lậu gia cầm qua biên giới. Đó là một trong những "bài tập" phải thực hiện trong khuôn khổ của khóa học kéo dài đúng một năm.

Trường gà Xuyên Á, trên lãnh thổ Căm-pu-chia, hội tụ dân chơi chọi gà từ nhiều nước trong vùng. (Ảnh: Đoàn Tùng).

            - Buôn lậu gia cầm qua biên giới? Nhưng thực tế, anh đã viết về một vấn đề "nóng" hơn là nguy cơ dịch cúm gà cơ mà?

            Nghề phóng viên chẳng khác gì người đi câu cá. Có hôm rất "sát" cá, hôm vác giỏ về không. Để làm đề tài buôn lậu gia cầm qua biên giới, tôi đã lượm lờ khắp các chợ vùng biên Mộc Bài - Bà Vẹt thuộc tỉnh Tây Ninh và Preyveng của Căm-pu-chia. Trong suốt mười ngày liền, tôi chẳng nhận thấy tí dấu vết nào về buôn lậu gia cầm. Thất vọng quá. Dự định chụp ảnh buôn lậu gia cầm coi như bị phá sản, tôi đã nghĩ đến việc xin giáo viên phụ trách lớp cho đổi đề tài thì tình cờ gặp anh Nhật. Người bạn mới quen này rủ tôi đi xem trường gà Xuyên Á, nằm trên lãnh thổ Căm-pu-chia, cách cửa khẩu Mộc Bài chừng 1km. Tuy không có thú xem chọi gà nhưng tôi nhận lời ngay. 'Biết đâu mình tìm được cái gì đó để làm bài tập thì càng tốt", tôi tự nhủ. Và thế là chúng tôi lên đường.

            - Bài viết có chi tiết người bạn đường cảnh báo anh về những rủi ro có thể gặp khi đến chốn sát phạt đỏ đen. Vậy anh có gặp hiểm nguy nào không?

            Cứ đến cuối tuần, trường gà Xuyên Á hội tụ hàng trăm dân chơi gà "anh chị" tứ chiếng từ nhiều nước trong vùng. Người Việt Nam sang chơi chọi gà khá đông. Bên ngoài trường gà lố nhố hàng chục lính bảo vệ trang bị súng ống, sát khí đằng đằng. Người chơi là những kẻ lắm tiền, mỗi "đại gia" kè kè 4-5 người bảo vệ. Nhìn cũng ghê ghê. Nhưng "máu nghề nghiệp" nổi lên át cả nỗi sợ hãi. Khi thấy tôi bắt đầu loay hoay với chiếc máy ảnh, anh bạn dẫn đường liền chuồn mất vì sợ liên lụy. Quả thực, nếu chẳng may bị phát hiện thì tính mạng không biết sẽ ra sao. Đất khách quê người, ai sẽ đứng ra bảo vệ mình? Tuy nhiên, tôi đã học được cách ngụy trang bản thân và phương tiện khi đi làm những phóng sự ít nhiều mang tính điều tra. Tôi giấu máy ảnh trong chiếc ví "mề gà" đeo quanh thắt lưng, chỉ khoét một lỗ vừa đủ cho ống kính thò ra ngoài. Đó là một chiếc Nikon 450 nhỏ, ống kính xoay 180 độ cho phép chụp các góc độ khác nhau mà không cần phải di chuyển nhiều. Bằng cách đó, tôi bấm được khá nhiều kiểu ảnh mà không bị "lộ". Đến bây giờ nghĩ lại, tôi mới thấy lần đó mình thật liều lĩnh.

            - Anh đã truyền được cho độc giả cảm giác ghê sợ khi mô tả những người chủ gà coi thường tính mạng khi chăm sóc các con vật. Họ hút dịch, thậm chí cả máu mủ ở những vết thương của chúng...

            Đó chính là chi tiết gây ấn tượng mạnh nhất cho tôi trong suốt buổi đấu gà hôm đó. Giữa hai hiệp đấu, người chủ của con gà chọi yếu thế nhảy bổ ra bãi sới, cúi xuống con vật đáng thương nằm sóng xoài trên đất, dùng mồm hút máu trên chiếc mào bị rách, khạc nhổ ầm ĩ. Rồi anh ta điềm nhiên ngửa cổ tu ừng ực chai nước suối, nuốt luôn cả tiết gà dính trong miệng. Chủ gà và gà sống cạnh nhau, không hề có khoảng cách. Nếu bạn đọc thấy ghê sợ thì đó cũng là một thành công của tôi.

            Trường gà Xuyên Á hôm đó chẳng khác gì một thùng thuốc súng. Gà chọi hăng tiết xông vào đá nhau chí tử. Trên khán đài cử tọa cũng hăng tiết, kẻ được người thua la hét đinh tai. Theo tôi được biết, tiền cá cược có khi lên đến 300-400 triệu đồng mỗi trận. Không thấy bóng dáng một nhân viên kiểm dịch, thú y hay lực lượng chống tệ nạn xã hội nào cả.

            - Những chi tiết anh vừa nêu rất "đắt". Sao anh không đưa các thông tin đó vào trong bài, nhất là khi cúm gà không còn là vấn đề của riêng quốc gia nào?

            Chị nói đúng. Khi phân tích bài viết của tôi, giáo viên của IPS cũng đã chỉ ra những thiếu sót này. Bài dự thi của tôi có kèm bốn ảnh minh họa. Về chất lượng ảnh tôi nghĩ là được, vì tính đến hoàn cảnh tác nghiệp "lén" như đã nói ở trên. Nhưng tôi tự thấy kỹ năng viết của mình còn kém. Cũng may là các đồng nghiệp biên dịch báo Việt Nam News đã bổ sung nhiều chi tiết cần thiết mà tôi sơ suất bỏ qua, như xác định rõ hơn các địa điểm trên đất Việt Nam, đất Căm-pu-chia chẳng hạn... Đó là những kinh nghiệm cần thiết khi viết cho độc giả nước ngoài. Tuy còn có những sai sót nhưng tôi rất vui vì cả hai bài tập: một phóng sự gồm 6 ảnh về phát triển kinh tế vùng đường Xuyên Á; và bài viết này đều được đăng báo Việt Nam News.

            - Cảm nhận của anh khi biết mình được giải thưởng Giải báo chí Trẻ TTXVN 2007?

            Thật tiếc là tôi vắng mặt tại lễ trao giải tháng Ba vừa rồi, vì phải sang Căm-pu-chia tham dự phần cuối khóa học nhiếp ảnh trên. Tôi rất xúc động khi biết mình được giải B Giải báo chí Trẻ TTXVN năm nay. Đây là lần thứ hai tôi được Giải báo chí Trẻ TTXVN. Lần thứ nhất là giải Khuyến khích cho chùm ảnh tựa đề "Dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, nỗi lo của các bà mẹ", năm 2005. Nhưng năm nay là lần đầu tiên tôi nhận giải về thể loại viết, tất nhiên có ảnh đi kèm. Giải thưởng là sự động viên lớn đối với tôi, cũng như đối với các phóng viên trẻ khác khi thực hiện nhiệm vụ trong những hoàn cảnh khó khăn.

            - Anh phân chia thời gian ra sao giữa việc làm ma-két và đi chụp ảnh, viết bài? Anh có ý định tiếp tục viết nữa không?

            Để phục vụ tốt hơn việc làm ma-két báo, tôi đã quyết định theo học ngành đồ họa tại đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Trước mắt, tôi tập trung sức làm luận văn tốt nghiệp vào tháng Sáu tới. Tôi cũng muốn nâng cao trình độ nhiếp ảnh của mình và được tham dự các khóa bồi dưỡng nhiếp ảnh do TTXVN tổ chức. Việc dựng ma-két cho một tờ báo rất cần con mắt của một họa sĩ và một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, các ấn phẩm của Việt Nam News cần phải hay về nội dung và đẹp về hình thức thì mới thu hút độc giả mạnh hơn. Đó là mong ước không chỉ riêng tôi mà là chung của tất cả mọi người trong tòa soạn. Còn viết bài ư? Tôi sẽ tiếp tục thử sức khi có dịp.

 

 

            * Bài "Chọi gà mùa cúm, một trò chơi nguy hiểm", đăng trang 14 báo Sunday ngày 14/2/2007.

 

Minh Cầm (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2007