Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Chữa bài cũng cẩn trọng như cầm quân ra trận


(15/05/2007 09:11:47)

Trong giờ hop giao ban một buổi sáng tháng 4/2004, đồng chí Tổng biên tập báo Le Courrier du Vietnam Nguyễn Tường nói: "Tôi đã xem kỹ bài tham luận này của Đại tướng rồi. Cụ 93 tuổi mà còn trăn trở với vận mệnh đất nước quá. Báo chúng ta sẽ đăng lại cả bài, chớ có cắt xén đoạn nào nhé. Mọi người dịch đi để cho vào số phụ san tới".

Đây là bài tham luận Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đọc tại cuộc hội thảo tổ chức mồng 7 và 8 tháng Ba 2004 tại thành phố Điện Biên, nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng ĐIện Biên Phủ chống thực dân Pháp.

Để đảm bảo tiến độ phát tin - ra báo, dân làm báo đối ngoại chúng tôi có lệ cắt những tin, bài quá dài ra thành những đoạn ngắn chia nhau ra để dịch cho nhanh, sau đó lại "lắp ghép" vào. Việc chỉnh sửa về ngữ do chuyên gia Pháp đảm nhiệm. Lãnh đạo tòa soạn duyệt sau, chú trọng yếu tố sự thật, chính trị...

Bài tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được "chia" cho 7 phóng viên - biên dịch. Xong phần nào, chúng tôi đưa cho hiệu đính người Pháp chữa. Tuy nhiên, cảm nhận được bài tham luận là "máu thịt" của Đại tướng mà dân Pháp ngữ "hậu sinh" chúng tôi, kể cả anh chuyên gia trẻ tuổi người Pháp, tuy có kinh nghiệm hiệu đính, không chắc đã chuyển tải được hết tinh thần bài, nên chúng tôi liên lạc với văn phòng của Đại tướng nhờ xem lại bản dịch. Quả nhiên, đại tá Nguyễn Huyên, thư ký của Đại tướng, trả lời qua điện thoại: "Bài này Đại tướng xem đi xem lại tới 13 lần, cân nhắc từng chữ, từng chữ một đấy các bạn ạ". Dịp đó, gặp Đại tướng không dễ chút nào. Đại diện các cơ quan, các cá nhân đến chúc mừng Đại tướng. Các cuộc hội thảo trong và ngoài nước đều muốn Đại tướng đến phát biểu. Mà Đại tướng năm đó đã 93 tuổi, không phải ai cụ cũng sẵn sàng tiếp vì dễ bị mệt. Rồi còn cánh nhà báo từ khắp mọi miền "lượn" quanh nữa chứ. Đông lắm!

Được bác Huyên sắp xếp cuộc gặp, chúng tôi đến ngôi biệt thự kiểu Pháp nằm trong một khuôn viên rộng rợp bóng cây xanh trên đường Hoàng Diệu. Sự kính phục thầm dâng cao trong lòng khi được ngồi trong căn nhà vị Đại tướng đã trở thành huyền thoại. Mươi phút sau, Đại tướng quân phục chỉnh tề, thong thả đi từ gác hai xuống, một cận vệ trẻ đỡ nhẹ cánh tay. Chúng tôi đứng dậy chào và tự giới thiệu:

- Thưa bác, chúng cháu ở báo Le Courrier du Vietnam, nhờ bác xem giúp bản dịch tiếng Pháp bản tham luận này của bác.

Đại tướng hiền từ bắt tay mọi người rồi ngồi xuống, thong thả giở vài trang đầu tập bản thảo đánh máy đọc lướt. Rồi cụ ngẩng đầu lên, nói nhẹ:

- Để bác Hà xem cho.

Bà Hà, phu nhân của Đại tướng bước vào. Bà lướt mắt rất nhanh trên tập giấy và thẳng thắn nhận xét ngay:

- Dịch thế này là không được rồi, thế rồi bà cầm bút lia xuống vài chỗ.

- Tại sao động từ lại chia thế này? Nhiều từ quân sự nữa, cũng chưa chính xác. Các cháu cứ để bản dịch này lại đây.

Sự phấn khích, xúc động được gặp Đại tướng ban đầu bỗng xẹp xuống. Dù rằng chủ đích đến và được Đại tướng quan tâm là một may mắn rồi, nhưng chúng tôi ra về lòng băn khoăn thêm về chất lượng dịch thuật. "Không biết tình hình này liệu có đăng báo kịp thời như dự tính được không?", chúng tôi tự hỏi nhau.

Hoá ra trong lúc dịch bài tham luận, mỗi biên dịch viên để động từ một cách khá tuỳ tiện, do không tìm hiểu kỹ hoàn cảnh lịch sử của chiến dịch năm xưa. Đến khi ráp các đoạn văn lại, chúng tôi đã để lọt nhiều lỗi sơ đẳng. Đó là điều không thể chấp nhận được.

Những ai biết tiếng Pháp đều biết rằng ngữ pháp tiếng Pháp rất chặt chẽ. Không phải vô cớ mà tiếng Pháp thường được dùng trong soạn thảo, ký kết các văn bản quốc tế quan trọng. Các động từ trong tiếng Pháp, bản thân chúng, được chia ở thời nào (temps) thì quy định luôn ý nghĩa và hoàn cảnh cụ thể của câu văn, thậm chí nhiều khi không cần dùng tới các phó từ chỉ tình huống thời gian nữa. Hơn nữa, ngay trong thời quá khứ chẳng hạn, động từ cũng còn nhiều cách chia khác nhau quy định chặt chẽ thêm ngữ cảnh (passé composé - quá khứ thường, passé récent - quá khứ gần, imparfait - quá khứ chưa hoàn thành, plus-que-parfait - quá khứ xa...). Trong bài tham luận này của Đại tướng, nếu các động từ không được chia đúng thời sẽ làm đọc giả không thể mường tượng chính xác, thậm chí lẫn lộn diễn biến các sự việc, tình huống, bố cục chiến trận, thời điểm và nhịp điệu các trận đánh... Ấy là chưa kể những "ngớ ngẩn" khác về cách dịch các thuật ngữ quân sự thời đó nữa.

Vài ngày sau, chúng tôi đánh bạo gọi điện cho bác Hà hỏi về số phận bản dịch. Bác Hà nói Đại tướng rất hoan nghênh báo Le Courrier du Vietnam có ý tuyên truyền cho độc giả khối Pháp ngữ để họ biết rõ thêm tính xác thực của sự kiện Điện Biên Phủ, chiến thắng làm thay đổi cục diện thế giới những năm giữa thế kỷ XX khi Đông Dương còn là một thuộc địa của Pháp. Mặc dù tuổi cao, Đại tướng đã dành nhiều thời gian để xem lại bản dịch.

Một tuần sau, chúng tôi nhận lại từ tay bác Hà bản dịch đã chữa. Bút tích của Đại tướng đan xen vào nhiều chỗ. Có những đoạn được "làm mới" lại hoàn toàn ghi trên những mẩu giấy dán bên lề bản thảo. Bác Hà chỉ dẫn cho chúng tôi tỉ mỉ từng từ, từng đoạn văn đã sửa, giải thích lý do sửa chữa. Thật không gì sung sướng hơn khi biết chắc rằng các thuật ngữ quân sự, lịch sử được sử dụng chính xác, nhiều đoạn có văn phong "à la francaise" (rất Pháp), do chính tay vị Tổng chỉ huy chiến dịch chấp bút, với sự giúp đỡ của phu nhân.

Mọi vị tướng cầm quân ra trận bao giờ cũng phải tính toán, cân nhắc từng chi tiết nhỏ nhất để tiết kiệm xương máu cho dân, cho chiến sĩ và đảm bảo thắng lợi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà quân sự đại tài không chỉ của nước ta mà còn của thế giới. Và hôm nay, phẩm chất của một vị tướng quân văn võ song toàn vẫn bộc lộ khi chữa bài cho báo Le Courrier du Vietnam. Sáng suốt, cần mẫn sửa từng từ, từng ý, từng câu. Sau đó, Đại tướng đích thân viết lời chào đọc giả khối Pháp ngữ. Đã gần tuổi bách niên mà nét bút vẫn khảng khái, phóng khoáng, mạnh mẽ như khi cầm quân xông pha trận mạc năm nào.

Hoá ra trong chữ nghĩa, Đại tướng cũng cẩn trọng như khi cầm quân ra trận. Tinh thần làm việc của Đại tướng làm chúng tôi nhớ đến câu của Thái Công, cổ nhân Trung Hoa: "Ai lơ đễnh việc nhỏ không bao giờ làm được các việc lớn". Được làm việc với Đại tướng là một hạnh phúc nghề nghiệp. Đó cũng là một bài học lớn, vì tính chính xác, sự cẩn thận chi tiết là những phẩm chất tối cần thiết của người làm báo.

 

* Bài tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đăng trên số Phụ san đặc biệt của báo Le Courrier du Vietnam, số 3512 ngày 4/5/2004.

Minh Trang
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2007