Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Chúng tôi đến với đồng bào Rục


(18/04/2007 16:06:19)

Tôi vào cơ quan khi không còn sự bỡ ngỡ ban đầu của một sinh viên mới ra trường vì trước đó tôi đã làm việc tại một cơ quan báo chí khác. Vậy mà khi trở thành phóng viên của Ban tin ảnh Dân tộc và Miền núi, tôi lại có những ngạc nhiên và thú vị mới vì môi trường và đối tượng phục vụ của chúng tôi mang tính đặc thù riêng. Để thực sự là phóng viên miền núi, tôi đã phải trang bị cho mình nhiều hành trang. Trước hết là sức khoẻ, sau đó phải biết hoà mình với cuộc sống, phong tục, tập quán, món ăn của đồng bào và thậm chí phải từ bỏ những nỗi sợ hãi, e ngại.

Trong hơn 7 năm làm phóng viên miền núi, tôi đã có nhiều chuyến công tác nhưng ấn tượng về chuyến đi tìm hiểu đời sống đồng bào Rục ở huyện Minh Hoá (Quảng Bình) thì tôi không thể nào quên được.

Chúng tôi đến Quảng Bình vào lúc nắng như lửa đốt, nóng như từ dưới đất chui lên, gió lào làm tả tơi cây cối hai bên đường. Đường rừng hiểm trở, đá tai mèo nhọn hoắt, có những chỗ chỉ đủ cho một người lách qua. Vượt qua cơn nóng, khát, mệt, sau hơn một buổi sáng đi bộ, chúng tôi đã đến được Bản Ón - của đồng bào Rục - tộc người duy nhất ở xã Thượng Hoá, huyện Minh Hoá (Quảng Bình).

Có vào tận nơi tôi mới cảm nhận hết cuộc sống vất vả và quá giản đơn của đồng bào. Bữa cơm của bà con ngô nhiều hơn gạo. Những gia đình đông con; trẻ em không được đến trường; đàn ông đổi ngô lấy rượu là chuyện thường ngày. Tôi nhớ mãi Huyền, một cô gái làm mẹ khi mới 16 tuổi. Huyền làm nữ hộ sinh của bản, hàng ngày đi làm cô phải bế con đi theo.

Phóng viên TS Dân Tộc - Miền núi đang phỏng vấn Cao Xuân Vạo, Trưởng bản Ón. (Ảnh: Ngọc Anh).

Sống trên địa bàn hiểm trở, xung quanh là rừng núi bao bọc, đồng bào Rục gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt của tự nhiên, dân trí và trình độ sản xuất thấp, phong tục tập quán lạc hậu đang trở thành lực cản trong quá trình tự vươn lên của bộ phận cư dân người Rục. Cây toác trở thành nguồn thức ăn và nguồn nước quý giá. Phương thức canh tác lạc hậu, thói quen săn bắt, hái lượm dựa vào cái có sẵn trong tự nhiên và các hủ tục đã kìm hãm người Rục trong vòng luẩn quẩn. Ngày nay, với sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ, bà con đã bước đầu làm quen với cuộc sống định canh định cư: làm lúa nước, chăm nuôi gia súc gia cầm, trồng cây ăn quả.

Đồng bào Rục để lại cho tôi rất nhiều ấn tượng bởi những gương mặt, những số phận, những cảnh đời nghèo khó, những cuộc mưu sinh nhọc nhằn và cả sự vất vả, gian nan của những cán bộ, những người lính biên phòng đang giúp đồng bào xây dựng cuộc sống mới.

Đó là hình ảnh chị Thêu - người phụ nữ gày gò mà tôi đã gặp trên đường vào bản Ón. Chị có người chồng suốt ngày say xỉn, mang cả đàn gà mới nở đi đổi rượu. Với 6 đứa con, ở tuổi 40 chị mới biết thế nào là kế hoạch hoá gia đình.

Đó là hình ảnh Duyên, người mẹ 17 tuổi bế đứa con ngơ ngác giữa ngôi nhà bị cháy trụi do người chồng say rượu vừa đốt. Đó là ông Trực, 43 tuổi, có đến 8 đứa con. Đó là hình ảnh anh Hoà, anh Danh - những chiến sĩ biên phòng ngày lên nương, tối vào bản động viên bà con sản xuất và thực hiện kế hoạch hoá gia đình...

Những hình ảnh ấn tuợng đó thôi thúc tôi viết, để nói về cuộc sống và những số phận mà tôi đã gặp... Nhưng khi về đến Hà Nội, niềm mong ước của tôi lại chỉ thực hiện được một phần. Do khuôn khổ của trang báo, bài viết ấy chỉ giới hạn trong một phạm vi nhất định. Tôi rất buồn vì chưa chuyển tải hết những cảm xúc, những tư liệu mà tôi đã cảm nhận và ghi chép được. Đến giờ vẫn thấy tiếc.

Bây giờ đến với đồng bào Rục, ô tô vào tận bản. Cuộc sống của đồng bào ở đây đã đổi thay nhiều lắm nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi về chuyến đi ấy.

Chuyến đi của tôi có thể chỉ là chuyện bình thường đối với những đồng nghiệp khác, nhưng với tôi đó là một kỷ niệm đẹp, một niềm tự hào và điều quan trọng nhất là tôi đã rút ra cho mình được nhiều bài học: trong mỗi bài báo hãy cố gắng viết ngắn gọn, súc tích để chuyển tải đầy đủ được những tư liệu đã thu nhận được, hãy viết bằng tất cả tình yêu và cảm xúc về cuộc sống, về những con người mà mình đã gặp. Không chỉ hiểu, cảm thông, mà còn phải biết nói lên những điều ấy bằng ngòi bút giản dị và chân thành thì những cảm nhận ấy mới có ý nghĩa.

Thu Lê
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

10 gợi ý tìm kiếm thông tin có hiệu quả trên internet (12/03/2007 10:19:30)

Đồng quê hương nếp (08/03/2007 09:10:45)

Làm thế nào để phát hiện cái mới? Cái mới trong mối tương quan với cái cũ (08/03/2007 09:04:34)

Chiều mưa Cuala Lămpơ (06/03/2007 10:14:20)

Những nội dung mới của luật BHXH (15/01/2007 09:05:08)

Tôi đi, viết và mơ... (15/01/2007 09:00:32)

Bạn phải tự yêu và tự học. Không ai có thể yêu thay và học thay! (15/01/2007 08:58:18)

Những nội dung mới của Luật BHXH (13/12/2006 10:57:46)

Nghề báo đã cho tôi gặp những con người như thế (13/12/2006 10:56:04)

Viết cái gì? (Tiếp theo kỳ trước) - Cái bất thường và ý nghĩa xã hội của tin tức (13/12/2006 10:54:45)