Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Làm thế nào để phát hiện cái mới?

Bạn phải tự yêu và tự học. Không ai có thể yêu thay và học thay!


(15/01/2007 08:58:18)

Trong mấy lần trước, Người Viết Báo đã trao đổi về việc "viết cái gì", tôi thấy cũng đã vỡ vạc ra khối điều rồi đấy. Ít nhất thì tôi cũng hiểu báo chí phải phản ánh cái mới và cái mới đó phải mang ý nghĩa xã hội. Ý nghĩa xã hội đến đâu thì mức độ đề cập đến đó. Tôi cũng hiểu được "cái mới" không phải chỉ là sự kiện mới mà còn là khía cạnh mới, góc nhìn mới, ý nghĩa mới của một sự việc cũ... Tuy nhiên, vấn đề cốt tử lại ở chỗ: Làm thế nào để phát hiện ra những "cái mới" đó?

Thực ra, câu hỏi này tôi cũng đã trao đổi sơ qua ở các lần trước, trong đó có việc "biến cũ thành mới" - tức là bạn phải biết cách lật ngược vấn đề như kiểu Niu-tơn đặt câu hỏi tại sao quả táo lại rơi xuống đất? Bạn phải đi sâu vào bản chất vấn đề tựa như tại sao ở ngã tư X lại xảy ra tắc đường. Và, bạn cũng phải biết đáp ứng điều mà xã hội đang quan tâm...

Hãy khoan! Hình như vấn đề thứ ba mà Người Viết Báo vừa nói lại là vấn đề mới thì phải? Trong những lần trước, Người Viết Báo chỉ nói cái mới nhưng phải mang ý nghĩa xã hội thì mới mang tính báo chí chứ chưa nói điều xã hội quan tâm cũng là cái mới.

Thực ra thì tôi cũng đã nói qua rồi đấy khi tôi đề cập việc bạn hãy viết những gì mà xã hội quan tâm. Tuy nhiên ở đây, tôi muốn đi sâu hơn một chút. Để cho dễ hiểu, tôi xin lấy một ví dụ thế này:

Trong đợt xảy ra dịch cúm gia cầm năm 2004, cả nước tập trung dồn sức chống dịch như lao vào một cuộc chiến thực sự. Chắc bạn còn nhớ thời kỳ ấy, có rất nhiều biện pháp được đưa ra, từ việc tiêm văcxin, đến việc khoanh vùng, tiêu huỷ gia cầm bị bệnh..., trong đó có một bài báo nêu một biện pháp được nhiều người chú ý là xông khói bồ kết cho chuồng trại nuôi gia cầm. Thực ra đây là cách làm truyền thống mà cha ông ta đã áp dụng từ xưa. Tuy nhiên bài báo lại gây sự chú ý bởi phương pháp trên không phải ai cũng biết và quan trong hơn, mối quan tâm của cả xã hội lúc này là làm thế nào để phòng và dập dịch một cách hiệu quả. Do đó, bài báo trên đáp ứng được yêu cầu của xã hội vào thời điểm đó là có thể kết hợp các phương pháp khoa học hiện đại với kinh nghiệm dân gian; phổ biến một phương pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện.

Đó chính là ý nghĩa mới của một sự việc cũ mà tôi muốn trao đổi thêm với bạn.

Như vậy là tôi hiểu thêm được một cách khai thác "cái mới". Tuy nhiên, điều tôi muốn được Người Viết Báo trao đổi ở đây là làm thế nào để có thể tiếp cận, phát hiện ra những "cái mới", những sự kiện có tính báo chí hay nói như Người Viết Báo, những tình huống có vấn đề đó cơ?

Câu hỏi của bạn quả là quá khó, chẳng khác gì có người hỏi làm cách nào để tìm được "một nửa" của riêng mình; bởi nó vừa quá rộng lại vừa đòi hỏi quá cụ thể. Mặt khác, mỗi người lại có những bí quyết, những kinh nghiệm..., hay nói nôm na là những "cách" của riêng mình, cũng như cái cách đi tìm "một nửa" của mình thật chẳng giống ai.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình và những điều đã học hỏi được ở các bậc đàn anh, các đồng nghiệp, tôi cũng xin trao đổi với bạn một số vấn đề xung quanh lĩnh vực này.

Theo tôi, điều đầu tiên là bạn cần phải có sự mẫn cảm nghề nghiệp.

Rất nhiều người đi đường, trong đó có cả các nhà báo trông thấy trên nhiều vỉa hè, ven đường bày bán la liệt những cặp kính mắt với tấm biển đề nguệch ngoạc: "Kính đại hạ giá" và phần lớn đều thờ ơ. Nhưng cách đây sáu bảy năm, có một sinh viên Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) không cho là bình thường mà đặt câu hỏi: Tại sao lại có những cặp kính rẻ đến không thể ngờ như thế và nếu đeo những cặp kính này vào thì có ảnh hưởng gì đến mắt không? Anh ta đi tìm hiểu và tham khảo các nhà chuyên môn, từ đó viết bài "Kính đại hạ giá - Kính hạ mắt hại" đăng trên báo Tiền Phong cảnh báo tác hại khôn lường của những loại "kính rởm" đó. Bài báo đã gây được sự chú ý nhất định của bạn đọc và xã hội. Vấn đề trên có thể không lớn nhưng điều tôi muốn nói ở đây chính là sự mẫn cảm nghề nghiệp đã giúp cho phóng viên phát hiện ra vấn đề mới trong bộn bề sự việc vẫn diễn ra hàng ngày trước mắt mọi người.

Một ví dụ khác: Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi nhà báo Hữu Thọ đi Đồ Sơn, Hải Phòng phát hiện ra việc khoán hộ trong sản xuất nông nghiệp, sự mẫn cảm nghề nghiệp mách bảo ông đây là một vấn đề rất hệ trọng nên ông đã đi sâu tìm hiểu và viết một loạt bài trên báo Nhân Dân mang tính dự báo cao, châm ngòi nổ cho một cuộc cách mạng trong nông nghiệp nói riêng và cơ chế quản lý nói chung.

Có thể nói, sự mẫn cảm nghề nghiệp giúp cho phóng viên nhìn ra trong muôn ngàn sự việc cái gì đáng đưa tin, đưa tin ở mức độ nào. Ở chừng mực nào đó, nó như một sự linh cảm.

Hãy khoan! Người Viết Báo vừa nói đến sự linh cảm. Đã gọi là linh cảm thì nó gần như là biệt tài của riêng từng người, hay nói nôm na, nó là năng khiếu. Mà đã là năng khiếu thì nó là cái của trời phú riêng cho từng người rồi, làm sao mà "học" được?

Đúng! Sự mẫn cảm có một phần là do năng khiếu, nhưng theo tôi, còn có một phần hết sức quan trọng là do say mê nghề nghiệp. Sự say mê nghề nghiệp, nó như một chất đặc biện kích hoạt bộ óc con người luôn ở trạng thái hoạt động, chĩa ăng ten ra mọi phía, sẵn sàng thu nhận và phát hiện ra những tín hiệu "có vấn đề" để chộp lấy và tập trung tìm hiểu, khám phá.

Nói chung, muốn làm một việc gì thành công thì đều đòi hỏi phải có sự say mê và hết mình. Nói cho dễ hiểu ví dụ như có một đôi bạn tình, nếu họ thực sự yêu nhau say mê, thực sự quan tâm đến nhau thì chẳng cần có một năng khiếu gì đặc biệt, chẳng cần lời nói họ cũng hiểu được người bạn của mình cần gì, muốn nói gì. Còn nếu sống hời hợt, "yêu" hời hợt thì cho dù có nói ra lời, gợi ý đến nơi đến chốn cũng chưa chắc đã hiểu được người ta nói gì chứ chưa nói đến việc hiểu người ta muốn nói gì.

Mà sự say mê đó thì chỉ có thể do bạn mà thôi, chẳng ai có thể yêu hộ được ai.

Điều thứ hai là bạn cần tích luỹ cho mình một vốn hiểu biết vừa rộng vừa sâu, đặc biệt là những vấn đề về xã hội. Rộng là bạn cần biết mọi vấn đề; sâu là bạn cần hiểu kỹ về vấn đề mà bạn cần tìm hiểu. Có như thế thì bạn mới giải mã được các tín hiệu thu được, nếu không, dù có "thu" được, dù có đập vào tai vào mắt bạn thì cũng chỉ đơn thuần là những tín hiệu vô nghĩa mà thôi.

Trời đất quỷ thần ơi! Nói như Người Viết Báo thì như thế là nhà báo phải là người cái gì cũng biết, thậm chí lúc cần lại phải biết sâu nữa. Nhưng điều đó đâu phải dễ dàng gì và đâu phải một lúc mà có ngay được?

Thì tôi cũng có nói làm báo là dễ đâu. Thực ra, ngoài sự nguy hiểm thì làm báo còn là một nghề hết sức khắt khe và nghiệt ngã mà nếu phóng viên không biết tự trang bị cho mình một phông kiến thức và phông văn hóa cần thiết thì khó có thể vượt qua được cái ngưỡng của một "thợ viết" để trở thành một "Nhà báo" theo đúng nghĩa của từ này. Chỉ có người chuyên đi lượm các báo cáo, các văn bản rồi chẳng cần động não, cứ thế dịch ra thành tin bài; đi phỏng vấn thì cứ lặp đi lặp lại điệp khúc "tình hình - vướng mắc - giải đáp - phương hướng" rồi bê nguyên xi vào tin bài thì mới cho rằng làm báo là "dễ ợt" chứ tôi chưa thấy một nhà báo giỏi nào nói làm báo là "không khó" bao giờ.

Tôi lấy một ví dụ bạn đi viết về một lĩnh vực nào đó, nếu bạn không hiểu được ngôn ngữ của chuyên ngành đó thì làm sao bạn có thể hiểu được câu chuyện mà đối tượng trao đổi, nói gì đến việc nắm bắt được vấn đề để phát hiện ra "cái mới". Trong trường hợp này, nhiều khi người viết cũng gần giống cái máy ghi âm, ghi được gì thì phát ra cái ấy mà chẳng biết mình định nói điều gì với bạn đọc. Thậm chí, có khi còn "dịch" sai nữa là đằng khác. Sở dĩ tôi nói như thế là vì đã đọc được không ít tin mà trong đó phóng viên vẫn lẫn lộn, không phân biệt được giữa giá bán và giá thành, ki lô oát (kW) và ki lô oát giờ (kWh).

Như vậy, thu được tín hiệu đã quan trọng nhưng việc giải mã được tín hiệu còn quan trọng hơn. Tức là bạn phải hiểu được thông tin thì thông tin đó mới có giá trị; mà muốn hiểu được thông tin thì phải có kiến thức.

Kho tàng tri thức là của chung xã hội loài người, nó là vô giá nhưng chẳng của riêng ai và cũng chẳng thể đem cho riêng một ai. Nó ê hề xung quanh chúng ta nhưng nó không phải là một thứ thuốc pôly vitamin để bạn chỉ cần bỏ tiền ra mua rồi chiêu một  ngụm nước thế là nghiễm nhiên có được một bụng kiến thức. Mà muốn có nó, bạn phải không ngừng học để tự tích luỹ cho mình, không ai có thể làm thay bạn được.

Nghe Người Viết Báo nói từ này đến giờ, tôi rút ra một điều như thế này: Muốn phát hiện ra "cái mới", tức là thông tin có  ý nghĩa báo chí thì cần phải có sự mẫn cảm nghề nghiệp và sự hiểu biết sâu rộng. Mà muốn có sự mẫn cảm thì ngoài yếu tố năng khiếu trời phú cho cần phải có sự yêu nghề, say nghề và muốn có sự hiểu biết thì cần phải học. Mà trong cái sự "yêu" và sự "học" này thì chỉ có thể tự bản thân phóng viên quyết định chứ không ai có thể "yêu" thay "học" thay được.

Đúng vậy! Cuộc trao đổi giữa tôi và bạn có vẻ ăn ý rồi đấy. Nhưng ở đây tôi muốn nói thêm rằng: Điều đó cũng có ý nghĩa là sự mẫm cảm nghề nghiệp không phải chỉ là do năng khiếu trời phú cho mà bạn hoàn toàn có thể trau dồi được bằng lòng say mê nghề nghiệp và vốn kiến thức sâu rộng. Như vậy tự bạn có thể quyết định được chứ không cần phải ai ban phát cho.

Tuy nhiên, còn một vấn đề như thế này: Nói đến "cái mới", tức là ta đã đặt sự vật trong mối tương quan với "cái cũ". Vậy, trong cặp phạm trù này chúng có mối quan hệ gì với nhau và "cái cũ" có vai trò như thế nào trong việc phát hiện ra "cái mới"? Vấn đề này chúng ta sẽ trao đổi ở lần sau nhé.

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2006

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những nội dung mới của Luật BHXH (13/12/2006 10:57:46)

Nghề báo đã cho tôi gặp những con người như thế (13/12/2006 10:56:04)

Viết cái gì? (Tiếp theo kỳ trước) - Cái bất thường và ý nghĩa xã hội của tin tức (13/12/2006 10:54:45)

Nhà báo Lê Việt Thảo - người anh lớn trong bước đầu cầm bút của tôi (13/12/2006 10:35:42)

Xử phạt những vi phạm các quy định về sử dụng thẻ nhà báo (08/11/2006 09:08:29)

Tôi đi viết phóng sự điều tra (07/11/2006 15:54:13)

Viết cái gì? (07/11/2006 15:42:16)

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả (12/10/2006 09:55:53)

Viết cái gì? (12/10/2006 09:54:46)

Đồng hành theo bước chân tình nguyện (12/10/2006 09:53:11)