Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Viết như thế nào?


(18/04/2007 16:14:04)

* Mục đích chỉ ra cách viết

- Trong những lần trước, Người Viết Báo đã trao đổi về việc 'Viết cái gì'. Tôi cũng đã cơ bản nắm được vấn đề và vận dụng vào công việc. Tuy nhiên, từ việc phát hiện vấn đề đến thể hiện thành bài viết còn là cả một khoảng cách.

- Tôi hiểu bạn định nói gì rồi. Thực ra, ở một góc độ nào đó, toàn bộ công việc viết báo chỉ gói gọn trong việc trả lời hai câu hỏi: 'Viết cái gì?' và 'Viết như thế nào?'.

Trong những lần trước, chúng ta đã cùng trả lời câu hỏi 'Viết cái gì?'. Thực ra, để trả lời câu hỏi này cũng còn rất nhiều vấn đề cần trao đổi, chúng ta sẽ quay trở lại vào những dịp thích hợp. Từ kỳ này, chúng ta sẽ cùng trả lời câu hỏi 'Viết như thế nào?' nhé.

Trong những lần trao đổi với các bạn phóng viên trẻ, tôi thường nói vui: Khi bước chân vào nghề báo, và trong suốt cuộc đời viết báo, bạn cần ghi nhớ hai điều: đó là, bạn viết bài báo này để làm gì (tức là tính mục đích) và khi viết, bạn phải luôn nhớ mỗi bài viết chỉ giải quyết một vấn đề.

- Về vấn đề thứ nhất, Người Viết Báo đã khuyên: 'Làm việc phải có tính mục đích; mục đích càng cụ thể càng tốt'.

- Đúng vậy! Nhưng trong lần trao đổi đó, chủ yếu tôi nhấn mạnh đến việc xác định mục đích cho mỗi chuyến đi cơ sở, khai thác tài liệu để viết bài. Xác định rõ mục đích bài viết, bạn sẽ tìm đúng những gì cần tìm, hỏi đúng những người cần hỏi; thậm chí, chụp đúng bức ảnh cần chụp nếu bạn lại kiêm luôn cả việc chụp ảnh cho bài viết của mình.

Không những thế, tính mục đích còn giúp bạn định hướng bài viết, định hướng cả về hình thức và nội dung. Với mục đích như thế thì chọn thể loại gì là phù hợp; dung lượng bao nhiêu là vừa đủ; thậm chí kể cả cách hành văn như thế nào cho thích hợp...

- Nhưng ngay từ đầu Người Viết Báo có nói là lần này trao đổi về việc 'Viết như thế nào?' cơ mà?

- Thì chính tôi đang nói về việc viết như thế nào đấy thôi. Muốn viết như thế nào thì đầu tiên bạn phải xác định được nội dung và hình thức của tin bài; mà muốn xác định nội dung và hình thức thì bạn phải xác định được mục đích của việc viết bài.

Đơn cử như có một lễ khởi công một công trình nào đó, nếu mục đích của bạn chỉ nhằm thông tin cho bạn đọc về sự khởi công công trình thì đơn giản bạn chỉ cần làm một tin về lễ khởi công đó mà thôi; hoặc nếu là một công trình lớn, có tầm vóc lịch sử thì bạn cũng có thể viết bài ghi nhanh, tường thuật nhưng chủ yếu chỉ nói về lễ khởi công. Nhưng nếu bạn lại muốn qua lễ khởi công để thông tin cho bạn đọc về tầm vóc của công trình thì nội dung tin bạn lại phải đi sâu vào quy mô công trình như diện tích chiếm đất, vốn đầu tư, công suất... Lúc đó, lễ khởi công chỉ là cái cớ để đưa tin. Hoặc giả nữa đó chỉ là một công trình nhỏ, bạn chỉ muốn nêu ý nghĩa kinh tế, ý nghĩa xã hội của công trình thì rõ ràng, nội dung trong tin, cho dù là một tin ngắn, rất đơn giản, cũng sẽ phải khác với tin nhằm mục đích giới thiệu quy mô công trình.

Ở một cấp độ cao hơn, bạn được giao viết bài về thị trường chứng khoán chẳng hạn. Thị trường chứng khoán đang là một vấn đề nóng mà hầu như cả xã hội đều quan tâm. Có cái để viết rồi đấy nhưng nếu bạn không xác định rõ mục đích thì bạn sẽ loay hoay không biết phải viết như thế nào. Do đó việc đầu tiên là bạn phải xác định rõ mục đích: Viết bài này để làm gì? Tôi sẽ lần lượt cùng phân tích với bạn để thấy rằng mục đích khác nhau thì sẽ có nội dung khác nhau, hình thức thể hiện cũng khác nhau và do vậy, nói tóm lại là sẽ có cách viết khác nhau.

Nếu mục đích của bạn là viết bài nhằm làm cho những nhà đầu tư nước ngoài hiểu được thị trường để có kế hoạch đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam thì bạn có thể viết một bài mang tính tông quan trong đó nêu được quy mô của thị trường; đặc điểm (chủ yếu là những nhà đầu tư nghiệp dư chẳng hạn); chất lượng cổ phiếu... Và một nội dung quan trọng bạn không được quên là phải giới thiệu, phân tích chủ trương, chính sách của chính phủ Việt Nam đối với thị trường chứng khoán nói chung và các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.

Nếu mục đích của bạn là muốn khuyến cáo các nhà đầu tư nghiệp dư cần tỉnh táo và thận trọng khi đầu tư vào thị trường có thể phất lên rất nhanh nhưng cũng đầy rủi ro này thì bạn cần phân tích đặc điểm của thị trường; nêu ý kiến của các nhà chuyên môn, đặc biệt là những lời khuyên và những lưu ý. Bạn cũng có thể nêu một số nguyên tắc trong đầu tư vào chứng khoán và nếu cần, có thể nêu một số bài học điển hình về tính rủi ro và hậu quả của việc chơi chứng khoán theo phong trào ở các nước trên thế giới (như Trung Quốc chẳng hạn). Nhằm thực hiện mục đích này, bạn có thể viết bài dạng phân tích bình luận. Nhưng bạn cũng có thể viết theo lối phóng sự và đặc biệt, bạn có thể làm bài phỏng vấn, trao đổi với một quan chức hoặc chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán trong đó đặt thẳng câu hỏi mà những nhà đầu tư nghiệp dư đang quan tâm, tựa như là để họ trực tiếp trao đổi với chuyên gia và nghe chuyên gia tư vấn.

- Nhưng nếu tôi lại muốn đi vào những vấn đề thiếu minh bạch trên thị trường chứng khoán thì sao?

- Thì có ai cấm bạn đâu. Vấn đề là ở chỗ, đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan đến pháp luật, đến an ninh thị trường cho nên nếu bạn muốn thực hiện mục đích này thì chắc chắn bạn phải tiến hành tìm hiểu, điều tra một cách thận trọng, bảo đảm khách quan và chính xác; và dạng bài điều tra có vẻ phù hợp với mục đích này.

Không phải chỉ có thế, trong lĩnh vực chứng khoán này, bạn cũng có thể viết về những kẽ hở trong quản lý, những bất cập về pháp lý nhằm mục đích phản ánh với chính phủ và các cơ quan chức năng để hoàn thiện hành lang vừa chặt chẽ, vừa thông thoáng, tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và bền vững.

Vấn đề là để viết bài gần như có tính chất phản biện như vậy thì bạn phải có dẫn chứng cụ thể, phân tích thấu đáo, lập luận chặt chẽ, kiến nghị xác định. Mà những điều đó chính là 'cách viết' và nhằm trả lời cho câu hỏi 'Viết như thế nào?' rồi đấy.

- À! Tôi hiểu rồi. Muốn viết như thế nào trong từng tin bài cụ thể thì đầu tiên cũng vẫn cứ phải xác định rõ mục đích của bài viết. Tựa như nếu bà xã có sai làm thịt gà thì cũng phải hỏi cho kỹ thịt con gà này để làm gì. Nếu mục đích là để cúng thì dứt khoát là phải mổ moi cho nó đẹp còn nếu chỉ để kho hoặc nấu đông thì cứ việc mổ phanh béng ra cho nó nhanh, đúng không?

- Bạn nói đúng đến mức không còn chỗ nào để nói nữa. Mà tôi không ngờ bạn lại có thể khái quát vấn đề một cách vừa chính xác, vừa ngắn gọn mà lại hết sức dễ hiểu và đầy hình ảnh như vậy. Khi xác định được mục đích một cách cụ thể, rõ ràng, ta cũng dễ dàng xác định được nội dung, hình thức bài viết và khi đó cũng rất dễ dàng xác định được phải viết như thế nào.

Nói về mục đích thì chắc chắn sẽ còn phải đề cập đến nhiều. Lần này, chúng ta tạm dừng câu chuyện ở đây. Lần sau, chúng ta sẽ cùng trao đổi vấn đề tôi đã đặt ra ở đầu câu chuyện, đó là 'mỗi bài chỉ đề cập đến một vấn đề' nhé.

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2007