Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Nhà báo Lê Việt Thảo - người anh lớn trong bước đầu cầm bút của tôi


(13/12/2006 10:35:42)

Năm 1970, sau khi tốt nghiệp lớp phóng viên Thông tấn xã Vịêt Nam khóa 8, tôi được phân công về công tác tại tiểu ban Chính trị - Ngoại giao do nhà báo Lê Việt Thảo làm Trưởng tiểu ban. Hai Phó trưởng tiểu ban là nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Lâm Hồng Long và nhà báo nữ Hoàng Ngọc Yến. Trong tiểu ban còn có nhiều thế hệ phóng viên tin và ảnh, từ những nhà báo đàn anh: Đinh Chương, Ngọc Khanh, Gia Lễ, Hồng Thịnh, Đào Trọng Khánh đến các bạn cùng trang lứa: Chu Chí Thành, Phạm Hoạt, Xuân Lâm, Hồng Lựu... Chừng ấy con người làm việc trong một căn phòng nhỏ, lúc nào cũng tấp nập, hối hả cùng không khí sôi động của các sự kiện chính trị - ngoại giao không ngừng diễn ra trên đất nước trong những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ trước.

            Làm việc ở bộ phận viết tin, tôi được trưởng tiểu ban Việt Thảo trực tiếp hướng dẫn, kèm cặp. Ngay từ buổi đầu, tôi cảm nhận ở ông một nhà báo nhiệt tình, cởi mở, thẳng thắn, nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp. Tôi như một đứa em út của tiểu ban được ông ân cần chỉ bảo phương pháp làm tin. Những gì được học ở lớp phóng viên giờ đây tôi có dịp vận dụng một cách cụ thể, dưới sự hướng dẫn cặn kẽ của Trưởng tiểu ban và các nhà báo đàn anh.

            Là những sinh viên khoa Văn, tôi và Chu Chí Thành đã từng ôm mộng văn chương, tâm hồn bay bổng theo những vần thơ và các dự định sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn. Giờ đây, Thành thì cầm máy ảnh, tôi viết tin thông tấn. Trưởng tiểu ban đã khích lệ tôi rất nhiều. Ông phân công tôi làm tin từ các sự kiện đơn giản nhất, như về một cuộc triển lãm, chiếu phim, một cuộc mít tinh nhỏ, rồi dần dần mới bố trí cho đi họp báo tại các Đại sự quán, gặp gỡ, phỏng vấn các nhân vật có tên tuổi trong xã hội, đưa tin các chuyến thăm Việt Nam của các lãnh tụ nước ngoài.

            Còn nhớ có lần, ông phân công tôi đi Sơn La viết một phóng sự thông tấn nhân kỷ niệm lần thứ 25 Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đọc bài viết của tôi, ông đã khen: "Chú mày viết súc tích mà vẫn có nét văn chương!". Và bài "Bản Luận văn dâng Bác" tôi viết về Nguyễn Ngọc Ký nhân kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ được ông biểu dương trong cuộc họp Tiểu ban.

            Ngày ấy, dù là một tin ngắn hay một bài dài, khi được đăng trên bản tin, trên báo hoặc đọc trên đài... chúng tôi đều rất vui. Thời kỳ đầu, tôi thường cắt và lưu lại những gì mình viết ra. Tôi cũng lưu cả các bản thảo được nhà báo Việt Thảo sửa chữa. Thường thường, ông giúp tôi cắt bỏ những đoạn dài dòng, không gắn với chủ đề. Cứ như thế, ngày lại ngày, được học những gì ông truyền đạt, tôi cảm nhận sự tiến bộ của bản thân và càng thêm gắn bó với hoạt động thông tấn.

Phóng viên Lê Việt Thảo (thứ hai bên trái) cùng Phó Tổng Biên tập Lê Chân và các phóng viên Nguyễn Năng Lam, Hoàng Ngọc Yến trên đường phố Nguyễn Thiệp (Hà Nội) vừa bị bom Mỹ tàn phá (1972).

            Gần hai năm sau, tôi được phân công đi thường trú tại phân xã Quảng Bình. Như vậy, thời gian tôi công tác dưới sự hướng dẫn của nhà báo Việt Thảo không lâu, song đó là quãng thời gian vô cùng quý giá. Từ đó đến nay, nghĩ về ông, tôi vẫn coi ông là một người anh lớn, một người thầy của tôi trong công tác thông tấn cũng như trong nghề báo nói chung.

            Nhà báo Lê Việt Thảo sinh năm 1928 tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ở tuổi 17, ông tham gia giành chính quyền ở quê nhà, đảm nhiệm nhiều công tác tại địa phương và trở thành chiến sĩ Vệ Quốc Quân từ năm 1948. Nét nổi bật ở ông là từ thuở ấy, ông đã rất say mê viết báo. Ở đơn vị bộ đội, ông ham viết báo tường, báo liếp của đại đội, tiểu đoàn... Thỉnh thoảng, ông còn gửi bài cho báo Vệ Quốc Quân - tiền thân của báo Quân Đội Nhân Dân và tờ Vui Sống cùng một vài tờ báo hiếm hoi ngày ấy. Chủ đề là chuyện hàng ngày của người lính, tình quân dân cá nước... Thật ra, ông mơ ước làm nghề viết báo từ tuổi thiếu niên, nhưng chưa hề dám nghĩ trở thành một nhà báo thực thụ, cho dù đồng đội vẫn gọi ông là "nhà báo", "nhà thơ".

            Cho đến một ngày, tại Trại tu dưỡng văn nghệ Liên khu IV (tổ chức năm 1951), rất tình cờ, ông được gặp nhà báo Hải Triều, một cây bút nổi tiếng của báo chí cách mạng Việt Nam. Số là, bài viết "Văn nghệ phục vụ công nông binh" của anh bộ đội Lê Việt Thảo đã lọt vào mắt Hải Triều. Ông hỏi thăm tác giả bài viết và được nhà thơ Thanh Tịnh, nhà biên kịch Bửu Tiến giới thiệu về chàng bộ đội "ham đọc, ham viết", lại "có tính hay cãi!". Hải Triều cười hiền và xiết chặt tay Việt Thảo: "Sở Thông tin Liên khu IV đang cần một số cán bộ. Nếu cậu muốn về với bọn mình thì hoan nghênh!".

            Thế là, một cột mốc lớn đã đến trong đời Lê Việt Thảo. Trở thành cán bộ Sở Thông tin và Ban Tuyên huấn Liên khu IV, hàng ngày, ông biên soạn tài liệu tuyên truyền, làm báo cáo viên chính sách, tin chiến thắng, chọn lọc tin, bài góp cho bản tin và vài tờ báo ở địa phương Liên khu IV. Tuy vốn văn hóa chưa trọn vẹn bằng tú tài, ông học nghề "báo" bằng sự nhẫn nại, học trong sách báo, học các bậc cha anh, bầu bạn, học trong cuộc sống. Ông học trước hết là cách đánh giá sự vật, phát hiện, lựa chọn chủ đề, tìm hiểu các thể loại và học tập nghệ thuật thể hiện. Với Việt Thảo, nhà báo Hải Triều, vị thủ trưởng kính mến, là người rèn dạy với tất cả sự ân cần, khi thì ở cơ quan, khi thì ngay bên quán nước chè xanh hoặc trong những chuyến công tác, cùng đạp xe đường trường... Có lần, Hải Triều lắc đầu khi đọc một bài viết của Việt Thảo: "Chú thích dài dòng tả tình, tả cảnh mà quên đi sâu vào việc làm và kết quả việc làm của người lao động, người chiến sĩ. Có những việc tốn mồ hôi, trí tuệ, có hành động tốn cả xương máu nữa, đó mới là điều nên nói nhiều!"

            Lê Việt Thảo coi đó là bài học vỡ lòng của ông khi bước vào nghề báo. Và đến lượt ông, khi tiếp xúc với thế hệ chúng tôi, ông đã ân cần giúp đỡ, hướng dẫn tận tình như người thầy cũ của ông vậy.

            Ngoài mấy năm công tác ở Liên khu IV, cuộc đời làm báo của Việt Thảo được thể hiện sâu đậm nhất là ở Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1956 cho đến lúc nghỉ hưu, ông làm phóng viên trên hầu hết các lĩnh vực: nông nghiệp, công thương, văn xã, quân sự và lâu nhất là chính trị - ngoại giao. Công tác ở TTXVN, nhưng ông cũng là cộng tác viên của nhiều tờ báo khác như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân. Ông nhớ lời căn dặn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: "Làm báo phải viết cho nhiều báo khác nhau". Từ ngày nghỉ hưu, ông vẫn không ngừng viết. Mỗi tháng viết tới 5 - 6 bài. Nay tuổi cao, sức khỏe giảm sút, ông vẫn mỗi tháng viết tới 2 - 3 bài cho các báo và đài phát thanh. Chủ đề chính mà ông quan tâm là truyền thống và văn hóa - xã hội.

            Cuộc đời trên 50 năm làm báo của Lê Việt Thảo là tấm gương sáng về tinh thần làm việc tận tụy, đầy nhiệt tình, cách mạng tiến công của một nhà báo trung thực, chân thành, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Bác Hồ.

Trần Đương
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Xử phạt những vi phạm các quy định về sử dụng thẻ nhà báo (08/11/2006 09:08:29)

Tôi đi viết phóng sự điều tra (07/11/2006 15:54:13)

Viết cái gì? (07/11/2006 15:42:16)

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả (12/10/2006 09:55:53)

Viết cái gì? (12/10/2006 09:54:46)

Đồng hành theo bước chân tình nguyện (12/10/2006 09:53:11)

Hỏi và Đáp: (03/10/2006 09:31:51)

Họ đã làm việc như thế (18/09/2006 09:22:36)

Dàn ý - Sự cần thiết cho mọi thể loại (18/09/2006 09:11:50)

Hỏi và Đáp : (14/08/2006 10:01:25)