Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tôi bắng nhắng đấy!


(13/07/2007 15:51:09)

Hôm đó, tôi và một anh bạn phóng viên khá nổi tiếng đi viết bài trên Sơn La, một tỉnh có khá nhiều "đặc sản": chè, bò sữa, mận hậu, và nhất là có một thứ rất nóng: ma túy.

Chúng tôi không định đi điều tra về ma túy, nhưng nghe một người địa phương kể về ma túy, chúng tôi cũng thấy 'ngứa ngáy' muốn tận mắt nhìn thấy cảnh hút thuốc phiện. Nghĩ là làm, chúng tôi rủ nhau đến nhà của một ông già nghiện thuớc phiện từ lâu.

Bước vào căn nhà âm u, đã thấy ngay một người đàn ông nằm co ro trên đống chăn đệm, tay ôm khư khư một vật gì, thoạt nhìn tôi cứ ngỡ là ôm đứa cháu nhỏ, nhìn kỹ hóa ra là cái bàn đèn. Ông già đang hút. Giữa nhà có 3 thanh niên, cởi trần trùng trục, tay cầm dao sáng loáng... Chuyện con dao này thì lát nữa tôi sẽ nói sau, nhưng quả thực, lúc đó tôi cũng hơi hoảng. Đương nhiên, mình chằng làm gì để họ có thể chém cả, nhưng vào những nơi này thì cũng chẳng phải là chuyện chơi. Sau vài lời ngọt xớt, 'cụ cụ cháu cháu' để 'nhập đề', không thấy 'phản ứng' gì chúng tôi mời đỡ sợ. Lúc đó chúng tôi mới biết hóa ra ông già 'nghiện' làm nghề thợ rèn, mấy thanh niên cầm dao không phải là định 'chém' ai mà họ chỉ là những người đi mua dao. Dẫu vậy, cố gắng lắm, chúng tôi cũng chỉ có thể hỏi han được vài câu, chứ đến tiết mục chụp ảnh thì khó quá. Trong khi tôi đang lo lắng, thì ông bạn tôi đột nhiên giở chứng. Điện thoại di động reo, anh ta cầm lên, alô alô mấy câu rõ to, rồi chạy ra ngoài sân nói chuyện oang oang với... người yêu. Trở vào, anh ta bô bô: 'Bồ đang gọi ta chào cả nhà để đi đi cậu'. Thấy tôi còn nấn ná hỏi chuyện, anh ta lại rút điện thoại ra, lại... gọi. Gọi xong thì nhắn tin, vừa nhắn vừa cười... rinh rích một mình. Rõ thằng điên. Đang nước sôi lửa bỏng lại khoe mẽ với cái điện thoại. Mấy thanh niên cầm dao cũng nhìn anh bạn tôi với vẻ rất... khinh khỉnh. Ông già thấy chúng tôi không đáng ngại, nên lại ngả người trên giường, ôm bàn đèn. Cảnh 'nóng' quá, ông già đang 'phê' trên giường, thế mà máy ảnh thì vẫn phải nằm yên trong túi.

Ra khỏi cửa thấy tôi vẫn bực bội, anh bạn mới cười khà khà: 'Cậu ngốc lắm. Chỗ này làm quái gì có sóng điện thoại. Tớ bày trò thế thôi. Xong rồi, xong rồi, cả một sen ảnh đây này'.

Tôi giật mình. Thì ra toàn bộ các cuộc gọi, nhắn tin vửa rồi chỉ là... thao tác giả để che giấu việc chụp ảnh bằng điện thoại. Láu cá đến thế là cùng. Kể cả những người thừa biết chức năng chụp ảnh của các loại điện thoại cũng khó có thể đoán ra. Anh bạn kết luận: Đôi khi cũng phải giả làm người bắng nhắng cậu ạ!

2. Có thể nói, với các thế hệ điện thoại đời mới bây giờ (bình dân mà ảnh lại khá tốt là Nokia 3230, Orange...), việc tác nghiệp ảnh bằng điện thoại trở nên rất hiệu quả, nhất là ở các các đề tài đòi hỏi sự dấn thân, nhập cuộc của phóng viên. Các bài viết dạng này không đòi hỏi ảnh phải mỹ miều - đôi khi nhòe một tý cũng được, thiếu sáng cũng không cao, cốt nhất là phải có độ 'nóng' và phải 'sống' (sự thực thì một bức ảnh chụp lén lòe nhòe lại có vẻ đáng tin hơn một cái ảnh can xứng với đầy đủ trời cao đất rộng). Nói thế để thấy rằng, chúng ta đừng coi chức năng chụp ảnh của điện thoại là để... chụp chơi. Hãy biến nó thành một cái máy ảnh thực sự của phóng viên.

Trong tác nghiệp của nhà báo, có vô vàn hoàn cảnh mà bạn không thể, và cũng không nên mang máy ảnh (với các loại ống kính và chân đế hoành tráng) ra để 'dọa' thiên hạ, bởi có lúc mang ra chỉ tổ 'lộ làng', chưa kể 'tiền mất tật mang'. Lại có rất nhiều khi bạn được quyền chụp ảnh hẳn hoi, nhưng nếu giơ máy ảnh lên, vẫn có thể bị phiền nhiễu. Một quán ăn để xe tràn ra lòng đường, bạn đứng ngoài chụp vào - một việc hoàn toàn được phép, dù bạn có là nhà báo hay không. Nhưng kể cả bạn có thẻ nhà báo, thì người giữ xe quán ăn cũng có thể sừng sộ chạy ra cà khịa, gây sự. Có thể tránh những phiền toái mà bạn có thể gặp phải bằng cách làm một anh chàng bắng nhắng rút điện thoại ra để 'khoe hàng' và kín đáo chụp lúc nào chẳng ai hay. Có rất nhiều thủ thuật để bạn 'vào hang cọp' chụp được ảnh mà không bị chú ý: Giả vờ nhắn tin để hướng máy vào đối tượng cần chụp, cùng đi với một người bạn, giả vờ chụp ảnh cho nhau để kỷ niệm, nhưng thực ra là hướng ống kính máy ảnh đến nơi khác... Bạn hãy tập các kỹ năng chụp lén này cho thành thạo, và cài đặt các chế độ thích hợp cho máy để khỏi bị lộ khi bấm nút chụp.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là trong thời đại mobile này, trong túi của ai cũng có một cái điện thoại, và dù đi làm hay đi chơi thi bạn cũng luôn mang theo nó. Bạn lại có thể rút nó ra ở hầu khắp mọi nơi mà chẳng bị ai để ý, vì ở những nơi ấy, các chàng trai cô gái vẫn lấy điện thoại ra để chụp ảnh, hoặc chụp cho nhau cơ mà. Vậy thì, là phóng viên bạn hãy luôn ghi nhớ rằng điện thoại của bạn chính là một máy ảnh để có thể tác nghiệp bất cứ lúc nào.

Hoa Hiên
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2007