Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Nghề báo đã cho tôi gặp những con người như thế


(13/12/2006 10:56:04)

Người xưa có câu: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Làm phóng viên, chuyện đi công tác, tiếp xúc, thâm nhập thực tế là việc thường ngày. Riêng với tôi, ngoài chuyện bài vở, cái được lớn nhất ở mỗi chuyến đi là được gặp những con người khiến tôi khâm phục và hiểu thêm ý nghĩa của cuộc sống. Công việc họ làm thật lặng lẽ, âm thầm như những con ong cần mẫn rót mật cho đời, góp phần tô điểm thêm cho cuộc sống.

Từ những con người thật ngoài đời...

Năm 2001, trong một chuyến công tác về với Trung tâm nuôi dưỡng đối tượng xã hội tỉnh Hà Tây, tôi được gặp chị Nguyễn Thị Hoa, một nhân viên trong suốt 20 năm đã chăm sóc hàng trăm người bị liệt và tâm thần, những người già không nơi nương tựa.

Qua tìm hiểu, tôi được biết, gia cảnh chị Hoa rất khó khăn. Những lúc rảnh rỗi, chị phải đan quạt nan để bán, phụ thêm tiền nuôi con ăn học. Chị đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và được đi dự Hội nghị điển hình về chăm sóc người tàn tật toàn quốc. Nhưng có lẽ, tất cả những phần thưởng cao quý ấy chỉ là những chấm phá vô cùng nhỏ bé so với những gì chị đã làm suốt hơn hai chục năm qua.

Đầu năm 2004, trong đợt tuyên truyền về hậu quả của chất độc da cam gây ra cho người dân Việt Nam, tôi có dịp được gặp ông Nguyễn Khải Hưng, Giám đốc Làng Hữu nghị Việt Nam, tỉnh Hà Tây, nơi nuôi dưỡng những trẻ em nạn nhân chất độc da cam.

Ở vào tuổi thất thập, ông Hưng vẫn hàng ngày đạp xe từ nhà mình ở Hà Nội đến làm việc ở Làng, không quản trời mưa nắng. là một cựu chiến binh nên ông hiểu hơn ai hết những nỗi đau mà các cựu chiến binh và người nhà của họ, đặc biệt là những trẻ em thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba, phải gánh chịu. Thông qua các danh sách nạn nhân chất độc da cam ở từng địa phương, ông không ngại xa xôi lặn lội đến đón trên 200 cháu từ 34 tỉnh, thành phố từ Quảng Nam trở ra về Làng chăm sóc.

Ở làng Hữu Nghị không chỉ có giám đốc Hưng hết lòng với các trẻ em nạn nhân chất độc da cam mà còn có rất nhiều người khác. Đó là các cô giáo, y tá, bảo mẫu đã dành 20 giờ mỗi ngày ở bên cạnh các cháu, giúp các cháu ăn học, vui chơi, giải trí. Phần lớn trong số họ là những giáo viên đã nghỉ hưu, đến đây bằng lòng nhân ái, cảm thương những trẻ em vô tội phải gánh chịu những hậu quả của chất độc da cam.

Nhà báo Hồng Hạnh (ngoài cùng bên trái) trên đường đi công tác tại Hầm đèo Hải Vân. (Ảnh: CTV).

Cũng với tấm lòng nhân ái, chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Việt kiều Đức lại hướng về những người nghèo khổ ở quê hương. Nhiều năm qua, với cương vị Chủ tịch Hội hỗ trợ phụ nữ và thanh niên Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Đức, chị Hạnh đã trực tiếp vận động Chính phủ Đức hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà đại đoàn kết và trường học cho người nghèo ở nhiều địa phương.

Sau bài viết của tôi về chị, mới đây, trong email gửi cho tôi, chị đã vui vẻ thông báo Bộ Viện trợ và Hợp tác phát triển, CHLB Đức đã chấp thuận tài trợ cho Hội của chị trên 224.980 euro (khoảng 4,5 tỷ đồng) để xây dựng 400 căn nhà đoàn kết cho người nghèo ở Cao Bằng, Ninh Thuận, Bến Tre và Cà Mau. Tôi chia sẻ niềm vui đó với chị và hiểu rằng những việc chị làm có ý nghĩa biết bao đối với những người nghèo, kém may mắn.

Một nhân vật nữa đã để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, đó là ni sư Thích Nữ Minh Tú, trụ trì ở chùa Đức Sơn, xã Thuỷ Bằng, huyện Hương Thuỷ (Thừa Thiên - Huế), người được vinh danh trong chương trình "Những người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam" tổ chức tại Hà Nội.

Trong hơn 20 năm qua, sư Minh Tú cùng các ni sư trong chùa đã nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em bất hạnh, côi cút.

... Đến những nhân tố điển hình trên trang viết

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết trong một ca khúc: "Sống trên đời sống cần có một tấm lòng" và nhạc sĩ Trần Long Ẩn trong ca khúc "Một rừng cây một đời người" đã viết: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?". Những người tôi gặp và viết đã lý giải được điều này. Vâng, đó chính là những người đã biết nhận phần gian khổ về mình để sống vì người khác.

Những người như chị Hoa, chị Hạnh, ông Hưng và ni sư Minh Tú không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, thành phần tôn giáo đều có chung một tấm lòng mong muốn "góp phần giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình".

Khi viết về họ, tôi không cho rằng đây chỉ đơn thuần là tin viết về người tốt việc tốt mà hơn thế nữa, tôi luôn đặt ra cho mình những yêu cầu cao hơn. Đó là làm sao phải cố gắng lột tả được cái cao cả trong những công việc tưởng chừng rất bình thường của họ. Để có được điều đó, tôi không chỉ tìm gặp con người thật, tìm hiểu công việc họ làm mà còn thông qua những đánh giá, nhận ét của chính quyền địa phương, những người sống xung quanh để có được một cái nhìn khách quan nhất.

Một yếu tố không kém phanà quan trọng khi viết về nhân tố điển hình, theo tôi, ngoài những kỹ năng về báo chí, còn cần phải có một trái tim đồng cảm, biết chia sẻ. Có như vậy, bạn mới có thể tìm ra những thông tin đắt cho bài viết.

Có thể có nhiều người cho rằng, viết về gương người tốt việc tốt quá dễ, chẳng có gì để nói cả, nhưng với tôi điều này không hề đơn giản chút nào. Cái khó là bạn phải tìm ra những nét điển hình trong từng nhân vật để tránh hiện tượng viết về người tốt thì gương mặt nào cũng na ná như nhau.

Tôi đã luôn cố gắng khắc phục điều này để có những bài viết tốt, nhưng trên tất cả, tôi cảm thấy may mắn khi được gặp những con người mà nếu không làm nghề báo, tôi sẽ chẳng bao giờ được gặp. Họ đã cho tôi hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa của cuộc sống.

Nguyễn Hồng Hạnh
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2006