Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tại sao bài viết khô khan?


(07/06/2007 11:06:51)

* Hãy tả lại sự việc như nó đang diễn ra * Hãy để cho sự vật lên tiếng

- Tôi cứ cân nhắc mãi xem có nên hỏi Người Viết Báo không, đó là việc nhiều bài viết của tôi rất nhiều thông tin, số liệu minh hoạ đầy đủ nhưng lại cứ bị chê là thiếu sinh động, không hấp dẫn là cớ làm sao? Liệu có cách gì khắc phục không? Làm sao để cho bài viết sinh động, hấp dẫn?

- Làm sao để bài báo sinh động, hấp dẫn là mong muốn của mọi phóng viên và là sự phấn đấu liên tục, không mệt mỏi của bất cứ nhà báo nào. Tuy nhiên, đây là vấn đề rộng, liên quan đến rất nhiều yếu tố, từ lượng thông tin mà bạn có được, cách tiếp cận sự kiện, cách quan sát, khai thác thu thập dữ liệu... cho đến chọn thể tài, cách hành văn... mà tôi không thể trả lời bạn trong một cuộc nói chuyện được. Tuy nhiên, về câu hỏi tại sao bài của bạn bị chê là khô khan thì tôi đoán chắc đến chín mươi chín phần trăm là do bạn chỉ kể mà không tả lại sự kiện hay sự việc đó.

- Đúng! Đúng đấy! Tôi thường bị sếp chê là bài nặng về liệt kê thành tích, kể lể dài dòng. Thôi thì cái chuyện liệt kê thành tích tôi xin nhận. Thú thực là nhiều khi xin được cái báo cáo, thế là cứ việc xào xáo thành bài. Muốn khen thì bao nhiêu thành tích đưa hết vào; muốn chê thì bao nhiêu khuyết điểm lôi ra hết...

- Đấy, như vậy thì bài báo của bạn có khác gì bản báo cáo đâu. Trách gì mà chẳng khô khan. Nhưng tôi nói thật, không cứ chỉ xào xáo báo cáo, mà ngay cả không ít bài, phóng viên đi cơ sở, tiếp cận thực tế hẳn hoi nhưng viết theo lối kể lể thì bài báo vẫn cứ khô khan.  Muốn sinh động, bạn cần phải "tả" nhiều và hạn chế "kể"...

- Nhưng thú thực, thế nào là "kể", thế nào là "tả" thì quả là tôi cũng chưa rõ lắm.

- Duy danh định nghĩa thì nó rất dài dòng, nhưng nói một cách nôm na thì "kể" là nói lại sự việc cho người khác biết còn "tả" là tái hiện lại sự kiện bằng ngôn ngữ để bạn đọc có thể hình dung ra được một cách rõ nét nhất. Nói cách khác, "tả" là tái hiện lại sự kiện như nó đang xảy ra, làm cho bạn đọc như đang được chứng kiến cùng tác giả.

Chẳng hạn, tôi kể với bạn: "Anh X yêu chị Y; hai người yêu nhau rất tha thiết. Thế rồi do một sự hiểu lầm, họ đã chia tay nhau. Anh X bỏ nhà lên Hà Nội tìm việc làm rồi rượu chè và sa vào con đường nghiện ngập hút sách lúc nào không biết. Rồi một hôm tình cờ đi thử máu, anh bàng hoàng được biết mình đã bị nhiễm HIV".

Như vậy qua lời kể ấy, bạn cũng nắm được cốt lõi nội dung câu chuyện. Tuy nhiên bạn sẽ không thể hình dung được họ yêu nhau như thế nào. Có rất nhiều đôi lứa yêu nhau nhưng có phải ai cũng thể hiện tình yêu giống nhau đâu. Rồi sự hiểu lầm, sự sa ngã... cũng mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai.

Bây giờ, bạn hình dung không phải là lời kể ấy nữa mà là bạn đang xem một bộ phim về câu chuyện trên: Họ yêu nhau ra sao, hiểu lầm nhau thế nào, quá trình tha hoá, sa ngã của chàng thanh niên. Tất cả những điều ấy được diễn tả lại bằng hành động, bằng lời nói. Như vậy, cách truyền đạt thứ hai sẽ gây ấn tượng mạnh hơn, hấp dẫn hơn bởi câu chuyện được tái hiện như đang diễn ra trước mắt bạn và bạn là người được trực tiếp chứng kiến.

- Nhưng đó là câu chuyện; còn những sự kiện thời sự thì sao? Ví dụ như tôi phải viết bài về một cơn bão chẳng hạn?

- Cũng thế thôi. Thay vì kể một cách khái quát chung chung kiểu: Cơn bão rất dữ dội, gió cấp 12, giật trên cấp 12 làm rất nhiều ngôi nhà bị sập, có những chiếc ô tô đậu trên đường cũng bị lật đổ...; bạn hãy tường thuật diễn biến của cơn bão với những chi tiết miêu tả thật cụ thể.

Chẳng hạn trước giờ bão tới như thế nào? Khi cơn bão ập đến bạn đang làm gì, ở đâu? Cơn bão lớn đến mức mặc dù đã được dự báo trước mà bạn và hầu hết mọi người đều bất ngờ. Gió mạnh đến nỗi chiếc ô tô của bạn là loại 7 chỗ trên đường chạy từ đâu về đâu đã cài số thấp mà nhiều lúc còn bị gió thổi láng ra vệ đường, có lúc tưởng như sắp bị gió bốc lên. Đoạn đường chỉ mấy cây số mà phải bò nửa tiếng đồng hồ. Từ xe chạy vào nhà, mấy lần bạn bị gió thổi ngã dúi dụi, có lúc bạn phải ôm lấy một gốc cây nếu không đã bị gió thổi bay... vân vân và vân vân. Tóm lại là bạn hãy tả lại cơn bão đó diễn ra như thế nào với đầy đủ những cảnh tượng khủng khiếp mà nó tạo ra, có cả những âm thanh, hình ảnh minh hoạ cho sự khủng khiếp đó.

- Nhưng nếu như tôi không có mặt lúc sự kiện xảy ra mà sau đó mới đến thì sao? Hoặc ngay cả khi có mặt tại nơi cơn bão đổ vào thì tôi cũng chỉ có thể chứng kiến được những gì diễn ra ở nơi tôi đứng chứ đâu có thể có mặt ở khắp mọi nơi được?

- Tôi hiểu bạn định nói gì rồi. Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất là có phải tả cơn bão thì bạn phải tả lại tất cả mọi nơi bão đổ bộ vào đâu, mà có muốn bạn cũng không thể nào làm được. Bạn chỉ cần tả lại cảnh cơn bão hành hành nơi bạn đứng hoặc những cảnh bạn chứng kiến là bạn đọc đều có thể hình dung ra cơn bão đó mạnh như thế nào rồi. Đó là cách lấy cái cục bộ để nói toàn thể. Vấn đề thứ hai là khi ngớt bão hoặc khi bão tan, bạn hoàn toàn có thể tả lại khung cảnh nơi cơn bão tràn qua một cách toàn diện hơn.

Tuy nhiên, thay vì khái quát bằng những câu chung chung như: Toàn vùng X là một cảnh hoang tàn đổ nát; nhà cửa cây cối đổ ngổn ngang; có 5 người bị chết do nhà sập..., bạn hãy tả thật cụ thể cảnh hoang tàn đổ nát đó như thế nào. Chẳng hạn, "toàn bộ vùng bão tràn qua trận bom B52; khu trường tiểu học xã N chiều qua chúng tôi chứng kiến những bậc phụ huynh chằng buộc kỹ càng là thế bây giờ chỉ còn là một đống gạch vụn". Hoặc "cả cây cổ thụ trước sân trường cũng bị gió vặn gãy ngang". Nếu có chiếc ô tô bị bão thổi lật thì bạn cũng đừng chỉ nói chung chung như thế mà hãy tả rõ đó là chiếc ô tô gì, bị thổi lật như thế nào, ở đâu... Như vậy, vừa nâng cao tính xác thực, bạn đọc vừa có thể hình dung được quang cảnh hoang tàn sau trận bão.

- Nhưng còn những người tử nạn trong cơn bão mà tôi không được chứng kiến thì sao?

- Bạn có thể hỏi lại những người chứng kiến sự kiện đó để họ kể lại cho bạn nghe.

- Như vậy thì lại là "kể" rồi chứ đâu còn là "tả" như Người Viết Báo khuyên nữa?

- Ở đây lại có hai vấn đề cần trao đổi. Thứ nhất, tôi chỉ khuyên bạn cần tả nhiều và hạn chế kể chứ không nói với bạn là không được kể. Có những trường hợp, sử dụng thủ pháp "kể" sẽ hiệu quả hơn. Còn trong nhiều trường hợp, bạn có thể xen lẫn tả và kể. Thứ hai, trong trường hợp cụ thể mà bạn vừa hỏi, hình thức "kể" là nhân vật (tức những người chứng kiến) nói với bạn, còn bạn hoàn toàn có thể "tả" lại cảnh nhân vật nói chuyện sinh động và chân thực. Tức là, bạn hãy để cho nhân vật kể lại câu chuyện chứ bạn đừng nói thay nhân vật. Điều này mang lại ít nhất ba hiệu quả: Thứ nhất là làm cho câu chuyện sinh động; thứ hai là câu chuyện trở nên khách quan, chân thực vì bạn đọc được trực tiếp tiếp xúc với nhân vật, có bối cảnh, có địa chỉ, có đối thoại... chứ không phải qua lời kể của nhà báo; và thứ ba, mặc dù phóng viên lùi lại để cho nhân vật trực tiếp tiếp xúc với bạn đọc nhưng với vai trò là người dẫn chuyện, phóng viên vẫn luôn xuất hiện, chứng tỏ sự có mặt của mình tại hiện trường, điều này làm cho sự kiện đã trôi qua trở nên sống động và mang tính thời sự vì bạn vẫn đang sử dụng thì hiện tại.

- Qua trao đổi, tôi cũng cảm nhận được cái lợi của sự miêu tả rồi đấy nhưng để chỉ ra một cách rành mạch "tả" và "kể" khác nhau ở điều gì thì quả tình tôi vẫn còn hơi mơ hồ; mà nếu không chỉ ra được thì việc khắc phục nhược điểm "kể" quả là cũng không dễ.

- Đúng là như thế thật. Nhưng có lẽ câu chuyện hôm nay đã hơi dài, bạn cứ về suy nghĩ lần sau chúng ta sẽ trao đổi tiếp. Qua đó, chúng ta sẽ trao đổi luôn làm thế nào để miêu tả cho tốt.

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2007