Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Viết cái gì? (Tiếp theo kỳ trước) - Cái bất thường và ý nghĩa xã hội của tin tức


(13/12/2006 10:54:45)

Hai kỳ trước chúng ta đã trao đổi về việc "Viết cái gì?" rồi; bây giờ lại trao đổi nữa thì liệu có nhiều không?

Kể ra cũng hơi nhiều. Nhưng chừng nào bạn còn làm báo thì câu hỏi đó còn đặt ra. Mặt khác, trong kỳ trước, tôi có hứa với bạn một vấn đề "sẽ trở lại vào một dịp khác" và tôi không muốn nợ bạn lâu.

À! Tôi nhớ rồi. Lúc đó Người Viết Báo nói rằng sẽ trao đổi về cái câu "chó cắn người hay người cắn chó" là tin.

Đúng vậy! Thực ra, đây chỉ là một cách nói hình ảnh để cụ thể hoá một nguyên tắc đưa tin, đó là: Báo chí phải thông tin những cái mới, những cái mà bạn đọc quan tâm. Và nhìn ở một góc độ khác, đó còn là những cái bất thường, những cái gợi sự tò mò, kích thích và hấp dẫn bạn đọc. Tất nhiên, nó phải có ý nghĩa đối với xã hội.

Về khía cạnh cái mới và những cái bạn đọc quan tâm, chúng ta đã có dịp trao đổi. Kỳ này, tôi muốn nhấn mạnh đến góc nhìn thứ hai; tức là cái bất thường, cái lạ và chính điều này kích thích, gợi sự tò mò và cùng với cái mới, nó tạo sự hấp dẫn của tin tức với bạn đọc.

À! Tôi hiểu rồi! Ví dụ như xuất hiện con gà 4 chân hoặc cây chuối 6 ngọn chứ gì. Nhưng nếu như vậy thì đó cũng là sự kiện mới rồi còn gì.

Đúng! Mọi sự phân chia đều chỉ là tương đối. Cái bất thường chính là cái mới nhưng có yếu tố lạ, khác thường. Nói cách khác, cái bất thường là một dạng đặc biệt của cái mới, như kiểu hình vuông là một dạng đặc biệt của hình tứ giác ấy.

Thôi, nhưng chúng ta không sa đà vào những khía cạnh mang tính lý luận ấy mà hãy đi vào ý nghĩa thực tiễn của vấn đề. Ta hãy trở lại câu hỏi mà bạn đặt ra từ đầu: Viết cái gì?

Báo chí xuất hiện khi xuất hiện tình huống có vấn đề. Nghĩa là, khi có tình huống có vấn đề thì khi ấy báo chí có thể đưa tin phản ánh; hay nói cách khác, tình huống có vấn đề chính là sự kiện mang tính báo chí. Tức là, bạn hãy chọn những tình huống có vấn đề để viết.

Người Viết Báo nói thế thì quá bằng đánh đố rồi, như kiểu bồ nông là ông bồ các, bồ các là bác chim ri, chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu bồ nông... Nhưng, vấn đề ở đây là "thế nào là tình huống có vấn đề"?

Hai đội bóng đá thi đấu với nhau, tất cả cầu thủ của hai đội đều tranh cướp bóng để cố gắng đưa bóng vào cầu môn đối phương. Đó là điều bình thường. Nhưng nếu lại có cầu thủ cố tình đá bóng vào lưới nhà thì đó là điều không bình thường và chắc chắn, báo chí sẽ tốn không ít giấy mực về tình huống ngày.

Hãy khoan! Ở đây có một vấn đề gì đó chưa ổn lắm thì phải. Chẳng hạn, nếu như không có tình huống cầu thủ chủ động đá phản lưới nhà thì báo chí cũng vẫn đưa tin về trận đấu đó cơ mà. Thế thì đâu phải cứ có tình huống có vấn đề mới có thông tin báo chí như Người Viết Báo nói?

Quả là bạn hơi bị tinh ý đấy. Nếu không có tình huống cầu thủ chủ động đá phản lưới nhà thì báo chí cũng vẫn thông tin về trận đấu đó bởi đây là sự kiện mà nhiều bạn đọc quan tâm, tức là vấn đề xã hội quan tâm. Nhưng thông thường thì báo chí cũng chỉ đưa kết quả trận đấu hoặc thông tin hết sức vắn tắt. Còn nếu có tình huống cầu thủ chủ động đá phản lưới nhà thì tin tức về trận đấu đó sẽ không còn là một tin mang tính thông báo bình thường nữa và chắc chắn báo chí cũng sẽ không phải chỉ đưa một lần.

Cũng như vậy, người ta xây dựng một cái chợ là để họp chợ. Đó là lẽ thông thường nên nếu có khai trương một cái chợ lớn nào đó thì cùng lắm bạn cũng chỉ viết được một cái tin ngắn mà thôi. Nhưng nếu một cái chợ xây xong mà chẳng có ai vào họp thì đây lại là chuyện không bình thường rồi. Đó chính là tình huống có vấn đề và bạn hoàn toàn có thể đi sâu vào mổ xẻ xem cái sự lãng phí ở đây đến đây, nguyên nhân tại sao và ai là người phải chịu trách nhiệm.

Có vẻ tôi đã hiểu ra rồi đấy. Nhưng từ nãy đến giờ, qua những ví dụ mà Người Viết Báo đưa ra thì hình như những cái bất thường đề là... chuyện tiêu cực. Chẳng lẽ tình huống có vấn đề lại cứ phải là mặt trái của xã hội?

Không phải hoàn toàn như vậy. Tuy nhiên, ở đây có vấn đề thế này: Xã hội loài người vận động theo đồ thị hình sin, có lúc thăng lúc trầm nhưng luôn theo xu hướng tích cực, phát triển đi lên. Vì vậy, cái tích cực luôn là cái phổ biến và mang tính quy luật. Và nó cũng là cái tất yếu, trở thành điều bình thường trong cuộc sống. Khi đó, cái tiêu cực trở thành cái bất thường; nó là cái cản trở sự phát triển của xã hội và người ta chú ý đến nó nhiều hơn, chính vì vậy, nó trở thành tình huống có vấn đề và là một trong những đối tượng phản ánh của báo chí. Hay nói ngắn gọn, nó trở thành tin tức.

Ví dụ, một cỗ xe vẫn chạy đều đều tiến lên phía trước, mọi người không ai để ý đến tốc độ của xe. Nhưng nếu bánh xe vấp phải một tảng đá, chiếc xe đứng khựng lại, thậm chí có thể đổ xe hoặc chí ít cũng xóc nẩy người lên thì tất nhiên, tất cả những người trên xe đều chú ý đến tảng đá và cú xóc đó. Đây có lẽ chính là điểm mấu chốt mà báo chí hay bị các nhà quản lý phê bình là phản ánh nhiều hiện tượng tiêu cực của xã hội. Theo tôi, vấn đề có lẽ không phải ở chỗ phản ánh nhiều hiệu tượng tiêu cực hay không mà là thái độ và mức độ khi phản ánh các hiện tượng tiêu cực đó như thế nào. Nhưng thôi, hình như tôi đang đi quá xa vấn đề mà chúng ta đặt ra thì phải.

Nhưng tôi thấy đây là vấn đề rất lý thú mà Người Viết Báo hình như đang bắt đầu chạm vào bản chất của cái tạm gọi là "mâu thuẫn" giữa báo chí và cơ quan quản lý thì phải?

Nếu bạn quan tâm thì chúng ta sẽ trở lại vấn đề này trong một dịp khác; còn bây giờ, chúng ta hãy quay trở lại với cỗ xe của chúng ta.

Thôi được. Nếu vậy, lúc Người Viết Báo nói đến tốc độ đều đều của cỗ xe, tôi đã chợt nghĩ, chẳng phải chỉ khi bánh xe vấp phải tảng đá, mà ngay cả khi cỗ xe vẫn tiến lên phía trước nhưng đột ngột tăng tốc thì người trên xe cũng sẽ bừng tỉnh...

Lần này thì bạn đi trước tôi rồi. Đó chính là điều tôi muốn trao đổi tiếp. Trong hành trình của một cỗ xe chạy với tốc độ không đổi hoặc với tốc độ tăng dần đều đi nữa thì bất cứ một sự thay đổi tốc độ hay gia tốc nào cũng là bất thường, nói theo ngôn ngữ báo chí, là tình huống có vấn đề và bạn hoàn toàn có thể đưa tin. Nếu ví cái sự vấp phải hòn đá là tình huống tiêu cực thì việc tăng tốc chính là tình huống tích cực.

À! Nói đến đây thì tôi chợt nhớ lại Người Viết Báo có lần đã trao đổi riêng với tôi rằng: Một em học sinh snág nào cũng thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, đến lớp học bài rồi tan học về nhà thì không phải là sự kiện báo chí. Nhưng nếu một hôm trên đường đến trường em nhặt được ví tiền đem trả lại người mất hoặc cứu một bạn bị ngã xuống sông khỏi chết đuối thì đó mới là sự kiện có ý nghĩa thông tin báo chí. Phải chăng đó chính là tình huống có vấn đề mang tính tích cực?

Bạn nói không sai một chút nào. Nhưng ở đây tôi muốn nói thêm rằng, nếu em học sinh hàng ngày cứ làm đều đều những việc bình thường của một học sinh thì hầu như ta chẳng có gì để phản ánh. Bởi nếu như thế thì cả nước có hơn 2 triệu học sinh sinh viên ta sẽ viết hơn 2 triệu tin bài hay sao. Còn nếu trong công việc bình thường hàng ngày ấy có một tình huống bất ngờ xảy ra thì đó chính là tình huống có vấn đề. Cũng như vậy, trong thời buổi tấc đất tấc vàng này, người ta thi nhau lấn chiếm đất công, thậm chí tranh giành, kiện cáo nhau vì đất nhưng lại có những người hiến đất để làm trường học, thậm chí có người trả lại nhà cho Nhà nước thì đó hoàn toàn là những sự kiện mang tính báo chí. Đến đây thì bạn đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi "Viết cái gì" chưa?

Bây giờ thì tôi biết mình phải viết cái gì rồi: Đó chính là những cái mới và những cái bất thường.

Đúng vậy. Tuy nhiên ở đây, tôi xin lưu ý bạn hai điều. Thứ nhất, cái mới có thể là những hiện tượng, sự vật mới; nhưng cũng có thể là ý nghĩa mới của những sự vật cũ. Thứ hai, nhưng cái mới, cái bất thường đó phải có ý nghĩa xã hội, được mọi người quan tâm.

Chẳng hạn anh bạn tôi lấy vợ, đó cũng là một sự kiện mới đấy nhưng tôi lại không thể viết tin được chứ gì?

Quả là như thế. Nhưng nếu bạn anh lại là một người nổi tiếng thì lại khác, bạn hoàn toàn có thể đưa tin vì thông tin đó có ý nghĩa xã hội nhất định và nhất là nó được mọi người quan tâm. Cũng như trên thế giới một ngày có biết bao nhiêu trẻ em ra đời không thể đưa tin hết được nhưng thái tử Nhật Bản có con trai thì không những có thể đưa tin mà còn là tin "nóng" nữa kia.

Đến đây thì tôi hiểu tại sao không ít tin bài chúng tôi viết lại không được dùng hoặc có được dùng thì cũng bị chê là vô thưởng vô phạt. Đó chính là vì ý nghĩa xã hội của nó không nhiều, chẳng ai quan tâm đến nó, trừ những đối tượng được đề cập trong tin và người viết tin.

Từ luận điểm đó, ta còn có thể phát triển tiếp hoặc rút ra hệ quả là: Ý nghĩa xã hội của sự kiện đến đâu thì mức độ đề cập đến đó, tránh chuyện bé xé ra to nhằm câu khách hoặc phục vụ những động cơ cá nhân. Chẳng hạn chuyện về "khu vườn lạ ở Long An". Thực ra đây cũng là cái mới và là cái khác thường. Nhưng sự khác thường ở đây không phải là khu vườn đó chữa được bệnh mà là chưa có cơ sở khẳng định nó có chữa được bệnh hay không mà nhiều người đã đổ xô về chữa bệnh. Thế nhưng có báo đã nhân sự việc này thổi phồng lên thành chuyện kỳ bí, đăng nhiều kỳ, kéo ra trong thời gian dài, thậm chí còn lôi cả các nhân vật có tiếng vào cuộc nhằm tạo thành dư luận, gây tác động xấu trong dư luận và kết cục là làm giảm sút lòng tin của bạn đọc.

Để xác định được liều lượng, sự đúng mực, đòi hỏi nhà báo phải am hiểu vấn đề và nhất là phải có trách nhiệm cao trước xã hội.

Người viết báo
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006