Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Làm thế nào để phát hiện cái mới? Cái mới trong mối tương quan với cái cũ


(08/03/2007 09:04:34)

Lần trước nghe Người Viết Báo nói đến lòng say mê và vốn hiểu biết, về nhà ngẫm nghĩ mới thấy quả thật mình còn "hổng" nhiều quá. Lâu nay thấy tin, bài mình viết vẫn phát đều trên bản tin, hàng tháng vẫn lĩnh đủ tiền định mức, thậm chí còn có tin được điểm chất lượng nữa nên nghĩ mình đã oai lắm; nhưng đọc kỹ lại mới thấy tin, bài của mình hời hợt thật.

            Tại sao cùng một sự việc ấy, cùng một sự kiện ấy nhưng bài của các báo khác đi sâu hơn, hấp dẫn hơn còn tin của mình hầu như chỉ mang ý nghĩa thông báo với những từ sáo rỗng chung chung; nào là "cố gắng", "tập trung", "đẩy mạnh"...để có "kết quả khả quan", "chuyển biến rõ rệt", "hiệu quả tích cực", "ý nghĩa xã hội sâu rộng"v.v...Tôi tự ngẫm, gốc gác của vấn đề là mình chưa thực sự có lòng yêu nghề đến độ đam mê, sống chết với nghề mà nhiều khi coi nghề chỉ là một phương tiện kiếm sống. Mà bản thân mình đã không say, không hiểu sâu thì làm sao bài viết có thể có lửa để bạn đọc "mê mẩn" được.
           
Đúng vậy. Nếu không say mê, không hiểu biết, không những ta không thể truyền lửa được vào bài viết mà ta còn khó có thể phát hiện ra cái mới để viết như lần trước chúng ta đã trao đổi.

            Tuy nhiên, quay trở lại vấn đề chúng ta đang trao đổi, để phát hiện cái mới, ngoài sự say mê và vốn hiểu biết, bạn còn cần phải biết đặt sự vật trong mối quan hệ biện chứng của nó. Đặc tính của sự vật chỉ bộc lộ trong mối tương quan, trong mối quan hệ với sự vật khác. Ví dụ, ta nói ngày là đặt trong tương quan với đêm; nếu không có đêm sẽ không có khái niệm ngày; cũng như ta chỉ có thể nói mặn so sánh với nhạt.

            Cũng như vậy, khi nói mới là ta đã đặt sự vật trong mối tương quan với cái cũ. Nói cách khác, ta nói mới là ta đã có sự so sánh, mới so với cái gì?

 

            À, tôi hiểu rồi, như vậy là muốn phát hiện cái mới thì ta phải biết được cái cũ chứ gì?

            Quả đúng như vậy! Nếu nói mới thì phải là mới so với cái gì chứ. Vì vậy, để có thể phát hiện ra cái mới, ta phải hiểu và nắm vững cái cũ.

            Ví dụ, ngã tư X hôm nay tác nghẽn tới hơn 2 tiếng đồng hồ. Nếu hôm nào ngã tư ấy cũng tắc nghẽn như thế thì sự kiện hôm nay không còn mới nữa; nhưng nếu mọi hôm thông thoáng mà hôm nay tắc nghẽn trầm trọng như thế thì đích thị là sự kiện mới rồi và ta hoàn toàn có thể đưa tin.

             Lại nữa: Một địa phương đạt năng suất lúa 4 tấn/ha/vụ. Nếu chỉ có thông tin như vậy thì thông tin ấy không có nhiều ý nghĩa vì ta không thể biết như thế là cao hay thấp. So với những vùng lúa trọng điểm có trình độ thâm canh cao thì năng suất đó là bình thường nhưng nếu ta biết được đây là vùng đất bạc màu, luôn thiếu nước, những vụ trước chỉ đạt 2 tấn/ha chẳng hạn thì con số 4 tấn lại chính là cái mới mà bạn hoàn toàn có thể đưa tin và thậm chí còn có thể đi sâu khai thác để viết bài: Làm thế nào để đạt được năng suất đó.

            Ngay như một văn bản mới ban hành cũng thế, nếu bạn không nắm được những quy định trước đây thuộc lĩnh vực đó như thế nào thì bạn cũng không thể phát hiện được trong văn bản này có gì mới. Chính vì vậy, trong rất nhiều tin đưa về văn bản mới ban hành (tạm gọi là tin văn bản), tôi thấy phóng viên mình gần như chỉ thông báo cho bạn đọc rằng có một văn bản thuộc lĩnh vực nào đó mới được ban hành; kỹ hơn một chút thì có bao nhiêu chương, điều, nói về vấn đề gì... mà không nêu được văn bản này có gì mới so với trước. Như vậy thì bản thân tin đó đã nông rồi còn nói gì đến việc đi sâu phân tích, bình luận ý nghĩa của chính sách mới đó như thế nào.

 

            Cứ như Người Viết Báo nói thì muốn viết vấn đề gì ta cũng phải nắm thật vững vấn đề đó hay sao?

            Nếu bạn không nắm vững thì bản thân bạn cũng chẳng hiểu rõ, làm sao còn có thể thuyết phục được bạn đọc. Mà ở đây tôi mới chỉ nói đến việc nắm vững cái cũ để có thể phát hiện ra cái mới thôi chứ chưa nói đến vấn đề thể hiện.

            Khi bạn đã nắm thật chắc một lĩnh vực, một nội dung, một vấn đề nào đó, chỉ cần thoáng nghe một thông tin là bạn đã "đánh hơi" được ngay trong đó có gì "mới" hay không và quan trọng hơn, bạn còn biết được cái mới đó (nếu có) ở mức độ nào, ý nghĩa xã hội của nó đến đâu để bạn định hướng ngay có thể thông tin đến mức độ nào. Tức là, bạn phải nắm được tiểu sử, lịch sử để hiểu được quá trình phát triển của sự vật.

 

            Nhưng, làm thế nào để có thể nắm được cái cũ như Người Viết Báo nói?

            Phải tích lũy dần thôi bạn ạ, chẳng có phép màu nào cả.

            Chẳng hạn, có một máy bay trinh sát chụp ảnh dưới mặt đất. Để có thể phát hiện ra những thay đổi trong khu vực do đối phương kiểm soát, người ta phải so sánh bức ảnh mới chụp được với những bức ảnh trước đó. Nhưng để có được những bức ảnh cũ, người ta phải tích luỹ.

            Làm báo cũng vậy, bạn  không ngừng phải tìm hiểu và tích lũy kiến thức về lĩnh vực mình theo dõi như lần trước chúng ta đã trao đổi về sự học tập. Nhưng ở đây còn có vấn đề của công tác tư liệu. Bạn đừng nghĩ công tác tư liệu là một cái gì đó của chung cơ quan. Không phải; mỗi nhà báo thực thụ đều phải tiến hành công tác tư liệu cá nhân: Trước hết là những văn bản pháp quy về lĩnh vực đó; sau nữa là những báo cáo, những thông tin, bài báo về nội dung đó. Bạn phải tích lũy hàng ngày, thường xuyên, liên tục. Dần dà, kho tư liệu của bạn sẽ ngày càng dày dặn, đầy đủ và sự hiểu biết của bạn về lĩnh vực đó cũng sẽ thấu đáo hơn.

 

            Nếu làm được như thế thì tốt quá rồi nhưng tôi biết có rất nhiều phóng viên chẳng hề tích luỹ tư liệu gì mà vẫn cứ hoạt động được đấy thôi?

            Quả là trong thực tế có không ít phóng viên như thế và họ vẫn viết được tin hàng ngày. Nhưng tôi dám chắc một điều rằng, tin họ viết sẽ không thể sâu được và tôi gọi đó là loại phóng viên "ăn xổi", tức là vớ được cái báo cáo, văn bản gì là ngồi chế biến thành tin, thành bài mà nhiều khi không hề biết trong cái văn bản đó, báo cáo đó đâu là vấn đề mới có thể đi sâu khai thác. Vì thế tin họ viết rất dài, mỗi thứ một tí mà chẳng hiểu họ định nói cái gì chứ chưa nói rằng điều họ thông tin có thu hút bạn đọc hay không.

            Ví dụ đơn giản nhất là tôi đã từng đọc nhiều tin viết về sự thay đổi thuế suất xuất nhập khẩu nhưng trong đó chỉ nêu là ngày này tháng này Bộ Tài chính có quyết định quy định thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng X là bao nhiêu mà không hề có sự so sánh thuế suất loại hàng này trước đó là bao nhiêu để chí ít cũng thông tin cho bạn đọc biết như vậy là tăng hay giảm. Nếu chuyên theo dõi về một lĩnh vực mà phóng viên lưu được văn bản của lần thay đổi thuế suất trước thì công việc đơn giản hơn nhiều và bạn đọc cũng được tiếp nhận thông tin đầy đủ, hoàn chỉnh hơn đó. Cao hơn, phóng viên còn có thể bình luận, đánh giá về sự thay đổi và hướng bạn đọc đến một sự nhận thức toàn diện hơn chứ  không phải chỉ là một thông báo đơn thuần.

 

            Như vậy theo tôi hiểu, để phát hiện được cái mới thì phóng viên phải có sự mẫn cảm nghề nghiệp, sự hiểu biết sâu rộng và phải hiểu được quá trình phát triển của sự vật, phải đặt sự vật trên nền cái cũ để bật ra cái mới.

           Quả là bạn đã khái quát vấn đề một cách ngắn gọn và dễ hiểu rồi đấy. Tôi chỉ xin tóm tắt thêm: Muốn thế, bạn cần phải có sự say mê nghề nghiệp, không ngừng học tập và tích luỹ tư liệu. Đó chính là bí quyết của một nhà báo giỏi.

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Chiều mưa Cuala Lămpơ (06/03/2007 10:14:20)

Những nội dung mới của luật BHXH (15/01/2007 09:05:08)

Tôi đi, viết và mơ... (15/01/2007 09:00:32)

Bạn phải tự yêu và tự học. Không ai có thể yêu thay và học thay! (15/01/2007 08:58:18)

Những nội dung mới của Luật BHXH (13/12/2006 10:57:46)

Nghề báo đã cho tôi gặp những con người như thế (13/12/2006 10:56:04)

Viết cái gì? (Tiếp theo kỳ trước) - Cái bất thường và ý nghĩa xã hội của tin tức (13/12/2006 10:54:45)

Nhà báo Lê Việt Thảo - người anh lớn trong bước đầu cầm bút của tôi (13/12/2006 10:35:42)

Xử phạt những vi phạm các quy định về sử dụng thẻ nhà báo (08/11/2006 09:08:29)

Tôi đi viết phóng sự điều tra (07/11/2006 15:54:13)