Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Nhà báo bị kiện bằng ... điện thoại


(07/06/2007 09:05:21)

Do giá sắn củ tăng cao, tình trạng phá rừng làm rẫy trồng sắn ở Kon Tum mùa khô năm 2006 đã trở nên đáng báo động. Đây là đề tài "nóng bỏng" và thu hút các nhà báo.

Tại xã Rờ Kơi, "điểm nóng" nhất về tình trạng phá rừng trồng sắn của tỉnh Kon Tum, chúng tôi được gặp các lãnh đạo của xã. Ông Chủ tịch HĐND lạnh lùng chối đây đẩy, trong khi Phó Chủ tịch UBND xã và Trưởng Công an xã nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thực địa. Về sau mới biết vị Chủ tịch xã cũng có phần trong 50 ha rừng xin khoanh nuôi để chăn thả gia súc, nhưng đã lập tức bị họ "xẻ thịt" biến thành rẫy. Hỏi "Rừng ở tiểu khu này còn lại bao nhiêu hécta?", ông Phó chủ tịch UBND xã đã không ngần ngại: "Bị phá gần hết, chỉ những chỗ dốc cao, vực sâu người ta không thể làm rẫy thì còn một ít".

Đốt rừng làm rẫy ở vùng đệm Vườn Quốc gia Chư Mo Ray (huyện Sa Thầy, Kon Tum).

Chuyến đi vào vùng đệm Vườn Quốc gia Chư Mo Ray (huyện Sa Thầy, Kon Tum) ngoài tư liệu ghi kín mấy trang giấy, ghi âm và chụp vài chục tấm hình, mặt mũi đen nhẻm vì khói than đốt rẫy còn để lại cho chúng tôi cảm giác nặng nề vì những gì được chứng kiến về một tiểu khu rừng bị phá tan hoang, cháy đen nham nhở, trong khi lại nhận được lời thỉnh cầu từ một người có trách nhiệm: "Nếu có viết thì xin nhẹ nhàng cho một chút". Tuy nhiên, tôi vẫn gấp rút hoàn thành phóng sự "Rừng tan tác dưới đỉnh Mo Ray". Cùng thời điểm với bài viết của phóng viên TTXVN còn có khoảng chục bài viết về thực trạng phá rừng làm rẫy ở vùng đệm Vườn Quốc gia Chư Mo Ray.

Khi viết phóng sự "Rừng tan tác dưới đỉnh Mo Ray" tôi chẳng mong gì hơn là bài viết được "đi" nhanh và được nhiều báo sử dụng, để góp tiếng nói ngăn chặn nạn phá rừng ở Mo Ray. Bài báo ra đời không lâu, tỉnh chỉ đạo kiểm tra nhưng dưới cơ sở lại tìm cách đối phó với nhà báo. Tất cả các nhân vật có trách nhiệm từng làm việc với nhà báo đều một mực chối rằng: chưa gặp nhà báo nào và không hề cung cấp thông tin cho báo chí. Rằng nhà báo đã bịa ra chuyện gặp gỡ nhân vật này nhân vật nọ. Rằng: bài báo đã bịa đặt để bôi xấu huyện Sa Thầy chứ làm gì có chuyện rừng bị tàn phá.

Những ngày sau đó, phân xã liên tiếp nhận được điện thoại từ Sa Thầy với lời "hăm": sẽ kiện tác giả ra toà. Họ còn đưa ra thông tin: một cán bộ huyện người dân tộc thiểu số "đang đòi tự vẫn" vì nhà báo vu khống ông ta là kẻ phá rừng. Tôi không được trực tiếp nhận những cú điện thoại đó nhưng Trưởng phân xã rất lo lắng và yêu cầu tôi củng cố chứng cứ để "chuẩn bị hầu kiện". Có ngày, phân xã nhận được gần chục cú điện thoại "hăm" kiện.

Thú thật, lúc đó tôi cũng cảm thấy hoang mang: Hay là mình sai? Nhưng kiểm chứng lại các tài liệu thu thập được cùng với băng ghi âm, các cuộc làm việc và lấy thêm băng ghi hình gốc của một đồng nghiệp ở Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh tôi phần nào thấy vững dạ. In sao tất cả các chứng cứ, băng ghi âm, ghi hình, hình ảnh và nộp cho sếp, một bộ tôi chờ người ta kiện. Thấp thỏm cả tháng trời, cuối cùng chẳng thấy có văn bản hay lời mời nào của toà án nào để hầu kiện.

Sau này, tôi mới biết khi thấy nhà báo có đầy đủ chứng cứ, băng ghi âm, ghi hình, hình ảnh nên họ phải thôi.

Từ vụ việc này, tôi rút ra bài học, trong khi khai thác tài liệu để viết bài, đặc biệt là những bài đấu tranh chống tiêu cực, phải luôn đảm bảo chứng cứ thật đầy đủ và chặt chẽ. Bởi vì, những kẻ tham nhũng, tiêu cực hầu như không bao giờ dễ dàng chịu thừa nhận khuyết điểm của mình. Họ luôn tìm mọi cách để chối tội và phản bác lại.

Việt Dũng
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2007