Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tôi đi, viết và mơ...


(15/01/2007 09:00:32)

Bây giờ, tôi vẫn tâm niệm câu thơ của nhà báo lão thành Lê Việt Thảo: "Kiếp sau nếu được làm người. Thì tôi lại tiếp làm đời phóng viên".

1. XƯA, BÁO VIẾT...

Tôi dùng từ "xưa" vì hiện nay tôi đã không còn làm thể loại này nữa.

Nhưng nhớ lại quãng thời gian dài làm báo viết, phải nói là rất vui và kỷ niệm thì ... ôi, sao mà "dào dạt".

Kỷ niệm đáng nhớ nhất là chuyến đi công tác Quảng Trị với một nhóm "nổi danh tài sắc", "tuyển" từ các ban của TTXVN. Toàn những gương mặt rất dễ "xuất thần": Thanh Hà (Ban ảnh), Đỗ Quyên (Ban Tin trong nước), Trần Quang Vinh (khi đó là Trưởng phòng Văn xã báo Tin Tức).

Chỉ riêng gương mặt tôi là khác, dễ "bần thần".

Hôm đó, chúng tôi ngồi trên xe bon bon về mảnh đất Vĩnh Linh đầy tình thương và đức hy sinh. Khí thế trên xe hừng hực trong tiếng hè oi ả. Đỗ Quyên duyên dáng và xinh đẹp, "nổ" như ngô rang. Trần Quang Vinh, một Lý Đức "phẩy" của TTXVN, luôn tranh thủ "gồng" khoe cơ bắp những khi có điều kiện, mặc dù xe chật cứng. Anh Thanh Hà hiền nhất nhóm, âm thầm đợi chờ những tiếng "toét toét" như tiếng kèn bán kem dạo, phát ra từ "con dế" cất kỹ trong túi. "Toét toét", gương mặt anh rạng rỡ, tay lôi mục kỉnh ra đeo, đọc chậm rãi từng dòng tin nhắn chắc là yêu thương, rồi chậm rãi bấm từng con chữ nhắn lại chắc cũng yêu thương chẳng kém, xong, cất "dế" vào túi và lại... đợi chờ. Lúc đó, trông anh cũng hồi hộp, cũng ngẩn ngơ và cười vu vơ, y như một cậu bé tuổi teen mới bước vào mối tình đầu.

Đến Quảng Trị, trước tiên là chúng tôi ào vào chợ Đông Hà, tản đi mua sắm. Chắc các độc giả thân yêu sẽ đặt một dấu hỏi "cực nhớn": "Thế không tác nghiệp à, không săn ảnh săn tin à, sao lại đi shopping?" Thôi, tôi tự "vạch áo" rồi. Thực ra, chúng tôi chỉ rảnh vào cái buổi chiều muộn trong chợ Đông Hà hôm ấy, để từ ngày hôm sau cho đến 10 ngày tiếp theo nữa cả nhóm lao vào làm việc "từ vươn thở đến tiếng thơ" tại Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Trở lại với buổi chiều đầu tiên tại chợ Đông Hà. Sau khi ra khỏi chợ, anh nào anh nấy xách một túi rõ to, vừa đi vừa "ôi, ơ, sao mà rẻ thế nhỉ, hay là chúng ta mua phải hàng "dởm"". -"Làm gì có chuyện, nhà báo chứ có phải "gà" đâu"... Chúng tôi về phòng chuẩn bị rồi xuống phố đi ăn tối. Gặp nhau, cả bọn cùng phá lên cười rộn ràng. Ai cũng diện đồ mới vừa mua tại chợ Đông Hà. Quang Vinh "lốp" như căng hơn trong chiếc quần bò mới giá 90.000 đồng. Thanh Hà trắng xanh trên nền áo bò (hình như) mua hết 40.000 đồng, đeo thêm chiếc kính râm 20.000 đồng dù trời đã nhập nhoạng. Đỗ Quyên và tôi, cùng đồ mới y chang, tươi tắn. Quyên "bỉ" Thanh Hà: "Kính rẻ thế chắc hàng Địch Lộng (Ninh Bình) đưa vào rồi". Anh Hà lúc ấy, chợt quên là tính mình hiền, đỏ mặt cãi phăng: "Hàng Thái đấy, cô chớ có nói bừa".

Chúng tôi chỉ rảnh rang vui đùa có một buổi chiều hôm đó. Từ sáng sớm hôm sau, cả nhóm miệt mài đi cơ sở để thực hiện các trang viết về những gương chiến đấu quên mình, những câu chuyện cảm động rơi nước mắt về sự hy sinh của người dân sống hai bên bờ Hiền Lương thuở ấy. Đó là bác công an già chỉ huy nhóm bảo vệ chốt bên sông; là cậu trai trẻ tên An được sinh ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc, dưới làn bom đạn của địch; là người du kích dũng cảm bơi 21 km từ đảo Cồn Cỏ về đất liền trong chuyến đi tiếp tế cho bộ đội trên đảo. Rồi câu chuyện về cặp vợ chồng ở hai bên bờ sông, chỉ nhìn thấy bóng nhau mà không sao gặp mặt, cho tới ngày thống nhất đất nước...

Tôi rất nhớ buổi tối đến thăm gia đình anh An. Con đường đất lồi lõm, hai bên chó sủa inh tai. Chúng tôi bập bõm bước đi trong màn đêm đen như mực. Lúc đó tôi và Quyên lo lắm, chỉ sợ chẳng may vô tình đưa chân mình vào một con cún nào đó đang đứng vẩn vơ bên đường. Quang Vinh tuy có thân hình khôi vĩ nhưng té ra là một tay sợ chó, nên cẩn thận đi sau lưng hai chị em. Thanh Hà có máy ảnh như một thứ vũ khí nên dũng cảm hơn cả bọn, chẳng hiểu sao mắt lại nhìn rõ trong đêm, phăm phăm đi trước. Đến nơi, cả nhóm thở phào rồi tiếp tục chiến đấu với lũ muỗi nhâu nhâu bay tới. Cũng như nhiều gia đình ở Quảng Trị, nhà bố mẹ An rất đơn sơ, quạt máy không có. Chúng tôi phải thực hiện rất nhiều thao tác: viết, hỏi, ghi âm, quạt, đánh muỗi, gãi... trong ánh đèn tù mù. Chúng tôi lại không nghe quen tiếng địa phương nên sau chuyến đi đó, về nhà cả nhóm "bóc băng" một cách khổ sở.

Và còn có những kỷ niệm, nhỏ thôi, anh Vinh là một phóng viên đầy năng lực, yêu nghề và không ngại khó. Chúng tôi quý anh ở cái nết ấy. Trong chuyến đi công tác, chính anh là người tạo ra những trận cười nghiêng ngả từ các câu hỏi rất "ngây thơ" của mình. Tôi xin nêu một ví dụ:

Bác công an già (trầm ngâm) kể: - Chao ơi, kinh khiếp đi. Chúng nó bắn pháo liên tục, đổ bom như vãi trấu. Nhiều hầm của anh em bị bom đánh sập, hy sinh rất nhiều.

Anh Vinh: - Vậy hầm của bác có bị bom đánh sập không?

Bác công an (ngớ ra): - Æ , cái chú này. Hầm của tui bị bom đánh sập thì tui làm sao còn ngồi đây với chú được.

Những câu hỏi đại loại như thế này của anh Vinh khá là... "dồi dào".

Đó là một chuyến công tác rất ý nghĩa đối với tôi vì có nhiều kỷ niệm đẹp và nhóm cũng gặt hái được một số thành công nhất định, như được giải thưởng của Hội nhà báo, của cơ quan...v.v.

Thời gian này tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, viết rất nhiều. Đêm về, giấc mơ của tôi là những con chữ và những con đường thiên lý...

 

2. NAY, BÁO HÌNH

Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đáng mến ở TTXVN đều tỏ ý ngạc nhiên và tiếc khi tôi chuyển sang một lĩnh vực mới mẻ: báo hình. Lúc đó, tôi lại nghĩ rằng "thì báo viết báo hình cũng là làm báo, và đời này kiếp này ta vẫn là người phóng viên".

Thế nhưng, khi mới sang làm báo hình của cơ quan, đã có lúc tôi không muốn "kiếp này làm người phóng viên" nữa. Tôi nản.

Vì mọi sở trường (theo đánh giá của cấp trên và đồng nghiệp) bỗng "bay hơi". Tính đặc thù của thể loại này khiến có lúc tôi cảm giác mình đang đi trong đêm đen, không đèn, không đuốc.

Thực ra, các "sếp" mới, cũng như các "sếp" cũ, luôn tạo điều kiện cho tôi tác nghiệp và thoải mái thể hiện ý tưởng của mình. Môi trường làm việc (về phía lãnh đạo) là "vô cùng ổn", tôi nghĩ thế. Ấy vậy mà con đường báo hình tuy có ánh sáng ở trên nhưng hai bên đường lại vương vấn vài bụi hồng chi chít gai. Có chiếc gai không với tới mình nhưng có chiếc lại cố vươn ra, chích cho bằng được. Có lúc tôi đã mơ về môi trường làm việc cũ của mình, mọi người ai lo việc nấy, chẳng bận tâm tới công việc của người khác. Và khi tỉnh lại, trước mắt vẫn là môi trường mới, với một vài chiếc gai "vô hình" không làm ai chảy máu nhưng lại rấm rứt khó chịu.

Cũng may, từng ấy năm làm báo tuy chưa nhiều, đã luyện cho tôi một "lớp da" khá dày, mà lũ gai kia lại đang "cớm". Vì thế, mọi việc dần dần đi vào quỹ đạo, dù rằng gai vẫn cứ là gai.

Nghề báo hình cũng giống như nghề nông, luôn phơi mình ra ánh sáng mặt trời. Tôi và các đồng nghiệp đều mặn mòi màu da mãi không nhả nắng. Tôi viết ít đi, tiết chế bớt phần "chữ nghĩa mang tính hình ảnh" của mình (vì có máy quay lo), nhưng đi thì như bộ đội thời chiến. Các đồng nghiệp cũng vậy, sục sạo săn tin, làm bài phóng sự với khí thế hừng hực của tuổi trẻ. Sản phẩm đa dạng, rất nhiều. Chỉ chờ có "sóng".

Ở những nơi chúng tôi đến tác nghiệp, nhiều người dân sẵn sàng tâm sự với ống kính những tâm tư, nguyện vọng của mình. Họ mong mỏi chúng tôi giúp cho hình ảnh của họ được xuất hiện trên vô tuyến, để những người khác xem và chia sẻ. Chúng tôi đành khất lần với họ.

Và, từ đó, cứ mỗi khi đêm về, tôi lại mơ thấy "sóng"...

H.U.L
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bạn phải tự yêu và tự học. Không ai có thể yêu thay và học thay! (15/01/2007 08:58:18)

Những nội dung mới của Luật BHXH (13/12/2006 10:57:46)

Nghề báo đã cho tôi gặp những con người như thế (13/12/2006 10:56:04)

Viết cái gì? (Tiếp theo kỳ trước) - Cái bất thường và ý nghĩa xã hội của tin tức (13/12/2006 10:54:45)

Nhà báo Lê Việt Thảo - người anh lớn trong bước đầu cầm bút của tôi (13/12/2006 10:35:42)

Xử phạt những vi phạm các quy định về sử dụng thẻ nhà báo (08/11/2006 09:08:29)

Tôi đi viết phóng sự điều tra (07/11/2006 15:54:13)

Viết cái gì? (07/11/2006 15:42:16)

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả (12/10/2006 09:55:53)

Viết cái gì? (12/10/2006 09:54:46)