Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Viết cái gì?


(07/11/2006 15:42:16)

Biến cũ thành mới

          * Lần trước, nhắc đến việc Niu-tơn nhìn quả táo rơi và phát hiện ra Định luật Vạn vật hấp dẫn có phải Người Viết Báo muốn nói có thể biến những sự việc nhàm chán, lặp đi lặp lại hàng ngày thành tin tức bằng cách lật ngược lại vấn đề?

           Đúng đấy. Như kỳ trước chúng ta đã trao đổi, xung quanh ta có biết bao nhiêu sự việc diễn ra hàng ngày nhưng không phải cái gì cũng là thông tin báo chí. Tuy nhiên, nếu biết cách khai thác, nếu biết nhìn từ những góc độ mới thì những sự việc cũ đều có thể trở thành cái mới, thành tình huống có vấn đề và khi ấy nó nghiễm nhiên trở thành thông tin mang tính báo chí.

          * Nghe Người Viết Báo nói tôi lại nhớ đến việc đổi đèn mới lấy đèn cũ trong truyện "A-la-đanh và cây đèn thần". Nhưng nói là một chuyện và làm lại là một chuyện hoàn toàn khác. Chẳng hạn ở thành phố có những ngã tư ngày nào cũng xảy ra tắc đường. Chẳng lẽ hôm nay tôi đưa tin tắc đường, ngày mai tôi lại đưa tin tắc đường rồi ngày kia, ngày kìa nữa cũng lại đưa tin tắc đường. Người Viết Báo thử biến cái cũ ấy thành cái mới xem...

Ái chà! Tôi biết là bạn đang thách đố tôi có đúng không. Bây giờ ta cùng xử lý việc này nhé. Đúng là bạn không thể ngày nào cũng đưa tin tắc đường ở ngã tư ấy được, bởi vì chuyện tắc đường đã trở thành bình thường, không còn ý nghĩa về mặt thông tin.Tuy nhiên nếu bạn để ý vào một ngày đẹp trời nào đó cũng ngã tư ấy, cũng giờ ấy lại không tắc đường, thế là bạn đã có một tình huống có vấn đề và hoàn toàn có thể viết được một tin, chẳng hạn: "Lần đầu tiên sau 1.284 ngày, trong suốt giờ tan tầm, ngã tư X đã không còn bị tắc nghẽn...".

          * Chắc Người Viết Báo lại muốn nói "chó cắn người không phải là tin mà người cắn chó" mới là tin chứ gì. Kể ra cũng có lý. Nhưng nghĩ cho kỹ thì đó lại là tình huống mới, sự kiện mới mang tính thời sự rồi chứ đâu phải là việc tắc đường đã trở thành "chuyện thường ngày ở... ngã tư" nữa.

            Bạn nói đúng đấy. Nhưng đưa ra tình huống này, tôi chỉ muốn lưu ý bạn hãy cố gắng để ý, tìm ra cái bất thường trong những cái bình thường và khi đó ta sẽ có sự kiện mang tính báo chí. Còn cái câu "chó cắn người... người cắn chó..." mà các nhà báo phương Tây hay dẫn ra nếu bàn sâu cũng có cái thú vị đấy nhưng để dịp khác chúng ta sẽ trao đổi.

            Trở lại chuyện tắc đường ở ngã tư, đúng là không thể một năm 365 ngày bạn đưa 365 tin về chuyện tắc đường ở ngã tư đó được. Nhưng nếu vì tắc đường mà một chiếc xe cấp cứu không đến kịp được bệnh viện vì vậy mà một bệnh nhân bị tử vong thì bạn lại có thể đưa tin được.

            Hoặc bạn có thể hỏi một nhà kinh tế để họ có thể tính ra cái sự tắc đường đó làm thiệt hại cho xã hội một ngày là bao nhiêu tính ra giá trị; khi đó bạn cũng hoàn toàn có thể đưa tin. Đến đây, bạn có thể đẩy tiếp tình huống bằng cách so sánh con số thiệt hại ấy với số tiền đầu tư xây dựng cầu vượt để rút ra kết luận: Như vậy, nếu xây dựng cầu vượt sẽ khắc phục được nạn tắc đường mà chỉ cần bao nhiêu năm là "hòa vốn".

           * Quả là Người Viết Báo nói rất có lý. Nhưng nếu như không có tình huống chiếc xe cấp cứu bị tắc đường, nếu như không có cơ quan chức năng hoặc nhà kinh tế nào tính giá trị thiệt hại xã hội do sự tắc đường ấy thì phóng viên lấy đâu ra thông tin để viết? Như vậy thực tình tôi chưa thấy cái sự "biến cũ thành mới" mà Người Viết Báo nêu ra từ đầu nằm ở đâu.

           Còn bạn, lần này bạn nói cũng lại đúng đấy. Không phải tôi "trốn" việc trả lời thẳng vào câu hỏi của bạn đâu mà đưa ra các tình huống trên, tôi chỉ muốn lưu ý bạn một lần nữa rằng, bạn phải hết sức chú ý khai thác những tình huống bất thường trong một sự việc bình thường thì mới có thể có tin được; và, bằng việc quy ra giá trị những thiệt hại do việc tắc đường gây ra, ta đã bắt đầu đi sâu vào bản chất, vào trong lòng sự việc rồi chứ không phải chỉ thông tin đơn thuần về hiện tượng tắc đường nữa.

           Bây giờ tôi xin trả lời trực tiếp vào câu hỏi của bạn đây. Để làm mới cái sự việc cũ là nạn tắc đường kể trên, bạn đừng đi vào phản ánh hiện tượng tắc đường bởi vì nó quá bình thường rồi mà hãy lật ngược cái sự bình thường ấy lại: Thế tại sao lại có sự tắc đường? Tại sao nó diễn ra ngần ấy năm mà không ai xử lý? Có thể khắc phục được không? Nếu có thì khắc phục bằng cách nào và bao giờ thì khắc phục? Trả lời các câu hỏi đó là bạn đã có một bài báo không hề cũ chút nào và chắc chắn sẽ thu hút được bạn đọc - người dân bởi đó mới là những vấn đề liên quan thiết thực đến cuộc sống của họ, mới là những vấn đề họ quan tâm chứ không phải chỉ là thông tin đơn thuần về cái sự tắc đường chỉ để thỏa sự tò mò là chính.

           Sau khi đặt ra những câu hỏi trên, bạn hãy đến các cơ quan chức năng của thành phố như: Giao thông công chính, cảnh sát giao thông, quy hoạch đô thị, kế hoạch- đầu tư, ủy ban nhân dân và cả lãnh đạo thành phố để tìm câu trả lời. Câu trả lời chính là nội dung bài báo mà bạn cần để chuyển đến bạn đọc.

          * Nhưng nếu - tôi lại đặt giả thiết "nếu" - các câu hỏi trên đều không được đáp ứng thì sao?

           Đi tìm câu trả lời cho một sự kiện, một vấn đề nào đó là công việc và là công việc chính của phóng viên, không ai có thể làm thay. Nó là công việc mang tính khoa học và nghệ thuật đòi hỏi phóng viên phải vận dụng các mối quan hệ, uy tín, sự khéo léo và cả bản lĩnh của nhà báo mà tôi xin được trình bày vào dịp khác. Ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh, công việc của phóng viên là phải đi tìm bằng được câu trả lời. Và tôi không tin là bạn lại không nhận được câu trả lời nào. Vấn đề ở đây là bạn đừng cầu toàn; nhận được câu trả lời đến đâu, bạn hãy chuyển tải tới bạn đọc đến đó. Nội dung nào nguồn tin không trả lời, bạn vẫn có thể chuyển đến bạn đọc thông tin, chẳng hạn: "Về vấn đề tại sao nạn tắc đường diễn ra ngần ấy năm mà không có cơ quan nào quan tâm giải quyết, chúng tôi đã đặt câu hỏi với UBND thành phố nhưng chỉ nhận được sự lảng tránh". Khi ấy, bạn đọc đã ngầm nhận được một thông tin khác đằng sau dòng chữ ấy rồi; và đó chính là cái bạn đọc muốn biết mặc dù chưa hoàn toàn thỏa mãn.

           Nói cho cùng, thậm chí ngay cả khi không nhận được một câu trả lời nào thì bạn cũng hoàn toàn có thể viết được tin với chủ đề: "Nạn tắc đường ở ngã tư X. Không được các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết". Trong đó, bạn có thể phản ánh lại việc tắc đường ở ngã tư nói trên, nhấn mạnh nó diễn ra đã nhiều năm, trở thành nỗi bức xúc của người dân thành phố; rồi, bạn đặt câu hỏi như đã nêu ở phần trên. Sau đó có thể "kết" như sau chẳng hạn: "Rất tiếc khi chúng tôi mang những câu hỏi, những bức xúc của người dân nói trên đến các cơ quan chức năng thì đều bị lảng tránh hoặc từ chối"... Chắc sẽ không ít người đọc tin đó.

           Nhân đây tôi cũng muốn nói thêm một điều, phóng viên nhà mình nhiều khi quá "thật thà", giao cho đi viết một đề tài nào đó là có khi cứ cứng nhắc khư khư bám chắc vào đề tài đó, sự việc diễn biến khác đi một chút là thôi luôn. Chẳng hạn như bảo đi xem thị trường cuối năm giá thực phẩm có tăng không, phóng viên đi một hồi rồi về báo cáo "chẳng có gì cả, giá thực phẩm không những không tăng mà còn giảm chút ít" mà không biết rằng, cái sự không tăng ấy cũng là vấn đề để viết; hơn thế, nếu giáp tết mà giá thực phẩm giảm thì lại càng có cái để viết chứ sao bảo là "không có gì". Cũng như thế, khi phỏng vấn, nếu nguồn tin nói gì thì ta viết là nguồn tin nói gì, còn nguồn tin không nói thì ta cũng viết là nguồn tin không nói gì và cần nói rõ ra là ta hỏi gì mà nguồn tin không nói. Nên nhớ, trong nhiều trường hợp, sự im lặng cũng là thông tin, thậm chí có khi còn là thông tin đó như thế nào, đặt nó ở chỗ nào mà thôi.

          * Đến đây thì tôi hiểu ra rồi, nghĩa là trong tình huống nào phóng viên cũng có thể viết được tin và cũng phải viết được tin. Vấn đề là phải biết đi sâu vào sự việc chứ không phải chỉ dừng lại ở việc phản ánh hiện tượng bên ngoài, phải lật đi lật lại vấn đề chứ không chấp nhận nhìn nhận sự việc một cách đơn giản theo thói quen hàng ngày.

           Bạn đã khái quát đúng vấn đề rồi đấy. Nói tiếp theo mạch suy nghĩ của bạn thì khi ấy ta sẽ phát hiện ra muôn vàn cái mới trong sự việc tưởng như đã quá cũ, đã nhàm chán. Vấn đề là ở chỗ phải biết đặt câu hỏi như kiểu Niu-tơn đặt câu hỏi "Vì sao quả táo khi rụng lại rơi xuống mặt đất?". Đặt được câu hỏi mới có nghĩa là ta đã biết cách tiếp cận vấn đề dưới một góc độ mới và như thế là ta đã nhìn thấy cái mới trong cả những sự việc đã cũ, đã nhàm chán. Và, như vậy là ta đã biến được cái cũ thành mới rồi.

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 10-2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả (12/10/2006 09:55:53)

Viết cái gì? (12/10/2006 09:54:46)

Đồng hành theo bước chân tình nguyện (12/10/2006 09:53:11)

Hỏi và Đáp: (03/10/2006 09:31:51)

Họ đã làm việc như thế (18/09/2006 09:22:36)

Dàn ý - Sự cần thiết cho mọi thể loại (18/09/2006 09:11:50)

Hỏi và Đáp : (14/08/2006 10:01:25)

Hỏi và đáp:  (14/08/2006 10:00:32)

Hỏi và đáp : (14/08/2006 09:59:38)

Dàn ý - Cái khung cho bài viết  (14/08/2006 09:45:35)