Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Đồng quê hương nếp


(08/03/2007 09:10:45)

Bên kia sông Đuống Quê hương ta lúa nếp thơm nồng...

            Một lần cũng vào độ se se lạnh chuyển mùa, tình cờ gặp nhau, nhà thơ Hoàng Cầm bồi hồi nhớ lại thuở "Bên kia sông Đuống"

            - Anh đưa em về sông Đuống/ Ngày xưa cát trắng phẳng lì...Đúng là tôi viết bài thơ đó một mạch, như nghe theo lời vang vọng từ đâu đó. Tôi viết nhanh, sợ nó tan đi mất. Lúc đó tôi như người đào đất, thăm dò mạch nước ngầm, chợt có đôi ba tia nước trong vắt phun trào. Mạch nước ấy là nguồn cảm xúc nhớ về quê hương của người đi kháng chiến. Tôi viết ra những lời đang tuôn chảy, bật ra từ trong lòng mình. Tôi đã viết một mạch cho đến sáng. Tôi nhớ, đêm hôm đó tại làng Thượng, huyện Phú Bình nửa rừng núi nửa trung du của Thái Nguyên, rét như chưa bao giờ rét đến thế. Biết là có nằm xuống thì cũng không sao ngủ được. Chưa bao giờ cảm hết cái nhớ quê hương đến da diết, cồn cào. Quê hương giặc giã mà hương nếp thơm nồng...khấy động vào sâu xa tâm hồn. Đi đứng, nằm ngồi cứ phảng phất như có bên mình hương cốm, hương bánh, hương của bếp lửa bập bùng đêm đông. Bên kia sông Đuống/ Quê hương ta lúa nếp thơm nồng/...

            Không biết tự lúc nào hương nếp lại quyện vào hồn người châu thổ da diết đến thế. Cái hương thơm rất riêng của nếp gợi nhớ đến thu, đến Tết như một tín hiệu dịu dàng, ấm áp. Hãy nghe một người Hà Nội nói về chút hương vị làm từ nếp, thanh tao, dung dị mà quê: "Cốm là thức quà riêng biệt của đất trời, là sức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam... Phải nên kính trọng cái lộc của trời, cái khéo léo của người và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của Thần Lúa." (Thạch Lam - Quà Hà Nội). Mới hay hương nếp được nâng niu trân trọng biết dường nào, dù chỉ là chút quà quê nho nhỏ.

            Chớm đông, trời se se lạnh, tôi lững thững xuôi về làng Vòng, chỉ cách Hà Nội dăm cây số. Biết chúng tôi là khách phương xa, lũ trẻ ngó nghiêng rồi đồng thanh ngân nga nghe ngồ ngộ như một khúc đồng dao đời mới.

            Lúa nếp là lúa nếp non

            Lúa lên lớp lớp, lòng nàng lâng lâng

            Lúa nếp là lúa nếp làng...

            Cốm ngon xứ Bắc vào vụ mùa. Người sành điệu thường chia cốm thành nhiều loại, trong đó cốm lá me (có lẽ hạt mỏng như lá me chăng?) là cốm ngon nhất, thường gia chủ chỉ dành để biếu những bậc danh giá, trưởng lão trong làng. Cốm rót, là loại cốm non, thường dính vào nhau, dẻo ngọt dịu. Cũng chính vì cốm ngon nên không ít lò cốm làm cốm rót rởm. Họ cho ít nước vào cối rồi giã cho đến khi từng nắm cốm dính bết vào nhau giống như cốm rót. Những người sành cốm thì không dễ bị lừa, bởi cốm rởm thường nhạt bờn bợt, màu hạt cốm lại tái dại khó thương lắm. Sau khi cốm đã lên màu xanh mịn, trên mình phơn phớt bụi cám, toát ra một mùi thơm bùi, mẻ cốm ấy mới coi là được.

            Đã một thời ngỡ như không còn cốm. Làng Vòng có lẽ đã lùi xa vào dĩ vãng, còn chăng chỉ trong những áng văn xưa Hà Nội, trong đôi câu ca dao đồng quê mộc mạc. Đao binh, giặc giã... lương thảo vơi cạn, nghĩ gì đến quà bánh nhâm nhi, no đủ, hương cốm lại vào theo các ngõ phố, đem về cho Hà Nội chút hương vị đồng quê.

            Người Hà Nội thưởng thức cốm cùng quả chuối trứng cuốc, chậm rãi nhâm nhi rồi chiêu một ngụm nhỏ chén chè Thái... vậy là ta đã đưa cả hương sắc đồng quê vào người, cảm hết cái thơm, cái ngọt, cái dịu mà đất trời đã ban tặng cho cư dân miền quê cây nếp.

            Theo những nghiên cứu gần đây, các nhà nông học đã ghi nhận, cây lúa trời xuất hiện dọc châu thổ sông Hồng đã hàng vạn năm, nhưng con người dùng lúa tự nhiên thuần hóa, gieo trồng dưới ruộng nước, ven nương đồi thì chỉ chừng 6.000 năm nay. Cách đây khoảng 4.000 năm, cây lúa mới được phân ra thành lúa tẻ, lúa nếp. Mỗi giống lúa có đặc tính thích nghi riêng. Những phẩm chất ưu tú nhất của hạt gạo có lẽ tập trung vào cây lúa nếp, thứ gạo quý trong họ hàng nhà gạo. Nhưng nếp cũng có nhiều giống loài khác nhau, vô cùng phong phú. Theo sách "Vân Đài loại ngữ" của cụ Lê Quý Đôn, nhà bác học kiệt xuất thế kỷ 18, thì ngay thời đó nước ta đã có trên 70 giống lúa, trong đó có 29 loại lúa nếp khác nhau. Nếp nương, nếp nước, nếp chiêm, nếp mùa, nếp hương, nếp cái, nếp quýt, nếp cẩm, nếp sáp, nếp lốc, nếp mây, nếp than... Nhiều giống nếp xa xưa vẫn còn đến ngày nay, trong đó được tôn vinh hàng đầu là nếp cái Hoa Vàng. Đây là giống nếp "quý tộc", xưa kia được đồ xôi vào dịp hội lễ, làm nhiều loại bánh tiến vua, tiến triều. Trong sách "Lính Nam chính quái", của tác giả xưa cũng đã viết: "Các vật trên trời đất và mọi của quý của con người, không gì quý hơn gạo nếp".

             Đất trồng nếp màu mỡ, là phù sa dọc châu thổ những con sông lớn. Cày bừa kỹ, chăm bón công phu. Cây lúa nếp thường cao, chừng 1.3 tới 1.4 mét, xanh và cứng cáp hơn lúa thường. Tuy nhiên, nếp lại cho năng suất thấp. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi chiến tranh kéo dài cả mấy thập niên, nếp không được khuyến khích và giống nên pha tạp, thoái hóa, mất dần những phẩm chất ưu việt của nó. Những năm gần đây, khi lương thực không còn là nỗi lo canh cánh nữa, người ta bắt đầu gây dựng lại giống lúa quý, thơm ngon và có khả năng chế biến phong phú. Nếp bắt đầu bước vào thời kỳ phục hưng. Nhiều cánh đồng rộng lớn được đầu tư để chuyên trồng nếp, bởi vì nếp không thể thiếu vắng trong đời sống cư dân Việt.

            Nếp dùng để nấu cơm, nấu chè, đồ xôi. Xôi vò, xôi đỗ, xôi lạc, xôi xéo... muôn vàn loại xôi với những hương vị khác nhau. Nếp làm bánh. Bánh chưng, bánh tét, bánh dày, bánh khúc v.v... Ngày tết được ăn cơm nếp với cá thu, được bóc chiếc bánh chưng thơm dẻo là niềm ao ước một thời của người dân Việt.

            Tiếng chày quê  lúa thậm thình hối hả trong mỗi nhà, là báo hiệu hội làng, tết nhất, là mùa xuân đến gần.

Đi qua xóm núi Thậm Thình

Bâng khuâng nhớ nước non mình ngàn năm.

            Không hiểu cái xỏm nhỏ me mé Việt Trì thực tên là gì, ngày nay ít người nhắc đến. Nhưng bởi tiếng thậm thình chày đôi chày ba mỗi độ đón xuân mà xóm nhỏ trở thành xóm Thậm Thình chăng. Tương truyền xa xưa nơi đây vua Hùng đã dựng lầu giã gạo làm cỗ tế trời đất, khai mở Hội Xuân.

Trăm cô gái tựa tiên sa

Múa chày đôi với chày ba rập rình

Đêm Đêm tiếng thậm tiếng thình

Cối thơm thơm cả nghĩa tình nước non.

            Tiếng chày giã gạo là nơi tụ hội, có chàng trai trẻ cởi trần, chày đôi cùng với chày ba nhịp nhàng. Có cô gái mềm mại, uyển chuyển đôi tay chà xát, có tiếng hậy hô bên thềm nhà, có đêm đầy sao và vô vàn đốm lửa lập lòe. Về khuya, khi tiếng "thậm thình" hay "các cùm cum" trong thôn trong sóc đã vãn, những chàng trai cô gái lặng lẽ nắm tay nhau. Họ đến với nhau bên cối gạo, họ nói với nhau lời thầm thì, trao gửi... Tiếng chày hối hả giã gạo là tín hiệu nôn nao báo mùa xuân, ngày Tết đã đến gần rồi. Sau Tết là tưng bừng trống hội, là trầu cau, xe hoa...

            Ngày tết, trong muôn loại bánh được làm ra từ nếp, có lẽ bánh chưng là sản phẩm đặc sắc hơn cả. Chiếc bánh dung dị, nhỏ bé này đã đi vào cổ tích. Ấy là thuở trời đất còn nguyên khai, trăm họ một nhà. Ngày Tết thiêng liêng, sơn hào hải vị không thiếu, nhưng vị vua làm ruộng chỉ thích nhất chiếc bánh từ hạt nếp làm nên. Ta hãy nghe Vua Hùng nói về chiếc bánh độc đáo này: Bánh hình tròn là tượng trưng cho Trời. Đặt tên là bánh dày. Bánh hình vuông là tượng hình của Đất. Các thứ thịt mỡ đậu xanh, lá dong như gói gém tất cả tinh hoa mà trời đất dành cho con người, gọi là bánh chưng.

            Trân trọng chiếc bánh chưng làm từ hạt lúa nếp là thế, nhưng Vua Hùng cũng không thể ngờ, chiếc bánh nhỏ bé thế kia đã nhập vào hồn cốt người Việt tự lúc nào để đến nỗi những đứa con Lạc Việt xa xứ cảm thấy đón xuân, thiếu bánh chưng, cái Tết dường như cũng mất đi hương vị. Có lẽ nhớ cái hồn của tết mà mấy năm lại đây bánh chưng có dịp chu du trên những chuyến bay đến bốn phương Âu, Á, Paris, Moskva, Berlin, Praha, Cali, Australia... hương nếp ấm nồng theo những chuyến xe, tìm đến những căn phòng đang nóng lòng mong đợi. Căn phòng đã bày biện bánh quy bơ, đã có nho táo, hoa violet, hoa tuylip, hoa hồng. Lại có cả dưa hành trong bếp, câu đối đỏ trên tường. Chỉ còn chờ bánh chưng. Mấy khắc nữa thôi là đến giao thừa. Bất chợt một tiếng chuông như tiếng chim nơi cửa mở. Hương nếp quen thuộc ấm áp quyện vào gió tuyết tràn vào căn phòng nhỏ của những cô gái chàng trai Việt xa xứ.

            "Bánh chưng!". Không ai bảo ai, tất cả như cùng reo lên, xuýt xoa. Họ reo lên lần nữa khi người bạn, sứ giả quê nhà kịp đến vào giây phút hệ trọng của cả một năm ngóng đợi: Bánh chưng. Họ mở tung cánh cửa đón nhận món quà từ quê nhà, trang trọng đặt lên bàn thờ. Vậy là Tết đã có hương vị của Tết.

            Giây phút cảm động ấy có lẽ còn lưu giữ mãi trong ký ức những chàng trai cô gái sống xa nhà trên một con phố nhỏ Toulouse (Pháp). Quyện trong ký ức khó quên của năm đầu tiên xa nhà, sống trên đất Pháp ấy là hương nếp của đồng quê Việt.

            Cách đây mấy năm, những nghệ nhân làm bánh nổi tiếng đã kỳ công làm chiếc bánh nổi tiếng đã kỳ công làm chiếc bánh chưng khổng lồ, đến nỗi làng trên xóm dưới xôn xao tìm đến, ngó nghiêng chiếc bánh "chưa từng thấy bao giờ". Người ta đồn đại rằng, mấy cụ thợ làng hy vọng chiếc bánh làng quê cây nếp sẽ được đưa vào kỷ lục Guiness. Tôi không biết cuối cùng nhà sách kỷ lục có kịp đến mà chứng thực hay không. Nhưng có một đều chắc chắn: Đó là Tết long trọng, thật đáng ghi nhớ của một làng châu thổ sông Hồng có cái tên: Ước Lễ. Năm nay vui chân tôi lại tìm về làng Ước Lễ cổ kính. Cũng chẳng xa xôi gì, chỉ cách Hà Nội đâu vài chục cây số. Gặp lại mấy cụ đã từng lập... kỷ lục hồi nào, tôi thưa.

       - Liệu năm nay các cụ có cho cháu con một bất ngờ nào nữa không.

       - Bất ngờ chứ, nhưng phải bí mật.

            Thực tình tôi không biết các cụ có chuyện gì để bí mật với khách quen, năm xưa đã từng thức trắng đêm cùng canh coi chiếc bánh chưng khổng lồ không, nhưng trông các cụ nhìn nhau tủm tỉm cười có vẻ nhiều ngụ ý lắm. Chúng tôi chỉ còn biết vui vẻ tiếp nhận lời mời của các lão ông.

       - Giao thừa, Mồng Một về đây, rồi các anh khắc tỏ tường.

Như Nguyễn
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Làm thế nào để phát hiện cái mới? Cái mới trong mối tương quan với cái cũ (08/03/2007 09:04:34)

Chiều mưa Cuala Lămpơ (06/03/2007 10:14:20)

Những nội dung mới của luật BHXH (15/01/2007 09:05:08)

Tôi đi, viết và mơ... (15/01/2007 09:00:32)

Bạn phải tự yêu và tự học. Không ai có thể yêu thay và học thay! (15/01/2007 08:58:18)

Những nội dung mới của Luật BHXH (13/12/2006 10:57:46)

Nghề báo đã cho tôi gặp những con người như thế (13/12/2006 10:56:04)

Viết cái gì? (Tiếp theo kỳ trước) - Cái bất thường và ý nghĩa xã hội của tin tức (13/12/2006 10:54:45)

Nhà báo Lê Việt Thảo - người anh lớn trong bước đầu cầm bút của tôi (13/12/2006 10:35:42)

Xử phạt những vi phạm các quy định về sử dụng thẻ nhà báo (08/11/2006 09:08:29)