Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

"Không gian đương đại Việt" giữa dòng nước Mỹ


(13/07/2007 15:45:33)

Nhân chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức triển lãm "Không gian đương đại Việt" tại Trung tâm Rlnald Reagan, cách Nhà Trắng khoảng 500m, từ ngày 15 đến 25/6/2007.

Chợ phiên. (Ảnh: Việt Thanh).

Nội san Thông tấn trò chuyện với phóng viên ảnh Việt Thanh (báo Việt Nam News), một trong ba tác giả tham gia Triển lãm ngay sau khi anh vừa từ Hoa Kỳ trở về.

- Chào anh. Anh vừa có một chuyến đi tuyệt vời?

- Vâng, mọi việc diễn ra rất tốt đẹp. Đây thực sự là chuyến công tác vất vả nhưng rất bổ ích. Chúng tôi đã làm việc hết mình để đem đến cho nhân dân Hoa Kỳ một bức tranh toàn cảnh, hấp dẫn và ấn tượng về đời sống, văn hoá, tinh thần truyền thống và đương đại của người Việt Nam. Và một điều tuyệt vời với chúng tôi đó là khi đến thăm triển lãm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có những nhận xét rất sâu sắc và dặn dò, động viên chúng tôi rất nhiều.

Kéo lưới. (Ảnh: Hoài Linh).

- 'Không gian đương đại Việt' dường như là một chủ đề rất rộng?

- Đúng vậy, 'Không gian đương đại Việt' - cái tên nghe khá giản dị nhưng rõ ràng, nó hàm chứa rất nhiều điều. Làm nổi bật được không gian cuộc sống của người Việt là cả một thách thức đối với anh em chúng tôi. Triển lãm lần này, cùng với tôi còn có anh Hoài Linh, nghệ sĩ nhiếp ảnh từng công tác tại Báo ảnh Việt Nam và anh Chu Lượng, Họa sĩ sắp đặt.

Chúng tôi đã thể hiện cách điệu các hoạt động làng xã, lễ hội Việt Nam thông qua cách sắp đặt những con rối nước đầy màu sắc. Điểm xuyết giữa những con rối nước là 50 bức ảnh đen trắng đã được chọn lựa kỹ lưỡng để hòa nhập với không gian rối nước rực rỡ sắc màu tạo nên một tổng thể sinh động về đời sống hàng ngày của người nông dân trồng lúa nước ở làng quê của họ.

Theo mẹ xuống chợ. (Ảnh: Hoài Linh).

- Anh thấy sức hút của Triển lãm với người dân Hoa Kỳ ra sao?

- Rất đông quan chức ngoại giao và người dân đến xem. Có lẽ một phần vì triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Ronald Reagan cách Nhà Trắng chỉ khoảng 500 mét. Hơn nữa, chủ đề mà chúng tôi lựa chọn là đời sống tinh thần của người nông dân Việt Nam sống và yêu 'nước'; Đất cũng nước, làng cũng nước, lúa cũng nước và múa rối cũng dưới nước... được xem là khá 'lạ' và hấp dẫn. Với người Việt, đó là những giá trị còn tồn tại mãi mãi. Và đó cũng là nét văn hoá hấp dẫn đối với người dân các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.

- Cảm nhận của người xem như thế nào, thưa anh?

- Thông qua sự tiếp xúc, trò chuyện với một số khách đến xem, tôi cảm nhận rằng người xem khá thú vị vì trong một không gian sắp đặt gợi cảm, họ rất dễ hình dung, đến gần với cảnh thực.

Họ xem ảnh rất kỹ, ngắm nghía những con rối rồi chụp ảnh, bàn tán về khung cảnh và cách sắp đặt. Thậm chí, có người còn bày tỏ tình cảm và sự thán phục với chúng tôi về nhân dân ta. Họ nói rất muốn được tận mắt chứng kiến cuộc sống mà chúng tôi ghi lại qua những tác phẩm ảnh.

Nụ cười. (Ảnh: Việt Thanh).

- Trước các anh, đã từng có cuộc triển lãm nào thuộc dạng này tại Hoa Kỳ chưa?

- Đây là lần đầu tiên và cũng là hoạt động văn hoá duy nhất nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước. Vì thế, trước khi tổ chức, chúng tôi đã rất kỳ vọng vào cuộc triển lãm này. Đây là ý tưởng của anh Nguyễn Á Phi, chuyên viên báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ý tưởng của anh khi đưa ra đã được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo Bộ và anh em nghệ sĩ.

- Lần đầu tiên? Vậy tại sao người được chọn lại là Hoài Linh và Việt Thanh?

- (Cười). Theo nhận xét chủ quan, có lẽ việc lựa chọn được dựa trên tiêu chí: Những người trẻ tuổi, đã có những thành công nhất định, có tên tuổi trong làng nhiếp ảnh, tiếp xúc với nền nhiếp ảnh hiện đại, đã từng có triển lãm ở nước ngoài...

- Anh nhận xét gì về ảnh của Hoài Linh

- Đi vào chiều sâu, mềm mại và hơi có tính triết lý. Hoài Linh trình bày một serie ảnh đen trắng. Anh chụp nhiều những khuôn mặt trẻ em, vui đùa, cười, hồn nhiên... đại diện cho một thế hệ tương lai của người Việt. Phần còn lại là nhiều bức ảnh về nước như: Ngày mưa, biển, sông, kéo lưới...

­- Thế còn những tác phẩm của anh? Có người nhận xét 'So với Hoài Linh thì ống kính Việt Thanh nhiều chất báo chí hơn'.

- Tôi không thích sự so sánh như thế. Có thể là vì họ thấy tôi đang là phóng viên ảnh của báo Việt Nam News (cười). Những bức ảnh dù là về một phiên chợ, một lớp học hay hình ảnh người đạp xe thồ hàng, chở người... tôi đều cố gắng đưa không khí cuộc sống vào. Tôi đề cao sự lạc quan và nhựa sống tràn trề của người dân Việt Nam dù cuộc sống còn nghèo, vất vả. Tôi cố gắng đưa đến cho người xem những hình ảnh mới nhất, nhiều thông tin nhất về một Việt Nam đang trong quá trình hội nhập.

- Xin cảm ơn anh, chúc các anh có nhiều thành công hơn nữa.

Hiền Anh (thực hiện)

 

 

 

Hai nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoài Linh và Nguyễn Việt Thanh đã đưa đến cho người xem một bức tranh đa dạng về nền văn minh lúa nước Việt Nam với các góc chụp rất lạ và công phu. Đó là cổng làng, là cánh đồng, con đường, là các sinh hoạt thường nhật... Hoài Linh và Việt Thanh đã chớp được cái hồn của làng quê Việt Nam với những con người của nền nông nghiệp lúa nước giản dị, bao dung, yêu làng quê, cộng đồng và một số cảnh đời hiện đại lên ảnh.

Sơn Thủy

Tổng Biên tập Báo Thế Giới & Việt Nam

Hoài Anh (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2007