Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Nói ít - được nhiều


(15/05/2007 09:20:50)

* Mỗi bài viết chỉ giải quyết một vấn đề

- Lần trước, Người Viết Báo nói về việc xác định mục đích của bài viết, ngẫm lại thấy có nhiều điều chí lý. Quả là trước đây, tôi thường viết tin bài theo bản năng, theo thói quen, ngồi vào máy là gõ mà không xác định mục đích bài viết của mình nên nhiều khi bị sếp chê nào là bài viết không rõ chủ đề, nào là tít mâu thuẫn với bài, thậm chí là các chi tiết trong bài mâu thuẫn với nhau hoặc bài viết lan man...

- Đúng đấy! Lần trước, có một điều tôi chưa nói với bạn, tính mục đích suy cho cùng chính là chủ đề của bài viết. Xác định tính mục đích chính là xác định chủ đề của tin bài. Tôi dùng khái niệm "tính mục đích" chẳng qua là muốn trước khi viết tin bài, bạn luôn phải biết đặt câu hỏi: "Mình viết bài này để làm gì?" Câu trả lời, suy cho cùng, chính là chủ đề của bài viết. Khi đã xác định được chủ đề, cũng có nghĩa là bạn đã xác định được mục đích, tức là bạn đã vạch được hướng đi cho mình; từ đó, bạn sẽ luôn nắm được thế chủ động trong khi viết và không bao giờ sợ lạc lối. Vì vậy, khi trao đổi với các phóng viên trẻ, điều đầu tiên bao giờ tôi cũng đề cập đến tính mục đích.

- Quả là càng nghe Người Viết Báo nói, tôi càng nhận thấy việc xác định mục đích là hết sức quan trọng. Mà chẳng cứ gì viết báo, suy cho cùng thì trong cuộc sống, khi bắt tay làm bất cứ một việc gì, con người ta bao giờ cũng phải xác định mục đích. Không có cái đích, người ta sẽ chẳng biết mình đi đâu, làm gì và làm như thế để làm gì. Mục đích khác nhau thì cách hành động, ứng xử cũng khác nhau. Tuy nhiên buổi trước, Người Viết Báo có nói lần sau chúng ta sẽ trao đổi vấn đề "mỗi bài viết chỉ đề cập đến một vấn đề" cơ mà?

- Thì chính là tôi đang cùng bạn đi đến nội dung chúng ta hẹn lần trước đây. Khi mục đích đã được xác định, tức là chúng ta xác định được cái đích cần đạt tới, chúng ta sẽ phải tìm cách làm sao đạt được mục đích ấy một cách hiệu quả nhất. Mà một trong những cách hiệu quả là mỗi bài viết chỉ giải quyết một vấn đề.

- ­Nhưng tại sao phải như thế thì tôi chưa hiểu?

- Điều này có liên quan đến quy luật tiếp nhận thông tin. Tạm coi mỗi tin, mỗi bài báo là một sản phẩm thông tin, trong đó bạn muốn truyền thông điệp đến bạn đọc. Khi đó, nếu mỗi tin bài, bạn tập trung vào một vấn đề nào đó, bạn đọc sẽ lĩnh hội, tiếp thu dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu trong tin bài, bạn trình bày rất nhiều vấn đề thì thứ nhất, bạn đọc sẽ mất định hướng, không biết đâu là vấn đề mà bài báo đề cập, do đó dẫn đến sẽ phân tán sự chú ý; thứ hai là bạn đọc khi tiếp nhận nhiều thông tin theo những xu hướng khác nhau sẽ dẫn đến việc quá tải, bị mệt mỏi và kết quả là rất khó tiếp thu trọn vẹn thông tin nào. Điều đó cũng có nghĩa, khi đọc xong bài báo, bạn đọc chẳng hiểu bài báo nói gì và kết cục là chẳng nhớ được gì. Như vậy, mục đích gửi thông điệp đến bạn đọc không đạt được. Chính vì thế, trong tiếng Anh có một câu thành ngữ thế này: "Less is more".

- À! Có vẻ tôi đã hiểu ra rồi đấy. Điều đó có thể dịch ra là: "Ít chính là nhiều". Nghĩa là: Khi mỗi bài ta chỉ đề cập, giải quyết một vấn đề nhưng bạn đọc hiểu được, nhớ được thì còn hơn là ta đề cập nhiều vấn đề mà bạn đọc chẳng hiểu gì, nhớ được gì. Tóm lại là: Nói ít mà người ta nhớ đuợc hoá ra lại được nhiều hơn nói nhiều mà chẳng nhớ được gì, có đúng không Người Viết Báo?

- Đúng là như vậy! Chính vì vậy mà trong một lần trao đổi với các bạn phóng viên trẻ, tôi có nói vui rằng, từ nguyên lý này mà các bạn gái nên nhớ khi yêu cầu bạn trai thực hiện điều gì đó, mỗi lần chỉ nên đặt ra một yêu cầu thôi thì có khi còn có kết quả; đừng nêu ra nhiều yêu cầu quá mà bộ nhớ của bạn trai bão hoà, rốt cuộc là bạn trai sẽ chẳng thực hiện được yêu cầu nào. Cũng như khi bạn trai đi cộng tác xa, bạn chỉ dặn mua một thứ quà thôi thì chắc chắn là được chứ nếu bạn dặn mua nhiều thứ quá thì hãy coi chừng xôi hỏng bỏng không đó. Chính vì thế, tôi hay gọi nguyên tắc này là "Nói ít được nhiều".

- Hãy khoan! Tôi thấy ở đây có điều gì đó không ổn thì phải. Chẳng hạn, tôi nhớ hồi bà ngoại cưới vợ cho cậu tôi, có bao nhiêu việc phải làm, có bao nhiêu thứ phải mua... Bà tôi ghi tất cả mọi thứ, mọi việc ra tờ giấy và thế là bà tôi cắt đặt công việc đâu ra đấy, rốt cuộc chẳng thiếu một thứ gì, chẳng sót một việc nào.

- Tôi hiểu bạn nói gì rồi. Nhưng ở đây có hai việc cần phân biệt. Thứ nhất, bà ngoại bạn không trực tiếp làm tất cả mọi việc mà giao từng công việc cho từng người một. Và tôi dám chắc với bạn rằng, thường thì bà ngoại cũng chỉ giao cho mỗi người một công việc nào đó mà thôi. Như vậy thì đối với các cậu, các dì của bạn, mỗi người cũng chỉ thực hiện một công việc, giống như mỗi bài báo của bạn chỉ đề cập đến một vấn đề vậy. Thứ hai, ví dụ dì bạn được giao công việc đi chợ, dì bạn có thể ghi từng thứ cần mua ra giấy rồi lần lượt mua từng thứ một nên sẽ không sót một thứ gì. Cũng như thế, khi đọc một bản báo cáo hay một tài liệu nào đó, bạn có thể dùng giấy bút ghi lại những vấn đề, những nội dung và thậm chí là những chi tiết, những số liệu bạn thấy cần thiết. Nhưng khi đọc báo, chẳng mấy khi bạn đọc lại ghi tóm tắt nội dung bài báo cả, trừ trường hợp là một người nào đó với mục đích nghiên cứu. Nhưng đấy là trường hợp khác rồi. Báo chí vừa có chức năng thông tin, chức năng giáo dục nhưng lại vừa có chức năng giải trí. Cho nên bạn đừng tham lam nhồi nhét quá nhiều thông tin, quá nhiều nội dung trong một bài báo, sẽ làm mệt bạn đọc của mình mà kết quả là bạn lại chẳng chuyển được thông điệp nào tới bạn đọc.

- Người Viết Báo vừa nói đến báo cáo; cũng đều nhằm mục đích truyền thông điệp vậy tại sao trong các bản báo cáo người ta vẫn đề cập đến nhiều vấn đề đấy thôi?

- Ở đây ít nhất có sự khác nhau về tính chất và đối tượng. Đối tượng của báo cáo là những người có trách nhiệm nên họ cần phải đọc, bắt buộc phải đọc; còn đối tượng của bài báo là bạn đọc rộng rãi; khi đọc báo, người ta tiếp nhận thông tin một cách tự giác chứ không phải bắt buộc. Vì vậy nếu thấy thích thì đọc, thấy ấn tượng thì nhớ chứ họ không bắt buộc phải đọc, bắt buộc phải nhớ như những người đọc báo cáo. Mà bạn hãy nhớ lại trong giáo dục, khi việc truyền thụ kiến thức là bắt buộc thì người ta cũng phải vận dụng quy luật tiếp nhận thông tin bằng cách phân chia chương trình ra thành từng môn, mỗi môn lại chia ra thành từng bài; rồi ngay trong từng bài thì người ta cũng lại phải chia nhỏ ra thành từng tiết học để học sinh, sinh viên dễ lĩnh hội tiếp thu đấy thôi.

- Nếu thế thì trong một bài, tôi trình bày nhiều vấn đề rồi chia nhỏ ra thành từng phần một cũng được chứ sao?

- Về hình thức thì hoàn toàn được. Nhưng ở đây còn yếu tố kỹ thuật hết sức cụ thể, mang tính đặc thù của báo chí nữa: đó là vấn đề định lượng. Mỗi chương trình truyền hình hay phát thanh đều có thời lượng cụ thể; mỗi tờ báo đều có khuôn khổ, số trang nhất định. Vì vậy, tin bài của bạn không thể quá dài, lại càng không thể kéo dài bao nhiêu tuỳ thích được. Một số báo không thể dành riêng để chỉ đăng một bài của bạn. Mặt khác, thời gian của bạn đọc cũng có hạn, trong thời đại công nghiệp hoá, với guồng quay hối hả của xã hội hiện đại, bạn đọc không thể dành quá nhiều thời gian để đọc bài của bạn. Và, hãy thử đặt bạn vào vị trí người đọc, một bài dài lê thế đặc những chữ là chữ thì chỉ nhìn vào đã thấy ngán rồi còn nói chi đến hứng thú để đọc.

- Nhưng nếu tôi chia nhỏ đăng thành nhiều kỳ thì sao?

- Đó là điều tôi định trình bày với bạn sau nhưng bạn đã hỏi thì tôi cũng trao đổi luôn, hình thức này từ trước đến nay người ta cũng vẫn làm đấy chứ. Đó là loạt bài nhiều kỳ, là những ghi chép, phóng sự dài hay còn gọi là "phơi-ơ-tông". Nhưng ngay cả trong trường hợp này thì nguyên tắc về tính mục đích và "Nói ít được nhiều" vẫn được quán triệt. Tức là, cho dù có dài đến mấy, có đề cập đến nhiều vấn đề đến mấy (nhất là trong các phóng sự về chân dung, nhân vật hay về một địa phương, một sự kiện lịch sử lớn) thì trước khi bắt tay vào viết bạn vẫn phải đặt câu hỏi mình viết loạt bài này để làm gì. Khi có câu trả lời, tức là khi đã xác định được chủ đề rồi bạn mới có thể thiết lập đề cương chi tiết một cách chặt chẽ, khoa học để làm bật chủ đề, cũng tức là thực hiện mục đích một cách hiệu quả nhất. Và khi ấy, trong từng kỳ, bạn vẫn nên thực hiện nguyên tắc "mỗi bài chỉ giải quyết một vấn đề", nhất là trong các loạt bài điều tra. Chẳng hạn, bạn muốn viết loạt bài về vấn đề chăn nuôi hiện nay chẳng hạn. Bạn có thể dành một kỳ viết về thực trạng của ngành chăn nuôi ở nước ta hiện nay và nêu lên những vấn đề bất cập đang kìm hãm ngành chăn nuôi phát triển. Sau đó bạn lần lượt có các bài phân tích các nguyên nhân; từ đó nêu lên giải pháp và những kiến nghị cụ thể. Ngay trong phần nguyên nhân, bạn cũng có thể chia nhỏ ra thành nhiều bài; chẳng hạn như do chưa có quy hoạch tổng thể; do trình độ quản lý; do trình độ, nhận thức của người chăn nuôi; do cơ chế chính sách... Như vậy, trong từng vấn đề hay cụ thể trong từng nguyên nhân, bạn có điều kiện đi sâu phân tích lý giải một cách sâu sắc, thấu đáo, đủ sức thuyết phục bạn đọc.

- Như vậy, ngoài quy luật tiếp nhận thông tin thì nguyên tắc "Nói ít được nhiều" còn là để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo phải không?

- Đúng vậy! Nếu nêu nhiều vấn đề, không những bạn làm phân tán sự chú ý của bạn đọc mà bạn còn vấp phải một mâu thuẫn là: Nếu phân tích, lý giải cặn kẽ từng vấn đề thì bài sẽ rất dài còn nếu viết ngắn thì từng vấn đề lại không thể đi sâu phân tích lý giải, thành thử bài viết hời hợt, cái gì cũng được đề cập nhưng chẳng cái gì giải quyết được đến nơi đến chốn, và rốt cuộc là bài báo không đạt được hiệu quả, mục đích đề ra.

- Thế là hoá ra nói nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu.

- Thậm chí có khi chẳng được gì.

- Người Viết Báo nói thế làm tôi nhớ lại thời sinh viên, mỗi lần về nhà thì vấn đề "đầu tiên" bao giờ cũng là "xin tiền". Có lần tôi xin nhiều thứ quá, thế là mẹ tôi phát hoảng và chẳng cho thứ gì cả. Từ đó tôi rút kinh nghiệm mỗi lần chỉ xin một thứ thôi và kết quả là chiến thuật này luôn thành công mỹ mãn.

- Như vậy là tự bạn cũng đã tự rút được kinh nghiệm rồi đấy chứ. Có điều là bạn chưa biết vận dụng vào trong viết báo đó thôi. Điều bạn kể cũng gần giống như chuyện "Ông lão đánh cá và con cá vàng" ấy. Khi đặt yêu cầu ít thôi thì sẽ được đáp ứng đầy đủ còn khi yêu cầu quá nhiều thì hoá ra lại mất hết.

- Như vậy là từ xa xưa các cụ đã khuyên con người là đừng có tham lam quá có phải không?

- Đúng vậy! Và nếu như thế thì phương châm "Nói ít được nhiều" có thể vận dụng trong cả đời sống chứ không phải chỉ trong lĩnh vực báo chí.

Các cụ nhà ta hồi xưa chẳng đã dạy rằng "Một nghề cho chín, hơn chín mười nghề" rồi đấy sao.

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2007