Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Họ đã làm việc như thế


(18/09/2006 09:22:36)

Khi đã qú quen với cĩng việc, những người lđm báo đã khĩng cìn qú lo lắng trong những chuyến đi dđi ngđy, bởi cách lđm việc ngđy cđng trở nân chuyân nghiệp hơn, sức chịu đựng cũng dẻo dai hơn. Nhưng khi mọi thứ trở nân bình thường, thì chợt một lơc nđo đỉ, ở một nơi nđo đỉ, thậm chí lđ khoảnh khắc nđo đỉ, nhìn sang đồng nghiệp, mới thấy, mọi nỗ lực của bản thân, vẫn lđ cái gì đỉ, chưa thể thoả mãn...

1. Nắng.

          Cái nóng gay gắt cao đột ngột tới 38-39 độ vào tháng 5 như muốn xoá tan đi mọi khát vọng sục sạo cơ sở của đám phóng viên "máu" nghề trong chuyến công tác về Thái Bình. Bảy con người, dân Thông tấn, báo Công an Nhân dân, Đài Truyền hình VN, mặt ai nấy đỏ phừng phừng, mồ hôi ướt đầm, mải miết với những "nhân vật" nhiễm HIV/AIDS ở xã Vũ Tây, huyện Kiến Xương, Thái Bình, xã cách đây hai năm rát bỏng vì cái chết trắng  và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Những người đi cùng đoàn (hướng dẫn phóng viên xuống địa bàn) đã tản mát đâu đó. Đường làng vắng lặng, một cụ già thấy có cánh truyền hình, ra cổng ngó lơ: "Này! Tôi chẳng muốn lên ti vi đâu, ngại lắm", rồi cười móm mém. Chỉ bằng ấy con người. Cánh "báo viết" bắt đầu thấy oải khi suốt sáng đi bộ vào các gia đình gặp chính quyền xã, tới trạm y tế, làm việc với huyện. Phần việc của họ cũng "nhẹ" hơn khi chỉ việc "gặp" và "nói chuyện" (phỏng vấn), rồi tranh thủ ngồi phệt ngay bậc cửa, uống vội hớp nước trong trai Lavie mang theo, rồi nghếch mắt lên nhìn anh em truyền hình tác nghiệp.

 

          Quả thật, cánh "truyền hình", trong mọi trường hợp, không hề tỏ ra mệt mỏi. Họ, một ekíp ba người gồm phóng viên chính, vừa là biên tập viên, vừa là "đạo diễn" phối cảnh quay, sắp xếp ngoại cảnh, bố trí con người của sự kiện và một quay chính, một phụ quay vẫn xoay trần với "những nhân vật trung tâm" của bài phóng sự. Vác chân máy lên xuống khách sạn, đi bộ đường làng, và cũng vác máy quay nặng mấy ký lô, đi cũng bằng ấy quãng đường, trong nắng gắt, vào lúc đúng Ngọ, quả là "sức khỏe" vô biên, sự nhẫn nại nghề nghiệp cũng thật đáng nể. "Phần hồn" của kíp, chị phóng viên nhỏ "như cái kẹo" (chị có nhiều biệt hiệu được anh em trong đoàn đặt cho), tóc cắt tém, vai đeo giỏ, tay cầm cuốn sổ cây bút, tay cầm micro, miệng nói như chim: "Nào, nhờ chị đứng vào vị trí như đang tập huấn cho nhóm, máy chuẩn bị, cân bằng trắng lại nhé". Cánh báo viết lắc đầu, "mệt thật!". Chỗ nào cũng dàn cảnh, chỗ nào cũng phỏng vấn, sắp xếp, làm truyền hình nhiều tiền, nhưng vất vả quá, chả ham.

 

          Một giờ trưa, cả đám đói meo. Điện thoại của cán bộ dẫn đường reng reng: "Sắp xong chưa? Trên huyện họ đang đợi cơm, hôm nay là thứ Bảy, tội họ quá". "Ối giời, xong thế nào được. Chờ đấy". Trời vẫn nóng như đổ lửa.

 

2. Mưa.

          Không kịp nghỉ sau bưa cơm ăn vội, 14 giờ 30, cả đám lại lên đường. Xe ô tô 7 chỗ bữa nay giở chứng, máy lạnh "chết" từ lúc nào. Mở hai cửa kính ở băng ghế trên, gío nóng hầm hập lùa vào. Phía dưới, cửa đóng chết vào khung xe, hai cậu "giữ máy" truyền hình chỉ biết ngồi chịu trận. Chiều nay về một doanh nghiệp tư nhân làm từ thiện suốt mười mấy năm qua, nuôi cơm - dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam. "Phát ốm mất thôi, nóng quá", ai đó trong đoàn thốt lên. Nhưng, ông giời "giở mặt như bàn tay", vừa dứt lời, thấy trước mặt trời tối dần, mây kéo về, đen kịt. Cứ như có ma, ở đâu ra mà nhanh thế. Thế rồi cũng nhanh như thế, mưa tuôn xuống xối xả. Cái nóng từ mặt đường hấp lên hầm hập, cửa kính kéo vội, cả đám mồm mũi tranh nhau thở. Đám truyền hình rên rỉ, chết rồi, mưa thế, ghi hình làm sao. Đám báo viết gật gù, họ nhàn nhã hơn rất nhiều, chỉ cần "túm" lấy ông chủ, "chộp" vài đứa trẻ, là xong.

 

          Con xe lao xuống dốc cái "hẫng". Tới rồi. Đội mưa, cả đám bước xuống. Trong khi mấy anh Thông tấn, Công an Nhân dân còn đang tay che, tay hứng, gạt mưa trên mặt, đám truyền hình đã phăm phăm nhảy xuống, vác máy chạy ào. "Anh chị bố trí cho em cảnh các cháu đang làm nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan. Lấy nhân vật nào khuyết tật nặng, nhưng đã học thành nghề và có thu nhập. Sau đó, bố trí cho em một cảnh các cháu đang sinh hoạt, anh chị hướng dẫn nghề", chị phóng viên truyền hình nói một thôi một hồi. Ồ, cái chị "như cái kẹo" này không biết mệt à, hai cái cậu vác máy kia nữa, người gì mà cứ như sắt thế.

 

          Đám báo viết đã xong việc, lại ngồi chơi xơi nước. Ngoài kia, trời đã hửng trở lại, chị phóng viên truyền hình, chẳng biết từ lúc nào, đã dàn xong cảnh quay, đang phỏng vấn ông chủ. Khiếp quá, họ làm việc như máy. "Chưa xong đâu, còn vài cảnh quay nữa, nhớ ghi hình đoạn đường vào đây nhé. Lát quay về, vào gặp Lãnh đạo Sở Thương binh Xã hội phỏng vấn luôn. Phải nhanh lên", chị phát lệnh với cánh quay phim. Mà đúng phải nhanh thật. Xong ở đây, cả đoàn rút êm về Hải Phòng, 70 km nữa, ít gì.

 

3. Tới Hải Phòng, tranh thủ dạo phố, 11 giờ khuya về đến khách sạn. Cả đám thấm mệt, Mấy ngày quần thảo ở Thái Bình, chưa kịp nghỉ ngơi. Trước lúc đi, ai cũng bảo, nhớ phải chén cho được món cá khoai, ấy thế rồi quên béng. Về Hải Phòng cũng vậy thôi. Này, sáng mai, 6 giờ nhé, ăn sáng, còn tiếp tục chiến đấu. Buông mình xuống giường, đánh một giấc thẳng băng...

 

          "Dậy đi các em ơi, 6 giờ kém 10 rồi" bà chị "chuồn chuồn kim" bật dậy từ lúc nào, đã quần áo chỉnh tề, ngồi trang điểm. Trong mấy ngày cùng ở, lúc nào cũng thế, giờ giấc với chị "không chênh một phút". Nhỏm người dậy là chân đặt xuống đất, tay bấm điện thoại nội bộ, gọi bọn "đàn em" phòng bên. Chị cả rõ rệt, tính kỷ luật và yêu cầu cao của truyền hình thành thói quen khó thay đổi. Trong lúc ấy, cánh chúng tôi còn mắt nhắm mắt mở, vươn vai vài cái, nhõng nhẽo như trẻ nhỏ, mới nhấc mình ra khỏi tấm nệm êm ái, trắng phau. Giường kế bên, cô em của một tờ báo, đang có bầu, trễ nải vì mệt mỏi: "Các chị đi đi, về cho em chép lại. Đi hết nổi rồi". Lại một ngày nắng, mặt bạc phếch.

 

          Cầu cho ngày qua mau, cầu cho công việc nhanh chóng, hoàn tất, cầu cho đám truyền hình làm việc nhanh nhanh lên. Gì mà kỹ thế, sao lại phỏng vấn ghi hình, dàn cảnh cầu kỳ thế. Tôi bắt đầu lầu bầu. Cả đám kéo ra xe ngồi. Chị "chuồn chuồn kim" vẫn mải mê công việc. Không một tiếng than. Giọng vẫn ngọt, nhẹ như gió thoảng khi leo lên xe về nhà khách.

 

          Mười giờ đêm, trời vẫn hừng hực như ngày. Cả đám kéo nhau ra vỉa hè ngồi xơi ốc luộc. Mệt, chẳng ai buồn nói chuyện, sợ rẳng tiếng động sẽ khiến không khí nóng hơn. Chỉ riêng chi "chuồn chuồn kim" vẫn như thách thức với trời đất, ghếch chân lên ghế, kêu một vại bia hơi, tu đánh ực. Người ngoài nhìn vào, chắc không thể coi là hình ảnh đẹp. Nhưng tôi, khi đã cùng chị làm việc mấy ngày, hiểu rằng, sau những mệt nhọc, sau những giờ phút đắm mình trong công việc, duy chỉ có lúc này, họ mới có thời gian cho riêng mình. Một chút "ngổ ngáo", một chút "đàn ông" cũng có thể được lắm chứ.

 

          Đêm khuya như sâu hơn. Đường phố vắng tanh. Ngày mai, ngày mới. Cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc. Nhưng, những đồng nghiệp của tôi, như chị, cũng như kíp làm việc của chị đã để lại ấn tượng không nhỏ, dù tôi biết, sau này, tôi sẽ còn gặp nhiều đồng nghiệp khác, trong những chuyến đi khác nữa.

 

Xùn Phong
(Theo Nội san Thông tấn, số 8-2006)